...

Tọa đàm Góp ý Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư: Hợp đồng PPP và giải quyết tranh chấp

07 Tháng 5, 2020

Ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ, LS. Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (từ sáng qua phải)

Ngày 6/5/2020, tại Hà Nội, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đồng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Hợp tác công tư - Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Tọa đàm “Góp ý Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP): Hợp đồng PPP và giải quyết tranh chấp” nhằm tạo diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia và các nhà đầu tư thảo luận, trao đổi ý kiến về việc hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý cũng như giải pháp thúc đẩy các dự án PPP.

Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các chuyên gia, trọng tài viên, các nhà đầu tư, lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ.

Toàn cảnh Tọa đàm góp ý 

Như đã biết, Việt Nam hiện đã triển khai 336 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ chiếm tỷ trọng lớn nhất và đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù các dự án PPP đã xuất hiện từ năm 1997, thay vì được điều chỉnh bởi một đạo luật riêng, đến nay, khuôn khổ pháp lý áp dụng cho lĩnh vực này là Nghị định (Nghị định 63/2018/NĐ-CP) được xây dựng trên cơ sở Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công… Khi thể chế về PPP chưa hoàn chỉnh đã gây ra nhiều bất cập, khó khăn trong việc thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và nhiều dự án cũng để lại những bức xúc trong xã hội.

Các chuyên gia trình bày tham luận góp ý dự thảo Luật dầu tư theo phương thức đối tác công tư

Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) đang được triển khai, Dự thảo Luật PPP hiện nay đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thẩm tra theo quy định và chuẩn bị đưa ra xem xét, thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2020. Mặc dù Dự thảo Luật PPP mới nhất (bản Dự thảo tháng 4/2020) đã tiếp thu và hoàn thiện hơn so với trước đây, song vẫn còn nhiều nội dung liên quan đến các chủ thể, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể với tài sản là công trình của dự án, những vướng mắc, tranh chấp, xử lý sai phạm chưa được nêu một cách thấu đáo, cần được tiếp tục nghiên cứu, thảo luận làm rõ.

Các chuyên gia trình bày tham luận góp ý dự thảo Luật dầu tư theo phương thức đối tác công tư

Các tham luận và thảo luận tại toạ đàm “Góp ý Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Hợp đồng PPP và giải quyết tranh chấp” xoay quanh các vấn đề về quyền và lợi ích của nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án, thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng PPP, giám sát thực hiện hợp đồng trong giai đoạn xây dựng, quyết toán công trình, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, giải quyết kiến nghị, tranh chấp và xử lý vi phạm… sẽ giúp nhà làm luật xây dựng được thể chế pháp lý phù hợp, góp phần ghi nhận và bảo vệ một cách có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Sau buổi toạ đàm, trên cơ sở đóng góp của các đại biểu tham dự, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp và báo cáo đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Kết quả các buổi tọa đàm này đã được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan chủ trì xây dựng Luật tiếp thu và nghiên cứu để hoàn thiện Dự thảo.

___________________________

*Tài liệu đính kèm:

1. Tài liệu hội thảo: tải bản đầy đủ tại đây hoặc tải về các bài riêng dưới đây

2. Một số hình ảnh tại hội thảo (Xem tại đây)

Tin liên quan