Theo quy định tại thông tư này, chủ thể được mở tài khoản tại các tổ chức tín dụng chỉ có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Điều đó có nghĩa, tất cả các tổ chức khác như hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân nếu đang đứng tên là một bên của hợp đồng mở tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng đều phải chuyển đổi sang hình thức tài khoản cá nhân hoặc tài khoản chung.
Thông tư này còn quy định sau 12 tháng kể từ ngày thông tư có hiệu lực (tức sau 01/03/2018), các tổ chức tín dụng sẽ đóng tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành việc chuyển đổi.
“Quy định này của Thông tư 32 đúng với Bộ luật Dân sự 2015 nhưng lại phủ nhận khoảng 100 luật khác” - Luật sư Trương Anh Đức, Chủ tịch HĐTV Cty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC nói.
Trong khi đó, ông Dương Đăng Huệ - nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), Tổ trưởng tổ biên tập Bộ Luật Dân sự 2015, Trọng tài viên VIAC cho biết, cần hiểu Bộ Luật dân sự 2015 không coi hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân là pháp nhân không có nghĩa những thực thể này không phải là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Vì vậy, việc quy định về hợp đồng tín dụng của thông tư không trái với Bộ luật Dân sự 2015 nhưng nó chưa phù hợp với chủ trương của chúng ta là tạo mọi điều kiện để thúc đẩy giao lưu dân sự, khuyến khích, đa dạng nhiều chủ thể tham gia quan hệ tín dụng. “Có thể coi đó là những sai sót nhưng có thể khắc phục được” - ông Huệ nói.
Đại diện Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, đã có ý kiến với phía Ngân hàng Nhà nước để sửa đổi nhưng “họ chưa nghe”. Theo GS .Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN, Trọng tài viên VIAC có thể do lo ngại tình trạng nợ xấu nên phía ngân hàng đưa ra quy định này. Tuy nhiên, thực tế vừa qua, những rủi ro đến với các cơ quan tổ chức tín dụng không tập trung ở những chủ thể trong hợp đồng tín dụng (đang bị loại bỏ) như trên.