...

Thông điệp của Tổng Thư ký

28 Tháng 10, 2019

Năm 2017 nền kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc với mức GDP tăng 6,81%, cao nhất kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định. Việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Năm 2017 cũng ghi nhận môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện và thuận lợi hơn. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Kết quả là theo báo cáo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (Word Bank), Việt Nam đã tăng 14 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh, xếp vị trí 68 trong tổng số 190 nền kinh tế trên thế giới.

Pháp luật về trọng tài và hòa giải ngày càng được hoàn thiện. Nhà nước tiếp tục chủ trương khuyến khích phát triển trọng tài và có nhiều chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động của phương thức trọng tài. Trong năm 2017 Bộ Tư pháp đã xây dựng đề án nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018-2023 với quan điểm chỉ đạo đó là thể chế hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó. Bên cạnh đó,  việc xây dựng đề án nhằm mục đích góp phần nâng cao chất lượng và hỗ trợ phát triển phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, thúc đẩy nhu cầu sử dụng dịch vụ trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại nhằm giảm tải công tác xét xử của Tòa án qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hội nhập quốc tế. Khi đề án được Chính phủ thông qua chắc chắn sẽ thúc đẩy trọng tài phát triển và hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn.

Chế định về hòa giải thương mại cũng được hình thành và hoàn thiện. Lần đầu tiên trong năm 2017 Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại (“Nghị định 22/2017/NĐ-CP”). VIAC tự hào là tổ chức đã tham gia tích cực vào quá trình soạn thảo văn bản quan trọng này. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển dịch vụ hòa giải thương mại tại Việt Nam. Nghị định 22/2017/NĐ-CP tạo hành lang pháp lý thống nhất trong việc khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng dịch vụ hòa giải. Đặc biệt, Nghị định đã xác lập hiệu lực của kết quả hòa giải, đảo bảo quyền lợi của các bên khi sử dụng hòa giải. Việc ban hành Nghị định 22/2017/NĐ-CP cũng cho thấy Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng hòa giải và khuyến khích huy động các nguồn lực tham gia hoạt động hòa giải thương mại.

Với những diễn biến thuận lợi trên đây, các hoạt động của VIAC trong năm 2017 đã đạt được những kết quả ấn tượng. Liên quan đến hoạt động giải quyết tranh chấp, VIAC đã tiếp nhận và giải quyết 151 vụ tranh chấp với tổng trị giá lên đến 1.400 tỷ Việt Nam đồng. Trong số đó, tranh chấp trong nước chiếm tỷ lệ 71,52%, cao nhất trong các năm. Tranh chấp có yếu tố nước ngoài chiếm 28,48%. Hiện nay đã có trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có doanh nghiệp có tranh chấp được giải quyết tại VIAC. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Singapore vẫn tiếp tục là những quốc gia có số lượng doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp nhiều nhất tại VIAC. Thống kê cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng quan tâm và lựa chọn VIAC nhiều hơn. Ngoài các địa bàn kinh tế trọng điểm (Hà Nội, TP HCM, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai v.v…), đã xuất hiện những doanh nghiệp tại các địa phương khác cũng đã sử dụng VIAC để giải quyết tranh chấp. Tính đến nay đã có 36/63 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp có tranh chấp tại VIAC. Nhiều doanh nghiệp tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài, các doanh nghiệp FDI tiếp tục tin tưởng lựa chọn VIAC để giải quyết tranh chấp. Lĩnh vực tranh chấp ngày càng phong phú, đa dạng hơn và liên quan đến tất cả các lĩnh vực thương mại gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và thương mại đầu tư.

Với mục đích nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp, VIAC không ngừng cải tiến quy trình, thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp. Việc ban hành Quy tắc tố tụng trọng tài năm 2017 được đánh giá mang lại nhiều lợi ích tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp. Ba điểm mới đáng chú ý nhất của Quy tắc 2017 là quy định về tranh chấp từ nhiều hợp đồng (Điều 6), gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp (Điều 15) và thủ tục rút gọn (Điều 37). Các quy định mới này giúp các bên tiết kiệm được rất nhiều thời gian và giảm được khoảng 15% chi phí trọng tài. Bên cạnh đó còn giúp việc giải quyết tranh chấp được thống nhất, toàn diện hơn. Đặc biệt với quy định mới về thủ tục rút gọn tại Điều 37, thời gian giải quyết được rút ngắn, một số thủ tục tố tụng có thể rút gọn đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ bằng việc tổ chức phiên họp thông qua hình thức teleconference hoặc videoconference. Quy tắc 2017 là một điểm sáng thể hiện VIAC đã đáp ứng được yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp trong việc lựa chọn phương thức giải quyết nhanh chóng, linh hoạt và hiệu quả.

Để có thể sớm cung cấp dịch vụ hòa giải theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP, ngay sau khi Nghị định được ban hành, VIAC đã đăng ký bổ sung hoạt động hòa giải và đã Bộ Tư pháp chấp nhận. VIAC cũng đã chính thức thành lập Trung tâm Hòa giải Việt Nam (“VMC”), đang chuẩn bị tích cực soạn thảo Quy tắc hòa giải thương mại, Quy tắc đạo đức Hòa giải viên cũng như mời các chuyên gia có uy tín và kỹ năng hòa giải vào Danh sách Hòa giải viên của VMC.

Hoạt động quảng bá, xúc tiến của VIAC cũng đạt được những kết quả tốt. Bằng tất cả nỗ lực của nhân sự và Trọng tài viên, hình ảnh VIAC đã xuất hiện tại gần 500 sự kiện lớn nhỏ và gần 650 tin bài truyền thông, giúp VIAC gần hơn với cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, VIAC tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác tốt với Tòa án, cơ quan thi hành án, các bộ, ngành và các hiệp hội v.v... để thực hiện nhiệm vụ của VIAC. 

Năm 2018, hướng đến kỷ niệm 25 năm thành lập (28/04/1993 - 28/04/2018), VIAC sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để xứng đáng là địa chỉ tin cậy doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn khi có tranh chấp xảy ra. Chúng tôi tin rằng, với những tiền đề đã có cùng với sự quyết tâm, VIAC sẽ tiếp tục sẽ có một năm mới thành công.

LS. Vũ Ánh Dương

Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI