Chiều 08/05, tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Ủy ban Trọng tài Thương mại và Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CIETAC) đã phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Trọng tài Quốc tế: Thuận lợi hóa Thương mại và Đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam”.
Hội thảo tập trung thảo luận về bối cảnh thương mại đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam hiện nay và đánh giá các tác động của phương thức trọng tài quốc tế đối với với hoạt động đầu tư và thương mại xuyên biên giới giữa hai nước. Chương trình có sự tham gia của các diễn giả là đại diện từ VIAC và CIETAC, cùng với các luật sư, chuyên gia kinh tế. Chương trình đã thu hút sự quan tâm của gần 150 người tham dự là luật sư, luật gia, đại diện doanh nghiệp, đại diện từ các cơ sở đào tạo cùng các đơn vị truyền thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại cũng như sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng trong nền kinh tế toàn cầu. Song, trong một bối cảnh nhiều rủi ro và sự suy giảm trong nền thương mại toàn cầu như vậy, quan hệ kinh tế thương mại đầu tư giữa Việt Nam với Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ vững và tiếp nối đà phát triển mạnh mẽ.
Đặc biệt, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đang tác động lớn đến hợp tác, kết nối kinh tế khu vực nói chung và hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc nói riêng. RCEP có hiệu lực đã tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Trung Quốc tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực. Trong bối cảnh đó, để có thể hỗ trợ cho thương mại và đầu tư song phương bền vững, các luật sư và hiệp hội cần chú trọng tới việc hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động phòng ngừa, quản lý rủi ro hợp đồng, xử lý hiệu quả các tranh chấp trong các giao dịch thương mại và các hoạt động đầu tư để thúc đẩy các giao thương và đầu tư giữa hai phía.
“Trong đó, trọng tài thương mại quốc tế đã được công nhận rộng rãi trên thế giới là một phương thức hữu hiệu giúp giải quyết các giao dịch xuyên biên giới” – TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
TS. Vũ Tiến Lộc cũng gửi lời cảm ơn tới CIETAC đã hợp tác với VIAC trong sự kiện lần này. VIAC rất hai tổ chức có thể tiếp tục và mở rộng mối quan hệ hợp tác với nhau, để từ đó hai bên có thể hỗ trợ và đồng hành hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nhiều diễn đàn trao đổi chuyên môn hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Wang Chengjie - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trọng tài Thương mại và Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CIETAC)
Đại diện Ủy ban Trọng tài Thương mại và Kinh tế Trung Quốc (CIETAC), ông Wang Chengjie – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký chia sẻ về một số quan điểm từ những thực tiễn giải quyết tranh chấp của CIETAC. Trước hết, ông nhấn mạnh về quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Những năm gần đây, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; Việt Nam cũng cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
“Rủi ro có thể phát sinh theo từng thời điểm và ở mọi nơi trong các hợp tác kinh tế, thương mại. Nhưng bất kể loại rủi ro nào thì cuối cùng cũng có thể được quy thành rủi ro pháp lý” -ông Wang Chengjie nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông còn chia sẻ về những tình huống rủi ro trong các vụ tranh chấp tại CIETAC cũng như trình bày về những ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Đại diện bên phía CIETAC cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với VIAC nhiều hơn nữa trong tương lai để có thể đóng góp cho nền kinh tế và xã hội cũng như hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo mở đầu với phiên thảo luận về tổng quan khuôn khổ pháp lý và thực tiến trọng tài tại Việt Nam và Trung Quốc. Chia sẻ về nền tại tài tại Việt Nam, đại diện VIAC, ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VIAC chia sẻ, khung pháp lý về trọng tài tại Việt Nam đã được hình thành và phát triển từ đầu những năm 2000 với khuôn khổ pháp lý đầu tiên là Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Tiếp nối sau đó, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 được xây dựng dựa trên cơ sở nghiên cứu lý luận, kinh nghiệm thực tiễn từ việc áp dụng Pháp lệnh và tiếp thu cơ bản các nguyên tắc cốt lõi của Luật mẫu về Trọng tài Thương mại Quốc tế của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại Quốc tế (UNCITRAL).
Ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIAC
Ls. Vũ Ánh Dương cũng chia sẻ thêm, trọng tài thương mại và các cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế đang ngày càng được ưa chuộng và có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy giao thương xuyên biên giới như một trong những tiêu chí quan trọng nhằm đảm bảo thực thi hợp đồng. Trọng tài quốc tế có vai trò trung lập, thực hiện giải quyết tranh chấp thương mại không cần thông qua các thủ tục dân sự tại tòa án quốc gia. Bên cạnh đó, trọng tài là phương thức có ưu điểm bởi tính bảo mật, hiệu quả về thời gian, chi phí và được công nhận, thi hành tại hơn 170 nước thành viên của Công ước New York 1958.
Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại VIAC trong những năm gần đây liên tục ghi nhận xu hướng gia tăng về số lượng vụ tranh chấp, trị giá và tính chất phức tạp của các vụ tranh chấp được thụ lý tại Trung tâm. Trong đó, tranh chấp có các bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Trung Quốc hoặc có quốc tịch Trung Quốc luôn nằm trong Top 01 các bên tranh chấp nước ngoài tại VIAC. Lĩnh vực tranh chấp của các vụ trọng tài này thường liên quan đến các giao dịch mua bán hàng hóa, gia công, xây dựng, logistics v.v.
Tại phần trình bày của mình, Bà Lu Fei – Giám đốc Phát triển Kinh doanh của CIETAC cũng đã giới thiệu với người tham dự về Ủy ban Trọng tài Thương mại và Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CIETAC). CIETAC, một cách tương đồng với VIAC, là tổ chức trọng tài lâu đời nhất và gắn liền với chặng đường hình thành, phát triển cùng những dấu mốc quan trọng của nền trọng tài Trung Quốc. Với lịch sử hoạt động lâu đời, CIETAC đã xây dựng được hệ thống cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp chuyên nghiệp, không ngừng hoàn thiện và cập nhật xu thế trọng tài quốc tế cũng như mở rộng mạng lưới tai nhiều khu vực trong cả nội địa, trong khu vực và trên thế giới.
Bà Lu Fei – Giám đốc Phát triển Kinh doanh của CIETAC
Tại Trung Quốc, Luật Trọng tài hiện hành được ban hành lần đầu tiên vào năm 1994 với những tiếp thu cơ bản tinh thần của Luật Mẫu UNCITRAL. Gần nhất vào năm 2021, Bộ Tư pháp Trung Quốc đã công bố Dự thảo lấy ý kiến mới nhất cho lần sửa đổi này. Dự thảo này tiếp tục nhận diện và tiếp thu chọn lọc và lắng nghe từ chính thực tiễn trọng tài quốc tế và từ những thay đổi về chính sách, pháp luật tại Trung Quốc trong ba mươi năm qua.
Tiếp nối phần trình bày, ông Phan Trọng Đạt - Quyền Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), thuộc VIAC đã tham gia điều phối phiên thảo luận cùng các diễn giả. Nội dung thảo luận tập trung vào kinh nghiệm quản lý vụ kiện đặt trong bối cảnh đặc thù hệ thống trọng tài mỗi quốc gia cũng như việc đáp ứng thực tiễn tiếp nhận và giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng có phần giải đáp những thắc mắc của người tham dự về các nội dung đã trình bày.
Ông Phan Trọng Đạt – Quyền Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC
Là tổ chức giải quyết tranh chấp hàng đầu tại mỗi nền tài phán, VIAC và CIETAC luôn đặt trọng tâm vào việc hoàn thiện dịch vụ trọng tài và nghiên cứu, phát triển các dịch vụ giải quyết tranh chấp khác như Hòa giải, Hòa giải và Trọng tài kết hợp, chỉ định chuyên gia v.v. Không nằm ngoài xu thế chung về chuyển đổi số mạnh mẽ, hai bên cũng đã có những bước phát triển trong việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động giải quyết tranh chấp. Là một tổ chức giải quyết tranh chấp được APEC công nhận, CIETAC đã ra mắt Nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến CIETAC-APEC. Nền tảng này được xây dựng để cung cấp các dịch vụ giải quyết tranh chấp trực tuyến tích hợp để cung cấp dịch vụ hòa giải và trọng tài cho giải quyết tranh chấp thương mại xuyên biên giới giữa những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về phía VIAC, trong tháng 6 tới đây, nền tảng quản lý vụ tranh chấp trực tuyến đầu tiên sẽ chính thức được công bố. Như vậy, cùng với nền tảng Hòa giải trực tuyến MedUp được công bố trước đó bởi Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC, VIAC sẽ triển khai cung cấp dịch vụ hòa giải và trọng tài tại trung tâm trên môi trường số, song song cùng với phương thức thông thường.
Nối tiếp chương trình, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trọng tài viên VIAC cùng với các chuyên gia đã thảo luận và cùng giải đáp câu hỏi từ phía người dự xoay quanh nội dung về những thách thức trong đầu tư xuyên biên giới và chiến lượng ứng phó. Ông Hiếu nhận định, quan hệ thương mại và đầu tư càng nhiều thì tính chất phức tạp của các giao dịch cũng sẽ ngày càng tăng và các tranh chấp cũng dễ xảy ra hơn do có sự khác biệt về hệ thống chính trị, pháp luật và ngôn ngữ.
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo
Chia sẻ về vấn đề trên, Ls. Nguyễn Duy Linh – Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF) dẫn chứng một số rủi ro pháp lý lớn như rủi ro do xung đột pháp luật và sự thiếu tương thích của các quy định pháp luật, sự thiếu ổn định và hoàn thiện của chính sách pháp luật hay sự thiếu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.
Ngoài ra, việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, bản án của tòa án nước ngoài còn nhiều bất cập trong thực tiễn thực thi. Bên cạnh đó là nguy cơ dẫn đến các tranh chấp giữa Chính phủ Việt Nam và Nhà đầu tư nước ngoài. Luật sư Linh cho biết, việc áp dụng, diễn giải pháp luật trong quá trình giải quyết các tranh chấp một cách thiếu công bằng có thể làm phát sinh tranh chấp giữa chính phủ Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình, từ 2004 đến nay, 11 vụ tranh chấp được ghi nhận giữa nhà đầu tư nước ngoài với chính phủ Việt Nam, trong đó 5 vụ đang diễn ra thì có 2 vụ liên quan đến nhà thầu Trung Quốc.
Đưa ra giải pháp phòng ngừa tranh chấp, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập khuyến nghị, doanh nghiệp cần kiểm tra đầy đủ các điều kiện giao kết, thực hiện giao dịch. Soạn thảo hợp đồng chặt chẽ, rõ ràng, tính đến đầy đủ các khả năng có thể xảy ra. Mặt khác dự kiến trước về cơ chế phù hợp để giải quyết tranh chấp nếu phát sinh. Khi đã xảy ra tranh chấp, theo bà Trang cần có giải pháp xử lý thông qua thương lượng, hòa giải hoặc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp đã thỏa thuận.
Đại diện từ phía CIETAC, ông Wang Haochen, Phó Tổng Thư ký CIETAC Chi nhánh Hồng Kông cũng đồng tình cho rằng doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh quốc tế cần đặt trọng tâm vào việc tìm hiểu đối tác và tìm hiểu kỹ quy định pháp luật liên quan của nước nơi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. Mặt khác, cũng cần lưu ý rà soát, nghiên cứu kỹ các vấn đề pháp lý liên quan trong quá trình soạn thảo, giao kết và thực hiện hợp đồng. Đồng thời cân nhắc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý, cân nhắc việc xây dựng cơ chế phòng ngừa và giải quyết tranh chấp, lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp để chủ đọng lên kế hoạch, chiến lược hành động rõ ràng, kịp thời khi xảy ra tranh chấp để tránh bị động.