Thế nhưng, tranh chấp bảo hiểm có xu hướng tăng trong thời gian gần đây với “tính chất ngày càng phức tạp hơn”, ông Vũ Ánh Dương, Tổng Thư ký, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tại Hội thảo “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải – Phương án khả thi cho doanh nghiệp bảo hiểm”, hôm 17.7.
Số liệu Cục Quản lý Bảo hiểm công bố năm 2017 cho thấy thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tăng trưởng bền vững, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 40,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,61% so với năm 2016.
Về mặt lý thuyết, kinh doanh bảo hiểm là hoạt động thương mại của doanh nghiệp nhằm mục đích sinh lợi. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho người được bảo hiểm hoặc trả tiền bảo hiểm cho người được thụ hưởng khi xảy ra.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nghiệp kinh doanh bảo hiểm và người mua bảo hiểm thường phải đối mặt với những rủi ro nhất định. Một số rủi ro có thể tránh được bằng biện pháp phòng ngừa kịp thời nhưng một số không thể tránh khỏi và nằm ngoài tầm kiểm soát của một doanh nghiệp.
“Đến nay, vẫn chưa thể có được con số thống kê chính thức về số vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm đã phát sinh hàng năm trên toàn thị trường bảo hiểm Việt Nam”, luật sư Phạm Thanh Hải, Trưởng ban Bán chuyên trách Pháp chế phi nhân thọ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết.
Nội dung tranh chấp giữa các bên thường liên quan đến: Thực hiện nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm đúng và đầy đủ, hiệu lực hợp đồng bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm và/hoặc điều kiện loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và mức độ tổn thất.
Ngoài ra, trong kinh doanh bảo hiểm còn có một loại tranh chấp đặc thù, đó là tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm.
Luật sư Phạm Thanh Hải cho biết, trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam có sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực trên cả nước. Tranh chấp bảo hiểm phát sinh là điều khó tránh khỏi, do 4 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, việc thực thi Luật Kinh doanh bảo hiểm nói riêng, các quy định liên quan nói chung, còn hạn chế.
Thứ hai, các doanh nghiệp bảo hiểm chưa tuân thủ nghiêm túc quy trình khai thác, giám định bồi thường, điều kiện, điều khoản bảo hiểm.
Thứ ba, người được bảo hiểm có nhận thức về pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hiểm còn hạn chế.
Thứ tư, các tài phán (quan tòa, trọng tài) độ chuyên sâu có phần hạn chế do hầu hết là kiêm nhiệm.
Hiện nay, trên thị trường kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và người được bảo hiểm đang sử dụng các phương thức hòa giải, tòa án và trọng tài để xử lý các tranh chấp.
“Tôi cho rằng, trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp định hướng cho các doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời làm giảm sự quá tải về số lượng vụ việc cho hệ thống tòa án”, bà Hải nói từ kinh nghiệm hơn 20 làm việc trong lĩnh vực này.
Ngày 24.2.2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về Hòa giải thương mại. Trước đó, vào năm 2015 Quốc hội đã ban hành Bộ luật tố tụng Dân sự, trong đó dành hẳn 1 chương để quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Theo đó, Tòa án sẽ công nhận các kết quả hòa giải được tiến hành theo thủ tục hòa giải.