Với mục tiêu giúp doanh nghiệp nâng cao kiến thức, kỹ năng trong hoạt động thương mại quốc tế, chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp xử lý tình huống mà doanh nghiệp thường gặp phải trong quá trình soạn thảo, ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại quốc tế, vào ngày 29/05 vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (trước đây là trung tâm WTO) đã tổ chức lớp tập huấn với chủ đề “Hợp đồng thương mại quốc tế & Kỹ năng đàm phán hợp đồng thương mại quốc tế: Giải pháp phòng tránh rủi ro”.
Đến tham dự lớp tập huấn có hơn 150 học viên đại diện cho các Hiệp hội/ Hội ngành hàng, trung tâm trọng tài, doanh nghiệp xuất nhập khẩu của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam.
Mở đầu khóa tập huấn với chuyên đề “Hợp đồng thương mại quốc tế: Một số nội dung cần lưu ý”, TS. Đỗ Thị Mai Hạnh, Trưởng tổ bộ môn Tư Pháp Quốc Tế, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã hướng dẫn các nội dung và dẫn chiếu văn bản pháp luật liên quan đến hợp đồng thương mại, chỉ rõ cho doanh nghiệp cách phân biệt hợp đồng thương mại trong nước và hợp đồng thương mại quốc tế. Tiến sĩ Hạnh lưu ý rằng “Việc xác định yếu tố nước ngoài trong quan hệ hợp đồng rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc xác định pháp luật áp dụng khi phát sinh vấn đề pháp lý và các tranh chấp trong hợp đồng giữa pháp nhân Việt Nam và pháp nhân nước ngoài”.
Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG), bà Hạnh phân tích các vấn đề trong chào hàng, hiệu lực của chào hàng, chấp nhận chào hàng, từ chối chào hàng và hình thức hợp đồng. Từ đó, bà nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng và nắm rõ thời điểm cũng như hiệu lực của các chào hàng và chấp nhận hàng để tránh trường hợp khi hợp đồng đã được ký kết, đã bị ràng buộc trách nhiệm nhưng doanh nghiệp vẫn không hay biết, thờ ơ với nghĩa vụ của chính mình.
Buồi chiều cùng ngày, Ths. Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó Giám đốc Chi nhánh VIAC HCM có những chia sẻ liên quan đến “Kỹ năng đàm phán hợp đồng thương mại quốc tế: Giải pháp phòng tránh rủi ro”.
Ths. Châu Việt Bắc cho biết các rủi ro doanh nghiệp thường gặp phải liên quan đến hợp đồng thương mại quốc tế xuất phát từ khâu tìm hiểu thông tin đối tác, trong cách thức quản lý thực hiện hợp đồng, trong việc sử dụng hợp đồng mẫu và rủi ro đến từ các bất đồng trong cách giải thích nội dung hợp đồng.
Chuyên gia nhận định thêm, tìm hiểu thông tin của đối tác là rất quan trọng trong ký kết hợp đồng thương mại quốc tế. Vấn đề tìm hiểu thông tin đối tác được các học viên quan tâm, hào hứng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tình huống thực tế mà các học viên từng gặp phải. Từ đây, ông Bắc hướng dẫn các loại thông tin mà doanh nghiệp cần kiểm tra, cũng như nguồn và cách thức tìm kiếm các thông tin này. Khi thực hiện ký kết hợp đồng và phát sinh quan hệ làm ăn thì mỗi doanh nghiệp cần kiểm tra các thông tin như: thông tin đăng ký doanh nghiệp; Thông tin của giám đốc và công ty liên quan; Các thông tin liên quan đến vấn đề kiện tụng; Tin hoạt động kinh doanh;... Những nguồn thông tin này có thể được tìm kiếm từ Internet, từ chính đối tác kinh doanh, đồng thời, từ những nguồn thông tin đáng tin cậy như từ luật sư, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài hay từ các công ty cung cấp dịch vụ thông tin chuyên sâu và xếp hạng tín dụng.
Liên quan đến các kỹ năng cần trang bị khi đàm phán hợp đồng thương mại quốc tế, ông Bắc đã truyền đạt các phương pháp và những vấn đề trong đàm phán rất hấp dẫn và sát thực tiễn như: phương pháp Harvard, phương pháp ZOPA, vấn đề sự khác biệt về văn hóa....
Thông qua lớp tập huấn, học viên có cơ hội trực tiếp chia sẻ ý kiến, được giải đáp các thắc mắc, tiếp nhận những phản hồi và chia sẻ từ các chuyên gia trong lĩnh vực soạn thảo Hợp đồng thương mại quốc tế và giải quyết các vụ việc tranh chấp, từ đó nhận diện rõ hơn các giải pháp trong việc phòng tránh rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với nội dung thiết thực và hữu ích lớp tập huấn đã được các học viên đánh giá cao. Nhiều ý kiến đóng góp mong muốn Trung tâm tiếp tục tổ chức thêm các lớp tương tự để doanh nghiệp có thể ứng dụng vào việc kinh doanh.
Cũng xin thông tin thêm, dự kiến trong tháng 6, Trung tâm Hội nhập quốc tế sẽ tiếp tục hoạt động bồi dưỡng kiến thức kinh tế quốc tế đến các doanh nghiệp và các đối tượng quan tâm có thể đăng ký tham dự.
Nguồn: CIIS – Minh Phương