...

Những điểm mới trong Quy tắc tố tụng trọng tài VIAC 2017

27 Tháng 10, 2019

Ngày 03/02/2017, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã ban hành Quy tắc Trọng tài năm 2017. Đây là Quy tắc mới, có hiệu lực từ ngày 01/03/2017, thay Quy tắc cũ năm 2012.

Ba điểm mới đáng chú ý nhất của Quy tắc 2017 là quy định về tranh chấp từ nhiều hợp đồng (Điều 6), gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp (Điều 15) và thủ tục rút gọn (Điều 37). Đặc điểm chung của cả ba quy định mới này đó là việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ nhiều quan hệ pháp luật khác nhau, giúp rút ngắn thời gian, chi phí và công sức của các bên – điều mong muốn của tất cả những người sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.

Cụ thể, tại Điều 6, Quy tắc quy định: “Các yêu cầu khởi kiện phát sinh từ hoặc liên quan đến nhiều hơn một hợp đồng có thể được gộp trong một đơn khởi kiện để được giải quyết trong một vụ tranh chấp cho dù các yêu cầu đó được lập trên cơ sở một hoặc nhiều thỏa thuận trọng tài.” Như vậy với quy định này, VIAC đã đáp ứng được nhu cầu của các bên, đặc biệt là người đi kiện, trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ nhiều hợp đồng nhưng liên quan đến nhau và cùng thuộc một “chùm” giao dịch. Ví dụ, trường hợp bên mua và bên bán ký kết nhiều hợp đồng mua bán, khi tranh chấp phát sinh do có sự vi phạm nghĩa vụ của một số hợp đồng đã ký, thì bên bị vi phạm có thể khởi kiện trong cùng một vụ kiện tại VIAC.

Điều 15, Quy tắc quy định: “1. Các bên có thể thỏa thuận gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp. Trung tâm quyết định việc gộp hay không gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụt tranh chấp sau khi cân nhắc các yêu tố có liên quan; 2. Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, các vụ tranh chấp được gộp vào vụ tranh chấp có tố tụng trọng tài bắt đầu đầu tiên.” Cũng giống như Điều 6, Điều 15 này cho phép các bên giải quyết các tranh chấp từ nhiều quan hệ hợp đồng nhưng điểm khác biệt là các tranh chấp này đã bắt đầu tố tụng trọng tài riêng biệt và trong quá trình giải quyết, các bên có nhu cầu gộp thành một vụ tranh chấp. Quy định mới này của Quy tắc đã giải quyết vấn đề về thủ tục cho các vụ tranh chấp, đặc biệt là đối với các vụ tranh chấp nhiều bên, có tính chất phức tạp, các bên và nội dung của các vụ tranh chấp có liên quan đến nhau. Ví dụ như trong tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng, trong đó có ba bên: Ngân hàng, bên vay và bên bảo lãnh; Thay vì Ngân hàng theo đuổi 2 vụ kiện riêng biệt đối với bên vay và bên bảo lãnh như trước kia, giờ đây Ngân hàng có thể yêu cầu gộp vào một vụ kiện, nếu hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp có thỏa thuận giải quyết trong một vụ kiện tại trọng tài.

Quy định này không chỉ phù hợp với nhu cầu thực tế mà còn phù hợp với pháp luật trọng tài hiện hành. Khoản 4 Điều 7 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định về vấn đề gộp vụ tranh chấp như sau: Việc gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp để giải quyết trong cùng một vụ kiện được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Các bên thỏa thuận đồng ý gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp vào giải quyết trong cùng một vụ kiện; b) Quy tắc tố tụng trọng tài cho phép gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp vào giải quyết trong cùng một vụ kiện.” Như vậy, với quy định mới của Quy tắc 2017, các bên đã có thể trực tiếp giải quyết nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp trong cùng một vụ kiện trọng tài.

Rõ ràng, việc giải quyết nhiều tranh chấp trong một vụ kiện theo quy định tại Điều 6 và Điều 15 giúp các bên tiết kiệm được rất nhiều chi phí trọng tài – một trong những điểm mà trước kia được coi là điểm trừ so với án phí tại tòa án. Bên cạnh đó, việc giải quyết tất cả các tranh chấp có liên quan trong cùng một vụ kiện còn giúp Hội đồng trọng tài xem xét các vấn đề một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ hơn, từ đó có thể đưa ra phán quyết công bằng và có tính thuyết phục cao.

Ngoài ra, quy định tại Điều 37 Quy tắc 2017 cho phép các bên giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn, bao gồm việc giảm số lượng trọng tài viên từ 03 xuống 01 trọng tài viên duy nhất (trừ khi các bên có thỏa thuận khác), rút ngắn các khoảng thời hạn trong tố tụng trọng tài bình thường và tổ chức phiên họp thông qua hình thức teleconference hoặc videoconference. Quy định này đặc biệt có ý nghĩa đối với những tranh chấp có tính chất đơn giản, nội dung rõ ràng, giúp doanh nghiệp tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí theo kiện tại VIAC, đồng thời cũng góp phần tiết kiệm công sức và chi phí đi lại, lưu trú… khi có trọng tài viên và/hoặc các bên là người nước ngoài.

Tựu chung lại, Quy tắc 2017 của VIAC ra đời là một điểm sáng nhằm cải thiện hơn nữa tố tụng trọng tài tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam nói riêng và tại Việt Nam nói chung, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.

_________________

LS. Đào Ngọc Chuyền

Giám đốc Công ty luật TNHH Đào và Đồng nghiệp

Trọng tài viên - Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI