...

Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam: Thách thức cạnh tranh và hội nhập

28 Tháng 10, 2019

Giải quyết 180 vụ tranh chấp với tổng trị giá tranh chấp lên tới 9.400 tỷ đồng, năm 2018 là một năm hoạt động được đánh giá “vượt ngoài mong đợi” của  Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đánh dấu chặng đường 25 năm hoạt động. Song theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC, trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập, VIAC đang ở trong thế “ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”.

Các Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Báo cáo của VIAC tại Hội nghị tổng kết năm 2018 tổ chức cuối tuần qua cho biết, năm 2018 là năm VIAC nhận được nhiều vụ tranh chấp yêu cầu giải quyết bằng trọng tài và hòa giải thương mại nhất trong vòng 25 năm qua (180 vụ) và trị giá tranh chấp nhiều nhất trong vòng 25 năm qua (gần 9.400 tỷ đồng).

“Nếu tính tổng hợp, số vụ VIAC giải quyết tranh chấp trong 5 năm gần đây bằng  20 năm trước cộng lại “- Luật sư Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký VIAC cho biết. Cũng theo ông Dương, đến nay đã có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có tranh chấp đã sử dụng VIAC để giải quyết, 10 quốc gia có số vụ tranh chấp, nhiều nhất là Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc...

Về lĩnh vực tranh chấp, nếu như trước đây, tranh chấp chủ yếu là tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa thì trong năm 2018, lĩnh vực tranh chấp đa dạng hơn, ngoài tranh chấp mua bán hàng hóa còn tranh chấp liên quan đến bảo hiểm, bất động sản, tài chính - ngân hàng…, Điều này cũng giải thích vì sao trị giá các tranh chấp  năm 2018 cao kỷ lục, lên tới gần 9.400 tỷ đồng.

Không chỉ bằng các con số định lượng, Tổng Thư ký VIAC nhấn mạnh,  chất lượng giải quyết tranh chấp đã được cải thiện rõ nét, quy trình giải quyết tranh chấp ngày càng hoàn thiện hơn. “Trước đây 10 hợp đồng thì phải thụ lý 10 vụ, nhưng theo thủ tục rút gọn chỉ cần giải quyết bằng 1 vụ. Đã có trường hợp 63 hợp đồng, VIAC gộp lại thành 1 vụ.

Điều này rút ngắn được thời gian giải quyết tranh chấp, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc cho các bên …”- Luật sư Dương dẫn chứng. Hay như trước đây theo quy tắc tố tụng trọng tài phải có 3 trọng tài viên thì nay theo quy tắc rút gọn, chỉ cần 1 trọng tài viên giải quyết tranh chấp. “Việc này tiết kiệm được thời gian, chi phí đáng kể cho các bên. Có những vụ VIAC chỉ giải quyết trong 24 ngày…”- Luật sư Dương cho hay.

Đặc biệt, một điểm sáng của VIAC trong năm 2018 là đã thành lập Trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC với  50 hòa giải viên, trong đó có 13 người nước ngoài, tất cả đều là những chuyên gia trong lĩnh vực hòa giải nói riêng và giải quyết tranh chấp nói chung, trong đó có nhiều hòa giải viên có chứng chỉ quốc tế, họ cũng là những chuyên gia có uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp…

Mặc dù gặt hái được những thành công ngoài mong đợi, song theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC, VIAC đang đối mặt với rất nhiều thách thức trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Trước hết, đó là thị trường dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đang được chia sẻ bởi ngày càng nhiều tổ chức trọng tài trong và ngoài nước khác; trong khi đó, doanh nghiệp vẫn còn chưa nhận thức được đúng và đầy đủ về phương thức trọng tài nói chung và VIAC nói riêng nên chưa chọn VIAC hoặc chọn nhưng thỏa thuận trọng tài không chính xác… Theo Chủ tịch VIAC, sự cạnh tranh này “rất dữ dội”.

Theo số liệu của VIAC, trong tổng số 180 vụ tranh chấp VIAC đã tiếp nhận năm 2019, tranh chấp có yếu tố nước ngoài  chiếm 51%, tăng 211,6% so với năm 2017; tranh chấp trong nước là 89 vụ, chiếm 49%, giảm 17,6% so với năm 2017.

Các tranh chấp tại trọng tài ngày càng phức tạp, đa dạng hơn, ngày càng có nhiều yếu tố nước ngoài hơn, đòi hỏi các Trọng tài viên không những phải có năng lực chuyên môn và kỹ năng giải quyết tranh chấp tại trọng tài tốt hơn mà còn thông thạo ngoại ngữ: “Đơn cử vừa rồi có vụ tranh chấp liên quan đến tiếng Pháp nhưng tôi chỉ biết tiếng Anh. Thuê phiên dịch vừa tốn kinh phí nhưng quan trọng là qua phiên dịch sợ không truyền tải được đúng nội dung..” – Tổng Thư ký VIAC Vũ Ánh Dương dẫn chứng. Áp lực này đòi hỏi đội ngũ nhân sự cần phải có chuyên môn cao cũng như tác phong làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

“Cùng với việc xúc tiến, quảng bá hình ảnh VIAC, trong năm 2019, VIAC sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho  các trọng tài viên, hòa giải viên cũng như đào tạo nội bộ cho các doanh nghiệp,,,”- Tổng Thư ký VIAC cho hay.

Tại Hội nghị tổng kết, VIAC đã công bố 4 Ngôi sao giải quyết tranh chấp là Luật sư Trần Quang Cường,  GS.TS. Nguyễn Thị Mơ,  GS.TS Lê Hồng Hạnh và  Luật sư Nguyễn Ngọc Thạch;  4 Ngôi sao truyền thông và sự kiện là bà Nguyễn Thị Cúc,  Luật sư Trương Thanh Đức, Luật sư Nguyễn Tiến Lập và Luật sư Ngô Khắc Lễ.

Trước đó, tại Hội nghị  tổ chức tại TP HCM hôm 12/1, VIAC cũng tôn vinh 4 Ngôi sao giải quyết tranh chấp là Luật sư Nguyễn Ngọc Bích,  Luật sư Nguyễn Chính, PGS.TS Đỗ Văn Đại và  PGS.TS Phạm Duy Nghĩa; 4 Ngôi sao truyền thông và sự kiện là: TS Phạm Văn Chắt,  Luật sư  Nguyễn Mạnh Dũng, ông Nguyễn Ngọc Lâm và Luật sư Châu Huy Quang.

Theo Thanh Thanh Báo Pháp luật Việt Nam đăng ngày 21/01/2019

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI