...

Đại diện VIAC tham gia Hội thảo Chuyên đề “Pháp luật trong Kinh doanh Quốc tế”

27 Tháng 11, 2024
 
 
Sáng ngày 8 tháng 11 năm 2024 vừa qua, LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó Giám đốc Trung tâm Hoà giải Việt Nam (VMC) đã tham gia chia sẻ tại Hội thảo Chuyên đề “Pháp luật trong Kinh doanh Quốc tế”. Đây là chương trình do Khoa Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh triển khai với mục tiêu tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận môi trường doanh nghiệp cùng có thêm thông tin về kinh nghiệm thực tiễn triển khai hoạt động kinh doanh, thương mại quốc tế.
 
Tại hội thảo, LS. Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký VIAC chia sẻ tổng quan phương thức giải quyết tranh chấp hoà giải và trọng tài thương mại trong kinh doanh quốc tế. Với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, doanh nghiệp Việt Nam, từ lâu, đã không chỉ bó hẹp hoạt động kinh doanh của mình trong phạm vi lãnh thổ mà còn rất tích cực trên thị trường quốc tế. Ông Bắc đánh giá, một mặt, điều này giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ, song, các rủi ro tiềm ẩn khả năng phát sinh tranh chấp từ đó cũng phức tạp hơn. Với sự tham gia của các bên đến từ nhiều quốc gia, chịu sự điều chỉnh của các nền tài phán khác nhau, luật điều chỉnh khác nhau cũng gây ra nhiều vấn đề doanh nghiệp Việt cần lưu ý từ lúc giao kết, thực hiện và giải quyết bất đồng khi phát sinh. Theo thống kê của VIAC, trong năm 2023, VIAC ghi nhận số lượng tranh chấp được thụ lý ở mức kỷ lục - 424 vụ tranh chấp, trong số đó, có tới hơn gần ¼ là các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Số liệu này không chỉ minh chứng cho sự tăng cao của tranh chấp quốc tế mà còn khẳng định mức độ phổ biến của các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế, đặc biệt là trọng tài thương mại, trong việc giải quyết các tranh chấp xuyên biên giới, giúp các bên đạt được các giải pháp công bằng và hợp lý.
 
Với những ưu điểm như tính bảo mật, nhanh gọn và hiệu quả, trọng tài và hòa giải dần trở nên quen thuộc hơn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Ở các quốc gia khác, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu tiềm năng như EU, Mỹ, Trung Quốc,... trọng tài, hòa giải đã có lịch sử phát triển lâu đời và và được xem là lựa chọn tối ưu khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp đối với các hợp đồng xuyên biên giới. Như vậy, sự phát triển của trọng tài, hòa giải ở Việt Nam cũng sự gia tăng độ nhận diện của hai phương thức này trong cộng đồng doanh nghiệp cũng đáp ứng tốt nhu cầu giải quyết tranh chấp trong thương mại toàn cầu.
 
Ông Bắc cũng chia sẻ một số lưu ý khi tham gia giải quyết tranh chấp kinh doanh quốc tế bằng phương thức trọng tài thương mại. Trong đó, một số vấn đề căn bản cốt lõi cần quan tâm liên quan đến thỏa thuận trọng tài, lựa chọn địa điểm, ngôn ngữ trọng tài, thi hành phán quyết trọng tài. Ngoài ra, tại phần thảo luận, các sinh viên tiếp tục quan tâm và được Ông Bắc chia sẻ các vụ việc điển hình cho tranh chấp thương mại quốc tế cũng như các khuynh hướng trong giải quyết tranh chấp thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phổ biến hiện nay. Từ góc độ kinh nghiệm thực tiễn, ông Bắc đã đưa đến cho hội thảo những thông tin thiết thực, có thể là hành trang tốt cho các bạn sinh viên trong quá trình làm việc trong tương lai.
 
 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI