...

Lễ công bố Quy tắc tố tụng trọng tài VIAC 2017

27 Tháng 10, 2019

Với mục đích thúc đẩy sự phát triển của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài một cách công bằng, thuận lợi và nhanh chóng, trong những năm gần đây VIAC đã có nhiều cố gắng cải tiến quy trình giải quyết tranh chấp theo hướng thuận tiện và minh bạch. Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, ngày 03/02/2017, VIAC đã chính thức ban hành Quy tắc tố tụng năm 2017 (Quy tắc 2017), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2017.

Nhằm giới thiệu chung về các nội dung cơ bản, thực tiễn vận hành quy tắc tại trung tâm và đặc biệt là những điểm mới trong Quy tắc 2017 tới cộng đồng doanh nghiệp, VIAC tổ chức “Lễ công bố Quy tắc tố tụng trọng tài VIAC 2017”, Lễ công bố đã diễn ra sáng nay, thứ 4 ngày 22 tháng 02 năm 2017 tại trụ sở chính VIAC tại Hà Nội.

Tham dự Lễ công bố có ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); Bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp; Ông Vũ Ánh Dương – Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; cùng các đại biểu đến từ cơ quan nhà nước, chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp, luật sư…

 

Phát biểu khai mạc, ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, công cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam đang đến hồi khẩn trương và quyết liệt. Trong nhiệm kỳ mới này, Chính phủ đã đưa ra thông điệp: Kiến tạo – Liêm chính – Hành động, và từng bước một Chính phủ đang thực hiện phương châm được thể hiện trong thông điệp này.

Cũng theo ông Huỳnh, trong suốt 20 năm qua, VIAC đã luôn song hành cùng VCCI, cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, luật sư, cơ quan quản lý nhà nước để luôn cải thiện, hoàn thành nhiệm vụ theo tinh thần minh bạch – hoàn thiện – hiệu quả.

Trong số hàng ngàn vụ đã được xử lý, mấy trăm vụ được xét xử, VIAC tự hào bởi chưa có bất cứ một vụ nào có dấu hiệu nhũng nhiễu từ bộ máy ban thư ký VIAC hay tham nhũng từ các trọng tài viên.

“Chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí tiếp tục theo dõi, lắng nghe và quan sát chúng tôi như chúng tôi đang hoạt động trên bàn tay cuả các bạn”. – ông Huỳnh nói.

Phần trình bày ĐẦU TIÊN về Những điểm mới của Quy tắc VIAC 2017 đến từ ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký VIAC; Thành viên Viện Trọng tài London (MCIArb).

Trong bài trình bày của mình, ông Phan Trọng Đạt đã nhấn mạnh những điểm mới nổi bật trong Quy tắc, đó là Điều 6: Tranh chấp từ nhiều hợp đồng, Điều 15: Gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp và Điều 37; Điều 37: Thủ tục rút gọn.

Ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký VIAC; Thành viên Viện Trọng tài London (MCIArb)

Ông Phan Trọng Đạt cho biết Quy tắc VIAC 2017 là quy tắc trọng tài đầu tiên tại Việt Nam ra đời đáp ứng sự thay đổi của quy định pháp luật tại Nghị quyết 01/2014/HĐTP/TANDTC ngày 22 tháng 03 năm 2014 liên quan tới việc gộp các quan hệ pháp luật vào giải quyết chung trong một vụ tranh chấp. Cúng với thủ tục rút gọn,Thủ tục trọng tài rút gọn theo ông Đạt là hứa hẹn sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp tại VIAC, đặc biệt là đối với các vụ việc có tình tiết đơn giản; hồ sơ chứng cứ gọn nhẹ, điển hình là các tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm, mua bán hàng hóa.

Từ trái qua phải: Ông Vũ Ánh Dương – Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam;

Ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC);

Bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp.

Trong phần THỨ HAI của lễ công bố, các chuyên gia, doanh nghiệp và luật sư đã có những trao đổi thẳng thắn về tính ứng dụng của Quy tắc VIAC 2017 trong thực tiễn giải quyết tranh chấp.

Liên quan đến tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm, ông Khúc Hoàng Duy – Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết: “Đã có những đơn vị, doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Bảo hiểm tìm đến Trung tâm trọng tài VIAC để giải quyết tranh chấp bảo hiểm với mức thời gian tương đối ngắn. Có trường hợp chỉ mất khoảng 30 ngày. Tuy nhiên, tôi cũng được biết, để có thể giải quyết trong thời gian ngắn như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng phải ngồi lại với nhau để thảo ra một thỏa thuận chi tiết về các bước trong quá trình giải quyết tranh chấp, dù là ban thư ký VIAC hỗ trợ rất nhiệt tình. Nhưng cá nhân tôi cho rằng như vậy vẫn tốn khá nhiều thời gian”.

Ông Nguyễn Đức Mạnh – Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Bizlink cũng khẳng định: Những bản phán quyết của VIAC luôn được đánh giá cao bởi có sự uy tín và công tâm. Bản thân cũng là người tham gia nhiều cuộc giải quyết tranh chấp, ông Mạnh nhận thấy, quy tắc tố tụng trọng tài 2017 có nhiều điểm mới tích cực, đặc biệt là quy định tại điều 6, điều 15 và điều 37.

Ông Nguyễn Đức Mạnh – Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Bizlink

Cụ thể, tại điều 6 phản ánh quy định tại Nghị quyết 01/2014/HĐTP cho phép gộp nhiều vụ việc nếu phía các đơn vị xảy ra tranh chấp đồng ý hoặc quy tắc của trung tâm cho phép, tôi nhận thấy đây là điểm rất tích cực. Bởi nếu lấy ví dụ về vụ việc giữa hai doanh nhiệp xuất khẩu ký kết nhiều hợp đồng, trong đó có 5 hoặc 10 hợp đồng đều có tranh chấp.

Nếu trước đây, trong khoảng từ tháng 7/2014 tới nay, phải tách từng hợp đồng theo từng vụ việc và mỗi vụ việc lại có một hội đồng trọng tài riêng, sẽ gây mất rất nhiều thời gian và chi phí; thì với quy định tại điều 6, điều 15 quy tắc VIAC năm 2017 đã có thể giải quyết được điều này.

Về điều 37 yêu cầu thủ túc rút gọn, có quy định mới, các bên có thể giải quyết tranh chấp, không cần đến trụ sở trung tâm mà có thể thông qua video conference và teleconference và nhiều phương tiện khác, đây là điểm lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trần Hữu Huỳnh cho biết, phương thức giải quyết qua kết nối video conference và teleconference đã được VIAC áp dụng trước đó và đang từng bước hoàn thiện giúp tiết kiệm chi phí và thời gian.

Ở một góc độ khác, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Quy tắc tố tụng trọng tài 2017 đã giải quyết được rất nhiều vấn đề của lĩnh vực ngân hàng. Đối với hoạt động ngân hàng rất hay có người thứ 3 tham gia vào các vụ tố tụng, nếu các bên tham gia đồng lòng thì sẽ rất khó thực hiện được các vụ tranh chấp thành công.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Với Điều 6, Điều 15 đã mở ra cánh cửa rộng rãi có thể đưa ra giải quyết tranh chấp trọng tài. Với việc gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp để giải quyết trong cùng một vụ kiện được thực hiện là điều rất tốt. Trước đấy việc gộp này có thể có nhưng vì chưa có quy tắc nên mọi người rất ngại thực hiện.

“Một điểm rất hay của Quy tắc mới là thêm cơ hội một lựa chọn cho đương sự. Điểm hay thể hiện là khi chọn Toà án để giải quyết thì không chọn được Toà trọng tài nhưng ngược lại khi chọn Toà trọng tài thì vẫn có thể đưa lên Toà án giải quyết. Thêm nữa, trong lĩnh vực ngân hàng của chúng tôi có rất nhiều vụ và rất phức tạp thì với sự chuyên nghiệp trong chi phí, thời gian và quy tắc cả trong và ngoài nước của Quy tắc tố tụng trọng tài 2017 đã giải quyết được nhiều vấn đề cho lĩnh vực này”. – ông Đức nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quý Tỵ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Chánh án Tòa án NDTC Hà Nội,

Trọng tài viên VIAC

Ông Nguyễn Quý Tỵ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Chánh án Tòa án NDTC Hà Nội, Trọng tài viên VIAC cho rằng, các đương sự thường thích Toà trọng tài kinh tế nhà nước.

“Hoan nghênh Trung tâm trọng tài quốc tế VIAC đã nhanh chóng sửa đổi quy tắc tố tụng trọng tài phù hợp, linh hoạt và tạo điều kiện cho các đương sự. Việc sửa đổi này là cần thiết, khi doanh nghiệp đến với Toà trọng tài ngoài mong muốn được giải quyết nhanh chóng thì cũng yêu cầu phải khách quan trong các vụ việc. Việc sủa đổi điều mới 37 là vô cùng cần thiết, đáp ứng yêu cầu của đương sự”. – ông Tỵ nói.

Bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp

Bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp khẳng định: Nếu nói tới hoạt động trọng tài ở Việt Nam thì không thể không nhắc tới VIAC. Trong bối cảnh Chính phủ đang cải cách thủ tục hành chính, cải thiện đầu tư, môi trường kinh doanh thì VIAC nổi lên như là một điểm sáng và là tổ chức đáng tin cậy, minh bạch trong giải quyết các tranh chấp.

“Chúng tôi cho rằng quy tắc này giống như đạo luật trong luật tố tụng và đã đưa quy tắc VIAC đang áp dụng gần với quy tắc quốc tế của Hồng Kong, ICC,… Trong bối cảnh ngày 6/2/2017 vừa qua đã có Nghị quyết 19 thì sự ra đời của Quy tắc này là sự ủng hộ rất thực tiễn và kịp thời đối với quyết sách của Chính phủ. Bản thân tôi cũng đánh giá rất cao và cũng hy vọng với những cải tiến thuận tiện như cải cách nhiều hơn, quy trình gọn hơn, với đội ngũ trọng tài viên tốt hơn thì sẽ tiếp tục thành công hơn trong thời gian tới. Qua quá trình làm việc, các toà án của Singapore, Hồng Kong… đánh giá cao đội ngũ trọng tài của VIAC và VIAC đã thể hiện vai trò có thể đương đầu giải quyết tranh chấp cả trong nước và quốc tế”. – bà Mai nhấn mạnh.

Theo Hiền Phương – Ngọc Hằng – Hoàng Sang Báo diễn đàn doanh nghiệp điện tử

BỘ TÀI LIỆU SỰ KIỆN

1. Toàn cảnh sự kiện (tải tại đây)

2. Bài trình bày của diễn giả (tải tại đây)

3. Một số hình ảnh tại sự kiện (xem tại đây)

4. Một số video clip tại sự kiện (xem tại đây)

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI