...

Lễ ra mắt Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) và công bố Quy tắc Hòa giải 2018

28 Tháng 10, 2019

Sáng 29/05/2018, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Hòa giải Việt Nam (“VMC”), trực thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tại Hà Nội. VMC là đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại chuyên nghiệp tại Việt nam theo Nghị định 22/2017/ND-CP ngày 24/02/2017 về hòa giải thương mại.

Ban Giám đốc VMC bao gồm các chuyên gia đầu ngành và có uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như xã hội:

Ông Nguyễn Sĩ Dũng giữ chức vụ Giám đốc VMC. Ông là nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (2003-2016) và được biết tới như chuyên gia hàng đầu về khoa học chính trị tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Giám đốc VMC, hiện là Chuyên gia Hòa giải Quốc tế Cao cấp của Trung tâm Hòa giải Chung của Trung Quốc đại lục và Hồng Kong (the Mainland – Hongkong Joint Mediation Centre) và ông cũng nằm trong danh sách các hòa giải viên của Trung tâm Hòa giải Quốc tế Nhật Bản (Japan International Mediation Centre). Với tư cách là Phó Giám đốc, ông Dũng sẽ phụ trách hoạt động giám sát (administer) các quá trình hòa giải tại VMC - một trong những chức năng cốt lõi của một tổ chức hòa giải quy chế.

Chịu trách nhiệm điều hành, điều phối hoạt động thường ngày của VMC là Phó Giám đốc Thường trực VMC – Ông Phan Trọng Đạt. Ông hiện đồng thời là Phó Tổng Thư ký VIAC và là hòa giải viên của Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Hiệu quả (CEDR). 

Trong buổi lễ, VMC vinh dự giới thiệu 11 Hòa giải viên đầu tiên trong Danh sách Hòa giải viên của trung tâm, họ là những chuyên gia uy tín trong nhiều lĩnh vực hoạt động thương mại. Danh sách Hòa giải viên của VMC hy vọng sẽ đưa ra những gợi ý hữu ích cho các bên tranh chấp khi xem xét lựa chọn hòa giải viên và Danh sách này sẽ được mở rộng hơn nữa với nhiều gương mặt sáng giá trong thời gian tới. Một trong những phần quan trọng nhất của buổi lễ là việc công bố chính thức bản Quy tắc Hòa giải của Trung tâm Hòa giải Việt Nam 2018 (“Quy tắc Hòa giải VMC 2018”).  Quy tắc Hòa giải VMC 2018 đã được đăng tải trên website của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) từ ngày 29/05/2018, và sẽ có hiệu lực từ 01/07/2018.

Quy tắc Hòa giải VMC 2018 được soạn thảo bởi Tổ biên tập thuộc VIAC, với sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia hòa giải của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), trực thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới giúp đảm bảo thủ tục hòa giải tại VMC sẽ đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc của một thủ tục hòa giải điển hình trên thế giới. Bộ Quy tắc cũng đã được góp ý chi tiết và kỹ lưỡng từ các chuyên gia về các thủ tục tố tụng tại Việt Nam để đảm bảo thủ tục hòa giải của VMC tuân thủ các khuôn khổ của Nghị định 22/NĐ-CP về Hòa giải thương mại và có thể vận hành tốt trong thực tiễn tại Việt Nam.

Một số điểm nhấn của Quy tắc Hòa giải VMC 2018 bao gồm: (i) quyền tự quyết của các bên được tôn trọng (các bên tranh chấp được thỏa thuận hầu như tất cả các vấn đề: lựa chọn hòa giải viên, các bước hòa giải cũng như kết quả hòa giải) – đây là sự khác biệt căn bản giữa một thủ tục hòa giải với bất cứ thủ tục tố tụng và trọng tài nào – Điều 3, Điều 4, Điều 13 Quy tắc VMC; (ii) các yêu cầu về tính độc lập, vô tư, khách quan và trung thực của Hòa giải viên được đặt ra ở mức rất cao (không có thủ tục khiếu nại tư cách Hòa giải viên, nếu có thông tin về bất kỳ sự việc nào có thể gây nghi ngờ về sự độc lập, vô tư, khách quan và trung thực của Hòa giải viên, thủ tục chỉ định mới/thay thế Hòa giải viên sẽ được bắt đầu, trừ khi các bên đồng ý bằng văn bản rằng vẫn đồng ý Hòa giải viên này) – Điều 5, Điều 7 Quy tắc VMC; (iii) nguyên tắc hai tầng bảo mật (toàn bộ các thông tin, trao đổi trong thủ tục hòa giải sẽ được giữ bí mật giữa các bên và Hòa giải viên; các thông tin, trao đổi được một bên đưa ra trong phiên họp riêng giữa bên đó với Hòa giải viên còn phải được giữ bí mật giữa bên cung cấp thông tin và Hòa giải viên) – Điều 8, Điều 11 Quy tắc VMC.

Ngoài ra, Quy tắc VMC cũng có quy định rõ về vai trò của VMC trong việc điều phối, hỗ trợ và thúc đẩy thủ tục hòa giải (Điều 4, Điều 8 Quy tắc VMC) để đảm bảo rằng các thủ tục hòa giải được vận hành tuân thủ pháp luật, linh hoạt, thân thiện, hiệu quả và mang lại sự hài lòng cho Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hòa giải tại VMC.

Cùng với Quy tắc Hòa giải, Danh sách Hòa giải viên và Biểu phí Hòa giải, VMC cũng sẽ sớm ban hành các đơn từ, biểu mẫu để thuận tiện hơn cho các bên.

Sau các bài phát biểu chúc mừng và thông điệp từ Cục hỗ trợ tư pháp của Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, IFC – thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới và các hiệp hội doanh nghiệp, để kết thúc buổi lễ, Chủ tịch Trần Hữu Huỳnh và Giám đốc Nguyễn Sĩ Dũng đã bảy tỏ lòng biết ơn tới các vị khách quý, các cơ quan báo đài cũng như thể hiện sự tin tưởng vào sự phát triển của VMC trong thời gian tới

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI