...

Xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa muộn còn hơn không

28 Tháng 10, 2019

Tại hội thảo hiến kế xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức, các chuyên gia nhận định, việc ban hành một đạo luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thời điểm này tuy muộn so với tiền trình hội nhập nhưng muộn còn hơn không.

Nghị định đã lỗi thời

 

Theo đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ - CP với nhiều chính sách hỗ trợ về tín dụng, mặt bằng sản xuất, đổi mới công nghệ… Song có rất ít chương trình cụ thể dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai trên thực tế. 

Nhiều chuyên gia nhận định, các biện pháp cơ bản hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Nghị định 56/2009 còn rất chung chung, mơ hồ, thiếu các tiêu chí đánh giá tác động của chính sách đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đơn cử như chưa có quy định ưu đãi rõ ràng về mặt bằng sản xuất, tham gia mua sắm, cung ứng dịch vụ công; chất lượng nội dung chưa thực tế nên kết quả còn rất hạn chế, không thực sự đúng với nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đáng nói là phần lớn chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đánh giá kết quả, thậm chí, có chương trình không đánh giá được mức độ tham gia của các doanh nghiệp. Một số chính sách, chương trình có nội dung hỗ trợ chưa thực tế với nhu cầu của doanh nghiệp; tiến độ thực hiện chậm, mất nhiều thời gian xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện.

Do vậy, đã đến lúc cần phải thực sự luật hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở khung pháp lý cao nhất là luật để tạo cơ sở trợ giúp một cách đồng bộ, thống nhất và thực sự có hiệu quả, đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay.

Cần hoàn thiện Dự thảo Luật

Góp ý cho Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đưa ra một định nghĩa chuẩn về doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Khái niệm được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị định số 56/2009 và nên tiếp cận theo hướng xác định tiêu chí vốn và số lao động. Bên cạnh đó, cũng nên phân loại làm ba nhóm doanh nghiệp là siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phân loại làm ba nhóm lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.

Hỗ trợ như thế nào và hỗ trợ những gì cũng là câu hỏi được đặt ra? Theo Luật sư Phan Thông Anh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần được dự thảo quy định cụ thể chi tiết hơn, bao gồm trợ giúp về mặt tài chính, mặt bằng sản xuất; đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; xúc tiến mở rộng thị trường; tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công. Xuất phát từ thực tế, việc tiếp nhận thông tin về các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế, thậm chí văn bản đã có hiệu lực thi hành nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa hề hay biết dẫn đến việc thực hiện sai quy định của pháp luật, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, cần bổ sung biện pháp hỗ trợ thông tin và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Luật sư Võ Thị Như Ngọc, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, để bảo đảm những chính sách trợ giúp doanh nghiệp được thực hiện có hiệu quả, Dự thảo Luật phải xác định rõ nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hay từ nguồn khác và cách thức để các doanh nghiệp nhận được hỗ trợ này như thế nào?

Luật sư Hoàng Văn Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư VNC nhận định, ban hành Luật này là rất cần thiết song phải bảo đảm sự phù hợp, không mâu thuẫn và đặc biệt là không được trái với các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định FTA. Bởi nếu không cẩn thận sẽ trở thành “con dao hai lưỡi” khi một số doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa bị các nước khởi kiện về việc chống trợ cấp và họ sẽ không khó để chứng minh điều đó nếu chiếu theo quy định trong Luật. Ngay cả việc đặt tên gọi “Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” cũng vẫn chưa ổn, vô tình trở thành “điểm chết” để các nước muốn khởi kiện hàng hóa Việt Nam viện dẫn.

 

Theo Dương Cầm Trang điện tử của Trung tâm Tư vấn pháp luật Tp.HCM - Trung ương Hội luật gia Việt Nam

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI