Giải quyết linh hoạt, rút ngắn thời gian
Ưu điểm nổi trội của phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài so với phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống bằng tòa án là gì thưa bà? Bà PHAN THỊ BÌNH THUẬN: Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận, được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp bằng nhiều hình thức (các điều khoản trọng tài trong hợp đồng, thỏa thuận riêng…); các bên có quyền lựa trọng tài viên để giải quyết tranh chấp của mình. Phán quyết trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực kể từ ngày ban hành, được thi hành bởi cơ quan thi hành án dân sự, cụ thể là Cục Thi hành án dân sự. Ngoài ra, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài còn linh hoạt ở việc các bên tranh chấp được lựa chọn ngôn ngữ, luật áp dụng trong xét xử nên phương thức này rất phù hợp để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, với nguyên tắc trọng tài viên phải giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp (trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật) nên sẽ không làm ảnh hưởng đến uy tín trong hoạt động kinh doanh của DN. Từ đó, có thể thấy rằng, giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài giúp tạo sự chủ động, linh hoạt, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí cho các bên tranh chấp. - Khi xảy ra tranh chấp, DN Việt Nam chưa chuyển hướng sang trọng tài thương mại là vì thiếu tin tưởng, hiệu quả giải quyết tranh chấp thương mại của trọng tài nước ta chưa cao hay vì nguyên nhân nào khác nữa, thưa bà? - Hiện nay, nhận thức và hiểu biết của người dân, DN đối với phương thức giải quyết tranh chấp này còn chưa nhiều, chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lựa chọn giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài còn rất hạn chế; thói quen kiện ra tòa án, tâm lý thắng thua… còn khá nặng nề, việc trông đợi sự can thiệp của tòa án vẫn còn phổ biến. Ngoài ra, phán quyết của trọng tài thương mại là chung thẩm. Đây vừa là ưu điểm nổi bật nhưng cũng có nhược điểm đòi hỏi quá trình giải quyết tranh chấp phải chính xác, chặt chẽ, không được vi phạm quy định vì không có việc kháng cáo, kháng nghị đối với phán quyết của trọng tài; và các phán quyết của trọng tài thương mại có thể bị tòa án tuyên hủy bỏ nếu có căn cứ. Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ - Theo bà, làm sao để “xoay chuyển”, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về tính ưu việt của phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài? - Gần đây, Sở Tư pháp đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền đến những đơn vị DN, nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động trọng tài thương mại, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Chẳng hạn, Sở Tư pháp tham mưu và UBND TPHCM đã ban hành “Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại đến năm 2020 tại TPHCM” (kèm theo Quyết định số 3006/QĐ-UBND ngày 10-6-2016). Hàng loạt nội dung được triển khai gồm phát hành tờ gấp “Trọng tài thương mại - một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án” (gửi đến Tòa án, Đoàn Luật sư TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP, các Trung tâm trọng tài thương mại...) nhằm phổ biến rộng rãi về hoạt động trọng tài thương mại; tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị, hội thảo liên quan đến kỹ năng và kinh nghiệm trong giải quyết các tranh chấp trọng tài thương mại cũng lần lượt được diễn ra ở TPHCM... Mục tiêu hoạt động nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của trọng tài thương mại đến với các tổ chức, cá nhân, DN. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn nghiên cứu việc thành lập “Hiệp hội Trọng tài thương mại tại TPHCM”, để đảm bảo sự phát triển chung của các tổ chức trọng tài, các trọng tài viên trên địa bàn TP. Để đạt được hiệu quả bước đầu, các cơ quan truyền thông, báo chí đã và đang có sự chung tay đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hoạt động trọng tài thương mại… Thêm nữa, Sở Tư pháp cũng thường xuyên kiểm tra, rà soát các quy định về cấp, thu hồi giấy đăng ký hoạt động của tổ chức trọng tài thương mại, đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng tinh giản hóa các thủ tục, đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính; đề xuất những giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển về tổ chức và hoạt động của tổ chức trọng tài thương mại trên địa bàn TP; tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về tổ chức và hoạt động trọng tài thương mại tại TP… Qua đó nhằm chấn chỉnh, xử lý những vi phạm trong quá trình hoạt động trọng tài thương mại, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, cũng như tham mưu cho UBND TP thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác quản lý hoạt động trọng tài thương mại. - Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
Cách phân biệt hai hình thức trọng tài thương mại Theo Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thông tin, trọng tài thương mại tồn tại dưới hai hình thức, gồm trọng tài vụ việc và trọng tài thường trực (còn gọi là trọng tài quy chế). Trọng tài vụ việc là hình thức trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ việc và sẽ chấm dứt tồn tại khi giải quyết xong vụ việc đó. Trọng tài vụ việc tuy được quy định trong Luật Trọng tài thương mại 2010 nhưng chưa phát triển trên thực tế, một phần vì nếu lựa chọn sử dụng trọng tài vụ việc, các bên phải tự thực hiện toàn bộ quy trình với hội đồng trọng tài mà không có sự hỗ trợ bởi một Ban thư ký thường trực, nên cần có kinh nghiệm tham gia tố tụng trọng tài trước đó. Đối với trọng tài thường trực hay còn gọi trọng tài quy chế, là hình thức trọng tài được tổ chức chặt chẽ, có bộ máy, trụ sở làm việc thường xuyên, thường có danh sách trọng tài viên hoạt động theo điều lệ và quy tắc tố tụng riêng. Hầu hết các tổ chức trọng tài lớn, có uy tín trên thế giới đều được thành lập theo mô hình này dưới những tên gọi như trung tâm trọng tài, ủy ban trọng tài, viện trọng tài, hội đồng trọng tài quốc gia và quốc tế, nhưng chủ yếu và phổ biến được tổ chức dưới dạng các trung tâm trọng tài. Cơ cấu tổ chức của trung tâm trọng tài gồm có ban điều hành, ban thư ký và các trọng tài viên của trung tâm. Tổ chức và quản lý của các trung tâm trọng tài nói chung đơn giản, gọn nhẹ. Ban điều hành của trung tâm trọng tài gồm có chủ tịch, một hoặc các phó chủ tịch và có thể có tổng thư ký. Bên cạnh ban điều hành, trung tâm trọng tài còn có các trọng tài viên trong danh sách trọng tài viên của trung tâm trọng tài, thông thường thì danh sách này mang tính chất khuyến nghị. Các trọng tài viên tham gia vào việc giải quyết tranh chấp khi được chọn hoặc chỉ định. Trung tâm trọng tài có thể tự quyết định về lĩnh vực hoạt động và có quy tắc tố tụng riêng. Trong quá trình hoạt động, các trung tâm trọng tài có quyền mở rộng và thu hẹp phạm vi lĩnh vực hoạt động, nhưng phải tiến hành đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đặc điểm này cho phép các trung tâm trọng tài có thể được tổ chức và hoạt động với tính chất trọng tài chuyên ngành (chỉ giải quyết những loại tranh chấp thương mại nhất định). 14 trung tâm trọng tài thương mại ở TPHCM Thống kê của Sở Tư pháp TP cho biết, hiện có 14 trung tâm trọng tài thương mại trên địa bàn TPHCM sẵn sàng hỗ trợ khách hàng, DN. Chẳng hạn như, Trung tâm Trọng tài thương mại TPHCM (460 Cách Mạng Tháng Tám, phường 4, quận Tân Bình); chi nhánh Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC tại TPHCM (phòng 505 lầu 5, tòa nhà 171 Võ Thị Sáu, phường 7, quận 3); Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (163/18 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh); Trung tâm Trọng tài thương mại Sài Gòn (83 T1 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1)…
Theo Thanh Bình - Nguyễn Thy Báo Sài Gòn Giải phóng đăng ngày 16/10/2017