Ngày 21/12, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc tổ chức hội thảo Giao dịch M&A: Nhận diện rủi ro pháp lý, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết: "Đây là năm thứ ba liên tiếp, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Uỷ ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) phối hợp cùng tổ chức sự kiện phục vụ cộng đồng doanh nghiệp.
Là hai tổ chức trọng tài tiêu biểu của Việt Nam và Hàn Quốc, chúng tôi luôn tự đặt ra nhiệm vụ cho mình là cần có nhiều các hoạt động đóng góp vào sự phát triển của trọng tài thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn khác – phương thức giải quyết được tin dùng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt là trong thời đại của giao thương kinh tế toàn cầu như hiện nay".
Ông Dương cho hay, thị trường M&A Việt Nam, đã trải qua một thập kỷ sôi động với nhiều cơ hội mới trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực. Có thể dễ dàng đồng tình với nhận định trên nếu nhìn vào các con số thống kê được công bố: 4.353 thương vụ, với tổng giá trị M&A đạt 48,8 tỷ USD được thực hiện trong giai đoạn 2009-2018.
Sau 10 năm thì cùng với sự phát triển của thị trường, mối quan tâm của các nhà đầu tư về các rủi ro trong cá thương vụ M&A cũng bắt đầu nhiều hơn đặc biệt là các rủi ro về mặt pháp lý – nguyên nhân chính và trực tiếp dẫn tới đổ bể thương vụ hoặc thậm chí là các quá trình tranh chấp hay kiện tụng ồn ào và tốn kém sau đó.
Cũng theo ông Dương, “Hội thảo này được tổ chức với hy vọng rằng sẽ tạo ra một cơ hội để các doanh nghiệp đang hoặc sẽ có hoạt động M&A, các doanh nghiệp tham gia vào thị trường M&A với vai trò tư vấn, hỗ trợ giao dịch M&A có thể trao đổi và tiếp cận những thông tin hữu ích từ các chuyên gia đã nghiên cứu, theo dõi cũng như trực tiếp tham gia vào các hoạt động M&A liên quan tới vấn đề nhận diện rủi ro pháp lý để từ đó có phương án phòng ngừa cũng như quản lý và giải quyết tranh chấp hiệu quả.
Tại hội thảo, ông Ho Won Lee - Chủ tịch, Uỷ ban Trọng tài thương mại Hàn Quốc (KCAB) cho biết, đây là năm thứ ba liên tiếp, VIAC và KCAB tiến hành các sự kiện phục vụ cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như các nhà đầu tư tiềm năng sẽ có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Chuỗi sự kiện thực sự đã trở thành hoạt động thường niên gắn với thương hiệu của VIAC và KCAB – sự kiện quốc tế chất lượng, thành công và tạo được những dấu ấn tốt đẹp trong giới chuyên môn, lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hội thảo được chia thành 3 phiên với các nội dung chính: (1) Cập nhật về các xu hướng mới trong trọng tài thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn khác; (2) Giao dịch M&A: Nhận diện rủi ro pháp lý thường gặp; và (3) Trọng tài thương mại – Phương thức phù hợp nhất để giải quyết tranh chấp từ giao dịch M&A. Cập nhật về các xu hướng mới trong trọng tài thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn khác.
Tại phiên đầu tiên, cập nhật về các xu hướng mới trọng tài thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn khác, trước tiên theo ông Heehwan Kwon – Giám đốc KCBA Quốc tế cho biết: “Khi tham gia vào các thương vụ M&A, các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư phải nắm bắt được những quyền và nghĩa vụ của mình. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể chủ động nhận diện được các rủi ro có thể xảy ra sau khi thực hiện các M&A”.
Điểm lại tình hình quan hệ đầu tư giữa Việt Nam – Hàn Quốc, ông Heehwan Kwon cho biết, hiện nay Hàn Quốc đang là nhà đầu tư có dòng đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam.
Theo đó, tính đến tháng 11/2018, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam hiện nay đang giữ ngôi vương với 7.369 dự án với hơn 62 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm 2018, có 1.735 số lượt góp vốn, mua cổ phần, với tổng giá trị đạt khoảng hơn 1,3 tỷ USD đến từ Hàn Quốc.
Trong bối cảnh thị trường M&A được dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới, cùng với sự phát triển của thị trường, các rủi ro trong những thương vụ cũng xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là các rủi ro về mặt pháp lý, nguyên nhân chính dẫn đến đổ bể thương vụ hoặc thậm chí xảy ra những vụ tranh chấp kiện tụng ồn ào và tốn kém.
Đồng tình với quan điểm của ông Heehwan Kwon – Giám đốc KCBA, Luật sư Đặng Xuân Hợp – Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết: “Trong thực tế đã xảy ra những vụ tranh chấp xảy ra, giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc. Việc xảy ra tranh chấp cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế. Điểm mấu chốt ở đây là giải quyết những tranh chấp đó như thế nào?”
Luật sự Đặng Xuân Hợp khẳng định việc sử dụng con đường giải quyết bằng trọng tài là phổ biến với nhiều ưu thế nổi trội. Theo đó, để có thể đưa ra phương án xử lý, doanh nghiệp phải là lựa chọn được chuyên gia có kinh nghiệm từng xử lý vấn đề liên quan trong lĩnh vực đó, có hiểu biết sâu sắc về pháp luật tại nước sở tại, cũng như văn hoá để từ đó có thể đề xuất các giải pháp phù hợp nhất.
Cũng tại phiên 2, chia sẻ cụ thể về những khó khăn từ hành lang pháp lý đang tạo ra, Luật sư Nguyễn Duy Linh – Công ty Luật Quốc tế Việt Nam (VILAF) khẳng định: “Sự không rõ ràng của hệ thống pháp lý về M&A dẫn đến sự không chắc chắn về tính hợp pháp của giao dịch M&A”.
Đề xuất một trong những giải pháp khi xảy ra tranh chấp thương mại, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc lựa chọn Toà án Việt Nam, thì có thể lựa chọn việc giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải, cơ quan trọng tài trong nước ví dụ như VIAC, cơ quan trọng tài nước ngoài và quốc tế....
Chia sẻ về một trong những tình huống cụ thể, ông Jihoon Cha – Thành viên Công ty Luật Yoon &Yang đã chia sẻ trường hợp tranh chấp của công ty Hàn Quốc là HANBO với một đối tác Mỹ. Cụ thể, mặc dù HANBO là một trong những công ty lớn của Hàn Quốc, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nên công ty này đã nộp đơn bảo hộ phá sản lên Chính phủ Hàn Quốc. Từ câu chuyện này, ông Jihoon Cha đặt câu hỏi, trong thương vụ này, người mua đã thực hiện đầy đủ hoặc một phần các điều khoản của hợp đồng hay chưa và có phù hợp với luật pháp của Hàn Quốc hay không? Và việc HANBO từ chối việc gia hạn thanh toán lần 3 này của đối tác Mỹ có phù hợp hay vi phạm với các điều khoản hợp đồng giữa hai bên hay không? Đây là một trong những trường hợp thực tế đã xảy ra và các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam có thể lưu ý kinh nghiệm trong những trường hợp tương tự có thể xảy ra.
Mở đầu phiên 3, ông Nguyễn Mạnh Dũng – thành viên Toà trọng tài Quốc tế ICC, Trọng tài viên VIAC, đặt vấn đề: “Trọng tài quốc tế sẽ giải quyết tranh chấp M&A như thế nào? Trước tiên, việc các bên giao kết hợp đồng liên quan đến giao kết M&A lựa chọn trọng tài quốc tế tạo ra cho các bên một không gian rộng rãi hơn để thương thảo, đàm phán hợp đồng”. Câu hỏi đặt ra là, những đặc tính nào của trọng tài quốc tế phù hợp với đặc trưng của các giao dịch của M&A?
Theo quan điểm của ông Nguyễn Mạnh Dũng, tính bảo mật, sự thuận tiện trong việc lựa chọn ngôn ngữ quốc tế của vụ kiện, trình độ chuyên môn của trọng tài viên đối lập so với thẩm phán của Toà án Quốc gia, vốn không tương thích với các giao dịch M&A quốc tế, tính linh hoạt về thủ tục, tính chung thẩm của phán quyết, khả năng cưỡng chế thi hành quốc tế, và quyền tự do lựa chọn của các bên tranh chấp.
Ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký VIAC cũng đưa ra một số thông tin về các loại tranh chấp có thể phát sinh trong một thương vụ M&A từ những giai đoạn tìm kiếm công ty mục tiêu (target company), thực hiện việc đàm phán và rà soát/thẩm định công ty mục tiêu, giao kết hợp đồng M&A và thực hiện hợp đồng.
Cụ thể, trong giai đoạn tìm kiếm công ty mục tiêu (target company), doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm được các dịch vụ hỗ trợ đang được cung cấp bởi các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ hay các công ty kiểm toán. Ở VIAC đã từng giải quyết tranh chấp phát sinh trong giai đoạn này giữa bên mua (bên tìm kiếm công ty mục tiêu để thâu tóm) và bên cung cấp dịch vụ tư vấn tìm kiếm nhà đầu tư, định giá cổ phần muốn bán, chuẩn bị hồ sơ chào bán và bán cổ phần công ty… và có lẽ việc giải quyết tranh chấp phát sinh ở giai đoạn này cần nhất yếu tố nhanh chóng, gọn gàng để sau đó doanh nghiệp tiếp tục tận dụng các thời cơ mua/bán trên thị trường.
Ông Đạt khẳng định: “Một thủ tục trọng tài linh hoạt và ngắn gọn sẽ là phương án tốt nhất cho các tranh chấp ở giai đoạn này thay vì lựa chọn phương án tố tụng tòa án với nhiều cấp xét xử”.
Đồng tình với quan điểm này, bà Una Cho - Luật sư, Công ty Luật Kim & Chang cho rằng: Việc lựa chọn được trọng tài viên có đầy đủ các đặc tính như ông Nguyễn Mạnh Dũng nêu trên, rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí phát sinh từ vụ tranh chấp cho doanh nghiệp. Đảm bảo trọng tài viên có năng lực và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực mà liên quan đến hợp đồng của M&A.
Ngoài ra, bà Una Cho cũng chia sẻ về quy trình chuẩn của việc giải quyết tranh chấp của trung tâm trọng tài. Cụ thể, trước tiên phải có đơn, đề nghị giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, xác nhận từ phía trọng tài, xác định thành phần tham gia giải quyết tranh chấp, tham chiếu thư về mặt công việc, biểu thời gian giải quyết tranh chấp, sau đó, các bên sẽ trình bày cung cấp tất cả các bằng chứng liên quan đến tranh chấp. Có thể một vòng, 2 vòng hoặc 3 vòng thậm chí cũng có thể lâu hơn. Đây là những bước được xem là chuẩn hoá trong việc xử lý tranh chấp bằng trọng tài.
_________________________________
Tài liệu kèm theo:
1. Tài liệu hội thảo, vui lòng tải tại đây
2. Một số hình ảnh về hội thảo, vui lòng tải tại đây