(ĐTCK) So với việc giải quyết tranh chấp tại tòa án, phương thức sử dụng trọng tài có nhiều điểm khác biệt. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý những điểm nhỏ để tránh thiệt hại lớn.
Điểm nhỏ cần lưu ý
Năm 2017, Trung Quốc, Mỹ và Singapore tiếp tục là quốc gia có số lượng doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhiều nhất. Trong nước, 36/63 tỉnh thành có doanh nghiệp sử dụng VIAC; trong khi hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ có các bên tranh chấp tại đây.
Theo ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng thư ký VIAC, việc giải quyết tranh chấp tại tòa án và phương thức sử dụng trọng tài có nhiều điểm khác biệt. Đơn cử, về thủ tục giải quyết, các bên thỏa thuận về trọng tài, còn với tòa án, hầu hết các nước được ấn định sẵn.
Về người phân xử, các bên được tự do lựa chọn dựa trên đánh giá về chuyên môn, kinh nghiệm, uy tín nếu sử dụng trọng tài. Trong khi với tòa án, chánh án chỉ định thẩm phán giải quyết vụ án cụ thể. Về ngôn ngữ, với cơ chế trọng tài, các bên sẽ thỏa thuận nếu có yếu tố nước ngoài, trong khi với tòa án chỉ sử dụng tiếng Việt.
Chưa kể, việc tiếp cận thông tin cũng khác biệt. Với cơ chế trọng tài, thông tin luôn thông suốt, các bên được nhận toàn bộ hồ sơ vụ kiện.
Với tòa án, các bên cần chủ động tới tìm hiểu tại tòa mới có đầy đủ thông tin. Thời gian sử dụng tòa án cho một vụ kiện trung bình là 400 ngày, với trọng tài trung bình là 153,6 ngày. Tuy nhiên, án phí sử dụng trọng tài thường cao hơn so với tòa án.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều doanh nghiệp phân xử tranh chấp bằng trọng tài, ông Đạt lưu ý doanh nghiệp cần chú ý những điểm nhỏ để tránh thiệt hại lớn nếu sử dụng phương thức này.
Cụ thể, hòa giải là thủ tục không bắt buộc nhưng luôn được hội đồng trọng tài tiến hành, khuyến nghị trước khi xét xử, trong khi các doanh nghiệp thường không chủ động hòa giải, đến khi khởi kiện thông qua trọng tài mới chịu ngồi lại với nhau.
“Trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên có quyền tự do thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp”, ông Đạt nói.
Bên cạnh đó, khi sử dụng phương thức trọng tài, doanh nghiệp nên tham dự đầy đủ các phiên họp, vì nếu một bên vắng mặt, trọng tài vẫn tiến hành phân xử, không như cơ chế tòa án phải có đủ 2 bên.
Khi soạn thảo hồ sơ vụ tranh chấp tại trọng tài, cần lưu ý thời hiệu, điều kiện để khởi kiện (trước đó phải có thương lượng, hòa giải), giấy ủy quyền (nội dung giấy ủy quyền lưu ý là ngay từ khi bắt đầu tham gia tố tụng trọng tài)…
Sự hỗ trợ từ tòa án
Về vấn đề sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp, ông Nguyễn Đình Tiến, Phó chánh tòa, Tòa Kinh tế, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội cho biết, Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định vai trò hỗ trợ của tòa án đối với tố tụng trọng tài bao gồm: Chỉ định trọng tài viên vụ việc; xem xét và giải quyết khiếu nại quyết định của hội đồng trọng tài về thẩm quyền; thu thập chứng cứ; triệu tập người làm chứng; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; đăng kí phán quyết trọng tài vụ việc; hủy phán quyết trọng tài.
Tuy nhiên, các quy định của Luật chỉ thực sự được hiểu một cách nhất quán và đầy đủ khi Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP về hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại.
Việc thực thi Nghị quyết đã góp phần đảm bảo tính đúng đắn của các quyết định của tòa án đối với hoạt động trọng tài, góp phần ổn định và lành mạnh hóa môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quốc tế, cho các giao dịch thương mại quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam.
Dù vậy, hiện tại, theo ông Tiến, còn một số điểm khiến cho việc xử lý tranh chấp bằng trọng tài chưa thực sự hữu hiệu. Cụ thể, từ năm 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2018, Tòa án đã thụ lý 37 việc trọng tài.
Trong đó, yêu cầu về khiếu nại thẩm quyền của hội đồng trọng tài là 4, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là 26, công nhận cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài là 7.
Đáng chú ý, khiếu nại quyết định của hội đồng trọng tài thường tập trung về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của hội đồng trọng tài.
Trong đó, đa số các khiếu nại về việc hội đồng trọng tài không có thẩm quyền đều với lí do không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, người khởi kiện không có quyền khởi kiện, chưa đủ điều kiện khởi kiện, hội đồng trọng tài đưa thiếu bị đơn, thành phần hội đồng trọng tài có một người không phải trọng tài viên…