Thực hiện Thông tư số 10/2014/TT-BTP ngày 07 tháng 04 năm 2014 của Bộ Tư pháp quy định về nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư, ngày 11/8/2018, tại số 68 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư Việt Nam tổ chức tập huấn khóa bồi dưỡng với chuyên đề: “Các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản; kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai; sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài”.
Ở Việt Nam hiện nay, quy mô thị trường bất động sản chưa phải là lớn so với các nước khác trong khu vực, nhưng có tới hơn 70% vốn đầu tư kinh doanh bất động sản là vốn vay ngân hàng, 65% tài sản bảo đảm vốn vay là bất động sản. Kinh doanh bất động sản là loại hình kinh doanh nhiều thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều rủi ro và đòi hỏi phải có một lượng vốn lớn. Để tạo động lực cho kinh doanh bất động sản phát triển thì Nhà nước cần tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có nhiều cơ hội trong việc huy động vốn cho kinh doanh và giao dịch bất động sản. Giao dịch kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai là giao dịch đặc biệt quan trọng, phổ biến trong các giao dịch kinh doanh bất động sản, bởi nó có lợi thế về vốn cho chủ đầu tư và khách hàng. Nhà nước có nhiều quy định tạo điều kiện cho nhà đầu tư và khách hàng được mua bán, thuê, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai dễ dàng, thuận lợi và an toàn.
Quang cảnh khóa bồi dưỡng
Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã quy định mở rộng và rõ ràng cụ thể hơn so với trước về quyền kinh doanh bất động sản, bất động sản hình thành trong tương lai. Theo đó, chủ đầu tư dự án bất động sản có quyền bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng không chỉ có sẵn mà còn hình thành trong tương lai.
Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và phải có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản; mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
Quang cảnh khóa bồi dưỡng
Để đáp ứng được yêu cầu của luật sư về kinh doanh bất động sản; kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai; sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư tổ chức lớp tập huấn với hy vọng cung cấp cho các học viên tham dự hiểu các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản; kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai; sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài một cách tốt nhất.
Quang cảnh khóa bồi dưỡng
Tham dự lớp tập huấn có hơn 90 luật sư, các cá nhân trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Thuyết giảng khóa bồi dưỡng là Luật sư Lê Đình Vinh - Công ty Luật TNHH Vietthink, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) với nhiều kinh nghiệm, uy tín và trình độ chuyên môn cao.
*Nội dung bồi dưỡng của chuyên đề: Các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản; kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai; sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài bao gồm:
- Cấu trúc thị trường bất động sản;
- Các chủ thể tham gia thị trường bất động sản;
- Các yếu tố chi phối thị trường bất động sản;
- Cấu trúc pháp lý của thị trường bất động sản;
- Phát triển kinh doanh bất động sản;
- Phạm vi kinh doanh bất động sản của các chủ thể;
- Nhận diện rủi ro trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản;
- Kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai;
- Sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam;
- Sở hữu nhà ở của người Việt Nam tại nước ngoài...
.Tại khóa bồi dưỡng, giảng viên đã cùng các luật sư trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ và giải đáp những vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định pháp luật liên quan trong quá trình hành nghề.
Các luật sư, học viên đánh giá cao những nội dung trao đổi tại khóa bồi dưỡng và cho rằng: đây là chuyên đề thiết thực, đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng của các luật sư, cũng như các cá nhân khác đang hoạt động trong lĩnh vực này.