Chiều ngày 27/06 tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức phiên nội dung cuối cùng trong chuỗi sự kiện VIAC SYMPOSIUM 2024 – Thương mại & Đầu tư xuyên biên giới trong bối cảnh kinh tế biến động: Tranh chấp & Trọng tài. Trong phiên nội dung này, các chuyên gia tập trung chia sẻ và thảo luận về chủ đề “Bàn về giai đoạn phát triển sắp tới của thị trường ADRs tại Việt Nam trong kỷ nguyên kinh tế số: Rào cản pháp lý, sự thích ứng và chuẩn bị nguồn nhân lực”.
Sự bùng nổ của kinh tế số trong giai đoạn hiện nay đang dẫn đến những chuyển đổi đáng kể trên mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó, hệ thống tòa án toàn cầu và các tổ chức cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) cũng tham gia vào làn sóng thay đổi này để đáp ứng các nhu cầu trong thời đại mới. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị cho xu hướng sắp tới của thị trường ADRs tại Việt Nam còn gặp phải nhiều thách thức như các rào cản pháp lý và vấn đề thích ứng công nghệ. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các tranh chấp ngày càng đa dạng, phức tạp, việc chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp cho nhu cầu của thị trường ADRs là vô cùng quan trọng. Điều này sẽ đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của thị trường cũng như yêu cầu về chất lượng chuyên nghiệp của loại hình dịch vụ trọng tài tại Việt Nam.
Theo đó, phiên nội dung cuối cùng của VIAC SYMPOSIUM 2024 tập trung thảo luận về bức tranh tương lai của thị trường ADRs tại Việt Nam trong kỷ nguyên kinh tế số cũng như các vấn đề liên quan như rào cản pháp lý và nguồn nhân lực. Sự kiện diễn ra với sự tham dự của gần 150 đại biểu là giảng viên đến từ các cơ sở đào tạo luật, các Luật sư đến từ các công ty/văn phòng luật sư lớn, các trọng tài viên, hòa giải viên thông qua hình thức trực tiếp tại chỗ và trực tuyến trên nền tảng Zoom.
Ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VIAC
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VIAC nhấn mạnh rằng hệ thống pháp luật là tiêu chí quan trọng nhất để xác định một địa điểm trọng tài thân thiện và hấp dẫn. Một hệ thống pháp luật đồng bộ và hoàn thiện không chỉ tạo ra môi trường pháp lý ổn định mà còn thúc đẩy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài. Bên cạnh đó, ông Vũ Ánh Dương cũng đề cập đến vai trò quan trọng của nguồn nhân lực trong việc phát triển trọng tài.
“Để trọng tài phát triển thì không chỉ pháp luật phải hoàn thiện mà chúng ta phải có một nguồn nhân lực tương ứng để tham gia đồng hành và hỗ trợ trọng tài.” – Ông Vũ Ánh Dương nhấn mạnh.
Bà Athita Komindr – Giám đốc Ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (UNCITRAL RCAP), đã có phần giới thiệu sơ qua về lịch sử hình thành, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của UNCITRAL và Nhóm chuyên trách II của UNCITRAL – hoạt động trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, bà Athita Komindr cũng chia sẻ về dự án Kiểm kê tình hình giải quyết tranh chấp thay thế trong Kỷ nguyên kinh tế số của UNCITRAL (“UNCITRAL's project on the Stocktaking of developments in Dispute resolution in the Digital economy - DDRE”), được phát động vào năm 2021 với nhiệm vụ giám sát bối cảnh thay đổi của việc giải quyết tranh chấp trong kỷ nguyên kinh tế số, cũng như chia sẻ về công việc sắp tới của dự án, bao gồm (1) Phán quyết trọng tài điện tử, (2) Thông báo trọng tài điện tử và (3) Giải quyết tranh chấp trên nền tảng trực tuyển.
Trong bài trình bày của mình, ông Nguyễn Văn Huệ - Ủy viên Ban thường vụ Trung ương, Trường ban Nghiên cứu, xây dựng và Phổ biến pháp luật, Hội luật gia VIệt Nam, chia sẻ về tầm nhìn, mục tiêu phát triển của hệ thống trọng tài tại Việt Nam. Theo đó, trọng tài Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh với các tổ chức trọng tài phát triển khác, ít nhất là trong khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành trở thành trung tâm của hoạt động trọng tài quốc tế tiếp theo trong khu vực, bên cạnh Singapore.
