...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh – Thiết chế trọng tài trong kỷ nguyên mới cần phải được hoàn thiện dựa trên tư duy xây dựng pháp luật được đổi mới sâu sắc và thực chất

15 Tháng 11, 2024

Hoàn thiện thiết chế trọng tài, hòa giải để tạo nên những cơ chế giải quyết tranh chấp dân chủ, công bằng, tôn trọng quyền tự quyết của doanh nghiệp, cá nhân trong đời sống kinh tế của đất nước là chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đổi mới tư duy xây dựng và thi hành pháp luật đang là một chủ trương lớn của Đảng, được thể hiện rất đầy đủ trong các phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm. Hoàn thiện thể chế trọng tài cũng phải dựa và những tư duy mới để phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ngày càng trở nên phổ biến, hiệu quả.

Sáng ngày 14 tháng 11 năm 2024 tại trụ sở Bộ Tư pháp, theo đề xuất của Lãnh đạo Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã tiếp và làm việc với đoàn Lãnh đạo và cán bộ của Trung tâm do GS.TS Lê Hồng Hạnh làm trưởng đoàn. Theo đó, VIAC đã báo cáo Bộ trưởng về hoạt động của VIAC và những vấn đề đáng quan tâm đối với sự phát triển của thể chế trọng tài, hòa giải ở Việt Nam.

Đoàn VIAC được Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh tiếp và trao đổi tại Bộ Tư pháp

Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Tư Pháp có Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì buổi làm việc; Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng; Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Hữu Huyên và đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ. Về phía VIAC, đoàn công tác do GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch VIAC làm trưởng đoàn, cùng sự tham gia của Luật sư Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VIAC, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, thành viên Hội đồng VIAC cùng đại diện các đơn vị trực thuộc VIAC.

Đồng chí Nguyễn Hải Ninh vui mừng đón tiếp Chủ tịch và các cán bộ VIAC đến thăm, làm việc và đã lắng nghe báo cáo, đề xuất của VIAC cũng như sẵn sàng trao đổi với VIAC về những định hướng, giải pháp hoàn thiện thiết chế trọng tài, liên quan đến các đề xuất từ phía VIAC.

Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp

GS.TS. Lê Hồng Hạnh thay mặt VIAC bày tỏ niềm vinh dự khi được Lãnh đạo Bộ Tư pháp nhận lời và tạo điều kiện tổ chức cuộc gặp. Chủ tịch VIAC chia sẻ những nét cơ bản trong quá trình hình thành và phát triển VIAC. Được thành lập từ năm 1993, sau hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp, VIAC luôn nỗ lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình nhằm mang lại niềm tin và công lý cho động đồng doanh nghiệp, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng và thân thiện, thúc đẩy năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh lành mạnh ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Chủ tịch VIAC nêu một số điểm nghẽn thể chế đang hạn chế sự phát triển của thiết chế trọng tài và hòa giải và một số đề xuất cụ thể nhằm khắc phục các hạn chế này. GS.TS. Lê Hồng Hạnh nhấn mạnh tính cấp thiết phải hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải thương mại. Ông cũng bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Lãnh đạo Bộ Tư pháp qua các thời kỳ trong công tác quản lý, giám sát và hỗ trợ hoạt động Trọng tài, Hòa giải. 

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Luật sư Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VIAC, đã trình bày báo cáo tóm tắt các hoạt động của VIAC, nhấn mạnh vai trò của trọng tài và hòa giải, cũng như chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động này. Luật sư Trần Hữu Huỳnh, thành viên Hội đồng VIAC cũng nêu một số đề xuất với mong muốn Bộ Tư pháp dành sự quan tâm hơn nữa để xây dựng và phát triển nền trọng tài, hòa giải tại Việt Nam.

Đồng chí Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp đánh giá rằng còn rất nhiều dư địa để phát triển thiết chế trọng tài và tin tưởng thời gian tới thiết chế này sẽ ngày càng lớn mạnh; cùng đó, đánh giá cao vai trò, vị thế và nỗ lực của VIAC trong phát triển thể chế trọng tài. Đồng chí cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc hiện nay mà VIAC và các trung tâm trọng tài trên cả nước đã và đang gặp phải; đồng thời đưa ra những phương hướng, giải pháp cần thực hiện để tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho thiết chế trọng tài có thể tiếp tục phát triển hơn nữa, ngày càng tiệm cận hơn nữa với nền trọng tài quốc tế. Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, đồng chí Nguyễn Hữu Huyên cũng có đồng quan điểm về vai trò và những thành tựu của nền trọng tài nước nhà. Đồng chí cũng nhấn mạnh thực tế là sự phát triển trọng tài và ADR tại Việt Nam so với thế giới vẫn còn nhiều khoảng cách, và để rút ngắn được khoảng cách này một cách hiệu quả, cần có thêm sự quan tâm, hỗ trợ từ Nhà nước.

Toàn cảnh buổi tiếp và làm việc của Bộ Tư pháp với VIAC

Trong buổi tiếp và làm việc với Lãnh đạo và cán bộ của VIAC, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đã có những trao đổi những về định hướng và giải pháp tổng thể cho sự phát triển của thiết chế trọng tài, hòa giải ở Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh trong thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chủ trương về khuyến khích và thúc đẩy phương thức trọng tài, đặc biệt là Nghị quyết số 27/NQ-TW về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy các thiết chế giải quyết tranh chấp thay thế, đặc biệt là trọng tài, hòa giải. Bộ Tư pháp, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động trọng tài và hòa giải thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các thiết chế giải quyết tranh chấp lựa chọn trong đó có phương thức trọng tài, hòa giải. Giải quyết tranh chấp theo phương thức thay thế đã trở thành xu thế không thể đảo ngược và đang ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển. Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề cập những định hướng, giải pháp thể hiện tầm nhìn và giá trị rất lớn đối với thực tiễn hoạt động của thiết chế trọng tài cũng như việc tiếp tục hoàn thiện thể chế trọng tài trong kỷ nguyên mới.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đánh giá cao đóng góp của VIAC đối với hoạt động của trọng tài thương mại tại Việt Nam, định vị được nền trọng tài Việt Nam trên bản đồ khu vực và trên thế giới. Đồng chí nhấn mạnh nhiệm vụ phải phát triển hơn nữa, nâng cao hơn nữa vị thế của trọng tài và hòa giải thương mại và tin rằng VIAC sẽ tiếp tục là đơn vị tiên phong triển khai các hoạt động đóng góp tích cực cho mục tiêu trên. Đồng chí Bộ trưởng cũng ghi nhận và đồng quan điểm về việc cần đẩy nhanh việc xây dựng Dự thảo Luật Trọng tài thương mại sửa đổi và tiếp đó là hoàn thiện khung pháp lý cho Trọng tài và các phương thức ADR, để tháo gỡ những vướng mắc tồn tại trong thời gian qua đồng thời tạo điều kiện cho các phương thức này phát triển trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc giữa VIAC và Lãnh đạo Bộ Tư pháp

GS.TS. Lê Hồng Hạnh phát biểu tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng. Chủ tịch VIAC một lần nữa gửi lời cảm ơn Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã dành thời gian để trao đổi, lắng nghe báo cáo về thực tiễn hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải tại VIAC nói riêng cũng như tình hình phát triển của nền trọng tài, ADR tại Việt Nam trong những năm gần đây. GS Lê Hồng Hạnh khẳng định những thông tin, trao đổi tại buổi làm việc tạo đã gợi mở và định hướng cho hoạt động của VIAC, của các trung tâm trọng tài trong thời gian tới; và hứa với Lãnh đạo Bộ Tư pháp, VIAC sẽ nỗ lực cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp công bằng, thuận lợi, hiệu quả, đóng góp nhiều hơn nữa trong công cuộc thúc đẩy sự phát triển thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án ở Việt Nam.

Tin liên quan