Mới đây, Trung tâm Hòa giải Việt Nam đầu tiên thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam vừa được chính thức ra mắt tại Hà Nội. Đây là một trong những nỗ lực về cải cách ngành tư pháp để thúc đẩy việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải và trọng tài.
Vẫn có đất cho “các phương pháp phi chính thức”
Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong khu vực và thế giới. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cam kết và hành động mạnh mẽ để cải cách theo hướng kiến tạo nhiều hơn nữa, với mục tiêu xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh với nhiều điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp (DN) đồng thời giúp DN có thể làm ăn lâu dài, bền vững tại Việt Nam. Trong đó, không thể thiếu được việc hoàn thiện khung pháp lý cho các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại. Cụ thể, việc ban hành Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại đã thể chế hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách ngành tư pháp đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”.
Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình cải cách tư pháp gặp không ít khó khăn. Theo Báo cáo Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, liên quan đến phần các phương thức thay thế được DN lựa chọn cho phương thức Tòa án truyền thống, có đến 4% DN vẫn đang lựa chọn sử dụng “các phương thức phi chính thức khác” - mà một phần ở đây là dùng tới “xã hội đen”. Tình hình này chưa được cải thiện bao nhiêu trong năm 2017. Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đây thật sự là điều đáng lo ngại cho xã hội nói chung và là trách nhiệm của những tổ chức có liên quan nói riêng.
Lựa chọn hòa giải thay vì tòa án
Cũng theo Báo cáo PCI năm 2016 và 2017, qua kết quả khảo sát ý kiến của các DN Việt Nam liên quan tới việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại Việt Nam, có thể thấy một xu thế mới trong lựa chọn của DN. Đó là các DN đang có xu hướng giảm lựa chọn sử dụng Tòa án để giải quyết các tranh chấp của mình, thay vào đó là sử dụng các phương thức thay thế khác, trong đó, lựa chọn được dùng nhiều là trọng tài thương mại.
Lấy thí dụ từ khối DN đầu tư nước ngoài (FDI), hiện ước tính có khoảng 40% DN lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp. Ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký VIAC phân tích, có nhiều lý do cho sự chuyển đổi này, nhưng trong đó có thể kể ra là năng lực cán bộ tòa án chưa đáp ứng được yêu cầu khi giải quyết các tranh chấp phức tạp, các phán quyết của tòa chưa công bằng, thời gian giải quyết tranh chấp lâu, kéo dài, phát sinh chi phí cho DN. Những điều này được khắc phục khi giải quyết tại trung tâm trọng tài bởi phương thức và thủ tục giải quyết trọng tài Việt Nam đã tiệm cận được với các tiêu chuẩn quốc tế. Sách trắng 2016, 2017 và 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu về trọng tài tại VIAC có nhận định: “Nói chung, nhà đầu tư nước ngoài cho rằng công tác trọng tài tại VIAC linh hoạt hơn, hiệu quả hơn và nhanh hơn so với việc kiện tụng tại các Tòa án Việt Nam… So với trọng tài quốc tế, thủ tục tố tụng tại VIAC có thể hiệu quả hơn về thời gian và chi phí…”.
Trung tâm hòa giải đầu tiên của Việt Nam
Trở lại thời điểm hơn 10 năm trước, VIAC đã ban hành Quy tắc hòa giải và bắt đầu cung cấp dịch vụ hòa giải như một sự gia tăng lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp cho DN. Trung tâm cũng chủ động xây dựng mới Quy tắc Hòa giải bảo đảm tính tuân thủ Nghị định 22 và được Bộ Tư pháp bổ sung hoạt động hòa giải. Đây là tiền đề để đưa Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) chính thức đi vào hoạt động trong vai trò là một trong vài tổ chức đầu tiên tại Việt Nam thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải theo Quy tắc hòa giải VMC trên cơ sở Nghị định 22/NĐ-CP.
Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Giám đốc VMC, những đặc điểm chính của thủ tục hòa giải tại VMC là sự đồng thuận của các bên trong suốt quá trình hòa giải, đây là sự khác biệt căn bản giữa một thủ tục hòa giải với bất cứ thủ tục tố tụng nào (trọng tài hay tòa án). Thêm nữa, các yêu cầu về tính độc lập, vô tư, khách quan và trung thực của hòa giải viên được đặt ra ở mức rất cao và hòa giải được thực hiện theo nguyên tắc hai tầng bảo mật. Ngoài ra, Quy tắc VMC cũng có quy định rõ về vai trò của VMC trong việc điều phối, hỗ trợ và thúc đẩy thủ tục hòa giải để bảo đảm rằng, các thủ tục hòa giải được vận hành tuân thủ pháp luật, linh hoạt, thân thiện, hiệu quả và mang lại sự hài lòng cho DN.
Với ông Chủ tịch VIAC, mục đích của hòa giải là gây được niềm tin của DN, qua đó giảm đến tối đa việc phải dùng tới “xã hội đen” khi có tranh chấp xảy ra. Đồng thời, phương cách này cũng giúp xã hội tìm ra cách thức giải quyết các tranh chấp không chỉ trong thương mại mà còn trong cả đời sống kinh tế - xã hội.
Trong vai trò là Phó Chánh tòa kinh tế, Tòa án nhân dân TP Hà Nội, ông Nguyễn Đình Tiến cũng bình luận: “Chúng tôi với tư cách là tòa án hy vọng thời gian tới sẽ có những vụ hòa giải thành đầu tiên theo Nghị định 22 mang đến Tòa án xin công nhận để chúng tôi thực hiện đúng theo quy định tại Chương 33 Luật Tố tụng Dân sự 2015”. Như vậy, khi đã có một Nghị định 22 đặt cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động hòa giải thương mại, và có Chương 33 Bộ luật Tố tụng Dân sự cho phép một kết quả hòa giải thành được Tòa án công nhận và cho thi hành…, hoạt động hòa giải thương mại tại Việt Nam đã có cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển.
Một thể chế pháp luật kiến tạo đồng nghĩa với tính sẵn có và hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp, bảo đảm quyền được tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, bảo đảm hiệu lực thi hành của các bản án và phán quyết trọng tài.