Theo đó, để đáp ứng các mục tiêu trên, ông Huệ cũng chia sẻ 4 định hướng chính hoàn thiện Luật Trọng tài thương mại, bao gồm (1) mở rộng phạm vi giải quyết tranh chấp của Trọng tài thương mại, (2) đổi mới, hoàn thiện thủ tục tố tụng trọng tài, (3) mở rộng thẩm quyền của Hội đồng trọng tài trong thủ tục tố tụng trọng tài, và (4) nâng cao hiệu lực và khả năng thi hành phán quyết, giảm thiểu tình trạng hủy phán quyết. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Huệ đưa ra những giải pháp để hoàn thiện Luật Trọng tài Thương mại 2010 theo những định hướng trên.
Các diễn giả trong phiên thảo luận
Nối tiếp phần trình bày, hai điễn giả tiếp tục tham gia vào phiên thảo luận với chủ đề: “Rào cản pháp lý và sự thích ứng của thị trường ADR Việt Nam trong kỷ nguyên kinh tế số” do PSG. TS. Phạm Duy Nghĩa – Giám đốc Chương trình chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART) trực thuộc VIAC điều phối.
Mở đầu phiên thảo luận, bà Athita Komindr đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc Việt Nam tham chiếu đến các quy định trong luật mẫu UNCITRAL để khẳng định cam kết tuân thủ các khuôn khổ quốc tế chung. Ông Nguyễn Văn Huệ cũng đồng tình với quan điểm hài hoà pháp luật trong nước với pháp luật quốc tế.
“Quan điểm từ phía các thiết chế như Hội Luật gia và các cơ quan liên quan là ủng hộ câu chuyện hài hoà hoá pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế, và đối với vấn đề nền kinh tế số thì rõ ràng luật của chúng ta sẽ phải đi theo sao cho phù hợp với các khuôn khổ quốc tế” – Ông Nguyễn Văn Huệ chia sẻ.
Bên cạnh đó, các diễn giả đã đề cập đến việc áp dụng tài liệu điện tử trong trọng tài quốc tế và việc cân nhắc đưa vào quy định chi tiết hơn trong luật mẫu UNCITRAL. Bà Athita Komindr nhấn mạnh việc chấp nhận thông báo qua kênh điện tử đang được cân nhắc và cần có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Cuối buổi thảo luận, một khán giả đã đặt câu hỏi về tiêu chí chọn địa điểm cho chuyến công du quốc tế của UNCITRAL về dự án DRDE. Bà Athita Komindr chia sẻ, Việt Nam có thể gửi mong muốn của mình đến phái đoàn tại UNCITRAL và nhấn mạnh sự sẵn lòng phối hợp tổ chức các sự kiện, hội thảo để bàn luận sâu hơn về Luật Mẫu hoặc các khía cạnh khác liên quan đến trọng tài.
Phần hai của chương trình với chủ đề “Hướng đến giai đoạn mới của Thị trường ADR s tại Việt Nam – Sự thích ứng & chuẩn bị nguồn nhân lực”. Mở đầu là phiên thảo luận về “Đào tạo và Nâng cao Kỹ năng Cốt lõi cho Luật sư Song hành cùng Sự Phát triển của ADRs tại Việt Nam” dưới sự điều phối của Ls. Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Phòng ADR Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài quốc tế (VIART) thuộc VIAC.
Các diễn giả trong phiên thảo luận
Mở đầu phiên thảo luận, LS. Nguyễn Mạnh Dũng nêu ra bốn thách thức chủ yếu trong việc đào tạo kỹ năng tranh tụng tại trọng tài cho luật sư ở Việt Nam. Những thách thức này bao gồm (1) hạn chế trong việc tiếp cận tài liệu đào tạo chuẩn quốc tế, (2) thiếu hiểu biết về thông lệ trọng tài quốc tế, (3) thiếu hụt nhân lực có kinh nghiệm thực tiễn và (4) rào cản ngôn ngữ và cơ hội networking hạn chế.
TS. Đào Ngọc Chuyền – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trọng tài viên VIAC, đã nêu lên tầm quan trọng của việc đào tạo kỹ năng hành nghề cho luật sư, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số và công nghệ thông tin phát triển. Ông cũng đồng tình với những thách thức mà LS. Nguyễn Mạnh Dũng nêu ra, và nhấn mạnh về nhu cầu đào tạo bài bản và hệ thống cho trọng tài viên và luật sư.
Dưới góc nhìn của cơ sở đào tạo luật sư, bà Nguyễn Thị Minh Huệ – Giám đốc Trung tâm Liên kết Đào tạo Luật sư Thương mại Quốc tế, Học viện Tư pháp, nhấn mạnh rằng Học viện đang nỗ lực giải quyết các thách thức bằng cách tăng cường đào tạo và hợp tác với các tổ chức trọng tài. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận rằng vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tiếp cận các nguồn tài liệu chuẩn và đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn.
Tiếp nối chương trình là phiên thảo luận với chủ đề “Đưa nội dung ADR vào Chương trình Giáo dục Đại học và sau Đại học – một trọng tâm cho Nhân lực nghề luật trong tương lai”, được điều phối bởi TS. Đặng Xuân Hợp – Giảng viên cao cấp về Đầu tư và Tranh chấp tại Trường Luật Melbourne thuộc Đại học Melbourne. Úc; Trọng tài viên VIAC. Nội dung phiên thảo luận tập trung vào thực trạng đào tạo lĩnh vực ADR cho sinh viên tại các cơ sở đào tạo luật trọng điểm trên cả nước.
PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trọng tài viên VIAC
Chia sẻ trong phiên thảo luận, PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trọng tài viên VIAC, nhấn mạnh trách nhiệm lớn lao của các cơ sở đào tạo luật trong việc thiết kế, triển khai và giảng dạy chương trình đào tạo. Bà đưa ra ba đề xuất chính: Thứ nhất, chương trình giảng dạy phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã hội, xác định rõ các chuẩn đầu ra cần thiết cho người học và tuân thủ nguyên tắc và cấu trúc logic trong việc truyền đạt kiến thức, từ cơ bản đến chuyên sâu. Thứ hai, thiết kế nội dung theo đặc thù của từng chương trình đào tạo, việc mở các học phần tự chọn giúp người học có khả năng tự chọn phù hợp với nhu cầu và định hướng của họ. Thứ ba, cần chú trọng kiến thức nền tảng và sự liên thông giữa các cơ sở đào tạo luật.
Về phía Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM, PGS. TS. Lê Vũ Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, Trọng tài viên VIAC, chia sẻ những thách thức trong việc đào tạo ADR, đặc biệt là tình trạng thiếu giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn và khó khăn trong việc mời các luật sư, trọng tài viên tham gia giảng dạy. Bên cạnh đó, PGS. TS. Lê Vũ Nam cũng đề xuất việc tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo luật khác để biên soạn giáo trình chuẩn và tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận thực tiễn thông qua các cuộc thi, phiên toà giả định.
PGS. TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, Trọng tài viên VIAC
Về vấn đề đào tạo ADR cho sinh viên trong kỷ nguyên số hiện nay, PGS. TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, Trọng tài viên VIAC, đề xuất việc giảng dạy các môn học liên quan đến công nghệ và pháp luật để sinh viên có nền tảng kiến thức để ứng dụng công nghệ trong hoạt động hành nghề trọng tài trong tương lai. Bên cạnh đó, PSG. TS. Trần Việt Dũng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy tư duy và triết lý về ADR. Ông cho rằng việc mời các trọng tài viên, luật sư tham gia giảng dạy trong một số học phần là phương pháp hiệu quả để sinh viên có thể tiếp cận với thực tiễn hành nghề.
Một số hình ảnh tại sự kiện
Tải về tài liệu VIAC SYMPOSIUM 2024 – Phiên D tại đây
Xem lại video ghi hình VIAC SYMPOSIUM 2024 – Phiên D tại đây