...

Hội thảo Trọng tài thương mại - Tăng thêm "tự tin" cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài

28 Tháng 10, 2019

Ngày 11/05/2018, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Tòa Trọng tài Phòng Thương mại Thế giới (ICC) tổ chức hội thảo Hội thảo Trọng tài Thương mại – Tăng thêm “tự tin” cho hoạt động Đầu tư trực tiếp nước ngoài – “Commercial Arbitration – Increasing Confidence in Foreign Direct Investment” tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia chia sẻ của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước đến từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Toà Trọng tài Phòng Thương mại Quốc tế (ICC).

Tham dự chương trình có gần 150 đại biểu đến từ những khối Doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp đang và sắp có quan hệ kinh doanh với đối tác là Doanh nghiệp FDI, các Luật sư đến từ các công ty/văn phòng luật sư lớn. Hội thảo cũng có sự tham gia của các đại diện đến từ các cơ quan nhà nước, Hiệp hội Doanh nghiệp.

Hội thảo đề cập đến vấn đề về sự cần thiết, tính hiệu quả cũng như đi vào cụ thể tìm hiểu phương thức trọng tài thương mại, với tư cách là một trong các “điều kiện đủ”, bên cạnh các điều kiện cần khác để tạo nên một môi trường đầu tư kinh doanh ổn định và hấp dẫn; đúng với quan điểm tiếp cận của các Báo cáo Môi trường Kinh doanh của World Bank năm 2016 và năm 2017.

Ngoài ra, Hội thảo là diễn đàn để các luật sư và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trọng tài tại Việt Nam và thế giới chia sẻ các hiểu biết của mình với doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn và sử dụng hiệu quả hơn phương thức trọng tài thương mại – xu hướng mạnh mẽ của thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu, tuy theo nhu cầu của doanh nghiệp nhằm bảo toàn dòng vốn đầu tư khỏi các rủi ro pháp lý luôn có thể gặp phải trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

Hội thảo được chia thành 3 phiên xoay quanh những nội dung chính như: Cập nhật về tình hình trọng tài thương mại tại Việt Nam và trên thế giới; Trọng tài thương mại – Yếu tố mới đáng chú ý giúp đảm bảo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và Trọng tài thương mại – Công cụ hữu ích giúp kiểm soát rủi ro kinh doanh, Công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài.

Ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VIAC

Tại Hội thảo, ông Vũ Ánh Dương – Tổng Thư ký VIAC phát biểu: Theo các số liệu thống kê tại VIAC, các tranh chấp nội địa được giải quyết tại VIAC phần lớn luôn có sự tham gia của ít nhất một bên trong tranh chấp là doanh nghiệp FDI và trong 3 năm trở lại đây tỷ lệ tranh chấp nội địa luôn có xu hướng gia tăng, điều này cho thấy, các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đã nhận thấy các ưu điểm nổi trội của phương thức trọng tài, tin tưởng lựa chọn trọng tài và VIAC để giải quyết tranh chấp.

Về phía mình, VIAC đã nỗ lực để  trở thành địa chỉ giải quyết tranh chấp đáng tin cậy, giúp các doanh nghiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, an tâm bỏ vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam – Ông nhấn mạnh thêm.

Ông Kevin Kim - Phó Chủ tịch Tòa trọng tài ICC khẳng định, Việt Nam là quốc gia năng động

và có môi trường đầu tư an toàn, điều này đảm bảo là có hoạt động đầu tư thành công.

“ICC mong muốn thúc đẩy hòa giải trọng tài trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Xác định Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nên trong 5 năm qua các trọng tài của ICC đã đến với Việt Nam. Đồng thời, ICC sẽ tiếp đến và thúc đẩy và hỗ trợ VIAC hơn nữa trong việc thúc đẩy hòa giải trọng tài”, ông Kevin Kim nói.

Ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng Thư ký VIAC cho biết, 40% các doanh nghiệp FDI

đã lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án.

Các số liệu trích từ PCI 2017 phân tích về xu hướng sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp của nhóm doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho thấy, có nhiều lý do khiến doanh nghiệp FDI không muốn sử dụng thủ tục tố tụng tại tóa án để giải quyết tranh chấp như khả năng như năng lực cán bộ tòa chưa đáp ứng được yêu cầu khi giải quyết tranh chấp phức tạp, các phán quyết của tòa chưa công bằng, thời gian giải quyết tranh chấp lâu, kéo dài phát sinh chi phí cho doanh nghiệp… Do đó, 40% các doanh nghiệp FDI đã lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án.

Ông Fan Mingchao - Giám đốc khu vực Bắc Á về trọng tài và ADR, ICC

Chia sẻ những thách thức hiện tại đối với hoạt động trọng tài quốc tế, ông Fan Mingchao - Giám đốc khu vực Bắc Á về trọng tài và ADR, ICC có hai thách thức lớn. Một là về hiệu quả. "Đây thực sự là một thử thách với chúng tôi khi các vụ tranh chấp ngày một lớn hớn, phức tạp hơn dẫn tới thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài hơn khiến tính hiệu quả bị giảm xuống. Tuy nhiên, tôi cũng rất mừng rằng cả ICC và VIAC rất nỗ lực giải quyết vấn đề này bằng nhiều biện pháp trong đó có việc bổ sung thủ tục rút gọn vào phiên bản quy tắc mới nhất" - ông Fan Mingchao nói.

Hai là về vấn đề bảo mật và minh bạch của thủ tục trọng tài. "Như đã biết bảo mật là đặc điểm cốt lõi của trọng tài quốc tế nhưng yêu cầu về sự minh bạch cũng ngày cũng ngày càng được đặt cao hơn để giải quyết vấn đề này chúng tôi đã phê duyệt và tham gia vào bộ nguyên tắc minh bạch của Liên hợp quốc" - ông Fan Mingchao thông tin thêm.

Tại hội thảo, các luật sư và các chuyên gia đã cùng thảo luận đưa ra cái nhìn tổng quan về trọng tài thương mại (trọng tài thương mại quốc tế) như là một cơ chế giải quyết tranh chấp "nhất định phải có" trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở một quốc gia đang phát triển và hội nhập sâu rộng như Việt Nam. Cùng với đó, là tổng quan ngắn gọn về khung pháp luật quốc gia/pháp luật quốc tế về trọng tài thương mại hiện nay.

Ông Phạm Mạnh Dũng - Trọng tài viên VIAC, Luật sư thành viên Cty Luật TNHH Rajah &Tann LCT Lawyers 

Cụ thể, theo ông Phạm Mạnh Dũng - Trọng tài viên VIAC, Luật sư thành viên Cty Luật TNHH Rajah &Tann LCT Lawyers, tính đến tháng 12/2017, Việt Nam có 24.700 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 318,72 tỷ USD, vốn FDI chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Nhận định về sự đóng góp của khu vực FDI trong thúc đẩy hội nhập, ông Dũng cho rằng FDI đã góp phần tác động lớn làm cho hội nhập có chiều sâu. “Đây cũng là nhân tố quan trọng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo cơ chế thị trường và dần phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Dũng nhấn mạnh. Lý giải về việc tại sao nhà đầu tư nước ngoài nên lựa chọn giải quyết tranh chấp của nhà đầu tư tại Việt Nam, ông Dũng cho biết, trọng tài tôn trọng ý chí thoả thuận của các bên, thủ tục nhanh chóng linh hoạt bảo mật thông tin, cơ quan trọng tài trung lập, chuyên môn trọng tài cao. “Và đặc biệt, trọng tài thương mại ở Việt Nam có ưu điểm lớn là có thể được thi hành trực tiếp tại cơ quan thi hành án Việt Nam mà không phải trải qua thủ tục công nhận thi hành như quy định tại Công ước NewYork 1958”, ông Dũng nhấn mạnh.

Các luật sư, chuyên gia đã đi vào cụ thể các vấn đề của phương thức trọng tài thương mại. Ông Paul Sandosham, Phụ trách Khu  vực Đông Nam Á về Năng lượng, Cơ sở hạ tầng, Tài nguyên và Giải quyết tranh chấp, Clifford Chance, Singapore tập trung làm rõ những điểm cần lưu ý khi soạn thảo một điều khoản trọng tài trong các hợp đồng giữa các bên trong hoạt động đầu tư.

Ông Paul Sandosham, Phụ trách Khu vực Đông Nam Á về Năng lượng, Cơ sở hạ tầng, Tài nguyên và Giải quyết tranh chấp, Clifford Chance, Singapore tập trung làm rõ những điểm cần lưu ý khi soạn thảo một điều khoản trọng tài trong các hợp đồng giữa các bên trong hoạt động đầu tư

Ông Paul Sandosham cho biết, vấn đề thẩm quyền luôn phức tạp. Cơ sở của thẩm quyền là thoả thuận và thống nhất giữa các bên, như vậy mới sử dụng được phương thức sử dụng trọng tài.

Ông Paul Sandosham cũng cho biết một lưu ý khác khi viết những điều khoản về sử dụng trọng tài là vấn đề ngôn ngữ, luật của mỗi nước, do đó cần rõ ràng khi viết các điều khoản này để thuận lợi cho giải quyết tranh chấp và thực thi. “Tôi đã rất nhiều lần khi đọc phải những điều khoản không tốt. Tất nhiên không nhất thiết luôn phải có luật sư tham gia ngay từ khi soạn thảo điều khoản, tuy nhiên, chúng ta có thể tham khảo điều khoản mẫu của các trung tâm trọng tài quy chế như ICC, SIAC, LCIA, ICSID, VIAC… tránh thiếu sót”, ông Paul Sandosham ví dụ.

Về vấn đề lựa chọn quy tắc tố tụng, ông Paul Sandosham đã nêu một trường hợp các bên thoả thuận chọn giải quyết tại  Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore SIAC nhưng lại chọn theo quy tắc của ICC. Đây là điểm gây khó cho quá trình giải quyết”, ông Paul Sandosham cho biết. Đồng quan điểm của vấn đề này, ông Ngô Thanh Tùng cho rằng nên để các luật sư viết các điều khoản khi lựa chọn quy tắc tố tụng và tổ chức trọng tài thì nên để “việc ai người đó làm”.

Ông Nicolas Wiegand, Luật sư điều hành CMS Hasche Sigle Hồng Kông thì chia sẻ, thu hồi lại được khoản tiền mới là quan trọng nhất khi phải khởi kiện. Như vậy làm thế nào để có thể tăng niềm tin của nhà đầu tư?

Ông Nicolas Wiegand khẳng định: "quan trọng nhất là cơ chế thực thi phán quyết trọng tài"

Ông Nicolas Wiegand cũng đã nhấn mạnh các ưu điểm của phương thức trọng tài thương mại đối với loại tranh chấp nhà đầu tư – nhà đầu tư. Thủ tục tòa án không chỉ ở Việt Nam, như các diễn giả khác đã trình bày, mà trên thế giới cũng có nhiều điểm không phù hợp với yêu cầu của các tranh chấp thương mại và do đó ông Nicolas Wiegand khẳng định: “tôi cho rằng các Luật sư ở đây đều đồng ý rằng nên chọn trọng tài thương mại khi xử lý tranh chấp”.

Vấn đề lớn nhất là thu hồi lại được các khoản tiền sau khi thắng kiện, tức là vấn đề thi hành phán quyết trọng tài. Việt Nam hiện đã là thành viên của Công ước New York 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài quốc tế nên điều này sẽ khá thuận lợi. Ở một số quốc gia chưa tham gia công ước này, thường phải dùng các thủ tục phức tạp hơn; thường gặp phải là quy tắc có đi có lại, nhưng quy tắc này không phải lúc nào cũng có tác dụng.

Các điều kiện để phán quyết trọng tài được công nhận và cho thi hành ở một quốc gia khác đã được nêu khá đầy đủ, dễ hiểu tại Công ước New York khác với việc công nhận và thi hành bản án của Tòa khá dài dòng theo các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa các nước. 

Ông Ngô Thanh Tùng, Trọng tài viên VIAC, Luật sư thành viên Cty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF), một lần nữa nhấn mạnh vấn đề quan trọng mà các nhà đầu tư cần lưu ý khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp cho các tranh chấp của mình.

Ông Ngô Thanh Tùng, Trọng tài viên VIAC, Luật sư thành viên Cty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF), cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các quốc gia có doanh nghiệp muốn tham gia xét xử trọng tài thì đều ưu tiên sử dụng trọng tài trong nước.

“Toà án hay trọng tài, trọng tài nước ngoài hay trọng tài Việt Nam, việc lựa chọn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng tôi tin tưởng rằng trọng tài thương mại nên là phương án được các luật sư và doanh nghiệp sử dụng”, ông Tùng nhấn mạnh và cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các quốc gia có doanh nghiệp muốn tham gia xét xử trọng tài thì đều ưu tiên sử dụng trọng tài trong nước.

_________________________________

*Đính kèm:

1. Tài liệu hội thảo: Vui lòng tải tại đây

2. Một số hình ảnh về hội thảo: Vui lòng xem tại đây

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI