Trọng tài thương mại

Trọng tài thương mại

#067 | Xác định bản chất của quan hệ hợp đồng

#067 | Xác định bản chất của quan hệ hợp đồng

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty T (Nguyên đơn) ký với Công ty S (Bị đơn) một hợp đồng liên kết kinh tế. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp Hội đồng Trọng tài xác định đây là hợp đồng thuê tài sản. Bài học kinh nghiệm : Trong thực tế, thường xuyên gặp trường hợp các bên xác lập một hợp đồng và cho hợp đồng một cái tên thể hiện bản chất của một quan hệ hợp đồng nhất định nhưng sau đó cơ quan tài phán lại xác định hợp đồng có bản chất khác. Trong vụ việc trên, hai Bên xác lập hợp đồng liên kết kinh tế với thời hạn 15 năm. Công ty T đưa một khu nhà vào dự án liên kết kinh doanh nhạc cụ thiết bị âm thanh ánh sáng với Công ty S và được hưởng một khoản lợi nhuận cố định hàng tháng. Đây là hợp đồng liên kết kinh tế hay hợp đồng thuê tài sản? Theo Hội đồng Trọng tài, hợp đồng trên không là hợp đồng liên kết kinh tế vì “có những nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật về hợp đồng liên kết kinh tế” như “không quy định rõ về tỷ lệ góp vốn của các bên”, “không thể hiện rõ về tính hợp pháp của đối tượng góp vốn của các bên” vì “chưa phát sinh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở”, “không quy định rõ về mức phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ vốn góp mà các bên hợp tác liên kết kinh tế đã đóng góp” và bên giao tài sản “phải đóng các khoản thuế nhà đất”. Vẫn theo Hội đồng Trọng tài, “nhìn lại quá trình quan hệ hợp tác giữa hai bên bắt đầu từ hợp đồng liên kết kinh tế đầu tiên ký ngày 07/11/2000 cho đến hiện tại Hợp đồng liên kết kinh tế số 02 ký ngày 25/07/2004 hiện đang trực tiếp điều chỉnh quan hệ giữa hai bên. Có thể nhận thấy rằng trong suốt thời gian từ năm 2000 đến nay, về bản chất quan hệ giữa T và S là mối quan hệ giữa Chủ nhà và Bên thuê nhà trong một hợp đồng thuê nhà đất”. Do đó, “mối quan hệ hợp đồng giữa hai bên thực chất là mối quan hệ của giữa Chủ nhà và Bên thuê nhà của một hợp đồng thuê nhà đất”. Như vậy, Hội đồng Trọng tài tự xác định lại quan hệ hợp đồng giữa các Bên: Các bên xác định là quan hệ hợp đồng liên kết kinh tế nhưng Hội đồng Trọng tài xác định là hợp đồng thuê tài sản (nhà đất). Thực ra, việc Hội đồng Trọng tài tự xác định đúng bản chất của quan hệ hợp đồng là cần thiết để xác định đúng quan hệ giữa các bên và việc này thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài như một Phán quyết trọng tài năm 2014 của Hội đồng Trọng tài thuộc VIAC đã khẳng định “việc xác định bản chất quan hệ tranh chấp thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài và việc này dựa vào những yếu tố khách quan của quan hệ có tranh chấp, không phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của các Bên”. Trong vụ việc trên, Hội đồng Trọng tài xác định quan hệ giữa các Bên là quan hệ hợp đồng thuê vì thực chất Bên nhận tài sản tự chủ trong việc khai thác tài sản và bên giao tài sản được nhận một khoản tiền hàng tháng trong một khoảng thời gian nhất định. Do đó, quan hệ này tương thích với hợp đồng thuê tài sản như Điều 480 Bộ luật dân sự năm 2005, Điều 472 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Hợp đồng thuê tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, còn bên thuê phải trả tiền thuê”. Trong thực tế, đối với hoàn cảnh tương tự, Tòa án nhân dân tối cao cũng xác định là quan hệ cho thuê tài sản nên áp dụng các quy định tương ứng về thuê tài sản. Việc cơ quan tài phán xác định lại bản chất quan hệ hợp đồng khác với bản chất bề ngoài của hợp đồng không hiếm xảy ra và việc xác định chính xác bản chất quan hệ hợp đồng là cần thiết vì mỗi loại hợp đồng có những quy định tương ứng nhất định như hợp đồng mua bán có quy định riêng về mua bán và hợp đồng thuê có quy định riêng về hợp đồng thuê tài sản. Do đó, các bên trong giao dịch cần xác định rõ bản chất quan hệ hợp đồng phù hợp với thực tế hoàn cảnh của mình để biết được quyền và nghĩa vụ tương ứng. Trong trường hợp các bên đưa ra một tiêu đề của hợp đồng với bản chất rõ nhưng nội dung lại không thể hiện đúng bản chất của quan hệ hợp đồng thì cơ quan tài phán sẽ xác định lại như Hội đồng Trọng tài đã làm để áp dụng các quy định tương ứng.

#066 | Chủ thể chịu hệ quả từ việc xác lập hợp đồng thay thế

#066 | Chủ thể chịu hệ quả từ việc xác lập hợp đồng thay thế

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty Tây Ban Nha (Nguyên đơn - Bên mua) xác lập hợp đồng với Công ty Việt Nam (Bị đơn - Bên bán) để mua cá. Bị đơn sau đó tuyên bố chấm dứt hợp đồng và Nguyên đơn đã phải mua hàng của đối tác khác để thay thế. Khi có tranh chấp, Hội đồng Trọng tài xác định Bị đơn phải gánh chịu hệ quả từ việc Nguyên đơn xác lập hợp đồng thay thế. Bài học kinh nghiệm : Trong thực tế không hiếm khi gặp trường hợp một bên không thực hiện đúng hợp đồng và bên còn lại phải ký hợp đồng với đối tác khác để thay thế. Việc xác lập hợp đồng thay thế này có thể dẫn tới giá thành cao hơn nên câu hỏi đặt ra là ai phải gánh chịu những hệ quả bất lợi từ việc xác lập hợp đồng thay thế. Trong vụ việc trên, Bên bán đã tuyên bố chấm dứt hợp đồng và Bên mua đã mua hàng thay thế từ các nhà cung cấp khác. Theo phía Bên mua, Nguyên đơn phải mua hàng thay thế từ các nhà cung cấp khác với giá cao hơn giá của hợp đồng, gây ra thiệt hại cho Nguyên đơn do chênh lệch giá là 30.819,60 USD và Bị đơn phải bồi thường cho Nguyên đơn khoản thiệt hại này. Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn thanh toán một lần toàn bộ khoản tiền bồi thường thiệt hại nói trên cùng với tiền lãi chậm thanh toán phát sinh trên số nợ gốc. Yêu cầu này không được phía Bị đơn chấp nhận. Về phía mình, Hội đồng Trọng tài xét rằng: Thứ nhất , “không chấp nhận lập luận của Bị đơn cho rằng, bằng việc ký các hợp đồng mua hàng thay thế của các nhà cung cấp khác, Nguyên đơn đã đơn phương hủy hợp đồng OPE 05 và OPE 06. Hội đồng Trọng tài chỉ ra rằng không có bằng chứng nào cho thấy Nguyên đơn tuyên bố hủy hai hợp đồng này. Ký các hợp đồng mua hàng thay thế từ các nhà cung cấp khác chỉ diễn ra sau khi Bị đơn hủy hợp đồng”; th ứ hai , “chủng loại hàng hóa thay thế mà Nguyên đơn mua của các nhà cung cấp khác không có gì khác với chủng loại hàng mua của Bị đơn theo hợp đồng OPE 05 và OPE 06. Hội đồng Trọng tài cũng thấy rằng quy cách đóng gói của các nhà cung cấp có khác nhau, nhưng Bị đơn không đưa ra được bằng chứng và con số cụ thể trong tổng số 30.819,60 USD chênh lệch giá thì chênh lệch về đóng gói là bao nhiêu, do vậy Hội đồng Trọng tài không có căn cứ để tính toán tách bạch mà phải chấp nhận tổng số thiệt hại do chênh lệch giá mà Nguyên đơn đã phải trả cho các nhà cung cấp khác”. Thực ra, trước việc một bên không thực hiện đúng hợp đồng, pháp luật dân sự cũng như pháp Luật Thương mại năm 2005 cho phép bên bị vi phạm được xác lập hợp đồng thay thế. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 304 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 1 Điều 358 Bộ luật dân sự năm 2015, “trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc tự mình thực hiện hoặc giao cho người khác thực hiện công việc đó”. Về phía mình, sau khi khẳng định tại khoản 2 Điều 297 Luật Thương mại năm 2005 rằng “trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thoả thuận trong hợp đồng. Trường hợp bên vi phạm giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Bên vi phạm không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm”, Luật Thương mại năm 2005 quy định tại khoản 3 điều luật vừa nêu rằng “trong trường hợp bên vi phạm không thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này thì bên bị vi phạm có quyền mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hoá, dịch vụ ghi trong hợp đồng”. Trong vụ việc trên, hợp đồng được giao kết hợp pháp nên “có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên” (Điều 4 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015) nên việc Bên bán tuyên bố chấm dứt hợp đồng là không thực hiện đúng hợp đồng, vi phạm hợp đồng. Vì vậy, Bên mua được tiến hành xác lập hợp đồng thay thế. Về hệ quả của việc xác lập giao dịch thay thế, quy định nêu trên trong Bộ luật dân sự theo hướng bên bị vi phạm được quyền “yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”. Luật Thương mại năm 2005 cũng theo hướng này khi quy định tại khoản 3 Điều 297 rằng “bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có”. Trong vụ việc trên, Hội đồng Trọng tài theo hướng “chấp nhận tổng số thiệt hại do chênh lệch giá mà Nguyên đơn đã phải trả cho các nhà cung cấp khác”. Như vậy, khi thực hiện hợp đồng đã được xác lập hợp pháp, doanh nghiệp lưu ý rằng việc không thực hiện đúng hợp đồng có thể dẫn tới bên kia của hợp đồng xác lập hợp đồng thay thế với đối tác khác và doanh nghiệp có vi phạm phải chịu hệ quả từ việc xác lập hợp đồng thay thế này.  

#065 | Áp dụng chế tài huỷ bỏ hợp đồng theo Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG)

#065 | Áp dụng chế tài huỷ bỏ hợp đồng theo Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG)

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty Trung Quốc (Nguyên đơn) và Công ty Việt Nam (Bị đơn) có ký hợp đồng mua bán hàng hóa. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên thoả thuận áp dụng CISG. Thực tế, Hội đồng Trọng tài áp dụng Công ước này để huỷ bỏ hợp đồng xuất phát từ việc Bị đơn (Bên bán) vi phạm hợp đồng. Bài học kinh nghiệm : CISG là một văn bản có rất nhiều quy định về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế trong đó có các quy định về chế tài huỷ bỏ hợp đồng do có vi phạm. Trong vụ việc trên, hợp đồng có tranh chấp là hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế và Bị đơn đã vi phạm hợp đồng, vi phạm này là cơ bản nên Hội đồng Trọng tài cho huỷ bỏ hợp đồng và giải quyết hệ quả của việc huỷ bỏ. Cụ thể: Hội đồng Trọng tài đã xác định có việc vi phạm hợp đồng của Bị đơn. Ở đây, theo Hội đồng Trọng tài, “ thời hạn giao hàng của các hợp đồng này đều nằm trong thời hạn tháng 03/2018. Tại Bản tự bảo vệ của Bị đơn ngày 27/06/2018 và Bản luận cứ của Luật sư Bị đơn ngày 04/08/2018 đều thừa nhận tất cả các hợp đồng này Bị đơn vi phạm thời hạn giao hàng. Thời gian vi phạm mà Bị đơn thừa nhận dao động từ 12 ngày đến 29 ngày. Như vậy có cơ sở để kết luận rằng Bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ giao hàng đúng thời hạn mà các Bên đã thỏa thuận ”. Tiếp theo, Hội đồng Trọng tài xem xét tính nghiêm trọng của việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng (thường được nêu là vi phạm cơ bản hay vi phạm chủ yếu). Cụ thể, sau khi viện dẫn Điều 25 CISG theo đó “một sự vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là vi phạm cơ bản nếu sự vi phạm đó làm cho bên kia bị thiệt hại mà người bị thiệt hại, trong một chừng mực đáng kể bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng, trừ phi bên vi phạm không tiên liệu được hậu quả đó và một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự” , Hội đồng Trọng tài đã xác định “mặt hàng cao su là mặt hàng mang tính thời vụ, nên thời hạn giao hàng là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo quyền và lợi ích của bên mua. Xem xét các lập luận kèm theo biểu đồ về biến động giá mà Bị đơn cung cấp trong giai đoạn từ khi ký kết hợp đồng cho đến khi Nguyên đơn thông báo chính thức chấm dứt hợp đồng thì thấy: Giá cao su ở thị trường trong nước và Trung Quốc (thị trường của Nguyên đơn) giảm rất mạnh. Điều đó cho thấy tính thời vụ của mặt hàng này cũng như sự biến động của thị trường ảnh hưởng rất lớn đến giá cả của cao su. Do vậy việc chậm giao hàng của Bị đơn dẫn đến thiệt hại cho Nguyên đơn khi giá cao su đã giảm mạnh so với thời điểm thỏa thuận giao hàng trong hợp đồng. Việc không giao hàng đúng thời hạn của Bị đơn trong trường hợp này làm cho Nguyên đơn không đạt được những lợi ích mà Nguyên đơn đã mong đợi khi giao kết hợp đồng với Bị đơn, nhất là trong hoàn cảnh mặt hàng mua bán giữa các bên có tính thời vụ, giá cả biến động mạnh tại mỗi thời điểm khác nhau. Từ những phân tích trên cho thấy Bị đơn đã vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng đối với Nguyên đơn”. Sau khi xác định có vi phạm cơ bản (vi phạm chủ yếu) nghĩa vụ hợp đồng của Bị đơn (Bên bán), Hội đồng Trọng tài đã áp dụng chế tài huỷ bỏ hợp đồng. Ở đây, sau khi viện dẫn điểm a khoản 1 Điều 49 CISG theo đó người mua có quyền tuyên bố hủy bỏ hợp đồng “ Nếu việc người bán không thực hiện một nghĩa vụ nào đó của họ phát sinh từ hợp đồng hay từ Công ước này cấu thành một vi phạm cơ bản hợp đồng ”, Hội đồng Trọng tài đã “ xét thấy rằng việc tuyên bố chấm dứt hợp đồng của Nguyên đơn theo văn bản ngày 29/05/2017 là có cơ sở pháp lý nên chấp nhận ” để từ đó xác định “ việc đòi lại khoản tiền đã trả trước của các hợp đồng số 23, hợp đồng số 24, hợp đồng số 25, hợp đồng số 26, hợp đồng số 27 là phù hợp với quy định của pháp luật ”. Các nội dung trên cho thấy Hội đồng Trọng tài đã áp dụng CISG mà các bên đã thoả thuận áp dụng trong đó có chế tài huỷ bỏ hợp đồng do có vi phạm nghĩa vụ hợp đồng (ở đây là vi phạm thời hạn giao hàng). Thực tế, các quy định về huỷ bỏ hợp đồng do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng trong CISG khá tương đồng với Luật Thương mại hiện hành Việt Nam theo đó “ chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau đây: a) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng; b) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng ” (khoản 1 Điều 312). Tuy nhiên, việc áp dụng CISG như nêu trên cho thấy khả năng hội nhập cao của các bên và của Hội đồng Trọng tài, điều rất đáng lưu ý cho doanh nghiệp trong giao lưu quốc tế và cần được khuyến khích.

#064 | Điều kiện hủy bỏ hợp đồng: Phải có vi phạm cơ bản (nghiêm trọng)

#064 | Điều kiện hủy bỏ hợp đồng: Phải có vi phạm cơ bản (nghiêm trọng)

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty Việt Nam (Nguyên đơn - Bên mua) ký hai hợp đồng mua bán với Công ty Indonesia (Bị đơn - Bên bán). Bên mua đã thanh toán nhưng sau đó yêu cầu hủy hợp đồng để nhận lại tiền và yêu cầu này đã được Hội đồng Trọng tài chấp nhận do Bên bán có vi phạm cơ bản hợp đồng. Bài học kinh nghiệm : Theo Điều 4 Bộ luật dân sự năm 2005 và khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015, “cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng” và “Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp một bên yêu cầu hủy bỏ hợp đồng để không chịu sự ràng buộc của hợp đồng nữa trên cơ sở vi phạm của bên kia. Yêu cầu hủy bỏ này có được chấp nhận không? Trong vụ việc trên, Bên mua thanh toán 20% giá trị hợp đồng cho Bên bán. Sau đó, Bên bán thông báo cho Bên mua hàng đã đến cảng Cát Lái và yêu cầu Bên mua chuyển cho bên bán số tiền còn lại. Bên mua tiến hành thủ tục nhập khẩu lô hàng và yêu cầu Công ty F kiểm định chất lượng hàng hóa nhập khẩu nhằm hoàn tất thủ tục thông quan và Công ty F thông báo kết quả phân tích chất lượng hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu. Trong Đơn khởi kiện, Nguyên đơn đã yêu cầu hủy bỏ hợp đồng và, theo Hội đồng Trọng tài, “Bị đơn đã vi phạm điều khoản chất lượng hàng hóa”, “Bên bán đã vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là giao hàng không đạt chất lượng. Cụ thể, theo Thông báo kết quả kiểm tra Nhà nước, lô hàng không đạt chất lượng nhập khẩu”. Vẫn theo Hội đồng Trọng tài, “vi phạm của Bên bán được coi là vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng” vì “khi hàng không đạt chất lượng nhập khẩu thì Bên mua không đạt được mục đích trong việc giao kết hợp đồng nhập khẩu”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài kết luận “yêu cầu của Nguyên đơn là có cơ sở để được chấp nhận” và theo hướng “do hợp đồng đã bị hủy nên Bên mua (Nguyên đơn) được quyền yêu cầu Bên bán (Bị đơn) hoàn trả những gì Bên mua đã thanh toán cho Bên bán nên yêu cầu trên của Nguyên đơn (Bên mua) là có cơ sở được chấp nhận ở mức 95.800 USD tương đương với 1.995.035.000 VND”. Việc Bên bán vi phạm hợp đồng đã được thể hiện thông qua kết quả giám định. Tuy nhiên, không phải vi phạm hợp đồng nào cũng dẫn tới hủy bỏ hợp đồng. Theo khoản 4 Điều 312 Luật Thương mại năm 2005, “chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau đây: a) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng; b) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng”. Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định tương ứng nhưng với thuật ngữ “vi phạm nghiệm trọng” tại khoản 1 Điều 423 theo đó “Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây: a) Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận; b) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng; c) Trường hợp khác do luật quy định”. Ở đây, có hai cơ sở để hủy bỏ hợp đồng xuất phát từ vi phạm của một bên: Hoặc là các bên đã có thỏa thuận về việc hủy bỏ, hoặc là một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng (vi phạm nghiêm trọng). Trong vụ việc này, Hội đồng Trọng tài khẳng định “trong hợp đồng, các bên không có thỏa thuận hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng”. Do đó, để hủy bỏ hợp đồng, cần xác định được vi phạm của Bên bán là vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Theo khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005, “vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”. Khái niệm này tương thích với “vi phạm nghiêm trọng” tại khoản 2 Điều 423 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”. Ở đây, Hội đồng Trọng tài xác định vi phạm của Bên bán được coi là “vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng” trên cơ sở “khi hàng không đạt chất lượng nhập khẩu thì Bên mua không đạt được mục đích trong việc giao kết hợp đồng nhập khẩu”. Hiện nay, không có hướng dẫn cụ thể về việc xác định vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng nên việc xác định vi phạm của một bên có là vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng thuộc thẩm quyền của cơ quan tài phán (và ở đây là Hội đồng Trọng tài). Thực ra, không hiếm trường hợp Hội đồng Trọng tài xác định có vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng nên chấp nhận hủy bỏ hợp đồng. Chẳng hạn, trong một Phán quyết trọng tài khác về tranh chấp phát sinh từ hợp đồng nhập khẩu (HĐNK) giữa Công ty LH và Công ty C, Hội đồng Trọng tài xác định “có cơ sở để cho rằng, Công ty LH đã không thực hiện đúng điều khoản thanh toán và giao hàng như đã thỏa thuận tại Điều 2 và Điều 5 của HĐNK. Đây chính là nguyên nhân làm cho HĐNK giữa 3 bên đã không thể tiếp tục thực hiện được và là vi phạm nghĩa vụ cơ bản của HĐNK. Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 312 Luật Thương mại năm 2005, Công ty C tuyên bố hủy HĐNK kể từ ngày 05/09/2012 tại Thông báo số 01.2012 ngày 27/08/2012 là có cơ sở” [1] . Như vậy, hợp đồng được giao kết hợp pháp có thể bị hủy bỏ khi một bên vi phạm nghĩa vụ cơ bản hợp đồng. Từ việc hủy bỏ, các bên không còn chịu ràng buộc của hợp đồng nữa và nếu đã thực hiện thì các bên được nhận lại những lợi ích trên cơ sở khoản 2 Điều 314 Luật Thương mại năm 2005 về “Hậu quả pháp lý của việc huỷ bỏ hợp đồng” theo đó “các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng”. Điều đó cho thấy việc hủy bỏ hợp đồng là rất nghiêm trọng nên hợp đồng chỉ có thể bị hủy bỏ trong những điều kiện nhất định: Khi các bên không có thỏa thuận về hủy bỏ hợp đồng thì, theo Luật Thương mại năm 2005, hợp đồng chỉ có thể bị hủy bỏ khi có vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Đây là những điểm mà doanh nghiệp cần biết khi tiến hành hợp đồng với đối tác.  

#063 | Điều kiện hủy bỏ hợp đồng: Phải có vi phạm

#063 | Điều kiện hủy bỏ hợp đồng: Phải có vi phạm

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty Việt Nam (Nguyên đơn - Bên mua) xác lập hợp đồng mua bán với Công ty Hà Lan (Bị đơn - Bên bán). Sau đó, các Bên có tranh chấp xuất phát từ việc Bên mua cho rằng Bên bán giao hàng không đúng chủng loại. Hội đồng Trọng tài theo hướng không chấp nhận yêu cầu hủy hợp đồng do không có vi phạm. Bài học kinh nghiệm : Trong thực tế, chúng ta thường xuyên gặp trường hợp một bên trong hợp đồng cho rằng bên kia của hợp đồng vi phạm hợp đồng và yêu cầu hủy bỏ hợp đồng. Trong điều kiện nào, yêu cầu này có được chấp nhận? Trong vụ việc trên, Nguyên đơn và Bị đơn ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa số 1661 và hợp đồng số 1663. Ngày 31/05/2013, toàn bộ 30 công-ten-nơ hàng về đến cảng Hải Phòng. Sau khi bốc dỡ hàng để thực hiện kiểm dịch và mở tờ khai hải quan điện tử vào ngày 03/06/2013, Nguyên đơn cho rằng hàng bị giao sai chủng loại so với hợp đồng và yêu cầu chấm dứt nghĩa vụ thanh toán. Sau khi xác định pháp luật điều chỉnh quan hệ giữa các Bên là pháp luật Việt Nam [1] , Hội đồng Trọng tài cho rằng “thông qua các chứng cứ trong hồ sơ cũng như các trình bày của Nguyên đơn, Nguyên đơn đã thực hiện thanh toán cho hai lô hàng bằng L/C qua Ngân hàng. Nguyên đơn đã không thực hiện quyền từ chối nhận hàng nếu lô hàng sai chủng loại, mà trên thực tế đã tổ chức tiếp nhận, bốc dỡ toàn bộ lô hàng về kho bãi của mình. Đồng thời, trong khi chưa đạt được một thỏa thuận có giá trị pháp lý đối với người có thẩm quyền của Bị đơn về phương thức giải quyết lô hàng có tranh chấp, Nguyên đơn đã đơn phương chỉ định tổ chức giám định lô hàng trong tình trạng hàng hóa đã bị bốc dỡ, không nguyên kiện. Do đó, không có cơ sở để xác định Bị đơn giao sai chủng loại các lô hàng là gỗ Bạch Dương theo hai hợp đồng số 1661 và 1663. Từ các căn cứ trên, Hội đồng Trọng tài xét thấy chưa có đủ căn cứ xác định hàng hóa do Bị đơn giao cho Nguyên đơn là sai chủng loại, không phù hợp với hợp đồng. Do vậy, các yêu cầu của Nguyên đơn liên quan đến việc hủy bỏ hai hợp đồng 1661 và 1663 và chấm dứt nghĩa vụ thanh toán theo hai hợp đồng này là không có cơ sở chấp nhận”. Như vậy, hợp đồng không có tranh chấp không bị hủy bỏ và lý do chính dẫn tới kết quả này là vì “không có cơ sở để xác định Bị đơn giao sai chủng loại các lô hàng”, “chưa có đủ căn cứ xác định hàng hóa do Bị đơn giao cho Nguyên đơn là sai chủng loại, không phù hợp với hợp đồng”. Kết quả này có thể được lý giải như sau: Theo khoản 4 Điều 312 Luật Thương mại năm 2005, “Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau đây: a) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng; b) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng”. Để có thể áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng, điều kiện quan trọng là đã có hành vi “vi phạm” hợp đồng của một bên, tức “là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này” (khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005). Ở đây, Hội đồng Trọng tài chưa có cơ sở để khẳng định có việc vi phạm hợp đồng từ phía Bên bán nên chưa có cơ sở để hủy bỏ hợp đồng. Hợp đồng sinh ra là để thực hiện nhằm đem lại cho các bên lợi ích mà họ mong đợi, nó sinh ra không phải để bị hủy bỏ vì khi hợp đồng bị hủy bỏ, theo Điều 314 Luật Thương mại năm 2005, “hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng”. Điều đó có nghĩa là việc hủy bỏ hợp đồng chỉ được áp dụng trong những trường hợp rất đặc biệt và hướng giải quyết nêu trên đã cho thấy không thể hủy bỏ hợp đồng một cách tùy tiện. Từ vụ việc trên, doanh nghiệp có thể rút ra kinh nghiệm rằng hợp đồng của họ không thể bị hủy bỏ như một chế tài chống lại họ khi họ không vi phạm hợp đồng. Đồng thời, doanh nghiệp yêu cầu hủy bỏ hợp đồng cũng biết rằng yêu cầu của họ sẽ không được chấp nhận nếu chưa đủ cơ sở để khẳng định đối tác của họ vi phạm hợp đồng.   [1] “Căn cứ Điều 13 của hợp đồng 1661 và hợp đồng 1663, các Bên thỏa thuận luật pháp áp dụng là luật của Việt Nam. Căn cứ Khoản 1 Điều 22 Quy tắc của VIAC và Khoản 1 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết Vụ tranh chấp”.

#062 | Hệ quả của chấm dứt hợp đồng với thỏa thuận trọng tài

#062 | Hệ quả của chấm dứt hợp đồng với thỏa thuận trọng tài

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty B (Nguyên đơn) và Công ty L (Bị đơn) xác lập hợp đồng thuê nhà xưởng trong đó có thỏa thuận trọng tài. Sau đó, Nguyên đơn, Bị đơn và chủ sở hữu nhà xưởng thỏa thuận chấm dứt hợp đồng nhưng có tranh chấp về việc thực hiện thỏa thuận thanh lý hợp đồng trên. Hội đồng Trọng tài xác định thỏa thuận trọng tài vẫn tồn tại nên Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền. Bài học kinh nghiệm : Rất nhiều hợp đồng hiện nay có thỏa thuận chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các bên. Sau đó các bên chấm dứt hay hủy bỏ hợp đồng trong đó có thỏa thuận trọng tài. Câu hỏi đặt ra là việc chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng có làm chấm dứt thỏa thuận trọng tài không? Trong vụ việc trên, các Bên thỏa thuận trong hợp đồng “ Mọi tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng này hoặc liên quan đến hợp đồng này trước hết phải được giải quyết thông qua thương lượng trên tinh thần hợp tác, bình đẳng cùng có lợi. Trong trường hợp hai Bên không tự giải quyết được thì tranh chấp sẽ được đưa ra giải quyết tại Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh theo quy tắc trọng tài của Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Việt Nam. Quyết định của Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Việt Nam sẽ là chung thẩm mà các bên phải thi hành. Phí trọng tài và các khoản chi phí phát sinh từ vụ kiện sẽ do bên có lỗi chịu trách nhiệm thanh toán ”. Một thời gian sau khi xác lập hợp đồng thuê nêu trên, Nguyên đơn và Bị đơn lập Biên bản thỏa thuận số 01/0210/BBTT có sự tham gia của chủ sở hữu tài sản. Tại Điều 2 Nguyên đơn và Bị đơn đã thỏa thuận “ tiến hành thanh lý hợp đồng thuê nhà xưởng số 01/1109/HDNX được hai Bên ký kết ngày 20/11/2009 ”. Việc thanh lý hợp đồng thuê trong đó có thỏa thuận trọng tài có làm chấm dứt thỏa thuận trọng tài không? Theo Hội đồng Trọng tài, “thỏa thuận này không ảnh hưởng tới thỏa thuận trọng tài nêu trên vì theo Điều 11 Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, “ điều khoản trọng tài tồn tại độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, sự vô hiệu của hợp đồng không ảnh hưởng đến hiệu lực của điều khoản trọng tài ” (nội dung quy định này được nhắc lại tại Điều 19 Luật Trọng tài thương mại năm 2010)”. Như vậy, thỏa thuận trọng tài vẫn còn giá trị khi hợp đồng thuê trong đó có điều khoản về trọng tài chấm dứt. Thực ra, hợp đồng thuê và thỏa thuận trọng tài là hai thỏa thuận độc lập với nhau: Điều kiện có hiệu lực cũng như cơ chế điều chỉnh việc thực hiện hai thỏa thuận này khác nhau cho dù thông thường hai thỏa thuận này cùng nằm trong một văn bản. Vì thế, việc chấm dứt hay hủy bỏ hợp đồng thuê không có tác động tới thỏa thuận trọng tài. Hướng giải quyết này phần nào cũng được ghi nhận tại Điều 314 Luật Thương mại năm 2005 và khoản 3 Điều 428 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “sau khi huỷ bỏ hợp đồng, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi huỷ bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp” và “khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp”. Từ vụ việc trên, doanh nghiệp biết rằng thỏa thuận về giải quyết tranh chấp không bị ảnh hưởng bởi sự tồn tại của hợp đồng mà thỏa thuận này sinh ra để phục vụ trong trường hợp có tranh chấp. Hợp đồng thuê, mua bán, cho mượn tài sản, dịch vụ… có thể chấm dứt, hủy bỏ mà thỏa thuận trọng tài sinh ra để giải quyết tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng này không bị ảnh hưởng. Đơn giản là vì thỏa thuận trọng tài và hợp đồng mà thỏa thuận trọng tài sinh ra để phục vụ là hai thỏa thuận độc lập với nhau cho dù chúng thường tồn tại trong cùng một văn bản.

#061 | Hệ quả của chấm dứt hợp đồng với quyền lợi của các bên

#061 | Hệ quả của chấm dứt hợp đồng với quyền lợi của các bên

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty M (Nguyên đơn) và Công ty T (Bị đơn) xác lập Hợp đồng tư vấn thiết kế lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và lập dự án đầu tư phần hạ tầng kỹ thuật cho một dự án du lịch. Sau đó, hợp đồng chấm dứt và Hội đồng trọng tài được yêu cầu giải quyết hệ quả của việc chấm dứt hợp đồng. Bài học kinh nghiệm : Không hiếm trường hợp hợp đồng chưa được hoàn thành nhưng một trong các bên tiến hành chấm dứt hợp đồng. Khi hợp đồng chấm dứt, quyền và nghĩa vụ của các bên được xử lý như thế nào? Trong vụ việc trên, Hội đồng Trọng tài xác định “do Bị đơn vi phạm tiến độ thực hiện hợp đồng tư vấn thiết kế nên Nguyên đơn đã nhiều lần gửi văn bản thông báo cho Bị đơn về việc chấm dứt hợp đồng. Bị đơn cũng đã đồng ý chấm dứt hợp đồng. Như vậy, việc các bên chấm dứt hợp đồng tư vấn thiết kế là đúng quy định. Bị đơn có lỗi trong việc hợp đồng bị chấm dứt”. Việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn có thể do lỗi của một bên và việc này có thể làm phát sinh trách nhiệm bồi thường. Nội dung này được nghiên cứu ở chủ đề khác nên không được nhắc đến ở đây. Về quyền và nghĩa vụ của các bên khi hợp đồng bị chấm dứt, Điều 426 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán” (khoản 3). Bộ luật dân sự năm 2015 duy trì quy định vừa nêu tại khoản 3 Điều 428 theo đó “Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện”. Luật Thương mại năm 2005 cũng có quy định về chủ đề này thông qua khái niệm Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ thực hiện hợp đồng tại Điều 311 theo đó “Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng”. Với quy định trên, khi hợp đồng chấm dứt, hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý đối với quá khứ, phần đã được thực hiện ràng buộc các bên. Ở đây, bên đã thực hiện được yêu cầu bên kia lại thanh toán phần đã thực hiện. Do đó, trong vụ việc trên, khi một bên đã thực hiện trước thời điểm hợp đồng được chấm dứt thì được thanh toán phần đã thực hiện. Trong vụ việc trên, theo Hội đồng Trọng tài, “do Bị đơn chậm tiến độ nên Nguyên đơn đã chấm dứt hợp đồng tư vấn thiết kế và ký hợp thuê đơn vị khác thực hiện thay Bị đơn. Có thể Nguyên đơn đã không tiếp tục sử dụng các sản phẩm thiết kế do Bị đơn chuyển giao, nhưng không thể phủ nhận việc Bị đơn đã thực hiện nhiều nội dung công việc trong giai đoạn 1 - quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và đã phát sinh một số chi phí liên quan”. Ở đây, Hội đồng Trọng tài đã xác định Bị đơn đã thực hiện nhiều nội dung và câu hỏi đặt ra là Bị đơn có được thanh toán công việc đã thực hiện không? Theo Hội đồng Trọng tài, “sau khi Nguyên đơn có văn bản thông báo và Bị đơn đồng ý việc chấm dứt hợp đồng, các bên chưa thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng và quyết toán giá trị hợp đồng. Do đó, Hội đồng Trọng tài không có cơ sở để xác định giá trị phần công việc mà Bị đơn đã thực hiện, cũng như không có cơ sở để buộc Bị đơn phải hoàn trả cho Nguyên đơn số tiền chênh lệch giữa giá trị thực hiện thực tế với số tiền 20% giá trị hợp đồng giai đoạn 1 - quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 mà Nguyên đơn đã thanh toán cho Bị đơn”. Từ vụ việc trên, doanh nghiệp biết rằng khi hợp đồng bị chấm dứt thì bên đã thực hiện có quyền được thanh toán. Tuy nhiên, để được thanh toán, bên có quyền phải chứng minh được những công việc mà mình đã thực hiện và khoản tiền được hưởng từ những công việc đã được thực hiện. Nếu bên đã thực hiện không chứng minh được những thông tin vừa nêu, yêu cầu thanh toán đối với khoản việc đã được thực hiện có nguy cơ không được chấp nhận như chúng ta đã thấy trong vụ việc trên.

#060 | Căn cứ chấm dứt hợp đồng trước thời hạn

#060 | Căn cứ chấm dứt hợp đồng trước thời hạn

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty T (Nguyên đơn - Bên cho thuê) ký một hợp đồng với Công ty S (Bị đơn - Bên thuê). Trong hợp đồng có nêu căn cứ chấm dứt hợp đồng nhưng khi Nguyên đơn chấm dứt hợp đồng thì Hội đồng Trọng tài xác định Nguyên đơn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng và gánh chịu những hệ quả. Bài học kinh nghiệm : Trong thực tế, thường xuyên gặp trường hợp các bên xác lập một hợp đồng dài hạn và, trong hợp đồng, có thỏa thuận về trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Trong vụ việc nêu trên, hợp đồng giữa các bên được xác định là hợp đồng thuê tài sản và các bên thỏa thuận “ trong mọi trường hợp Bên có ý định chấm dứt hợp đồng trước thời hạn có nghĩa vụ báo trước ít nhất sáu (06) tháng và phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bên kia ”. Nguyên đơn muốn lấy lại nhà đất và qua Đơn khởi kiện của Nguyên đơn cũng như thực tế diễn ra tại phiên họp giải quyết vụ tranh chấp cho thấy Nguyên đơn muốn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Việc Bên cho thuê chấm dứt hợp đồng trước thời hạn như nêu trên có căn cứ không? Trong vụ việc trên các bên thỏa thuận trong hợp đồng những căn cứ chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Thực tế, Bên cho thuê đã quyết định chấm dứt hợp đồng nhưng không được Bên thuê đồng ý. Ở đây, Bị đơn đã bày tỏ thiện chí muốn thương lượng và sẵn sàng nâng giá thuê hay phần chia lợi nhuận cho Nguyên đơn lên trên mức đã đề xuất trước đây với Nguyên đơn nhưng Nguyên đơn đã từ chối mọi khả năng thương thuyết và từ chối tiếp tục thực hiện hợp đồng. Do đó, căn cứ để chấm dứt hợp đồng nêu trên không được đáp ứng vì căn cứ nêu trên chỉ cho phép Bên cho thuê chấm dứt hợp đồng thuê với điều kiện “ phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bên kia ”. Hội đồng Trọng tài cũng theo hướng này khi xét rằng “sự chấm dứt này là đơn phương vì không nhận được sự chấp thuận của Bị đơn”. Đôi khi hợp đồng cũng có thể được chấm dứt (đình chỉ theo ngôn từ của Luật Thương mại năm 2005) khi có quy định cho phép chấm dứt hợp đồng và điều này đã được thể hiện tại Điều 426 Bộ luật dân sự năm 2005 theo đó “một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định” (khoản 1). Điều 491 và Điều 499 Bộ luật dân sự năm 2005 có đưa ra các căn cứ để chấm dứt hợp đồng thuê nhưng hoàn cảnh nêu trên không thuộc trường hợp được quy định. Khi áp dụng Bộ luật dân sự năm 2015, hướng xử lý không thay đổi vì Bộ luật dân sự năm 2015 không thay đổi về chủ đề này. Do đó, việc Bên cho thuê chấm dứt hợp đồng là không có căn cứ (theo thỏa thuận cũng như theo quy định của pháp luật) nên trở thành Bên đơn phương chấm dứt hợp đồng và phải gánh chịu những hệ quả của việc chấm dứt không có căn cứ. Hội đồng Trọng tài cũng theo hướng này khi quyết định “giải quyết hậu quả của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn của Nguyên đơn”. Cụ thể, Hội đồng Trọng tài đã quyết định “chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn về việc đơn phương chấm dứt trước thời hạn hợp đồng” và “Nguyên đơn phải trả cho Bị đơn tiền phạt do đơn phương chấm dứt hợp đồng”. Như vậy, doanh nghiệp cần lưu ý khi tiến hành chấm dứt hợp đồng trước thời hạn: Cần phải xem trong hợp đồng hay quy định của pháp luật có cho phép doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng hay không. Nếu không có căn cứ để chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận hay theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng không có căn cứ và phải gánh chịu những hệ quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng không có căn cứ như chúng ta đã thấy trong vụ việc nêu trên.

#059 | Không thực hiện hợp đồng do quyết định của cơ quan có thẩm quyền

#059 | Không thực hiện hợp đồng do quyết định của cơ quan có thẩm quyền

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty Hàn Quốc (Nguyên đơn) ký với Công ty Việt Nam (Bị đơn) hợp đồng thi công xây dựng. Sau đó hợp đồng bị chấm dứt trước thời hạn và Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài xác định đây là trường hợp miễn trừ trách nhiệm xuất phát từ quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Bài học kinh nghiệm : Trong thực tế đôi khi gặp trường hợp hợp đồng không được thực hiện đúng và việc này có nguyên nhân từ một quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp này, bên không thực hiện đúng hợp đồng có phải chịu trách nhiệm không? Trong vụ việc trên, Hội đồng Trọng tài xác định “Bị đơn đã vi phạm các nghĩa vụ quy định tại các khoản (c) và (f) Điều 16.2 của Điều kiện Chung của hợp đồng là có cơ sở. Cụ thể, như đã phân tích tại các Mục 133 đến 139 ở trên, Bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán khoản thanh toán tạm lần 01 cho Nguyên đơn (tức Bị đơn đã vi phạm khoản (c) Điều 16.2 Điều kiện chung của hợp đồng). Bị đơn cũng đã đơn phương quyết định tạm dừng thi công Dự án 01 năm kể từ ngày 01/07/2011 để điều chỉnh Dự án. Đây là việc tạm dừng quá lâu và rõ ràng đã ảnh hưởng đến toàn bộ công trình như quy định tại Điều 8.11 và khoản (f) Điều 16.2 của Điều kiện chung của hợp đồng”. Từ việc vi phạm trên, Nguyên đơn đã tiến hành chấm dứt hợp đồng và, về chủ đề này, Hội đồng Trọng tài xác định “những vi phạm nói trên của Bị đơn là những điều kiện đã được thỏa thuận cho phép Nguyên đơn có quyền thông báo chấm dứt hợp đồng, đặc biệt việc vi phạm quy định tại khoản (f) Điều 16.2 của Điều kiện chung của hợp đồng còn là điều kiện đã được thỏa thuận cho phép Nguyên đơn có quyền thông báo chấm dứt hợp đồng có hiệu lực ngay lập tức. Việc thông báo chấm dứt hợp đồng của Nguyên đơn, do đó là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận tại hợp đồng và có giá trị ràng buộc đối với các Bên”. Đoạn trên cho thấy có việc chấm dứt hợp đồng xuất phát từ việc Bị đơn không thực hiện đúng hợp đồng. Về hậu quả của chấm dứt hợp đồng nêu trên, Nguyên đơn cho rằng Bị đơn phải chịu trách nhiệm. Cụ thể, Nguyên đơn đã tính toán giá trị tổn thất lợi nhuận theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/05/2010 của Bộ Xây dựng và yêu cầu Bị đơn chi trả số tiền là 26.522.400.802 VND. Tuy nhiên, yêu cầu này đã không được Hội đồng Trọng tài chấp nhận. Cụ thể, theo Hội đồng Trọng tài, “Hội đồng Trọng tài đã kiểm tra kỹ hồ sơ và nhận thấy Văn bản số 6881 đã thông báo ý kiến về việc dừng thực hiện Dự án và giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn Bị đơn thực hiện việc dừng Dự án theo quy định của pháp luật. Do khoản tổn thất lợi nhuận mà Nguyên đơn yêu cầu liên quan đến việc thực hiện những phần công việc của hợp đồng trong giai đoạn mà trên thực tế Dự án bị buộc phải dừng thực hiện theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (ở đây là Chính phủ Việt Nam), nên không Bên nào có quyền được tiếp tục thực hiện hợp đồng và vì thế dù Nguyên đơn có không chấm dứt hợp đồng thì Bị đơn cũng buộc phải chấm dứt hợp đồng với Nguyên đơn và Bị đơn được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005. Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng Trọng tài thấy không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn đòi Bị đơn phải thanh toán số tiền có trị giá 26.522.400.802 VND”. Như vậy, có việc vi phạm hợp đồng từ phía Bị đơn và Nguyên đơn có yêu cầu Bị đơn chịu trách nhiệm của việc chấm dứt hợp đồng xuất phát từ phía Bị đơn. Mặc dù vậy, Hội đồng Trọng tài vẫn không buộc Bị đơn chịu trách nhiệm. Hướng giải quyết của Hội đồng Trọng tài được lý giải như sau: Việc không thực hiện đúng hợp đồng dẫn tới việc chấm dứt hợp đồng là do “quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (ở đây là Chính phủ Việt Nam)” trong khi đó theo khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005, “Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng”. Từ vụ việc trên, doanh nghiệp biết rằng nếu việc họ không thực hiện đúng hợp đồng xuất phát từ một quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì họ không phải chịu trách nhiệm từ việc không thực hiện đúng hợp đồng. Đối với doanh nghiệp bị vi phạm, họ cũng không thể buộc đối tác vi phạm hợp đồng phải chịu hậu quả từ việc vi phạm trên. Đây có thể được coi là rủi ro đối với các bên xuất phát từ quyết định của cơ quan công quyền và, trong trường hợp như vậy, sẽ là thuyết phục khi các bên đạt được thỏa thuận để chia sẻ những rủi ro và không nên để một bên phải gánh chịu toàn bộ.  

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI