...

Tọa đàm Các dự án BOT - Chính sách và giải pháp

28 Tháng 10, 2019

Ngày 08/09/2017 vừa qua tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phối hợp cùng với Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (Viện PLD) tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Các dự án BOT – Chính sách và giải pháp” với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành cùng các luật sư, luật gia và đại diện doanh nghiệp. Tọa đàm tập trung khai thác những vấn đề thực tiễn xoay quanh các dự án BOT – vốn đang được coi là một trong những tác nhân cho việc gia tăng giá cả hàng hóa, ảnh hưởng đa diện tới cuộc sống của người dân, đồng thời đưa ra các kiến nghị, đề xuất thiết thực, quan trọng để giải quyết những hệ lụy tồn đọng đáng lo ngại nói trên của BOT.

tọa đàm bot

Bất cập làm méo mó chủ trương tốt

Về hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), Luật sư Nguyễn Tiến Lập – Trọng tài viên VIAC khắng định, đây là giải pháp phù hợp khi quốc gia một mặt đang đứng trước nợ công cao, quản trị công yếu kém, kết cấu hạ tầng lạc hậu, mặt khác Chính phủ gánh trên vai trách nhiệm duy trì tăng trưởng kinh tế và trách nhiệm giải trình. Rõ ràng BOT là giải pháp chính sách lý tưởng để tăng thêm nguồn tài chính, tận dụng công nghệ quản lý của tư vấn để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng cất lượng cũng như giảm áp lực trách nhiệm giải trình trực tiếp.

Đối lập với chủ trương của BOT tại các quốc gia khác là phải đảm bảo kinh phí, công nghệ và kinh nghiệm, tại Việt Nam “không có gì cũng có thể làm BOT” điều đó dấy lên lo ngại khi các nhà đầu tư chỉ lo “đặt gạch” làm sao để vào được dự án là xong bởi đầu tư BOT “kiểu gì cũng có lãi, siêu lợi nhuận...

Hay nói như Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, Trọng tài viên VIAC “BOT đang bóp chết nền kinh tế và doanh nghiệp, dồn gánh nặng chi phí lên người dân”.

Không thể phủ nhận BOT đã, đang và luôn là sự hứa hẹn tiềm năng trong việc mang lại bộ mặt mới và không ngừng phát triển cho giao thông đường bộ từ khi có nhiều hơn những con đường BOT, việc lưu thông trở nên ngày một dễ dàng và nhanh chóng. Song ở một số nơi, BOT không được triển khai đúng đắn, phù hợp đã gây ra những sai lệch về bản chất như thay vì thực hiện mở đường mới, thực chất chỉ là nâng câp con đường đã có, chỉ một đường duy nhất và không lắng nghe, quan tâm dến sự lựa chọn của người dân.

“Thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột, vì có khi người dân không đi một km đường nào cũng phải trả phí. Tôi cho rằng Bộ Giao thông Vận tải cần phải xử lý điều này, phải dời ngay trạm thu phí, không thể như vậy mãi được. Bởi dù chỉ trả một đồng nhưng bất công thì người dẫn cũng không chịu”, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.

Mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm còn người nghèo vẫn nặng gánh

Phát biểu tại tọa đàm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trường Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Trọng tài viên VIAC cho rằng BOT là mảnh đất màu mỡ cho các nhóm lợi ích. Ông nhấn mạnh điều này đã được Thanh tra Chính phủ phát hiện, rằng Nhà đầu tư khi nhận dự án đã mang đi bán lại quyền thực hiện dự án và lấy tiền chênh lệch lớn, khiến chi phí dự án đội giá lên hàng ngàn tỷ đồng. Đó là chi phí của nhóm lợi ích và tham nhũng.

BOT là dùng vốn xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng nhưng ở Việt Nam toàn bộ quá trình này không được công khai và chịu sự giám sát của người dân. Kết quả là từ Bắc vào Nam tính tới thời điểm hiện tại có tới 82 trạm BOT, chi phí cho vận tải có nơi tăng lên trên 300 – 500%. Như vậy, với một doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, đôi khi chi phí BOT còn vượt cả chi phí xăng dầu.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, một xe chạy tuyến tính từ bến xe Nước Ngầm về Nam Định là 70 km mà mỗi tháng mất 18 triệu đồng tiền phí qua 2 trạm soát vé. Phí đường cao, DN vận tải đổ vào vé xe khách, đổ vào cước vận tải, cước vận tính được tính vào giá hàng hóa, như vậy tác động của BOT là toàn xã hội vì làm giá cả hàng hóa tăng lên.

Khi giá cả tăng, tính theo sức mua tương đương, người nghèo bị ảnh hưởng nhiều hơn người giàu, như vậy phí BOT cao, người dân nghèo bị trả giá nghiều nhất. Vậy nên nói không ảnh hưởng gì đến người nghèo là không đúng, TS Hoàng Ngọc Giao nguyên Viện trưởng viện PLD, Trọng tài viên VIAC cho biết.

Có thể khởi tố dự án BOT sai phạm

Tại tọa đàm, TS Nguyễn Sỹ Dũng cũng nhấn mạnh việc Thanh tra Chính phủ "điểm tên, chỉ mặt" những sai sót của một số dự án BOT của Bộ GTVT là rất cần thiết. Với những dự án sai phạm này, Thanh tra Chính phủ hoàn toàn có thể đề nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

“Để cấu thành tội phạm phải có yếu tố lỗi, nếu đơn vị không có trình độ quản lý gây thất thoát tài sản quốc gia, hay không tuân thủ quy định của nhà nước, có lợi ích nhóm…thì những yếu tố lỗi đó thì sẽ cấu thành tội phạm”, ông Dũng dẫn chiếu.

Tọa đàm kết thúc ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, đặc biệt là các đề xuất, kiến nghị của chuyên gia tham dự tọa đàm với mong muốn cải thiện nhanh chóng, dứt khoát tình hình nói trên. Trong đó, vai trò của Chính phủ, thanh tra Chính phủ được nhấn mạnh với sự kỳ vọng vào nỗ lực của cơ quan này trong việc phát hiện xử lý nghiêm các sai phạm cũng như rà soát và thay đổi chính sách một cách phù hợp nhằm khai thác đúng bản chất tích cực của BOT.

*Tải tài liệu hội thảo đính kèm dưới đây

Tải file đính kèm: Click vào đây.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI