Ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, theo số liệu của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), số vụ tranh chấp được giải quyết tại VIAC chỉ trong 3 năm gần đây đã bằng số vụ của 10 năm trước đó. Lĩnh vực tranh chấp cũng rất đa dạng, phong phú bao gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và thương mại đầu tư. Về các bên tranh chấp, đã có trên 60 quốc gia vùng lãnh thổ có doanh nghiệp tranh chấp với các doanh nghiệp của Việt Nam được giải quyết tại VIAC.

- Đây chính là áp lực lên hệ thống Tóa án Việt Nam, thưa ông?

Tại hệ thống Tòa án, mỗi năm hệ thống Tòa án của Việt Nam giải quyết hàng chục nghìn vụ tranh chấp và tỷ lệ án kinh doanh thương mại năm sau tăng hơn so với năm trước khoảng 20%, đặt ra áp lực nặng nề lên hệ thống Toà án với hàng loạt các vụ tranh chấp từ đơn giản tới phức tạp.

- Chính phủ vừa thực hiện bước Luật hoá hoạt động hoà giải thương mại thông qua Nghị định 22/2017/NĐ-CP, ông kỳ vọng gì ở Nghị định này trong việc hỗ trợ giải quyết tranh chấp?

Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển phương thức hòa giải thương mại với tư cách là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại độc lập; Tạo hành lang pháp lý thống nhất trong việc khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng dịch vụ hòa giải. Đồng thời, góp phần thể chế hóa cam kết của Việt Nam trong WTO đối với lĩnh vực dịch vụ trọng tài, hòa giải thương mại.

Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng rằng Nghị định 22 sẽ thúc đẩy phương thức hòa giải phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận một cách tích cực.

- Tuy nhiên, để một Nghị định, văn bản luật đi vào đời sống ắt hẳn sẽ có những thách thức, đặc biệt là thực thi, thưa ông?

Chúng ta đã có khung pháp luật về hòa giải, và về cơ bản là đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Các Trung tâm hòa giải cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đi vào hoạt động. VIAC cũng đã chính thức thành lập trung tâm hòa giải có tên gọi là Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) để sẵn sàng giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do hòa giải thương mại là phương thức khá mới mẻ, vì vậy thách thức lớn nhất lúc này là để cộng đồng doanh nghiệp hiểu được các ưu thế của phương thức hòa giải. Bởi vì doanh nghiệp chỉ có thể tin tưởng sử dụng hòa giải khi họ hiểu được các lợi ích của hòa giải.

Các quốc gia có nền kinh tế phát triển đã sử dụng hoà giải thương mại từ rất lâu. Anh Quốc và Hà Lan là hai quốc gia được coi là có nhiều thành tựu nhất tại châu Âu trong việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải. Trong khi đó, tại Châu Á, một số quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan đã có chính sách ưu đãi tài chính cho các bên cố gắng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải. Theo Hội đồng Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB), mỗi năm Tòa án Hàn Quốc chuyển hàng nghìn vụ tranh chấp sang KCAB để giải quyết theo thủ tục hòa giải. Tòa án chỉ giải quyết khi các bên hòa giải không thành.

- Theo ông, số lượng Trung tâm Trọng tài thương mại trên cả nước hiện nay có đủ đáp ứng như cầu?

Hiện nay có 18 Trung tâm trọng tài thương mại và theo Nghị định 22 các Trung tâm này có thể đăng ký bổ sung hoạt động hòa giải. Theo tôi được biết trong thời gian tới, chắc chắn số lượng trung tâm hòa giải mới được thành lập sẽ tăng và các Trung tâm trọng tài cũng sẽ bổ sung thêm hoạt động hòa giải, do vậy hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.

- Vậy, VIAC có lợi thế hơn các trung tâm khác khi thực hiện hòa giải thương mại, thưa ông?

Hiện nay, VIAC là tổ chức có lịch sử lâu nhất, có số vụ tranh chấp được giải quyết nhiều nhất, do vậy VIAC đã có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc giải quyết tranh chấp. VIAC có đội ngũ chuyên gia có chuyên môn sâu, am hiểu pháp luật và có kỹ năng, kinh nghiệm giải quyết tranh chấp tốt. Trên thực thế, tuy Nghị định 22/2017/NĐ-CP mới được ban hành nhưng VIAC đã cung cấp dịch vụ hòa giải từ 10 năm nay.

Ngay từ năm 2007, VIAC đã ban hành Quy tắc hòa giải và cũng đã giải quyết một số vụ tranh chấp theo thủ tục hòa giải. Ngoài ra, VIAC cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trong thủ tục tố tụng trọng tài tại VIAC vì Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định về việc hòa giải trong tố tụng trọng tài, theo đó nếu các bên có yêu cầu thì các Hội động Trọng tài sẽ tiến hành hòa giải, lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận thỏa thuận của các bên. Ví dụ năm 2017 đã có 19 vụ tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải trong thủ tục tố tụng trọng tài. Đây là những tiền đề quan trọng để VIAC và VMC tiếp tục phát triển hoạt động hòa giải.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Thy Hằng Báo Diễn đàn doanh nghiệp đăng ngày 29/01/2018