Ngày 18/11/2022, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Tổ hợp Samsung Việt Nam (Samsung Vietnam Complex) tổ chức Hội thảo với chủ đề Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài và hòa giải tại Hà Nội với sự tham gia của các nhân sự cấp cao phụ trách khối, phòng ban của Tổ hợp Sam Sung Việt Nam trên cả nước.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), chia sẻ Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao hàng đầu trong khu vực ASEAN. Hai động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam suốt trong nhiều thập kỷ qua là: đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Trong đó phải kể đến sự đóng góp vào từ Hàn Quốc nói chung và Tập đoàn Samsung nói riêng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. TS. Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh, chúng ta đang bước vào một giai đoạn phát triển với rất nhiều những bất định và biến đổi khó lường, khả năng phát sinh tranh chấp cũng sẽ ngày càng lớn. Một vấn đề thường được nêu ra như là lưu ý tới đối với các nhà đầu tư nước ngoài là làm sao phòng ngừa, quản lý, giải quyết các xung đột, tranh chấp với một bên có yếu tố nhà nước?
Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), phát biểu khai mạc tại hội thảo
“Việc tập đoàn Samsung tổ chức các hội thảo tập huấn pháp chế doanh nghiệp thường kỳ để nâng cao năng lực pháp lý cho đội ngũ cán bộ quản lý là một biểu hiện cho thấy Samsung luôn quan tâm tới vấn đề đảm bảo an toàn pháp lý cho Samsung và đối tác của mình. Điều đó làm cho các đối tác, bao gồm cả các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp yên tâm làm việc và hợp tác với Samsung. Chúng tôi đánh giá rất cao việc này.” Ông Vũ Tiến Lộc nói.
Ông Choi Jooho - Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Choi Jooho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam nhấn mạnh, “Hội thảo Phòng ngừa và Giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài và hòa giải là hoạt động định kỳ mà Tổ hợp Samsung Việt Nam tiến hành với mong muốn mở ra tọa đàm chia sẻ, thảo luận và cập nhật các vấn đề pháp lý có liên quan đến hoạt động của Samsung tại Việt Nam. Với hội thảo này, chúng tôi cùng với các chuyên gia sẽ cùng thảo luận về các vấn đề về giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, Hòa giải thương mại và giải pháp cho các vấn đề đang là mối quan tâm chung của xã hội Việt Nam, trong đó đặc biệt liên quan tới các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp chế xuất”. Ông Choi Jooho cũng thay mặt cho Tổ hợp Samsung Việt Nam gửi lời cảm ơn đến Chủ tịch Vũ Tiến Lộc cùng các chuyên gia đến từ VIAC đã dành thời gian tham dự, chia sẻ tại hội thảo và hy vọng chương trình sẽ diễn ra thật hiệu quả và cởi mở, để giảng viên và các học viên có thể cùng nhau trao đổi nhiều thông tin hữu ích xoay quanh chủ đề trên.
Ông Nguyễn Viết Minh - Trưởng phòng Pháp chế Tổ hợp Samsung Việt Nam
Mở đầu buổi hội thảo, đại diện bộ phận pháp chế Tổ hợp Samsung Việt Nam, ông Nguyễn Viết Minh - Trưởng phòng Pháp chế, đã chia sẻ về các cập nhật xu hướng pháp luật đáng chú ý nửa cuối năm 2022. Trong đó, ông Minh chia sẻ bốn vấn đề trọng tâm gồm (i) việc công nhận hiệu lực của Hợp đồng vi phạm về hình thức thông qua Án lệ số 55/2022/AL, (ii) hoàn trả ưu đãi thuế với hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp chế xuất, (iii) bảo hiểm trách nhiệm đối với thiệt hại về môi trường và (iv) chuyển đổi chứng từ giấy sang thông điệp dữ liệu trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử.
Ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIAC
Tiếp nối chương trình, Ls. Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký VIAC, đã trình bày chủ đề về Giải quyết tranh chấp tại VIAC bằng trọng tài và hòa giải - Phương thức hiệu quả cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, ông Dương nhấn mạnh bên cạnh phương thức tòa án truyền thống, các phương thức khác như Trọng tài, hòa giải và các cơ chế Ban tranh chấp, quyết định chuyên gia v.v. đang ngày càng phổ biến và được ưa chuộng, đặc biệt là đối với các tranh chấp đa quốc gia. Thống kê khảo sát nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) theo Báo cáo Khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh chấp tỉnh ghi nhận 92% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam lựa chọn các phương thức ngoài tòa án để giải quyết nếu có tranh chấp. Cùng đó, bên cạnh các phương thức hòa hảo được ưu tiên sử dụng như thương lượng và hòa giải, trọng tài thương mại được đánh giá là phương thức có nhiều ưu điểm trong đó phải kể đến tính trung lập, tính linh hoạt về thủ tục, tính bảo mật/riêng tư, chất lượng giải quyết tranh chấp, khả năng thi hành v.v.
Ls. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên - Luật sư điều hành Công ty Luật LNT & Partners
Ls. Nguyễn Tiến Lập - Luật sư cộng sự cấp cao Công ty Luật NHQ và Cộng sự
Trao đổi thêm về các vấn đề liên quan đến rủi ro pháp lý thường gặp và lưu ý trong giải quyết tranh chấp đối với một số loai tranh chấp đặc thù tại doanh nghiệp FDI, hai chuyên gia đến từ VIAC gồm Ls. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên - Luật sư điều hành Công ty Luật LNT & Partners, và Ls. Nguyễn Tiến Lập - Luật sư cộng sự cấp cao Công ty Luật NHQ và Cộng sự, đã chia sẻ và cùng thảo luận với các anh chị học viên để giải đáp các vấn đề pháp lý thường gặp, xuất phát từ chính thực tiễn quản lý và thực hiện các công việc chuyên môn của học viên
Toàn cảnh hội thảo
Kết thúc hội thảo, VIAC hy vọng anh chị học viên đã có những trải nghiệm tốt đẹp, nhiều kiến thức cập nhật về trọng tài và hòa giải, phục vụ tốt cho hoạt động chuyên môn pháp lý của quý doanh nghiệp. VIAC rất mong sẽ được tiếp tục hợp tác với Tổ hợp Samsung Việt Nam trong các hoạt động đình kỳ sắp tới để tiếp tục thảo luận về các vấn đề pháp lý xoay quanh hoạt động của doanh nghiệp nhằm quản trị và phòng ngừa hiệu quả các rủi ro có thể dẫn đến phát sinh tranh chấp không mong muốn.