...

Làm ăn với nước ngoài: cẩn thận với nhiều cái bẫy

27 Tháng 10, 2019

Năm ngoái các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhỏ và vừa mất khoảng 8 tỉ đô la Mỹ do không thể thu về các khoản nợ.

Trên đây là con số các doanh nghiệp báo với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam và các công ty luật nhờ đòi giúp, con số thực tế chắc chắn còn lớn hơn, theo Công ty thu hồi nợ nước ngoài Assurance tại hội thảo “Quản lý rủi ro và phòng tránh nợ trong thương mại tự do” được VCCI TPHCM tổ chức ngày 22-12-2016 tại TPHCM.

Theo luật sư Ngô Khắc Lễ, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), các doanh nghiệp làm ăn với nước ngoài càng ngày càng phải thận trọng: thứ nhất để tránh rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh; thứ hai là để tránh rơi vào bẫy của các doanh nghiệp lừa đảo. Điều quan trọng nhất khi hợp tác làm ăn, mua bán xuất nhập khẩu là điều tra kỹ đối tác, vì dù hợp đồng quy định có chặt chẽ đến thế nào, mà đối tác không có thiện chí thì việc kinh doanh, thu hồi nợ sẽ gặp khó khăn. Điều tra đối tác có thể qua nhiều nguồn như trao đổi tiếp xúc trực tiếp, qua bạn hàng, hiệp hội, công ty tư vấn, thương vụ, sứ quán, đặc biệt là với những đối tác giao dịch lần đầu.

Ông Lễ còn chỉ ra những điểm doanh nghiệp cần lưu ý khác khi ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài: cảnh giác với giá rẻ bất thường, giả mạo email lừa đảo chuyển tiền, phòng tránh trộm cắp hàng trong container, lưu ý vận đơn đích danh, lựa chọn điều kiện Incoterm phù hợp, cẩn thận với các nội dung trong thư bảo lãnh tín dụng L/C…

“Có trường hợp doanh nghiệp tìm được nguồn mua nhôm trên mạng, trao đổi qua mạng rất kỹ với đối tác nước ngoài, họ tạo ra được sự tin tưởng đến độ thuyết phục được doanh nghiệp đặt trước một khoản tiền. Sau khi nhận được khoản tiền đặt cọc mua hàng, đối tác nước ngoài cũng biến mất luôn. Hay có doanh nghiệp vì ham mối lợi mua dầu từ Malaysia với giá giảm 25% so với giá thị trường, đặt cọc tiền mua và cũng mất luôn. Với các đối tác kiểu này, đến cơ quan điều tra sở tại còn khó lần ra, nên doanh nghiệp không thể lấy lại được tiền”, ông Lễ cho biết.

Phòng trước rủi ro bao giờ cũng tốt hơn xử lý các rủi ro. Ông Christopher McNabb, Giám đốc Assurance Global tại Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp đừng nên bị choáng ngợp bởi các đối tác đăng ký kinh doanh ở các nước lớn và uy tín vì ở nước nào cũng có những doanh nghiệp không tốt, và phải thường xuyên kiểm tra thông tin kinh doanh của đối tác qua nhiều kênh, nếu họ chậm thanh toán đơn hàng trước mà đòi đơn hàng lớn kế tiếp thì phải đặt nghi vấn ngay.

Theo Đinh Hiệp Thời báo kinh tế Sài Gòn Online

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI