...

Tọa đàm “Góp ý báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng hợp tác công - tư và báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam”

15 Tháng 6, 2023

Sáng ngày 14/06/2023, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ tổ chức Tọa đàm “Góp ý Báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng hợp tác công – tư và Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam”.

 

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Chương trình diễn ra với sự tham gia của hơn 150 đại biểu tham dự trực tiếp tại hội trường và thông qua các nền tảng trực tuyến, bao gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các ban quản lý dự án, pháp chế doanh nghiệp, luật sư, luật gia, đại diện từ các cơ sở đào tạo cùng các đơn vị truyền thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội – chia sẻ, từ kinh nghiệm đi trước của các quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam, hình thức hợp tác công - tư (PPP) được xem là giải pháp phát huy thế mạnh của cả khu vực công và khu vực tư, cùng hợp lực để thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, các dịnh vụ công v.v. nhằm giảm áp lực cho ngân sách quốc gia và giảm sự lệ thuộc vào nguồn vốn viện trợ hoặc vay ưu đãi nước ngoài, nâng cao hiệu quả đầu tư, cải thiện chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân, đồng thời giảm các tiêu cực trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.
 

 

Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu Khai mạc tại Tọa đàm

Với đặc điểm quy mô lớn cùng với thời gian thực hiện dài, các dự án PPP đòi hỏi phải có cơ chế sắp xếp tài chính phù hợp, hợp đồng cần được soạn thảo, rà soát kỹ lưỡng để tăng cường tính bền vững đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quá trình triển khai dự án. Theo đó, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh các hoạt động rà soát, nghiên cứu quy định pháp luật, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sắp xếp tài chính, mô hình tài chính cho dự án và các điều khoản hợp đồng mẫu là vô cùng cần thiết, đồng thời giúp cả phía cơ quan nhà nước và khối tư nhân có thêm các thông tin và sáng kiến để thực hiện hợp tác công tư hiệu quả, giúp tận dụng nguồn lực xã hội cho mục tiêu công – mục tiêu cải thiện đời sống kinh tế xã hội của người dân Việt Nam.
Đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) – Ông Phan Vinh Quang, Trưởng nhóm Chuyên gia, Dự án AEO, USAID – chia sẻ, trong bối cảnh phát triển hiện tại của Việt Nam, việc huy động nguồn lực vốn, công nghệ, kinh nghiệm khu vực tư vào xây dựng, vận hành cơ sở hạ tầng của Việt Nam là vô cùng quan trọng. Sự liên hệ giữa cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế là mối liên hệ hữu cơ tỷ lệ thuận với nhau, cơ sở hạ tầng là tiền đề cho sự phát triển, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, mở rộng tới đâu thì sẽ có cuộc sống mới, sinh kế phát triển đến đó, kéo theo cơ hội việc làm cùng nhiều khía cạnh mới có thể được gây dựng nên.
 

Ông Phan Vinh Quang – Trưởng nhóm Chuyên gia, Dự án AEO, Cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) phát biểu khai mạc tại Tọa đàm

Trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực, tăng cường khả năng thích ứng và phát triển bền vững” mà USAID đồng hành cùng VIAC và VCCI, USAID hy vọng sẽ giúp Việt Nam tiếp cận hiệu quả các bài học, cả thành công và thất bại, từ mô hình hợp tác công – tư (PPP) trên thế giới, nhằm chia sẻ với các nhóm nghiên cứu về thực tiễn quốc tế trong lĩnh vực này. Và với hai dự thảo báo cáo được thực hiện và lấy góp ý tại tọa đàm, các nhóm nghiên cứu tập trung vào hai khía cạnh: Hợp đồng PPP để cân bằng lợi ích và cân bằng lợi ích tư nhân trong hợp đồng PPP. Ông Phan Vinh Quang cũng hy vọng, trong bối cảnh nguồn vốn hạn chế, Việt Nam có thể tham khảo các quốc gia đối tác để tìm ra phương án tiếp cận, thu hút nguồn vốn thực hiện các dự án PPP.   

Buổi tọa đàm được bắt đầu với dự thảo báo cáo lần lượt được trình bày bởi các báo cáo viên, bao gồm Dự thảo Báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng hợp tác công – tư do TS. LS. Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, Trọng tài viên VIAC, trình bày và Dự thảo Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam do Ông Phan Vinh Quang, Trưởng nhóm Nghiên cứu, Dự án AEO, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) báo cáo.

TS. LS. Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink trình bày Dự thảo báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng hợp tác công – tư 

Trong đó, Báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng công – tư được thực hiện trong bối cảnh thiếu hụt các quy định hướng dẫn cụ thể thi hành Luật PPP, được Quốc hội thông qua ngày 18/06/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Bên cạnh đó, việc thiếu các mẫu hợp đồng dự án PPP cũng góp phần là nguyên nhân khiến các bộ, ngành, địa phương gặp khó khan, lúng túng trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị và triển khai dự án đầu tư PPP.  Đặt trong bối cảnh trên đây, Báo Cáo này có mục đích rà soát, đánh giá hiện trạng pháp luật về PPP nói chung và các mẫu Hợp đồng BOT, BLT và O&M áp dụng trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thoát nước và xử lý chất thải, có tham khảo kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn triển khai hợp đồng dự án PPP tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới. Trên cơ sở đó, Báo Cáo sẽ đưa ra những khuyến nghị về việc bổ sung, chi tiết hóa các quy định tại Mẫu Hợp đồng BOT trong quá trình soạn thảo, đàm phán, ký kết các Hợp đồng BOT; đồng thời đưa ra các đề xuất, gợi ý về các tiêu chí xây dựng các Mẫu Hợp đồng BLT và Hợp đồng O&M trong thời gian tới.

Ông Phan Vinh Quang, Trưởng nhóm Nghiên cứu, Dự án AEO, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) trình bày Dự thảo Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam

Đối với Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, Báo cáo được thực hiện nhằm xem xét những phương thức mới, sáng tạo đã được thực hiện trên thế giới để thu hút các nhà đầu tư, tổ chức vào cơ sở hạ tầng cũng như đánh giá những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư đến Việt Nam. Theo Báo cáo Viễn cảnh cơ sở hạ tầng toàn cầu (Global Infrastructure Outlook), Việt Nam sẽ cần hơn 600 tỷ USD để đạt được các mục tiêu về cơ sở hạ tầng vào năm 2040. Nguồn ngân sách truyền thống sẽ không đủ để giải quyết các nhu cầu tài chính đó. Cơ sở hạ tầng của Việt Nam hầu hết được đầu tư trực tiếp bởi chính phủ và các cơ quan khác thuộc khu vực công, chẳng hạn như chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước, trong khi sự tham gia của khu vực tư nhân còn hạn chế. Khi ngân sách nhà nước chịu thêm gánh nặng bởi các khoản chi tiêu liên quan đến COVID-19, khả năng tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng mới ngày càng bị giới hạn. Do đó, Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị Chính phủ Việt Nam (GOV) cần xác định những phương thức mới để huy động nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Tại phần thảo luận, các chuyên gia khách mời và người tham dự tại chỗ cũng đã có tham luận góp ý và trao đổi các nội dung xoay quanh hai dự thảo báo cáo, để Ban soạn thảo có thêm góc nhìn khách quan, cả góc độ nghiên cứu và thực tiễn, nhằm hoàn thiện hai báo cáo nói trên.

 

PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), Trọng tài viên VIAC góp ý tại Tọa đàm

Góp ý cho dự thảo báo cáo, PGS. TS. Trần Chủng đã có những nhận định về hợp đồng trong nền kinh tế thị trường đồng thời nhấn mạnh hợp đồng PPP là một trong những vấn đề mới và khó. Tình trạng đầu tư công trình PPP trong bối cảnh hiện nay vẫn còn ảm đạm. Một số vấn đề được PGS. TS kiến nghị trong buổi tọa đàm là phải quy định rõ quyền, trách nhiệm của các bên trong hợp đồng PPP, xác định nguyên tắc bình đẳng giữa các bên, quy định quyền và nghĩa vụ để xử lý nếu có vi phạm của các bên. Cụ thể hóa hơn nữa về thẩm quyền chấm dứt hợp đồng PPP. Bổ sung các điều kiện chuyển giao và đặt ra những yêu cầu về công nghệ kỹ thuật để xây dựng và bảo đảm duy trì chất lượng công trình vào Hợp đồng O&M để sớm được đưa vào khai thác.

LS. Lê Nết, Phó Chủ tịch Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam (SCLVN), Trọng tài viên VIAC tham luận góp ý tại Tọa đàm

Tiếp nối phần góp ý cho dự thảo báo cáo, TS. LS. Lê Nết, Phó Chủ tịch Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam (SCLVN), Trọng tài viên VIAC đánh giá cao bản dự thảo khi đã so sánh với các báo cáo khác cùng chủ đề trong nước và nêu ra được các khó hem trong các dự án cụ thể, tuy nhiên ông cũng đề xuất nhóm nghiên cứu sẽ chi tiết hóa phần đề xuất, bao gồm cả đánh giá tính khả thi của các đề xuất được đưa ra trong Dự thảo báo cáo. Trong đó, ông nhấn mạnh “Cần quy định hệ thống pháp lý rõ hem, thủ tục nhanh gọn, các cam kết để giảm thiểu cạnh tranh, tham khảo hem các mẫu hợp đồng quốc tế và đưa ra những yêu cầu cho việc chấm dứt hợp đồng, đảm bảo có lợi cho các bên trên thực tế.”

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tham gia góp ý tại Tọa đàm

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã đưa ra các phương án với mục tiêu hỗ trợ tài chính như sử dụng ngân hàng phát triển để đầu tư cho quỹ. Trên thực tế tại Việt Nam đã áp dụng mô hình này, tuy nhiên đã dừng lại do năng lực quản trị của ngân hàng chưa đủ mạnh. Phân tích về hợp đồng BOT trong lĩnh vực giao thông, ông Nguyễn Minh Đức cũng chỉ ra: “…Các nhà đầu tư có mong muốn thỏa thuận về cơ cấu tổ chức giao thông (các con đường song song trên tuyến đường đầu tư, việc đặt các biển cấm, …). Sự thỏa thuận giữa nhà đầu tư và nhà nước về vấn đề này rất khó để cam kết trong hợp đồng, vì Nhà đầu tư khó có thể cam kết dài hạn, và nhà đầu tư nếu không có cam kết sẽ gặp nhiều rủi ro. Do đó, cần có chỉ dẫn cụ thể hơn để quá trình đàm phán diễn ra thuận lợi hơn”.."

TS. Đặng Hoàng Mai, Phó Trưởng Bộ môn Quản lý dự án & Pháp luật - Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội góp ý tại Tọa đàm

Đóng góp cho dự thảo báo cáo, TS. Đặng Hoàng Mai, Phó Trưởng Bộ môn Quản lý dự án & Pháp luật - Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, dưới góc độ là nhà nghiên cứu đã đưa ra các đóng góp về nội dung “Khung pháp luật điều chỉnh hợp đồng dự án PPP”, nội dung “Rà soát, đánh giá nội dung mẫu hợp đồng BOT thuộc ngành GTVT và khuyến nghị áp dụng” cũng như “Các chỉ dẫn, tiêu chí soạn thảo hợp đồng BLT và O&M”. Bà cũng nhận định rằng: “Hợp đồng dự án PPP là một loại hợp đồng đặc thù và phức tạp mà Việt Nam mới chỉ ở những bước đi đầu tiên trong “chiếc áo” PPP, nên việc tiếp tục nghiên cứu lý thuyết, đúc kết, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia đi trước là cần thiết để từng bước hoàn thiện quy trình thực hiện dự án PPP nói chung và hợp đồng dự án PPP nói riêng, hướng đến mục tiêu đạt được hiệu quả hợp tác giữa nhà nước và tư nhân để phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại”.

Ths. Nguyễn Mai Linh, Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội

Đại diện cho Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, Ths. Nguyễn Mai Linh đã đưa ra góp ý cho nội dung về rà soát, đánh giá nội dung mẫu hợp đồng BOT thuộc ngành giao thông vận tải và đưa ra ý kiến bước đầu về việc bổ sung nội dung rà soát, khuyến nghị về điều khoản giải quyết tranh chấp. Ths. Nguyễn Mai Linh đánh giá rằng các điều khoản về cơ chế giải quyết tranh chấp trong mẫu Hợp đồng BOT còn chung chung, chưa cụ thể hoá được các nội dung quan trọng như phạm vi giải quyết tranh chấp, điều kiện áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp, luật áp dụng, thủ tục giải quyết tranh chấp v.v. Mặc dù các điều khoản mẫu chỉ mang tính chất tham khảo và các bên có thể bổ sung các quy định liên quan khác cho phù hợp trong các dự án PPP cụ thể, nhưng việc chi tiết hoá các điều khoản giải quyết tranh chấp sẽ giúp cho các bên trong hợp đồng có định hướng rõ ràng hơn về trình tự giải quyết tranh chấp tương ứng với các loại tranh chấp. Việc chi tiết hóa này cũng hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của các mẫu Hợp đồng BOT của nhiều quốc gia trên thế giới và của các tổ chức quốc tế.

Các đại biểu tham dự phát biểu ý kiến tại buổi Tọa đàm

Buổi tọa đàm cũng nhận được nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp tại sự kiện, đó là những ý kiến mang tính đóng góp, mở ra nhiều những vấn đề cần lưu tâm cho các tác giả để hoàn thiện hơn nữa hai bản Dự thảo Báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng hợp tác công – tư Dự thảo thảo Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam nhằm chuẩn bị công bố báo cáo trong thời gian tới.

________________________________

Đính kèm:

📁 Xem và tải về tài liệu tọa đàm tại đây

🖼 Xem một số hình ảnh tại tọa đàm tại đây

🎦 Xem lại phần ghi hình tọa đàm tại đây

 

 

 

 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI