Theo ông Phan Trọng Đạt – Phó Tổng Thư ký VIAC cho biết: “Quy tắc VIAC 2017 sắp sửa được áp dụng vào ngày 1.3 tới sẽ có thêm 3 điều mới và sửa đổi, bổ sung 15 điều cũ so với quy tắc năm 2012. 3 điều mới hoàn toàn là: Điều 6: Tranh chấp từ nhiều hợp đồng, Điều 15: Gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp và Điều 37: Thủ tục rút gọn".
Cụ thể, với các quy định hoàn toàn mới tại Điều 6 và Điều 15 các tranh chấp phát sinh từ nhiều quan hệ pháp luật đã có thể được gộp vào để giải quyết trong một vụ tranh chấp theo các quy định của pháp luật, giúp tiết kiệm từ 15%-37% phí trọng tài, giảm tối đa thời gian theo kiện của các bên (trước đây phải tham gia song song các vụ kiện tương tự nhau, nay chỉ cần tham gia 1 vụ kiện gộp) từ đó tiết kiệm được thêm các chi phí thuê luật sư, chi phí đi lại và các phí tổn khác cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thời gian giải quyết tranh chấp cũng được rút gọn hơn trong năm 2016, VIAC tiếp tục giữ vững tốc độ trung bình giải quyết tranh chấp là 153,6 ngày/vụ tranh chấp, có vụ thời gian giải quyết tranh chấp ngắn nhất là 7 ngày, 24 ngày.
“Tại điều 37, thủ tục trọng tài rút gọn hứa hẹn sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp tại VIAC, đặc biệt là đối với các vụ việc có tình tiết đơn giản; hồ sơ chứng cứ gọn nhẹ, điển hình là các tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm, mua bán hàng hóa” - ông Phan Trọng Đạt cho hay.
Trong suốt 20 năm qua, VIAC đã luôn song hành cùng VCCI, cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, luật sư, cơ quan quản lý nhà nước để luôn cải thiện, hoàn thành nhiệm vụ theo tinh thần minh bạch – hoàn thiện – hiệu quả. Bên cạnh đó, ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch VIAC cũng khẳng định rằng: "Trong số hàng ngàn vụ đã được xử lý, mấy trăm vụ được xét xử, VIAC tự hào bởi chưa có bất cứ một vụ nào có dấu hiệu nhũng nhiễu từ bộ máy ban thư ký VIAC hay tham nhũng từ các trọng tài viên".
Trong năm 2016 vừa qua, VIAC đã tiếp nhận 155 vụ tranh chấp, tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng của 5 năm trở lại đây; trong số đó, 41% là tranh chấp trong lĩnh vực mua bán, xuất nhập khẩu; 15% là tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng, 11% là các tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, và các tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm, thuê, vv.vv. Cơ cấu các lĩnh vực tranh chấp tại VIAC tiếp tục cho thấy VIAC là tổ chức trọng tài tiếp nhận và giải quyết tranh chấp từ đa dạng các lĩnh vực của hoạt động kinh doanh thương mại.