Các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại (ngoài tòa án) hiện nay, bao gồm trọng tài thương mại và hòa giải thương mại, được các chuyên gia đánh giá cao.
Vài năm gần đây, những phương thức trên đã trở thành điểm tựa hữu hiệu cho doanh nghiệp trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới, cơ hội hợp tác kinh doanh mở ra nhiều hơn, đồng thời nguy cơ xảy ra tranh chấp cũng tăng thêm.
Tranh chấp gia tăng
Thông tin từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, trong năm 2017 vừa qua, đã có 36/63 tỉnh, thành có doanh nghiệp (DN) gồm nguyên đơn, bị đơn khởi kiện tại VIAC. Về mặt quốc tế, một số quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Singapore là các bên nước ngoài có tranh chấp nhiều tại VIAC.
Ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng thư ký VIAC nhận định, trong số các vụ tranh chấp thì mua bán hàng hóa là lĩnh vực đứng đầu bảng, kế đến là xây dựng, nhưng lĩnh vực xây dựng lại dẫn đầu về trị giá. Thêm nữa, số liệu từ các tòa án cho thấy, tranh chấp đầu tư tài chính ngân hàng chiếm khoảng 35,75%, sau đó mới đến tranh chấp vụ án hàng hóa khoảng 20%. Với thực tế này, VIAC đang làm việc tích cực với ngành ngân hàng để giúp các ngân hàng hiểu biết thêm về việc sử dụng phương thức trọng tài.
Đối với quy trình giải quyết tranh chấp, ông Phan Trọng Đạt gợi ý DN, các tổ chức có thể tự đọc quy tắc tố tụng trọng tài gồm 38 điều. Với các vụ tranh chấp trị giá lớn, DN nên có thêm luật sư tham khảo, tiếp cận ngay từ đầu. Về quy trình thì cũng rất đơn giản. Cụ thể, thời điểm bắt đầu thủ tục trọng tài, ngay khi trọng tài nhận được đơn khởi kiện từ nguyên đơn và kết thúc khi có phán quyết trọng tài. Về thời gian, theo VIAC thì thời gian trung bình giải quyết là 155 ngày, từ ngày khách hàng nộp đơn cho đến ngày nhận được phán quyết trọng tài. Các vụ mua bán hàng hóa thường có thời gian nhanh nhất, còn các vụ xây dựng sẽ lâu hơn một chút vì cần chứng cứ nhiều hơn.
Các ưu điểm của phương thức trọng tài đều đã được xác thực qua những vụ việc cụ thể và ưu điểm này tiếp tục được chuyển sang phương thức hòa giải. Ví dụ như tính tự nguyện và tôn trọng quyền tự quyết của các bên, đồng nghĩa các bên muốn như thế nào cũng được, trừ trường hợp vi phạm các vấn đề về đạo đức, xâm phạm người thứ ba. Thêm nữa, nguyên tắc bảo mật cũng tuyệt đối. Hầu hết các hòa giải viên đều mong muốn sự việc kết thúc hòa giải bằng văn bản kết quả hòa giải thành, rồi làm thủ tục công nhận theo Chương 33 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
“Nạp thêm” kiến thức cho người dân, doanh nghiệp
Đại diện Sở Tư pháp TPHCM cho biết, sau 8 năm thực hiện Luật Trọng tài thương mại năm 2010 còn một số tồn tại, bất cập như chưa có quy định pháp luật về sự hỗ trợ, phối hợp giữa hoạt động trọng tài thương mại và các hoạt động tư pháp khác (luật sư, công chứng, thừa phát lại, tư pháp phường, xã…). Việc thi hành phán quyết trọng tài thương mại chưa được thuận lợi như thi hành án dân sự (án dân sự có thể do các chi cục thi hành án dân sự quận huyện, thừa phát lại, tư pháp phường xã giải quyết), nhưng phán quyết trọng tài bắt buộc phải được thi hành bởi Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh. Do đó, trong thời gian tới cần phải đẩy mạnh quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp và có những chính sách cụ thể nhằm khuyến khích và thúc đẩy quá trình hoạt động của trọng tài thương mại.
Chỉ rõ những vướng mắc hiện tại, bà Mai Thị Tuyết Hạnh, Phó phòng Phòng Bổ trợ tư pháp - Sở Tư pháp TPHCM - nhận xét: “Qua công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động trọng tài thương mại, tôi thấy đa số trung tâm trọng tài thương mại đều có ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của trọng tài thương mại. Đến nay, Sở Tư pháp TPHCM chưa nhận được khiếu nại, tố cáo hay phản ánh liên quan đến hoạt động trọng tài thương mại. Xét ở góc độ quản lý và thực tiễn, tôi nhận thấy việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại có một số ưu điểm, như đây là phương thức do các bên thỏa thuận; phán quyết trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực kể từ ngày ban hành và được thi hành. Khi đã hết thời hạn tự nguyện thi hành nhưng có một trong các bên không thực hiện, bên còn lại có quyền gửi đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành phán quyết của trọng tài. Nội dung, diễn biến vụ việc xét xử được giữ bí mật, do đó giúp các bên giữ uy tín, chuyện nội bộ của DN. Tiếp theo, hiệu lực thi hành phán quyết trọng tài rộng, như đối với trong nước và với ở nước ngoài, cơ chế thi hành phán quyết trọng tài thương mại và bản án, quyết định của tòa đều như nhau”.
Trong thời gian tới, Sở Tư pháp TPHCM tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động trọng tài thương mại đến các cá nhân, tổ chức, DN trên địa bàn TP bằng nhiều hình thức cụ thể và hiệu quả hơn. Đồng thời, tăng cường công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp để nâng cao chất lượng hoạt động của trọng tài viên tại các tổ chức trọng tài thương mại tại TPHCM. Thường xuyên triển khai các nội dung về công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực trọng tài thương mại trên trang thông tin điện tử; chuẩn hóa các quy trình, thủ tục hành chính liên quan trọng tài thương mại theo định hướng cải cách hành chính.
Việt Nam là thành viên của Công ước New York năm 1958, hiện nay đã có hơn 156 quốc gia thành viên. Do đó, phán quyết của trọng tài thương mại Việt Nam được các quốc gia thành viên Công ước New York công nhận khi đủ điều kiện theo công ước. Ngoài ra, trọng tài thương mại cho phép các bên sử dụng kinh nghiệm của các chuyên gia. Ưu điểm này thể hiện ở quyền được chọn trọng tài viên của các bên đương sự, điều mà không tồn tại ở các tòa án khác. Các bên có thể chọn một hội đồng trọng tài dựa trên năng lực, sự hiểu biết vững vàng của họ về pháp luật thương mại quốc tế, về các lĩnh vực chuyên ngành có tính chuyên sâu, sở hữu trí tuệ…