...

VIAC và VCCI tổ chức Toạ đàm giao lưu cộng đồng CEO về các mô hình quản trị pháp lý trong doanh nghiệp

01 Tháng 7, 2024

Chiều ngày 29 tháng 6 năm 2024, tại TP. Hồ Chí Minh, thuộc khuôn khổ Chương trình đào tạo Giám đốc điều hành doanh nghiệp năm 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh khu vực TP. Hồ Chí Minh (VCCI HCM) chủ trì triển khai, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh khu vực TP. Hồ Chí Minh (VCCI HCM) tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ về một số mô hình quản trị pháp lý hiệu quả trong doanh nghiệp”. Tọa đàm, với mục tiêu giao lưu, chia sẻ giữa CEO các công ty luật và cộng đồng nhà quản lý doanh nghiệp, đã thu hút và ghi nhận sự trao đổi của hơn 100 đại biểu là các học viên khoá CEO, các luật sư, cán bộ pháp chế, đại diện các doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề quản trị pháp lý…

 

Mở đầu chương trình, LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)đã có một số chia sẻ về tầm quan trọng trong việc các nhà quản lý nên xác định được những đặc trưng của doanh nghiệp mình, từ đó xây dựng chiến lược và lựa chọn mô hình quản trị pháp lý phù hợp với nhu cầu và năng lực của tổ chức. Ông cũng cho biết thêm, Toạ đàm giao lưu lần này là minh chứng cho sự hợp tác ngày càng hiệu quả giữa VIAC và VCCI nhằm hỗ trợ sâu sát hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà quản lý về các nội dung pháp lý, quản trị bộ máy pháp lý.

LS. Lê Thành Kính – Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, Trọng tài viên VIAC

Bước vào phần 2 chương trình đi vào chi tiết các mô hình, LS. Lê Thành Kính – Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, Trọng tài viên VIAC đã có những chia sẻ về phương thức quản trị pháp lý kiêm nhiệm trong doanh nghiệp hoặc sử dụng dịch vụ pháp lý từ công ty thuê ngoài. Với hình thức kiêm nhiệm, nhà quản lý không thành lập một bộ phận pháp chế riêng biệt mà sử dụng nhân sự không chuyên từ bộ phận khác để thực hiện các công việc pháp lý. Theo Luật sư Kính, mô hình này thường gặp ở những công ty có quy mô nhỏ, khi mà việc dành ra chi phí để xây dựng bộ phận pháp chế riêng là tốn kém và nhà quản lý đánh giá khả năng xảy ra những rủi ro pháp lý phức tạp là không cao, do đó có thể tận dụng nguồn lực có sẵn trong đơn vị để đảm nhận vị trí nhân sự pháp lý. Tuy nhiên, Luật sư cũng cho rằng các nhà quản lý cần phải cân nhắc đến sự hiệu quả trong giải quyết công việc do nhân sự từ bộ phận khác sẽ không có quá nhiều kĩ năng chuyên môn về pháp lý, vấn đề điều phối từ góc độ nhà lãnh đạo có thể sẽ gặp khó khăn khi cần đảm bảo được sự liên tục và chất lượng của công việc… Đối với lựa chọn sử dụng công ty luật bên ngoài, Luật sư chỉ ra rằng với các ưu điểm như chuyên môn nhân sự cao, đảm bảo được tính khách quan trong công việc, đây là hình thức nên được cân nhắc để các nhà lãnh đạo tập trung vận hành công việc kinh doanh hơn. Tuy nhiên, do là không phải là một bộ phận thuộc quyền quản lý của họ nên khả năng phản ứng kịp thời đối với các vấn đề khẩn cấp, sự hiểu biết sâu sắc về tình hình hoạt động, văn hoá của tổ chức, chi phí dịch vụ còn phụ thuộc vào tính phức tạp của vụ hoặc danh tiếng hãng luật cũng là những điểm khiến các nhà quản lý e ngại khi phải tìm đến luật sư bên ngoài. Theo diễn giả, việc lựa chọn giữa việc sử dụng nhân sự pháp lý kiêm nhiệm trong công ty hay dịch vụ pháp lý của công ty luật phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm quy mô, ngân sách, loại hình và mức độ phức tạp của các vấn đề pháp lý mà công ty gặp phải…

LS. Trần Duy Cảnh – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt, Trọng tài viên VIAC

Bước sang mô hình thứ 2, LS. Trần Duy Cảnh – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt, Trọng tài viên VIAC đã có những chia sẻ sâu sắc về vấn đề thiết lập và vận hành bộ phận pháp chế riêng trong doanh nghiệp. Bộ phận pháp chế đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi và tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Với những lợi thế như khả năng kiểm soát chi phí rõ ràng cho các nhà quản lý cho vấn đề pháp lý, khả năng giải quyết vấn đề nhanh chóng, các nhà lãnh đạo trước lựa chọn có nên xây dựng một bộ máy pháp chế riêng bên trong một doanh nghiệp vẫn cần phải cân nhắc đến các yếu tố như chi phí ban đầu để xây dựng bộ phận khá tốn kém, quản lý phức tạp hay giới hạn về chuyên môn của doanh nghiệp; từ đó, so sánh kĩ lưỡng giữa ưu và nhược để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững của hệ thống pháp lý này. Khi đã quyết định xây dựng một bộ máy pháp chế riêng trong doanh nghiệp mình, các vấn đề như quản lý – vận hành – đánh giá hiệu suất bộ phận này như thế nào chính là bài toán mới cho các CEO vì tính đặc thù của lĩnh vực. Để giải quyết bài toán trên, một số gợi ý cho thực tiễn có thể kể đến như học hỏi từ các doanh nghiệp hàng đầu, áp dụng các chiến lược quản lý tốt nhất và kể cả là một bộ phận đặc biệt, pháp chế vẫn cần phải nằm trong một chiến lược kinh doanh thống nhất và toàn thể của doanh nghiệp, do các nhà quản lý xây dựng nên. Đánh giá thực tiễn hiện nay, chuyên gia cho rằng, tương lai của bộ phận pháp chế là không giới hạn, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển, việc tích hợp công nghệ vào quy trình làm việc là khả thi và đang được mong đợi khá mạnh mẽ, bên cạnh nhu cầu phát triển đào tạo chuyên môn cho các nhân viên đảm nhận vị trí này trong tổ chức.

LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH LNT & Partners, Trọng tài viên VIAC, Hoà giải viên VMC

Bằng kinh nghiệm tư vấn cho doanh nghiệp dày dặn của mình, LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH LNT & Partners, Trọng tài viên VIAC, Hoà giải viên VMC đã chia sẻ về hình thức vận dụng kết hợp bộ phận pháp chế bên trong doanh nghiệp và dịch vụ pháp lý từ các hãng luật chuyên nghiệp. Đi sâu vào những công việc thường ngày mà nhân sự pháp chế thường phụ trách, Luật sư Quyên chỉ ra quy mô của bộ phận này tại các đơn vị kinh doanh với số lượng nhân sự khác nhau, từ đó, với những yêu cầu sự việc phức tạp và yêu cầu kĩ năng cao hơn của một nhân viên pháp chế, doanh nghiệp buộc phải cần tới sự can thiệp và hỗ trợ từ các công ty luật bên ngoài. Luật sư đưa ra một số trường hợp điển hình mà các doanh nghiệp lựa chọn phương án kết hợp là các mảng vùng hoạt động với giá trị hợp đồng lớn, có yếu tố nước ngoài, rủi ro vi phạm cao, quy định pháp luật nghiêm ngặt như M&A, vấn nạn hàng giả, vấn đề cạnh tranh, rủi ro thương hiệu, liên quan đến luật quốc tế,…; hoặc trường hợp doanh nghiệp gặp quá tải về nguồn lực trong giải quyết công việc, dự án có quy mô lớn vượt quá khả năng của đội ngũ nội bộ. Luật sư Quyên cũng phân tích thêm những cơ sở mà các đơn vị kinh doanh lớn thường lựa chọn phương án này, khi nó đem lại hiệu quả chi phí lớn hơn thay vì thuê chuyên gia toàn thời gian hoặc các vấn đề pháp lý không thường xuyên xảy ra, hoặc các dự án đầu tư thường diễn ra ở khu vực pháp lý khác thì việc sử dụng các hãng luật địa phương sẽ giúp nhà quản lý nhận được cách giải quyết chặt chẽ và thực tiễn hơn…

Sau phần chia sẻ kinh nghiệm từ phía các diễn giả, Phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi với sự điều phối của Ông Nguyễn Đoàn Thông – Trưởng phòng Phòng Hội viên & Đào tạo VCCI, LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký VIAC, cùng 3 chuyên gia LS. Lê Thành Kính – Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, Trọng tài viên VIAC, LS. Trần Duy Cảnh – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt, Trọng tài viên VIAC, LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH LNT & Partners, Trọng tài viên VIAC, Hoà giải viên VMC cũng như tất cả đại biểu tại hội trường. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra xoay quanh việc quản trị pháp lý bên trong doanh nghiệp cũng như kinh nghiệm giải quyết các vấn đề pháp lý từ góc độ chuyên gia, ghi nhận nhiều giải pháp, đề xuất chi tiết từ phía các diễn giả. Kết thúc Toạ đàm, đại diện các học viên khoá đào tạo đã trao gửi quà tri ân đến các chuyên gia trong không khí gần gũi.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI