Sáng 09/9, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết 04 năm thi hành Luật Trọng tài thương mại nhằm đánh giá toàn diện, khách quan những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế qua thực tiễn thi hành Luật; trao đổi, thảo luận, làm rõ những vấn đề vướng mắc, bất cập; xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp để giải quyết, tháo gỡ, nâng cao hiệu quả của hoạt động trọng tài thương mại, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Tham dự Hội nghị có bà Trần Hồng Nguyên, Ủy viên chuyên trách Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, đại diện một số cơ quan, Bộ, ngành ở Trung ương, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; đại diện Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ; đại diện các Trung tâm Trọng tài… Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã tới dự và chủ trì Hội nghị.
Hoạt động trọng tài nâng lên một bước mới trên một tư duy mới
Sau 04 năm thi hành Luật Trọng tài thương mại (TTTM), nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vai trò, tính hiệu quả của hoạt động trong tài đã được nâng lên một bước mới trên một tư duy mới, từ đó đã có sự chuyển biến cơ bản trong hành động, sự quan tâm và hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức đối với tổ chức và hoạt động trọng tài ở nước ta. Thể chế về TTTM cơ bản đã được hoàn thiện; chất lượng đội ngũ trọng tài viên ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hoạt động trọng tài đã có bước khởi sắc, số lượng vụ, việc được giải quyết bằng trọng tài đang có xu hướng tăng, loại tranh chấp được Trung tâm trọng tài giải quyết cũng đa dạng hơn; công tác quản lý nhà nước về trọng tài thương mại cũng thu được những kết quả khích lệ.
Tính đến ngày 31/7/2015, cả nước đã có 12 Trung tâm trọng tài với tổng số 350 trọng tài viên. Từ năm 2011 đến tháng 6/2015, các Trung tâm trọng tài đã thụ lý 879 vụ việc và ban hành 586 phán quyết trọng tài, trong đó 180 phán quyết đã được thi hành xong với số tiền là 3.612.000 USD và 300 tỉ đồng.
Cần có đội ngũ thẩm phán chuyên sâu về lĩnh vực trọng tài
Để hoạt động trọng tài thực sự hiệu quả thì luôn cần đến vai trò hỗ trợ và giám sát của Tòa án. Các quy định của Luật TTTM hiện nay về cơ bản đã đáp ứng được nội dung này, tuy nhiên theo đại diện của Tòa án nhân dân tối cao, thực tiễn cho thấy vẫn còn những quy định chưa phù hợp, còn những cách hiểu khác nhau làm phát sinh vướng mắc khi áp dụng Luật TTTM về vai trò của Tòa án đối với trọng tài như: việc xem xét lại quyết định của Tòa án hủy hay không hủy phán quyết trọng tài theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; về các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài…
Trong khi đó, nhiều đại biểu lại cho rằng vấn đề bức xúc nhất hiện nay là tình trạng hủy phán quyết trọng tài của Tòa án đã và đang gây tâm lý lo ngại cho người dân và doanh nghiệp khi đưa ra quyết định lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài… Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhiều ý kiến đề nghị cần phải có tòa án chuyên trách với đội ngũ thẩm phán chuyên sâu về lĩnh vực trọng tài, hay ít nhất là có các thẩm phán có kiến thức chuyên biệt để thường xuyên đáp ứng công tác hỗ trợ trọng tài, bởi vì có nhiều trường hợp quyết định hủy phán quyết của trọng tài được đưa ra bởi các thẩm phán không tiếp xúc nhiều với thực tiễn hoạt động trọng tài và nội dung lĩnh vực tranh chấp nên có những quan điểm khác nhau trong đường lối giải quyết vụ việc.
Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về trọng tài thương mại
Một thực tế hiện nay là TTTM chưa trở thành một hình thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án được ưa chuộng. Các cá nhân, tổ chức kinh doanh chưa ưu tiên lựa chọn trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp mà vẫn có xu hướng lựa chọn Tòa án như một phương thức tối ưu. Do đó, số lượng tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài còn thấp (chiếm chưa đến 1% số lượng các tranh chấp thương mại)… Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, trong đó phải kể đến việc công tác tuyên truyền về trọng tài còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa thấy được ưu điểm của trọng tài nên vẫn có thói quen lựa chọn Tòa án.
Vì vậy, các ý kiến ở Hội nghị đều thống nhất cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân, luật gia, luật sư và cộng đồng doanh nghiệp về TTTM nhằm khôi phục niềm tin của một số doanh nghiệp đã biết đến TTTM nhưng còn nghi ngại, đồng thời khơi dậy nhận thức của đại đa số doanh nghiệp chưa biết đến TTTM. Ngoài ra, Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng, thành viên Viện Trọng tài Luân Đôn (CIArb) đề nghị cần đào tạo pháp luật về trọng tài ở các trường luật và trường kinh tế, coi đó là tiền đề để các doanh nghiệp, luật gia biết và lựa chọn TTTM khi giải quyết tranh chấp.
Chất lượng của trọng tài viên tương đương với chất lượng của tố tụng trọng tài
Đây là nhận định được nhiều học giả uy tín trên thế giới ủng hộ và đã được Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định tại Hội nghị này.
Đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của chế định trọng tài ở Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là số lượng các trọng tài viên và Trung tâm trọng tài đã tăng lên nhanh chóng, tuy nhiên Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh rằng chất lượng mới là vấn đề quyết định sự phát triển bền vững của TTTM. Theo Thứ trưởng, TTTM có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước và có những đặc thù riêng. Với tư cách là một dịch vụ trong lĩnh vực pháp lý, chế định này đòi hỏi sự liêm chính, khách quan, công bằng, nên những trọng tài viên cần phải có năng lực, trình độ, bản lĩnh vững vàng và đảm bảo công chính khi đưa ra các phán quyết của mình.