...

Làm rõ quy định công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án

27 Tháng 10, 2019

Tại Hội thảo Bộ Luật tố tụng dân sự - dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp được tổ chức mới đây, các chuyên gia nhận định, thủ tục công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án được ghi nhận trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) là điểm mới quan trọng, có ý nghĩa trong việc khuyến khích hòa giải, hạn chế tranh chấp yêu cầu tòa án giải quyết; bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của dân. Tuy nhiên, xung quanh nội dung này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Bàn về thủ tục công nhận

Theo ông Vũ Ánh Dương - Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích phát triển hòa giải thì cần có quy định phù hợp là tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, tự quyết và tự chịu trách nhiệm của các bên. Điều kiện để được công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án theo quy định tại khoản 3 Điều 411 dự thảo là “không có tranh chấp sau khi có kết quả hòa giải” sẽ khiến các đương sự lúng túng với tâm trạng tưởng rằng dự thảo đã mở nhưng thực chất là đóng. Bởi điều kiện như vậy đã vô hiệu hóa phương thức hòa giải khi có tranh chấp xảy ra.

Đây cũng có thể là bẫy để bên thiếu thiện chí vận dụng kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ, dẫn tới vô hiệu kết quả hòa giải. Dự thảo nên xem xét bỏ điều kiện này, vì nếu đưa ra sẽ dẫn tới rủi ro cho phương thức hòa giải và việc hòa giải cũng không còn ý nghĩa.

Không ít ý kiến cho rằng, thủ tục công nhận kết quả hòa giải cần đơn giản, tránh tòa án hóa phương thức hòa giải. Theo đó, cần đưa ra nguyên tắc, tòa án không xét lại nội dung vụ tranh chấp, chỉ cần kiểm tra việc hòa giải có vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội không để quyết định công nhận hay không công nhận kết quả hòa giải. Vì vậy, không nên có thủ tục xem xét tài liệu chứng cứ; không nên có thủ tục người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày ý kiến; cũng không cần có thủ tục người làm chứng trình bày ý kiến; người giám định trình bày kết luận giám định. Do đó, việc áp dụng các quy định tại Điều 362, Điều 363 và Điều 365 của dự thảo luật cho thủ tục công nhận kết quả hòa giải là không phù hợp.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Triều Dương - Đại học Luật Hà Nội, thủ tục công nhận của tòa án sẽ giúp cho việc hòa giải, thỏa thuận trên giấy có giá trị pháp lý và được bảo đảm thực thi bằng thủ tục thi hành án. Tòa án là cơ quan công quyền công nhận kết quả hòa giải cũng cần phải xem xét lại nội dung hòa giải và việc đưa ra phán quyết cũng đòi hỏi tòa án phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Đồng tình với ý kiến đó, bà Nguyễn Minh Hằng - Học viện Tư pháp nhận định, việc thừa nhận kết quả hòa giải không loại trừ trách nhiệm chứng minh của tòa án. Tức là phán quyết của tòa án có giá trị cưỡng chế thi hành, việc tòa án xem xét rất cần thiết, xem nó có phù hợp với quy định của pháp luật hay không cũng như xét tới tính hợp lý của thỏa thuận đó. Vậy làm thế nào để kiểm soát được? Tòa án phải có hồ sơ nghiên cứu vì trong nhiều trường hợp các bên cung cấp tài liệu chưa đầy đủ.

Còn nhiều băn khoăn

Cùng với điều kiện công nhận kết quả hòa giải, dự thảo cũng có quy định về việc không công nhận kết quả hòa giải, tại Điều 443 dự thảo. Không ít ý kiến cho rằng, dự thảo đã sửa đổi phù hợp hơn với quy định của Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành các phán quyết trọng tài nước ngoài mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là việc đã chuyển nghĩa vụ chứng minh từ bên được thi hành (theo BLTTDS hiện hành) sang bên phải thi hành (theo dự thảo). Tuy nhiên, vẫn còn một căn cứ từ chối kết quả hòa giải trong dự thảo khác với Công ước đó là quy định phán quyết trọng tài trái với “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”, trong khi Công ước lại quy định “trật tự công”. Việc quy định vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam nhưng không đưa ra định nghĩa hoặc giải thích thế nào là các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam dẫn đến việc các tòa án đưa ra các giải thích khác nhau, thậm chí mở rộng phạm vi, làm cho nhiều phán quyết trọng tài không được công nhận.

Đại diện Ngân hàng Quốc dân lại cho rằng, không nên có quy định về việc không công nhận kết quả hòa giải, bởi hòa giải đã thể hiện ý chí nguyện vọng của các bên và có sự chứng kiến của bên thứ ba là cơ quan có thẩm quyền được luật pháp công nhận. Sự can thiệp quá sâu của tòa án có thể làm mất đi ý nghĩa của hòa giải. Mặt khác, tuân thủ quy định pháp luật ở đây là những quy định nào cũng cần được làm rõ.

Song, thực tế cho thấy, không hiếm trường hợp kết quả hòa giải ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của bên thứ ba, do đó việc rà soát về tình tiết, xem xét về áp dụng luật phải thật kỹ lưỡng, khi đó chúng ta mới khẳng định kết quả hòa giải có được công nhận hay không.

Một câu hỏi được đặt ra là có giám đốc thẩm kết quả hòa giải hay không? Có ý kiến cho rằng, nguyên tắc của tòa án cũng như trọng tài thì hòa giải là một phương thức, có thiết chế hòa giải, có trung tâm hòa giải, các hòa giải viên. Việc quy định cơ chế giám đốc thẩm, tái thẩm quyết định công nhận của tòa án sẽ làm cho phương thức hòa giải trở thành tốn kém, kéo dài. Hòa giải là phương thức nhanh chóng, đơn giản. Bản chất của hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án được các bên lựa chọn và tự giải quyết. Hơn nữa, tranh chấp giữa các bên là tranh chấp dân sự thì nên để các bên tự quyết. Các bên đã tự nguyện lựa chọn hòa giải thì Nhà nước nên khuyến khích và tôn trọng thỏa thuận của các bên. Nhà nước không nên can thiệp và lo thay cho các bên.

Thế nhưng, nhiều chuyên gia nhận định, đã là có quyết định của tòa án thì đương nhiên là có kháng nghị giám đốc thẩm, không thể không có. Trên thực tế, các đương sự thường lo ngại quá trình giám đốc thẩm khiến thời gian kéo dài, song thực tế, thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm mới mất nhiều thời gian. Vai trò của giám đốc thẩm không quá nhiều trên thực tế, chỉ trong trường hợp đặc biệt mới thực hiện thủ tục giám đốc thẩm. Có một cơ chế giám sát đối với việc ban hành quyết định giống như quyết định có hiệu lực pháp luật khác của tòa án là điều đương nhiên, cần được dự thảo ghi nhận.

Theo Thu Trang.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI