Trong hoạt động xuất nhập khẩu, không ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam gặp rủi ro khi bán hoặc mua hàng của đối tác nước ngoài.
Theo Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), tính đến nay VIAC đã tiếp nhận và xử lý hơn 1.500 vụ kiện, trong đó hơn 50% vụ liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa (hơn 50% hợp đồng xuất nhập khẩu).
Điều đó cho thấy, nhiều DN Việt Nam khi làm ăn với nước ngoài, chưa thẩm tra năng lực của đối tác hoặc thiếu kinh nghiệm xem xét kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng, dẫn đến nhiều vụ kiện, tranh chấp xảy ra...
Doanh nghiệp chế biến gỗ cũng đã từng bị đối tác nước ngoài “lật kèo”.
Mới đây,Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc phát đi khuyến cáo tới các DN xuất khẩu không giao dịch với một công ty ở Maroc có tên Ste Top Arabic Sarl A.U.Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc thông tin, công ty này thường trực tiếp liên hệ hoặc qua trung gian để tìm kiếm DN xuất khẩu các nước, trong đó có DN Việt Nam để giao dịch các mặt hàng chủ yếu là hoa quả đóng hộp, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gia vị...
Sau khi ký hợp đồng với phương thức thanh toán đổi chứng từ và bên bán đã gửi hàng theo cam kết, công ty Maroc này không lấy hàng, bỏ mặc hàng lưu kho với mức phí hàng ngày tại Maroc rất cao nhằm mục đích ép giá, gây thiệt hại và đẩy DN xuất khẩu vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.
Công ty trên có văn phòng giao dịch tại Tây Ban Nha và người đứng tên giao dịch là Mohamed Tuhami. Trụ sở công ty này đặt tại một thành phố ở miền núi phía Bắc của Maroc, nhưng thường xuyên đóng cửa. Số điện thoại gửi cho đối tác xuất khẩu hầu như không liên lạc được, không phát sinh cước.
Hiện tại, một số DN Việt Nam đã gặp khó với công ty này. Do vậy, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc khuyến cáo các DN xuất khẩu không giao dịch với công ty Maroc nêu trên để tránh thiệt hại. Đồng thời, các DN cũng nên lưu ý tìm hiểu, xác minh kỹ lưỡng đối tác, đàm phán các điều khoản hợp đồng chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro.
Luật sư (LS) Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký VIAC cho biết: “Tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng hàng năm, điều đó cũng có nghĩa là rủi ro, tranh chấp hợp đồng trong xuất nhập khẩu cũng tăng. Cụ thể, trong năm nay, các vụ kiện tại VIAC tăng khoảng 15%. Về lĩnh vực mua bán hàng hóa, chiếm 46% (đặc biệt trong đó mua bán hàng hóa quốc tế chiếm đến 61%, tăng hơn những năm trước)”.
Theo LS Bắc, một trong những vấn đề phổ biến mà các DN thường tìm đến VIAC để nhờ hỗ trợ, đó là việc DN bị rủi ro do không tìm hiểu thông tin đối tác, không tìm hiểu kỹ hợp đồng. Điển hình, đó là trường hợp của một DN ở ĐBSCL xuất khẩu mặt hàng thơm đông lạnh sang một đối tác tại Mỹ. Khi DN xuất khẩu ra nước ngoài, đối tác đã thanh toán tiền hàng theo yêu cầu của bên bán, với chỉ định thanh toán bằng email.
Tuy nhiên, sau khi xác minh thì phát hiện người thụ hưởng số tiền đó không phải là DN bán hàng tại Việt Nam mà một công ty ở Trung Quốc... Với vụ này, trong hợp đồng 2 bên cung cấp, có liên quan đến người thụ hưởng, thì DN Mỹ cung cấp không có thông tin người thụ hưởng. (Điều đó có nghĩa rằng, trong quá trình thực hiện hợp đồng DN mua hàng khi nhận một chỉ định thanh toán của bên người bán, họ có thể chuyển tiền vào bất kỳ tài khoản nào theo yêu cầu của bên bán).
Trong khi đó, DN Việt Nam cung cấp hợp đồng thì có thông tin: Tên người thụ hưởng chính là tài khoản công ty của họ tại Việt Nam... và cuối cùng DN Việt Nam đã bị thua.
Một vụ việc khác liên quan đến Công ty Mía đường Tây Ninh, ký hợp đồng với công ty của Trung Quốc. Khi ký kết hợp đồng, công ty trong nước đã không tìm kỹ thông tin của công ty đối tác tại Trung Quốc. DN Việt Nam giao dịch thông qua một đại diện ủy quyền của đối tác Trung Quốc tại Việt Nam.
Đến khi đối tác Trung Quốc nợ DN Việt Nam số tiền trên 50 tỷ đồng, dẫn đến kiện tranh chấp. Khi tranh chấp xảy ra thì DN Việt Nam mới nghĩ đến việc xác minh lý lịch và năng lực của công ty Trung Quốc và tá hỏa, công ty Trung Quốc không tồn tại. Người đứng đầu công ty mía đường phải chịu trách nhiệm hình sự.
“Bài học rút ra trong vụ việc này, đó là khi ký kết hợp đồng, ngay từ khâu soạn thảo, đàm phán hợp đồng, thì DN càng lấy được thông tin của đối tác càng nhiều càng tốt. Đặc biệt là các thông tin về pháp lý, năng lực tài chính để thực hiện hợp đồng... của đối tác. Nếu họ không có năng lực nhưng vẫn ký hợp đồng thì khả năng họ vi phạm hợp đồng rất cao. Hoặc trước khi ký hợp đồng, cần tìm hiểu thông tin của đối tác thông qua một số luật sư đại diện ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội ngành nghề hoặc thông qua các công ty chuyên sâu về xếp hạng năng lực DN. Những thông tin này sẽ rất hữu ích giúp DN không gặp rủi ro trước khi ký kết và thực hiện hợp đồng”, LS Bắc thông tin.
Ngoài ra, trong thời gian qua cũng có rất nhiều DN xuất khẩu, chủ yếu là ngành hàng nông sản đã trở thành nạn nhân của hợp đồng mẫu. Thông thường, những hợp đồng mẫu chủ yếu do nhà nhập khẩu đưa ra bảo vệ quyền lợi cho chính họ.
Thế nhưng, có không ít DN Việt Nam khi giao kết các hợp đồng mẫu, hầu như không xem kỹ những nội dung trong các hợp đồng mà dễ dàng chấp nhận ký. Dẫn đến một số rủi ro xảy ra liên quan đến tiêu chuẩn giao dịch giữa các bên trong các ngành hàng đó hoặc liên quan đến những vấn đề pháp lý.
Tại Việt Nam, thời hiệu khởi kiện đối với luật dân sự quy định 3 năm, đối với luật thương mại là 2 năm. Nhưng trong những hợp đồng mẫu, có khi thời hiệu khởi kiện tính đơn vị bằng tháng, thậm chí bằng ngày. Như vậy, nếu DN Việt Nam bị đối tác vi phạm và đi kiện thì rõ ràng DN Việt đúng, nhưng lại hết thời hiệu khởi kiện nên thua.
Đại diện VIAC cho rằng, DN cần nghiên cứu kỹ để áp dụng trong giao kết, tránh sơ hở về mặt pháp lý làm cho hợp đồng vô hiệu.