...

[Tp. HCM] Lớp tập huấn Những tình huống thực tế trong hợp đồng kinh doanh quốc tế - rủi ro từ những sơ sót của doanh nghiệp

29 Tháng 10, 2019

Vào ngày 18/9/2019 vừa qua tại TP.HCM, tiếp nối thành công của Lớp đào tạo doanh nghiệp vào ngày 11/7/2019 về “Hợp đồng kinh doanh quốc tế - Nhận diện những yếu tố tạo nên lợi thế cho doanh nghiệp”, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức Lớp tập huấn với chủ đề: “Những tình huống thực tế trong hợp đồng kinh doanh quốc tế - rủi ro từ những sơ sót của doanh nghiệp”. Lớp tập huấn diễn ra trong 2 phiên (sáng-chiều) đã thu hút sự tham dự của gần 100 doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM cũng như các tỉnh lân cận. 

Nội dung của Lớp tập huấn chủ yếu xoay quanh các vấn đề liên quan đến đàm phán, thực hiện hợp đồng kinh doanh quốc tế và phương thức giải quyết tranh chấp đảm bảo tính thuận tiện cho doanh nghiệp. Đặc biệt, với sự tương tác cao giữa Báo cáo viên và doanh nghiệp khi tập trung vào phần Q&A, buổi tập huấn đã trở nên sôi nổi và thú vị hơn khi những vấn đề thực tế mà chính doanh nghiệp gặp phải đã được đưa ra để cùng trao đổi, bàn luận và tìm ra phương hướng giải quyết có hiệu quả.

Trong buổi tập huấn thứ nhất, Luật sư Lê Thành Kính – Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã chia sẻ với các doanh nghiệp những vấn đề liên quan đến đàm phán và ký kết hợp đồng. Theo nhận định của Luật sư, đàm phán trong hợp đồng hàm chứa nhiều yếu tố, đó không chỉ là vấn đề nhận thức về phương pháp đàm phán mà còn là sự khôn ngoan và tỉnh táo trong những hạng mục đối tác đề xuất. Nhiều doanh nghiệp hiện nay, để tiết kiệm thời gian, chi phí thường lựa chọn phương án đàm phán gián tiếp qua các công cụ điện tử. Tuy nhiên, việc lạm dụng này cũng có thể trở thành “con dao hai lưỡi” bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi chứng cứ từ những công cụ điện tử không phải lúc nào cũng có giá trị. Ngoài ra, Luật sư cũng nhấn mạnh thêm đối với văn hóa đàm phán thông qua một số ví dụ điển hình về sự khác biệt của đối tác từ các quốc gia khác nhau. Theo đó, trước khi thảo luận những nội dung cụ thể, doanh nghiệp cần tìm hiểu, đoán biết được cách hành xử của đối tác để hạn chế tối đa việc trao đổi không hiệu quả.

Thông qua việc chỉ điểm những yếu tố cần thiết phải đưa ra bàn đàm phán gồm đối tượng hợp đồng, nguồn gốc hàng hóa, phương thức vận chuyển,… Luật sư cũng đưa ra lời khuyên về sự nhạy bén, cẩn thận của doanh nghiệp khi làm việc với một đối tác bất kỳ, tránh để những lợi ích đối tác đặt ra làm sao nhãng, thỏa thuận hời hợt những nội dung quy định trong hợp đồng. Từ những kinh nghiệm thực tiễn về tư vấn, giải quyết tranh chấp, Luật sư cho rằng, doanh nghiệp phải có sự tìm hiểu kỹ về giá cả, luật áp dụng, quyền và lợi ích các bên trước khi “gật đầu” trước bạn hàng. Luật sư cho rằng, việc vận dụng những điều khoản của CISG sẽ đem lại những lợi ích nhất định cho doanh nghiệp, do đó, doanh nghiệp có thể tham khảo thêm để xây dựng những điều khoản có lợi hơn cho mình.

Tiếp nối sau đó, trong phần Hỏi - Đáp, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra về cách thức soạn thảo điều khoản hợp đồng cũng như ứng phó trước những tình huống không lường trước được trong quá trình đàm phán. Qua kinh nghiệm tiếp xúc với doanh nghiệp trong nhiều năm. Luật sư Kính đã có những giải đáp phù hợp và đưa ra những lời khuyên hữu ích cho doanh nghiệp.

Buổi tập huấn thứ hai tiếp tục được thực hiện vào buổi chiều với sự trao đổi của Luật sư Châu Việt Bắc - Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Với hình thức tổ chức phân nhóm thảo luận, doanh nghiệp được tạo điều kiện để chia sẻ và được giải đáp những khó khăn mà mình đang gặp phải. Hầu hết mỗi doanh nghiệp đều có rất nhiều những vướng mắc trong quá trình thực hiện Hợp đồng, và đa phần những vướng mắc đó đều liên quan đến yếu tố chủ thể, phương thức vận chuyển theo quy tắc Incoterm, giá trị pháp lý của con dấu và việc chậm trả trong thanh toán. Ngoài ra, Luật sư Bắc cũng chia sẻ thêm những tình huống thực tiễn liên quan đến trung gian thương mại và các phương thức giải quyết khi có tranh chấp phát sinh.

Với cách thức trao đổi mang tính tương tác cao, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được trình bày những vấn đề thực tế của mình, Luật sư Bắc đã khoanh vùng được các vấn đề trọng tâm và tập trung giải quyết các vướng mắc mà đa số hiện nay các doanh nghiệp thường xuyên gặp phải. Liên quan đến yếu tố chủ thể - yếu tố đóng vai trò rất quan trọng trong Hợp đồng, Luật sư Bắc đã phân biệt rõ ràng giữa 2 hình thức đại diện: người đại diện theo Pháp luật và Người đại diện theo Ủy quyền. Bên cạnh đó, yếu tố con dấu cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Theo khảo sát của IFC – Công ty tài chính quốc tế trực thuộc World Bank, đến năm 2013, trên thế giới chỉ có 7 quốc gia sử dụng con dấu do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, trong đó có Việt Nam. Mặc dù hiện nay theo luật sửa đổi các doanh nghiệp có quyền định đoạt đối với con dấu của mình và chỉ phải thông báo công khai lên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tuy nhiên giá trị pháp lý thực sự của con dấu nằm ở đâu hay nó chỉ là một yếu tố quan trọng trong bộ nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp? Theo quan điểm của Tòa Kinh tế TAND TPHCM cũng như Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, hiện nay chữ ký của người đại diện cho doanh nghiệp mới thực sự có giá trị. Và Tòa Kinh tế cũng như VIAC chưa hề tuyên một hợp đồng nào vô hiệu vì không đóng dấu, hợp đồng đó chỉ vô hiệu khi không có chữ ký hợp lệ. Như vậy, luật pháp không bắt buộc chúng ta phải sử dụng con dấu nhưng cũng không cấm chúng ta quy định những điều khoản việc sử dụng con dấu trong hợp đồng. Liên quan đến phương thức vận chuyển theo Incoterm, Báo cáo viên đã phân tích rõ cách sử dụng của điều khoản CIF, FOB, C. Đây là những điều khoản mà các doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên sử dụng trong Hợp đồng Kinh doanh quốc tế. Bên cạnh đó, những lưu ý về phương thức thanh toán L/C và bài học rủi ro cho doanh nghiệp cũng được đề cập.

Kết thúc phần Q&A với các doanh nghiệp, Luật sư Châu Việt Bắc đã chia sẻ thêm những vấn đề liên quan đến Trung gian thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả. Qua những vụ kiện thực tế ở VIAC đã xuất hiện nhiều những tình huống có yếu tố trung gian và gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp khi tiến hành giao dịch. Ngoài ra, phương thức giải quyết tranh chấp Hòa giải thương mại và Trọng tài thương mại đang dần trở nên phổ biến và được các doanh nghiệp tin dùng. Với những ưu điểm về chất lượng, tính hiệu quả, bảo mật, phương thức hòa giải và trọng tài được nhận định sẽ tiếp tục phát triển mạnh tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thông qua lớp tập huấn, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) mong muốn các doanh nghiệp tham dự sẽ có những góc nhìn mới, những kinh nghiệm quý giá trong việc đàm phán, soạn thảo, thực hiện Hợp đồng Kinh doanh quốc tế. Đồng thời, trên cơ sở nhận diện các rủi ro của doanh nghiệp, VIAC cũng mong muốn có thể đưa ra một điểm tựa pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp thông qua việc sử dụng Trọng tài để giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI