Ngày 18 tháng 8 năm 2022, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Bà Vũ Thị Hằng – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế VIAC, đã có buổi tiếp đón và làm việc cùng đoàn đại diện Quỹ Friedrich Naumann (FNF) – GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, và Bà Vũ Quỳnh Dương, Phụ trách Dự án và Truyền thông. Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng thảo luận về các nội dung hợp tác trong hoạt động thúc đẩy hoạt động tự do thương mại và giải quyết tranh chấp tại Việt Nam.
Đại diện VIAC và Quỹ Friedrich Neumann (FNF)
Về phía VIAC, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm, đã chia sẻ về tầm nhìn và sứ mệnh của VIAC với tư cách là tổ chức trọng tài và hòa giải thương mại hàng đầu Việt Nam. VIAC không chỉ làm tròn bổn phận của một tổ chức chuyên môn cung cấp các dịch vụ trọng tài và hòa giải cho nền kinh tế, mà còn luôn hướng tới thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vươn tới chuẩn mực toàn cầu trong các lĩnh vực pháp lý hợp đồng, phòng ngừa và xử lý tranh chấp, bảo đảm kinh doanh an toàn, có hiệu quả trong điều kiện của một thế giới biến đổi khó lường.
Đại diện FNF, GS. TS. Andreas Stoffers giới thiệu, Viện Friedrich Naumann (Viện FNF Đức) là một tổ chức phi chính phủ của Đức được thành lập tại Đức năm 1958 và mở Văn phòng dự án tại Việt Nam từ năm 2012 với trọng tâm hoạt động là hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong thời gian qua, FNF đã triển khai nhiều nghiên cứu, hội thảo, hoạt động nâng cao năng lực và thúc đẩy các trao đổi học thuật giữa Việt Nam và Đức thông qua đa dạng các dự án hợp tác với đối tác như Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Viện nghiên cứu Châu Âu (IES), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB-VNU) v.v.
TS. Andreas Stoffers cũng bày tỏ quan điểm đồng tình rằng đặt trong bối cảnh hiện tại, khi trọng tài, hoà giải, cùng các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài toà án (ADRs) ngày càng chứng tỏ được tầm quan trọng của mình trong nền kinh tế hội nhập, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc giải quyết tranh chấp thông qua ADRs cũng như việc củng cố và phát triển nguồn nhần lực sử dụng ADRs là vô cùng quan trọng.
Toàn cảnh buổi làm việc
Theo đó, hai bên đã cùng thảo luận về dự án phối hợp xuất bản các ấn phẩm phục vụ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng. Các ấn phẩm này không chỉ cung cấp những thông tin hữu ích phục vụ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó bao gồm thông tin về bài học kinh nghiệm, lưu ý cho doanh nghiệp phòng ngừa và quản trị rủi ro trong hoạt động mua bán & sáp nhập hay các dự án đầu tư có thành lập doanh nghiệp mới tại Việt Nam; mà còn cung cấp các thông tin từ cơ bản đến nâng cao, cập nhật xu hướng quốc tế về các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADRs) nhằm hướng đến việc cải thiện hoạt động giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hai bên cũng bày tỏ mong muốn về việc hợp tác trong các hoạt động khác nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc giải quyết tranh chấp thương mại thông qua con đường trọng tài và nâng cao chất lượng nguồn lực trong lĩnh vực ADRs.