...

Diễn đàn Pháp luật Xây dựng “Quản lý chất lượng và nghiệm thu”

24 Tháng 7, 2023

Các chuyên gia tại Diễn đàn

Sáng ngày 14 tháng 7 năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam (SCLVN) và Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện Diễn đàn Pháp luật Xây dựng “Quản lý chất lượng và Nghiệm thu”. Diễn đàn diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút gần 200 đại biểu tham dự trực tiếp là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng.

Ông Lê Anh Tuấn – Trưởng khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lê Anh Tuấn – Trưởng khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sự kiện mang ý nghĩa quan trọng khi ngành Xây dựng hiện tại đang có sức nóng hơn bao giờ hết. Theo ông Tuấn, thông quan Diễn đàn, các công ty xây dựng, kỹ sư sẽ có một môi trường học hỏi lẫn nhau, tạo lập không khí trao đổi sôi nổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm pháp lý cũng như bàn luận về thách thức và cơ hội trong ngành Xây dựng.

 

PGS. TS. Đỗ Tiến Sỹ - Giảng viên Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TP. Hồ Chí Minh

Diễn đàn tập trung bàn luận về hai vấn đề chính bao gồm quản lý chất lượng và nghiệm thu công trình xây dựng. Mở đầu nội dung chương trình, PGS. TS. Đỗ Tiến Sỹ - Giảng viên Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ về các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý chất lượng công trình xây dựng. Theo ông Sỹ, các kết quả ngay từ khâu khảo sát thiết kế, đến thi công xây dựng và vận hành, bảo trì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công trình. Chính vì vậy, các yêu cầu về quản lý chất lượng nên được đảm bảo trong suốt một chu trình của một dự án xây dựng. Trong đó, tại mỗi giai đoạn, Chủ đầu tư và Nhà thầu nên quan tâm và theo dõi sát sao các vấn đề liên quan đến chất lượng ngay từ đầu để tránh những sai phạm không đáng có. Bên cạnh nhận diện các rủi ro có thể phát sinh, ông Sỹ còn đề xuất một số giải pháp cải thiện chất lượng công trình. Ví dụ như đối với vấn đề liên quan đến thi công xây dựng, các bên nên tiên lượng các trường hợp có thể xảy ra và quy định chặt chẽ ngay từ các điều khoản trong hợp đồng xây dựng, nhằm cải thiện sự phối hợp giữa các bên trong quá trình thi công xây dựng.

Ông Ninh Viết Định – Nguyên Trưởng Ban Quản lý Xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trọng tài viên VIAC

Tiếp nối nội dung trên, ông Ninh Viết Định – Nguyên Trưởng Ban Quản lý Xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) có những phân tích về quản lý chất lượng công trình xây dựng căn cứ trên quy định pháp luật. Theo ông Định, vấn đề quản lý chất lượng tại mỗi thời kỳ nên được xử lý thay đổi linh hoạt. Bởi lẽ, trong bối cảnh chiến lược mô hình Kinh tế thị trường định hướng XHCN đang định hình, doanh nghiệp có nhiều cơ hội mới nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, có thể kế đến như các văn bản quy định pháp luật còn chồng chéo, vừa thừa lại vừa thiếu, nội dung còn mang tính “cục bộ”. Như vậy, yêu cầu đặt ra là doanh nghiệp phải linh động trong cách ứng xử: “Không được phép làm trái quy định pháp luật nhưng phải hiểu rõ bối cảnh, bản chất quy định để vận dùng linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp”. Dưới góc nhìn của một Chủ đầu tư, ông Định đã cung cấp một số kinh nghiệm thực tiễn trong nỗ lực thiết lập hệ thống quản lý chất lượng thống nhất; qua đó, ông cũng đưa ra một số khuyến nghị cho các Chủ đầu tư. Cụ thể, ông Định cho rằng thay đổi Nhà thầu đôi khi không xấu; Chủ đầu tư nếu có kế hoạch quản lý chặt chẽ thì việc việc chấm dứt hợp đồng xây dựng và ký lại với một Nhà thầu mới vẫn đem lại lợi ích lớn hơn là tiếp tục thực hiện hợp đồng với một Nhà thầu yếu kém.

Ông Huỳnh Quốc Vũ – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần D&D Engineering Construction

Bên cạnh những chia sẻ từ góc độ Chủ đầu tư nêu trên, ông Huỳnh Quốc Vũ – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần D&D Engineering Construction, trên cương vị Nhà thầu cũng nêu lên ý kiến tổng quan về quản lý chất lượng thiết kế - thi công của Nhà thầu. Đối với quản lý chất lượng thiết kế, ông Vũ chỉ ra rằng, Nhà thầu cần kiểm soát tốt chất lượng từ Nghiệp vụ thiết kế liên quan đến mục tiêu, quy mô, công năng, pháp lý, quản lý dự án, cũng như Hồ sơ thiết kế. Ông Vũ đề ra một số công cụ, phương pháp kiểm soát hồ sơ thiết kế như Các cuộc họp rà soát thiết kế, Ma trận trách nhiệm thiết kế. Thêm vào đó, Nhà thầu cần lên lộ trình quy định rõ hồ sơ thiết kế từng giai đoạn hoặc từng bộ môn và checklist kiểm tra nhằm đảm bảo sản phẩm thiết kế đúng theo các yêu cầu thiết kế.

PGS. TS. Phạm Hồng Luân - Giảng viên cao cấp Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Trọng tài viên VIAC

PGS. TS. Phạm Hồng Luân - Giảng viên cao cấp Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) mang tới diễn đàn phần chia sẻ về mô hình TQM cho Công ty tư vấn QLDA và định danh dự án đầu tư, công trình xây dựng theo Văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam. Ông Luân cho biết, quản lý chất lượng gồm 3 thành phần chính là (i) Đảm bảo chất lượng; (ii) Kiểm soát chất lượng, (iii) Cải tiến chất lượng. Việc doanh nghiệp cải tiến nhiều, liên tục, đi cùng quản lý chất lượng hợp lý sẽ tránh lãng phí, tận dụng nguồn lực, từ đó, chất lượng được đảm bảo, vượt mong đợi của Chủ đầu tư, doanh nghiệp từ đó sẽ có nhiều khác hàng, tăng trưởng mở rộng. Ông Luân cũng nhấn mạnh, định danh dự án hiệu quả, hợp lý theo quy định của pháp luật là điều cần thiết: “Nếu ví toàn bộ các công việc trong quá trình thực hiện dự án, công trình xây dựng là một cái cây, thì nền tảng pháp lý là gốc rễ và cần được chú trọng”. Một dự án thành công phải đáp ứng các tiêu chí về quy mô, kinh phí, thời gian, đặt trên nền tảng vững chắc về pháp lý. Mỗi dự án phải được định danh chính xác theo loại công trình và phân cấp công trình, bởi lẽ, các dự án được định danh khác nhau sẽ có nền tảng và lộ trình pháp lý khác nhau.

PGS. TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, Trọng tài viên VIAC

Tiếp tục với Phiên 2 của Diễn đàn tập trung vào các vấn đề liên quan tới nghiệm thu công trình xây dựng, PGS. TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có những chia sẻ về nghiệm thu công trình xây dựng và trách nhiệm của từng chủ thể. Theo ông Chủng, công trình xây dựng được nghiệm thu nhưng khi đưa vào khai thác có thể xuất hiện các dấu hiệu không đạt chất lượng như: các khuyết tật, các hư hỏng, công năng không đáp ứng hoặc xảy ra sự cố gây sập đổ bộ phận hay toàn bộ công trình. Xử lý tranh chấp trong các trường hợp này không khó nhưng cần kiến thức chuyên môn và hiểu biết pháp luật. Để phán quyết ai là người có lỗi cần phải xem xét mức độ của các vi phạm cũng như cần thời gian, không gian và kinh phí để phục vụ công tác nghiên cứu, đưa ra được căn cứ khoa học thuyết phục. Chỉnh vì vậy, cần có cơ chế giám sát 3 bên: Chủ đầu tư – Thi công – Thiết kế. Thông qua những phân tích dựa trên cơ sở quy định pháp luật, ông Chủng đưa ra kết luận: Một khuyết tật hay một sự cố công trình cần được coi là một khâu trong quá trình hoạt động xây dựng. Thói quen sợ trách nhiệm trước những hư hỏng hay sự cố công trinh đã dẫn đến tình trạng bưng bít, che dấu và không tìm được căn nguyên của bệnh có thể dẫn đến oan sai trong quy trách nhiệm. Vì thế, cần khách quan điều tra bằng phương pháp khoa học để tìm được nguyên nhân chính và các nguyên nhân ngoại lai. Các nguyên nhân này không chỉ giúp khắc phục được sự cố, hư hỏng mà còn chỉ ra được khâu nào có lỗi. Khi đó, trách nhiệm chính hay trách nhiệm liên đới sẽ hoàn toàn minh bạch. Việc tìm được lỗi kỹ thuật của từng vi phạm về chất lượng công trình không chỉ giúp xác định được trách nhiệm của người có lỗi, mà quan trọng hơn vì nó là bài học đảm bảo rằng, chúng ta sẽ không mắc lại các vi phạm đó trong tương lai.

LS. Hồ Kim Minh Châu - Giám đốc Công ty Luật CHAU HO & PARTNERS, Trọng tài viên VIAC

Tiếp nối về vấn đề nghiệm thu, LS. Hồ Kim Minh Châu - Giám đốc Công ty Luật CHAU HO & PARTNERS, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và LS. Quách Minh Trí - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng đã đưa ra những kinh nghiệm thực tiễn đầy thiết thực cho doanh nghiệp và kỹ sư tham gia Diễn đàn.

LS. Hồ Kim Minh Châu đã có những phân tích, đánh giá từ góc nhìn thực tế về những yêu cầu cho hồ sơ nghiệm thu công trình và bản vẽ hoàn công thi công xây dựng. Tuy pháp luật đã có quy định, nhưng kinh nghiệm của luật sư cho thấy trên thực tiễn sẽ có nhiều tình huống phát sinh. Chính vì vậy, việc lưu giữ hồ sơ đúng, đầy đủ, cũng như có một đơn vị tư vấn pháp lý chuyên nghiệp, có kỹ năng chuyên môn sẽ giúp Nhà thầu/Chủ đầu tư giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng xây dựng nói chung và vấn đề nghiệm thu nói riêng một cách hiệu quả, nhanh chóng.

LS. Quách Minh Trí - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN, Trọng tài viên VIAC

LS. Quách Minh Trí tiếp cận chủ đề về nghiệm thu trong giai đoạn thiết kế. Cụ thể, các tranh chấp có thể phát sinh từ giai đoạn thiết kế với nhiều hình thức khác nhau như tranh chấp liên quan đến kết quả thẩm định, phê duyệt thiết kế, tranh chấp liên quan đến phạm vi công việc trong hợp đồng thiết kế, tranh chấp phát sinh từ bản quyền thiết kế. Thông qua kinh nghiệm thực tiễn những tranh chấp màbản thân đã tham gia tư vấn, ông Trí cung cấp một số khuyến nghị thực tiễn cụ thể, như các bên cần quy định rõ đầu mối liên lạc của nhau, cách thức gửi thông báo hợp lệ cũng như lập thành văn bản đối với bất kỳ thay đổi nào về nội dung hợp đồng. Ngoài ra, hợp đồng nên quy định rõ thời hạn Chủ đầu tư có ý kiến và phê duyệt thiết kế để giúp tiết kiệm thời gian cho các bên và tránh được các tranh chấp, cũng như những quy định cụ thể về phạm vi công việc cũng như thẩm quyền của từng đối tượng, nhất là quyền tạm dừng, chấm dứt hợp đồng. Bên cạnh đó, một số kiến nghị pháp luật cũng được ông đề xuất, liên quan đến việc cụ thể hóa quy định về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan. 

Phiên thảo luận về quản lý chất lượng công trình với chia sẻ của các diễn giả trình bày tại Phiên 1

Ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH TTAD, Phó Chủ tịch Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam (SCLVN) đóng vai trò điều phối

Sau phần tham luận của mỗi phiên là phần thảo luận giữa các diễn giả và đại biểu tại hội trường với sự điều phối của ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH TTAD, Phó Chủ tịch Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam (SCLVN). Tại Phiên thảo luận, các diễn giả nhận được nhiều câu hỏi, thể hiện mức độ quan tâm của người tham dự đối với chủ đề Quản lý chất lượng và nghiệm thu; các tình huống phát sinh liên quan đến chất lượng và nghiệm thu công trình trên thực tiễn đã được đưa ra bàn luận sôi nổi, các khán giả từ đó cũng có thể đúc kết những điểm cần lưu ý, lắng nghe các khuyến nghị và cách thức giải quyết phù hợp được chia sẻ bởi các chuyên gia để hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp mình trong lĩnh vực xây dựng.

 

Toàn cảnh Diễn đàn Pháp luật Xây dựng "Quản lý chất lượng và nghiệm thu"

 
TÀI LIỆU SỰ KIỆN: Vui lòng truy cập tại đây
 
***Thông tin chi tiết của chuỗi sự kiện LMS2023 sẽ được cập nhật liên tục: tại ĐÂY

 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI