...

Tọa đàm Xử lý tranh chấp tín dụng tại tòa án và trọng tài

28 Tháng 10, 2019

Ngày 27 tháng 4 năm 2016, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) và Hiệp Hội Ngân Hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức Hội thảo “Xử lý tranh chấp tín dụng tại Trọng tài và Tòa án”.

Chủ trì Hội thảo: Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC và Bà Lê Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký VNBA.

Hội thảo hướng tới việc cung cấp thông tin tới các Doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng là hội viên của VNBA có hoạt động cấp tín dụng về những vấn đề pháp lý đang vướng mắc được tổng hợp từ các tranh chấp tín dụng cụ thể tại Tòa án và trọng tài, đặc biệt là những vướng mắc lớn mà các Doanh nghiệp hội viên VNBA gặp phải trong quá trình thu hồi các khoản tín dụng cấp cho khách hàng, từ đó rút ra những lưu ý và khuyến nghị cho các Doanh nghiệp hội viên nhằm giảm thiểu rủi ro pháp lý trong các hoạt động tín dụng của mình.

Các tham luận tại Hội thảo được chuẩn bị bởi các chuyên gia pháp lý, chuyên gia tài chính ngân hàng có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu chuyên sâu và có hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực tranh chấp về các dịch vụ ngân hàng.  

PGS Tiến sỹ Đỗ Văn Đại, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Pháp lý VIAC là chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu các vụ việc cụ thể tại Tòa án, mang tới Hội thảo tham luận: “Thực trạng giải quyết tranh chấp tín dụng tại Việt Nam: Kinh nghiệm xử lý và những điểm cần lưu ý”. Tham luận đã phân tích những vụ việc cụ thể, đã được giải quyết tại các cấp Tòa án, từ đó nêu ra những vấn đề pháp lý còn đang được giải thích và xử lý chưa thống nhất trong quá trình một tổ chức tín dụng khởi kiện để đòi lại các khoản nợ từ khách hàng vay vốn tại Tòa án, từ đó nêu ra các khuyến nghị tới các Ngân hàng nhằm phòng tránh rủi ro pháp lý.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trọng lĩnh vực ngân hàng, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC mang tới Hội thảo tham luận Quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015 về tín dụng với góc nhìn phản biện từ thực tiễn và so sánh từ nhiều văn bản luật điều chỉnh hoạt động tín dụng của ngân hàng.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiến, Trọng tài viên VIAC tham gia trình bày chủ đề: “Kinh nghiệm xử lý tranh chấp thanh toán quốc tế và bài học kinh nghiệm” nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp các lưu ý và bài học kinh nghiệm trong hoạt động thanh toán quốc tế.

Đại diện của Tòa án có ông Hoàng Ngọc Thành, Chánh Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tham gia trình bày về thực trạng giải quyết tranh chấp tín dụng tại Tòa án và đưa ra các lưu ý, khuyến nghị cho các doanh nghiệp khi tham gia giải quyết tranh chấp tại Tòa án.

Luật sư Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký VIAC đã giới thiệu về phương thức trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp thương mại nói chung và tranh chấp tín dụng nói riêng. Với nhiều ưu điểm như thủ tục linh hoạt, đáp ứng tối đa quyền tự do thỏa thuận của các bên tranh chấp, thời gian giải quyết ngắn, không công khai, đặc biệt là phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm và được chuyển thẳng sang cơ quan thi hành án để cưỡng chế thi hành, trọng tài thương mại là phương thức hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp tín dụng hiện nay.

Tại phần thứ hai của tọa đàm, các diễn giả đã lắng nghe và giải đáp những câu hỏi từ phía người tham dự, gỡ các vướng mắc trong thực tiễn thực thi pháp luật cũng như những phản xạ, cách xử lý tình huống khi có tranh chấp xảy ra.

Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của hơn 100 đại diện đến từ các tổ chức tín dụng của Việt Nam các báo cáo tham luận và thông tin liên quan được đưa trên trang thông tin điện tử: www.viac.vn và https://www.facebook.com/viac.

            Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ:

Ban Xúc tiến và Đào Tạo – Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Việt Nam

Điện thoại: 35744001/ 103 (Ms Vũ Thị Hằng)

Email: hang.vu@viac.org.vn

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Vui lòng tải tài liệu hội thảo đính kèm dưới đây.

Tải file đính kèm: Click vào đây.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI