...

Hướng ra cho tranh chấp thương mại

28 Tháng 10, 2019

Với nhiều ưu điểm, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải thương mại đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp (DN).

ĐTTC đã trao đổi với ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó Giám đốc thường trực Trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC), về 2 phương thức này. 

 

PHÓNG VIÊN: - Ông có thể chia sẻ những ưu điểm nổi bật của việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải thương mại so với việc đưa ra tòa án?

Ông PHAN TRỌNG ĐẠT: - Theo quy định pháp luật hiện hành, việc giải quyết tranh chấp thương mại có thể lựa chọn thực hiện bằng một trong các phương thức sau: giải quyết tại tòa án, giải quyết bằng trọng tài hoặc hòa giải.

Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại có một số ưu điểm như cho phép các bên thỏa thuận nhiều nội dung (chọn phương thức trọng tài trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp; chọn trọng tài viên; số lượng trọng tài viên; địa điểm giải quyết tranh chấp; ngôn ngữ tố tụng).

"Chính phủ ban hành Nghị định 22 về hòa giải thương mại và khi Trung tâm hòa giải thương mại Việt Nam ra đời, đã có khoảng 70% DN cho biết sẽ sử dụng và giới thiệu 2 phương thức này cho DN khác biết. Đây là tín hiệu tốt và theo đúng xu hướng của các nước trên thế giới." 
Ông Trần Ngọc Liêm - Phó giám đốc VCCI chi nhánh TPHCM 
Khi phán quyết trọng tài là chung thẩm có hiệu lực và đã hết thời hạn tự nguyện thi hành nhưng một trong các bên không thực hiện, bên còn lại có quyền gửi đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành phán quyết của trọng tài.

Ưu điểm nữa là nội dung diễn biến, xét xử được bí mật, giúp các bên giữ uy tín những chuyện nội bộ của DN. 

Về phương pháp hòa giải thương mại cũng có nhiều ưu điểm tương tự với phương pháp trọng tài thương mại. 

- Nhiều ưu điểm nhưng vì sao đến nay 2 phương pháp này vẫn chưa được DN sử dụng nhiều, thưa ông? 

- Thực tế, hòa giải thương mại là phương thức mới và theo nghiên cứu, phương thức này phù hợp với suy nghĩ và mong muốn của người Á Đông là thích hòa bình. Dễ thấy trong kinh doanh không ai muốn có tranh chấp, nhưng khi tranh chấp xảy ra hòa giải được xem là cơ chế mềm dẻo đồng thời vẫn giữ được tình cảm, quan hệ kinh doanh giữa các DN. Cái gốc của hòa giải thực ra là thương lượng nhưng có thêm người thứ ba là hòa giải viên có kiến thức và kỹ năng nhất định để giúp các bên thương lượng dễ dàng hơn.

Tuy nhiên trước đây khi Nghị định 22/2017/NĐ-CP chưa ra đời, chưa có quy định pháp luật nào về quy trình, quy định trình tự thủ tục của hòa giải thương mại, cũng chưa có quy định công nhận kết quả của hòa giải thương mại. Vì lẽ đó nhiều DN cân nhắc đến hiệu quả cuối cùng, sợ mất thời gian, chi phí vô ích nên không muốn thử. Cùng với đó trước đây chưa có trung tâm hòa giải nào, đội ngũ hòa giải viên cũng chưa có nên tất cả chỉ dừng lại ở mong muốn. 

Hiện nay, các vướng mắc trên đã được tháo gỡ. Theo đó, Nghị định 22 đã được ban hành, trung tâm hòa giải thương mại đầu tiên cũng được thành lập nên DN cũng bắt đầu quan tâm hơn. Bằng chứng là chỉ trong hơn 1 tháng qua rất nhiều DN đã đến trung tâm này yêu cầu tư vấn đơn hòa giải.

Chúng tôi hy vọng cùng với xu hướng của quốc tế, khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, số lượng hợp đồng kinh doanh nhiều, việc sử dụng phương thức hòa giải thương mại sẽ tăng trong thời gian tới. 

- Việc lựa chọn trung tâm trọng tài Việt Nam là điều nhiều DN muốn khi ký hợp đồng với DN nước ngoài để nếu có tranh chấp xảy ra sẽ thuận lợi hơn trong giải quyết. Nhưng làm sao để thuyết phục đối tác của mình, thưa ông? 

- Giả định tình huống DN Việt Nam ký kết hợp đồng với DN nước ngoài, trong điều khoản giải quyết tranh chấp 2 bên nếu DN Việt chọn trung tâm trọng tài Việt Nam, liệu có thuyết phục được đối tác. Vì thế, trước hết DN vào website của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam lấy các số liệu thống kê thể hiện được uy tín và năng lực quốc tế của trung tâm để thuyết phục đối tác.

Ngoài ra, trong thỏa thuận trọng tài ngoài chọn trung tâm còn chọn luật áp dụng, ngôn ngữ… DN có thể linh động chọn ngôn ngữ không phải tiếng Việt và luật áp dụng là luật quốc tế… Điều này cho thấy mình không dành quá nhiều ưu thế có tạo điều khoản tốt sẽ dễ nhận được sự đồng ý của đối tác. 

- Xin cảm ơn ông.

Theo Thanh Dung báo Sài Gòn đầu tư đăng ngày 20/08/2018

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI