...

Tọa đàm Thực tiễn áp dụng Công ước Viên 1980 - bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

28 Tháng 10, 2019

Sáng ngày 20-1-2016, tại phòng A905, nhóm Nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường “Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) 1980: Luật và án lệ” đã tổ chức tọa đàm “Thực tiễn áp dụng Công ước Viên 1980 – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” với sự tham gia của Thẩm phán Nguyễn Công Phú – Phó chánh Tòa kinh tế TP.HCM, ThS. Châu Việt Bắc – Phó tổng thư ký VIAC, PGS. TS. Đỗ Văn Đại – Trưởng khoa Luật Dân sự, TS. Trần Việt Dũng – Trưởng khoa Luật Quốc tế (Luật QT), TS. Lê Thị Nam Giang – Phó trưởng khoa Luật QT kiêm Giám đốc (GĐ) Trung tâm Sở hữu trí tuệ; đại diện của câu lạc bộ nghiên cứu CISG, thành viên đề tài, toàn thể giảng viên Bộ môn Luật Thương mại QT, giảng viên Khoa Luật QT, một số học viên cao học và sinh viên. Mục đích của buổi tọa đàm nhằm chia sẻ thông tin và tạo cơ hội hợp tác nghiên cứu về Công ước Viên 1980.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Lê Thị Ánh Nguyệt – Trưởng bộ môn Luật Thương mại QT kiêm Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Luật Nhật Bản, Chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh tầm quan trọng của CISG và tính cần thiết về việc nghiên cứu CISG, đặc biệt trong bối cảnh Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký Quyết định về việc Việt Nam gia nhập CISG vào ngày 24/11/2015 vừa qua.

Nội dung tọa đàm được trình bày chi tiết trong kỷ yếu tọa đàm, bao gồm 10 bài tham luận có chất lượng và nghiêm túc từ các thành viên nhóm nghiên cứu, các giảng viên tổ bộ môn Luật thương mại QT về thực tiễn vận dụng CISG liên quan đến các chế định rất cơ bản của Công ước này bởi tòa án, trọng tài của các thành viên CISG 1980. Ngoài ra, tọa đàm còn nhận được rất nhiều chia sẻ sâu sắc của các thẩm phán, lluật sư giàu kinh nghiệm về thực tiễn vận dụng CISG 1980 và các quy định pháp luật Việt Nam tại tòa án, trọng tài VIAC Việt Nam. Vì thời gian giới hạn, tọa đàm chỉ trình bày những tham luận sau đây:

Phiên thứ nhất: Gồm 03 tham luận

1.Tổng quan CISG và thực tiễn áp dụng tại Hoa Kỳ - TS. Lê Thị Ánh Nguyệt

2.Phạm vi áp dụng theo Điều 3 CISG - ThS. Lê Tấn Phát – ThSS. Nguyễn Hoàng Thái Hy

3.Thực tiễn giải quyết tranh chấp về hình thức và giao kết hợp đồng theo CISG - ThS. Trần Thị Thuận Giang

Phiên thứ hai: Gồm 04 tham luận

1.Nachfrist Notice: Cơ hội thứ hai cho bên vi phạm - ThS. Nguyễn Chí Thắng

2.Một số vấn đề về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng – luật và án lệ của CISG - ThS. Lê Tấn Phát

3.Vấn đề bồi thường thiệt hại phi vật chất theo CISG – lý luận và thực tiễn xét xử - ThS. Nguyễn Thị Lan Hương – GV. Phạm Thị Hiền

4.Thực tiễn áp dụng CISG 1980 tại tòa án Việt Nam và VIAC - thẩm phán Nguyễn Công Phú – Phó chánh Tòa kinh tế; ThS. Châu Việt Bắc – Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế VIAC.

Bằng phương pháp báo cáo và bình luận trực tiếp, Tọa đàm đã nhận được rất nhiều câu hỏi, nhận xét, chia sẻ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của mọi người đếnbảo lưu về hình thức của hợp đồng nêu tại Điều 11, 29, phần thứ II phù hợp với Điều 12 và 96 CISG; quyền tự do thỏa thuận áp dụng và loại bỏ CISG 1980; bồi thường thiệt hại theo Điều 79 và bồi thường phi vật chất và thực tiễn có liên quan tại Việt Nam.

Kết thúc tọa đàm, chủ nhiệm đề tài khẳng định những lợi ích cũng như thách thức cho cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan tài phán và các doanh nghiệp của Việt Nam. Cụ thể:

1. Thực tiễn vận dụng CISG 1980 bởi các thành viên CISG rất phong phú, phức tạp và đa dạng, cần được nghiên cứu, tìm hiểu một cách hệ thống, nghiêm túc và chi tiết.

2. Công ước CISG 1980, mặc dù có một số quy định khác biệt so với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam về mua bán hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên, trong một chừng mực nhất định, CISG vẫn tốt hơn vì chi tiết hơn và cụ thể hơn so với pháp luật Việt Nam.

3. Việc gia nhập CISG không gây áp lực về vấn đề nội luật hóa CISG trong pháp luật Việt Nam.

4. Việc gia nhập CISG của Việt Nam thể hiện nỗ lực tích cực của Việt Nam trong việc hài hòa hóa các quy định pháp luật của Việt Nam với các pháp luật, quy tắc, chuẩn mực pháp lý quốc tế trong hoạt động mua bán hàng hóa. Điều này góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm, thiết lập và duy trì quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài khẳng định tọa đàm này góp phần tích cực vào việc hoàn thiện tốt hơn nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài và đồng thời khẳng định Tọa đàm chỉ là cơ hội để bắt đầu hợp tác và chia sẻ thông tin của quá trình nghiên cứu thực tiễn đồ sộ của CISG tại 84 nước thành viên CISG. Nhóm nghiên cứu chân thành cảm ơn mọi người và hy vọng được tiếp tục hợp tác lần sau.

Theo Phạm Thị Hiền, Lê Thị Ánh Nguyệt Trang Thông tin Điện tử Trường ĐH Luật Tp.HCM

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI