Sáng 14/9, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các thành viên Hội đồng Tư vấn góp ý vào dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi).
Khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết: Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là một trong những bộ luật quan trọng được Quốc hội tổ chức lấy ý kiến toàn dân trước khi ban hành. Nghị quyết của Quốc hội đã quy định Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên có trách nhiệm vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi); chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên xây dựng báo cáo Chính phủ.
Thực hiện Nghị quyết, một số tổ chức thành viên đã tổ chức góp ý vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), gửi báo cáo về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hai hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia thành viên Hội đồng Tư vấn và các tổ chức thành viên, một số tổ chức xã hội khác vào dự thảo Bộ luật. Kết quả các hội nghị sẽ được tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét.
*Bảo đảm tính nhân đạo, nhân văn của xã hội
Các đại biểu dự hội nghị cho rằng dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã đề xuất những quy định mới nhằm phù hợp với xu thế chung của thế giới, với xu hướng nhân đạo, dân chủ, tiến bộ. Tuy nhiên, đây là bộ luật quan trọng, liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên cần xem xét thận trọng những quy định để phù hợp với bối cảnh của đất nước, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, giữ gìn trật tự xã hội.
Tán thành với quy định không nên áp dụng hình phạt tử hình, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam nhận định: Trên thế giới, xu hướng chung là giảm, bỏ án tử hình. Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quốc tế liên quan đến quyền con người và cam kết thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, trong đó nghĩa vụ bảo vệ quyền con người là một vấn đề lớn của quốc gia.
Bên cạnh đó, lịch sử cho thấy việc duy trì án tử hình không làm giảm vấn đề tội phạm. Thực tế cho thấy, nhiều nước bỏ án tử hình mà tình hình tội phạm giảm, một số nước duy trì án tử hình nhưng tội phạm không giảm… là những điểm cần hết sức chú ý. Điều cần nhấn mạnh là việc bỏ án tử hình cho một số tội phạm là nhằm thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Chính vì vậy, cần tăng cường tính chủ động, tích cực của xã hội trong việc giáo dục đạo đức, văn hóa, nhân phẩm con người, đồng thời tổ chức các điều kiện xã hội đề người dân có thể sống, làm việc tốt hơn… Việc bỏ án tử hình không chỉ đơn thuần là một biện pháp tư pháp, kèm theo đó Việt Nam cần tăng cường thiết chế Nhà nước, tổ chức xã hội tốt hơn để hướng đến một xã hội nhân đạo, nhân văn.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa – xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, những người mắc tội tử hình nhưng có thể khắc phục được hậu quả, tích cực hợp tác với Nhà nước, có thể xem xét giảm hình phạt xuống chung thân. Việc sửa đổi này mang tính nhân văn, góp phần thu hồi được thất thoát của Nhà nước và của nhân dân, thể hiện sự phát triển của xã hội.
* Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân cần tính toán cẩn trọng
Nhiều ý kiến tại hội nghị nhận định trong xu hướng hội nhập, quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân cần tính toán một cách cẩn trọng để vừa phù hợp với tư tưởng hội nhập, phù hợp với thực tiễn, đồng thời góp phần phát triển kinh tế.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết: Quy định pháp nhân là chủ thể của tội phạm trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là quy định mới, cần có thêm căn cứ để quy định phù hợp. Việt Nam cần tham khảo các quy định tương tự trên thế giới.
Trong thực tế, một số vi phạm nếu không quy định pháp nhân là chủ thể của tội phạm, việc điều tra, xét xử, xử lý sẽ rất khó khăn. Nhất trí đối với việc đưa quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, đặc biệt là pháp nhân kinh tế là chủ thể của tội phạm trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để xử lý, luật sư Huỳnh nêu rõ: Việc xác định các loại tội phạm dự định đưa vào Dự thảo Bộ luật để quy kết và xử lý pháp nhân cần hết sức thận trọng, bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa vấn đề pháp nhân vào tội phạm kinh tế.
Việt Nam chưa có kinh nghiệm để làm việc này. Ngay cả trong khu vực Đông Nam Á, chưa có nước nào đưa pháp nhân vào tội phạm nói chung, tội phạm kinh tế nói riêng. Vì vậy, việc mở rộng các loại tội phạm là pháp nhân kinh tế có thể dẫn đến việc đưa ra thông điệp không tốt trong điều kiện doanh nghiệp của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh hiện nay.
Không tán thành với quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: Không thể xử phạt pháp nhân bởi đó không phải là con người cụ thể; cần có biện pháp để có thể cá thể hóa hình phạt đến từng cá nhân chứ không thể đưa pháp nhân ra làm tội phạm...
* Bổ sung thêm các quy định xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng
Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cần bổ sung thêm các tội danh về tham nhũng. Ông Lê Truyền, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa – xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân tích: Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về chống tham nhũng khuyến khích hình sự hóa đối với tội danh tham nhũng. Tình hình tham nhũng ở Việt Nam hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, người dân rất mong muốn xử lý hình sự loại tội phạm này.
Vì vậy, việc sửa luật cần hết sức chú ý đến tội danh tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng có liệt kê 12 tội liên quan đến tham nhũng, trong khi đó Bộ luật Hình sự mới chỉ quy định 7 loại tội phạm. Ban soạn thảo cần xem xét lại hệ thống các quy định liên quan đến tội danh tham nhũng một cách đầy đủ, chính xác, nghiêm minh.
Bên cạnh các tội danh đã được liệt kê, ban soạn thảo cần nghiên cứu các tội danh có thể nhận định là tham nhũng, gây nguy hiểm cho xã hội, như: Mua quan bán chức, làm giàu bất chính; không trung thực trong kê khai tài sản và thu nhập cá nhân…
Theo Phúc Hằng (TTXVN)