Trọng tài thương mại

Trọng tài thương mại

#058 | Các yếu tố cấu thành sự kiện bất khả kháng

#058 | Các yếu tố cấu thành sự kiện bất khả kháng

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty Hàn Quốc (Nguyên đơn - Bên bán) ký hợp đồng mua bán với Công ty Việt Nam (Bị đơn - Bên mua). Nguyên đơn đã thực hiện giao số hàng nêu trên như đã thỏa thuận với Bị đơn nhưng Bị đơn không thực hiện việc thanh toán. Trước yêu cầu thanh toán tiền theo hợp đồng, Bị đơn viện dẫn lý do là có sự kiện bất khả kháng nhưng không được Hội đồng Trọng tài chấp nhận. Bài học kinh nghiệm : Theo Điều 4 Bộ luật dân sự năm 2005 và khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015, “cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng” và “Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”. Trong thực tế, không hiếm trường hợp một bên không thực hiện đúng hợp đồng đã được giao kết hợp pháp và viện dẫn sự kiện bất khả kháng để lý giải cho việc không thực hiện đúng hợp đồng. Theo quy định hiện hành, nếu việc không thực hiện đúng hợp đồng xuất phát từ sự kiện bất khả kháng thì bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm. Bởi lẽ, theo Điều 302 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 351 Bộ luật dân sự năm 2015, “trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự” (khoản 2). Luật Thương mại năm 2005 cũng có quy định tương tự tại Điều 294 theo đó “Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: Xảy ra sự kiện bất khả kháng” (điểm a khoản 1). Tuy nhiên, để không phải chịu trách nhiệm, bên không thực hiện đúng hợp đồng phải thực sự trong tình huống có sự kiện bất khả kháng. Trong vụ việc nêu trên, tính đến thời điểm giải quyết tranh chấp, Bên mua mới thanh toán 200.000 USD. Bị đơn lập luận việc không thực hiện việc thanh toán là do những sự kiện bất khả kháng và hệ lụy từ những sự kiện như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 làm cho kinh tế thế giới suy thoái, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn trong đó Bị đơn rơi vào thua lỗ, không vay được vốn, mất khả năng chi trả; Kinh tế thế giới suy giảm mạnh dẫn đến ngành vận tải viễn dương bị đình đốn, các chủ tàu đã hủy các hợp đồng đóng tàu, Bị đơn không nhận được khoản thanh toán để thanh toán cho Nguyên đơn.... Có thực sự việc không thanh toán của Bên mua như nêu trên là do sự kiện bất khả kháng? Luật Thương mại năm 2005 sử dụng khái niệm “sự kiện bất khả kháng” nhưng không đưa ra định nghĩa. Điều luật nêu trên của Bộ luật dân sự cũng như vậy nhưng Điều 161 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định “sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Ở đây, để có sự kiện bất khả kháng thì phải hội đủ các điều kiện sau: thứ nhất , có một sự kiện xảy ra một cách khách quan; thứ hai , sự kiện này không thể lường trước được; thứ ba , sự kiện vừa nêu là không thể khắc phục được. Trong thực tế về không thực hiện đúng hợp đồng, rất hiếm khi cơ quan tài phán chấp nhận có sự kiện bất khả kháng và thường là cơ quan tài phán không chấp nhận có sự kiện bất khả kháng [1] . Hội đồng Trọng tài cũng theo hướng thứ hai vừa nêu trong vụ việc trên. Ở đây, theo Hội đồng Trọng tài, “Hội đồng Trọng tài nhận thấy, trong Bản tự bảo vệ, Bị đơn liệt kê 10 sự kiện (được xếp thứ tự từ Mục a đến Mục j của Phần 3 của Bản tự bảo vệ) mà Bị đơn cho là bất khả kháng và hệ lụy của bất khả kháng, tuy nhiên, Bị đơn đã không cung cấp được căn cứ pháp lý cũng như không cung cấp được chứng cứ chứng minh về các sự kiện bất khả kháng đó”. Cụ thể, về sự kiện mà Bị đơn cho là bất khả kháng, được Bị đơn nêu tại Mục a Phần 3 trong Bản tự bảo vệ, là “Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 làm cho kinh tế thế giới suy thoái, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn, toàn tập đoàn V chịu tác động năng nề và Bị đơn – đơn vị chủ lực của tập đoàn V - rơi vào thua lỗ, mất khả năng chi trả” , Hội đồng Trọng tài xét rằng “cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra năm 2008, còn hợp đồng giữa Bị đơn và Nguyên đơn được ký vào năm 2009 (ngày ký là ngày 28/04/2009), tức là hợp đồng 2009 này được ký sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã xảy ra. Như vậy thì Bị đơn không thể cho rằng sự kiện này là bất khả kháng vì nó xảy ra trước khi Bị đơn ký hợp đồng với Nguyên đơn cho nên nó không còn là sự kiện xảy ra mà Bị đơn không thể lường trước được (như quy định tại khoản 1 Điều 161 Bộ luật dân sự của năm 2005) cũng như không thể không dự đoán được về những hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2008 và sau đó một năm, vào năm 2009, Bị đơn vẫn ký hợp đồng mua bán hàng hóa với Nguyên đơn, trong trường hợp này, không thể coi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2008 cùng các hệ lụy của nó là sự kiện bất khả kháng. Vì vậy, Hội đồng Trọng tài thấy chưa có đủ cơ sở để cho rằng sự kiện mà Bị đơn nêu tại Mục a Phần 3 trong Bản tự bảo vệ là bất khả kháng”. Tương tự, đối với lý do liên quan đến kinh tế thế giới suy giảm dẫn tới những hệ lụy của ngành vận tải viễn dương, Hội đồng Trọng tài cho rằng “cũng không có cơ sở, bởi vì tình hình kinh tế thế giới suy giảm mạnh dẫn đến ngành vận tải viễn dương bị đình đốn, các chủ tàu đã hủy hợp đồng đóng tàu là do tác động của cuộc khủng hoảng chính toàn cầu năm 2008 và Bị đơn không thể không lường trước được về tình hình này khi ký hợp đồng 2009”. Đối với 8 sự kiện còn lại, theo Hội đồng Trọng tài, “8 sự kiện này không phải là bất khả kháng cũng không phải là các căn cứ miễn trách cho Bị đơn, bởi vì, các sự kiện này liên quan đến các hoạt động trong nội bộ của tập đoàn”. Như vậy, Hội đồng Trọng tài đã khẳng định không có sự kiện bất khả kháng dẫn tới việc Bên mua không thanh toán tiền. Thực ra, để có sự kiện bất khả kháng thì phải hội đủ cùng một lúc 03 điều kiện nêu trên trong khi đó 03 điều kiện này không hội đủ cho từng sự kiện mà Bên mua viện dẫn: có sự kiện không mang yếu tố khách quan, có sự kiện lại có thể lường trước được. Do đó, doanh nghiệp cần thận trọng liên quan đến việc viện dẫn lý do bất khả kháng để lý giải cho việc không thực hiện đúng hợp đồng: Bên không thực hiện đúng hợp đồng không có nhiều cơ hội thành công khi khai thác sự kiện bất khả kháng, nhất là liên quan đến nghĩa vụ thanh toán một khoản tiền. Trong kinh doanh thương mại, các bên có thể thỏa thuận về sự kiện bất khả kháng nên, để tránh những khó khăn về việc đánh giá có tồn tại hay không sự kiện bất khả kháng như chúng ta đã thấy trong vụ việc trên, các bên có thể đưa vào hợp đồng những yếu tố được coi là bất khả kháng hay những yếu tố không được coi là bất khả kháng.   [1] Về sự kiện bất khả khảng tại Tòa án nhân dân, xem Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án , Sđd, Bản án số 126 - 128, Bản án số 241 - 243.

#057 | Chậm tiến độ so với hợp đồng do bên có quyền

#057 | Chậm tiến độ so với hợp đồng do bên có quyền

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty B (Nguyên đơn) ký hợp đồng với Công ty H (Bị đơn - Chủ đầu tư) để thực hiện dịch vụ khảo sát khối lượng cho một dự án. Thực tế, có chậm tiến độ thực hiện so với hợp đồng và Hội đồng Trọng tài xác định là do lỗi của Bên có quyền nên Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm. Nói cách khác, Bên có quyền không thể viện dẫn việc Bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng hợp đồng để từ chối thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình. Bài học kinh nghiệm : Trong thực tế, thường xuyên gặp trường hợp hợp đồng có quy định tiến độ thực hiện nhưng tiến độ lại không được thực hiện đúng và câu hỏi đặt ra là ai chịu trách nhiệm về việc chậm tiến độ này? Trong vụ việc trên, các Bên đã thống nhất rằng tiến độ thực hiện hợp đồng là chậm 53 ngày so với hợp đồng nhưng không có biên bản hay văn bản chấp nhận chính thức nào của Chủ đầu tư cho phép kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. Vậy Bên nào chịu trách nhiệm về việc không thực hiện đúng tiến độ? Theo Hội đồng Trọng tài, “dịch vụ Nguyên đơn cung cấp cho Bị đơn là dịch vụ tư vấn khảo sát khối lượng. Dịch vụ này chỉ có thể thực hiện được nếu Bị đơn cung cấp thông tin đầy đủ cho Nguyên đơn. Đó chính là lý do Điều 7 của hợp đồng quy định: Để không làm chậm trễ Dịch vụ và trong khoảng thời gian hợp lý, Chủ Đầu tư phải cung cấp miễn phí cho Nhà Tư vấn tất cả thông tin trong quyền hạn của mình để thực hiện dịch vụ . Xét các email và văn bản trao đổi giữa các Bên trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng cho thấy, Bị đơn đã không cung cấp thông tin đầy đủ, một lần cho Nguyên đơn. Các thông tin, thông số, thiết kế liên quan đến Dự án liên tục được điều chỉnh, thay đổi trước và ngay cả sau ngày Nguyên đơn gửi Bản Dự toán chi phí lần đầu cho Bị đơn là ngày 22/06/2011. Lần cuối cùng Bị đơn gửi thông tin bổ sung cho Nguyên đơn là ngày 21/07/2011. Ngày Công ty B hoàn tất và gửi Bản Tổng Hợp Dự toán và các Dự toán chi tiết cho Công ty H là ngày 05/08/2011. Thực tế, thời hạn hoàn thành Dịch vụ đã chậm hơn so với thỏa thuận nhưng không phải do lỗi của Nguyên đơn. Bị đơn với tư cách là bên có nghĩa vụ cung cấp thông tin đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Sự chậm trễ của Nguyên đơn là do Bị đơn liên tục thay đổi thiết kế, thay đổi, bổ sung thông số Dự án. Vì vậy, Bị đơn không thể đưa ra lý do này để từ chối nghĩa vụ thanh toán”. Như vậy, Hội đồng Trọng tài đã xác định chính Bị đơn là người làm cho tiến độ thực hiện hợp đồng bị chậm. Sở dĩ, Hội đồng Trọng tài xác định như vậy là vì có sự thay đổi từ phía Bị đơn và do không thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp thông tin trong khi đó nghĩa vụ của Nguyên đơn phụ thuộc vào những công việc của Bị đơn. Cũng theo Hội đồng Trọng tài, từ việc Bị đơn là nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ nên Bị đơn không thể viện dẫn việc chậm tiến độ để từ chối nghĩa vụ thanh toán của mình. Hướng giải quyết trên là phù hợp với khoản 3 Điều 302 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 3 Điều 351 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền” và phù hợp với điểm c khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005, “Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia”. Ở đây, Bị đơn là người thụ hưởng công việc (người có quyền trong nghĩa vụ cung cấp dịch vụ) và Nguyên đơn là người có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ theo tiến độ nhưng lỗi của việc chậm tiến độ là thuộc về người có quyền nên người có quyền không thể quy trách nhiệm cho người có nghĩa vụ. Điều đó cũng có nghĩa là khi doanh nghiệp là nguyên nhân của việc không thực hiện đúng hợp đồng thì doanh nghiệp không thể viện dẫn việc không thực hiện đúng hợp đồng này để từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình.

#056 | Cơ sở để miễn trừ thực hiện nghĩa vụ hợp đồng

#056 | Cơ sở để miễn trừ thực hiện nghĩa vụ hợp đồng

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty Việt Nam (Nguyên đơn - Bên bán) và Công ty Sudan (Bị đơn - Bên mua) ký hợp đồng mua bán gạo tổng trị giá là 60.000 USD. Hàng đã đến cảng Sudan nhưng Bên mua lấy cớ là thị trường Sudan bị Mỹ cấm vận cả đồng USD và đồng EURO nên Ngân hàng tại Sudan không chuyển tiền cho Bên bán được. Cuối cùng, Hội đồng Trọng tài đã quyết định buộc Bên mua “trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố Quyết định phải trả” cho Bên bán khoản tiền còn thiếu. Bài học kinh nghiệm : Trong hoạt động thương mại, không hiếm trường hợp một bên không thực hiện đúng nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng và được miễn trách nhiệm nếu xảy ra trường hợp pháp luật cho miễn thực hiện nghĩa vụ. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005, “Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận; b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng; c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng”. Thực tế kinh doanh thương mại quốc tế cho thấy không hiếm trường hợp bên phải thanh toán một khoản tiền không thực hiện việc thanh toán và viện dẫn lý do bị cấm vận để lý giải cho việc không thực hiện đúng hợp đồng. Trong vụ việc nêu trên cũng vậy, Bên mua đã không thanh toán cho Bên bán và có nêu lý do “không thể thanh toán tiền hàng là do lệnh cấm vận của Mỹ đối với việc thanh toán bằng USD và EURO từ Sudan” trong khi Bên mua “không có bất kỳ khiếu nại gì về số lượng, về bao bì, về chất lượng của hàng cũng như về thời hạn giao hàng”. Theo Hội đồng Trọng tài, “lệnh cấm vận của Chính phủ Mỹ đối với Sudan đã có từ năm 2006, trước khi hai bên ký kết hợp đồng. Vì vậy, Bị đơn, tức người nhập khẩu, không thể không biết về lệnh cấm vận này vào thời điểm giao kết hợp đồng, do đó việc không thực hiện được nghĩa vụ của Bị đơn trong trường hợp này không được coi là trường hợp miễn trách nhiệm và việc Bị đơn không thanh toán tiền hàng cho Nguyên đơn có nghĩa là Bị đơn vi phạm nghĩa vụ hợp đồng (căn cứ điểm d khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005)”. Như vậy, nếu lệnh cấm vận đã tồn tại trước khi xác lập hợp đồng thì đây không là căn cứ để miễn trừ trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Trong thực tế, đối với nghĩa vụ thanh toán một khoản tiền, cơ quan tài phán hầu như không chấp nhận tồn tại lý do để miễn trừ trách nhiệm của người có nghĩa vụ và hướng giải quyết của Hội đồng Trọng tài đã cho thấy điều vừa nêu. Bởi lẽ, nghĩa vụ này rất dễ thực hiện, chỉ cần một lệnh chuyển tiền là có thể thực hiện được nên khó có thể thuộc một trong các trường hợp miễn trách nhiệm nêu tại Điều 294 nêu trên của Luật Thương mại năm 2005. Do đó, đây là thông tin mà doanh nghiệp nên biết khi xác lập giao dịch với đối tác, nhất là đối tác nước ngoài.

#055 | Kết hợp phạt vi phạm hợp đồng và lãi chậm trả tiền

#055 | Kết hợp phạt vi phạm hợp đồng và lãi chậm trả tiền

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Nguyên đơn và Bị đơn xác lập hợp đồng phân phối các sản phẩm thiết bị phòng tắm. Thực hiện hợp đồng, Nguyên đơn đã giao hàng cho Bị đơn nhưng Bị đơn còn thiếu tiền hàng cho Nguyên đơn. Khi được yêu cầu giải quyết, bên cạnh việc buộc Bị đơn trả tiền gốc còn thiếu, Hội đồng Trọng tài còn buộc Bị đơn chịu phạt vi phạm hợp đồng và lãi do chậm trả tiền. Bài học kinh nghiệm : Trong thực tế, doanh nghiệp thường gặp trường hợp đối tác của mình không thanh toán nợ gốc hay bản thân doanh nghiệp còn nợ tiền gốc với đối tác của mình. Trong trường hợp này, bên còn nợ tiền gốc theo hợp đồng phải thanh toán khoản tiền gốc. Giả sử các Bên có thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm hoàn toàn có quyền đòi nợ gốc, lãi chậm trả trên nợ gốc kết hợp với việc yêu cầu trả tiền phạt vi phạm hợp đồng. Trong vụ việc nêu trên, Hội đồng Trọng tài cũng theo hướng vừa nêu với nhận xét “từ những phân tích và cơ sở pháp lý đã nêu trên đây, Hội đồng Trọng tài quyết định Bị đơn phải có nghĩa vụ thanh toán cho Nguyên đơn khoản công nợ còn lại” . Ở đây, chúng ta không bàn về việc thanh toán tiền nợ gốc mà tập trung vào việc áp dụng phạt vi phạm hợp đồng do chậm trả tiền và lãi do chậm trả tiền. Liên quan đến phạt vi phạm hợp đồng do chậm trả tiền, Điều 9.6 của hợp đồng giữa các bên quy định “Khoản thanh toán quá hạn của Bên B sẽ bị phạt với lãi suất cho số tiền quá hạn thanh toán theo bảng kê bên dưới: Quá hạn từ 61 ngày trở đi, tỷ lệ lãi phạt 1,5%/tháng”. Đây thực chất là một thoả thuận về phạt vi phạm hợp đồng cho trường hợp chậm thanh toán tiền và Hội đồng Trọng tài đã theo hướng này với nhận xét “ Hội đồng Trọng tài đã phân tích Bị đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán đối với Nguyên đơn bắt đầu từ ngày 15/09/2018. Như vậy, yêu cầu của Nguyên đơn về khoản tiền Phạt do vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo Điều 2.1 của Biên bản Thanh lý hợp đồng và Điều 9.6 của hợp đồng là có cơ sở ”. Tiếp theo, “ Hội đồng Trọng tài xét thấy tiền Phạt do vi phạm nghĩa vụ thanh toán tính trên khoản nợ 642.009.000 VND, theo mức lãi suất tương ứng quy định tại Điều 9.6 của hợp đồng, với thời gian tạm tính từ ngày 15/09/2017 đến 01/10/2018 sẽ là: 115.669.000 VND. Theo quy định tại Điều 300 và 301 của Luật Thương mại năm 2005: Tiền Phạt không được quá 8% giá trị phần nghĩa vụ vi phạm. Như vậy, khoản Phạt tối đa của Vụ tranh chấp này không được vượt quá số tiền là 51.360.720 VND ”. Đối với lãi chậm trả tiền, Hội đồng Trọng tài “ xét thấy Bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán đối với Nguyên đơn vì không thanh toán đúng thời hạn ngày 15/09/2017 và cũng không tham dự các buổi họp giải quyết công nợ với đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn theo Thư mời ngày 26/09/2017, ngày 09/10/2017. Như vậy, Nguyên đơn căn cứ Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 để yêu cầu Bị đơn thanh toán tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán là có cơ sở ”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài “ quyết định Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn khoản tiền Lãi phát sinh do chậm trả nợ ”. Phần trên đã cho thấy, xuất phát từ việc Bị đơn chậm trả tiền cho Nguyên đơn, Hội đồng Trọng tài đã áp dụng hai chế tài là phạt vi phạm hợp đồng và lãi chậm trả. Thực tế, việc kết hợp các chế tài xuất phát từ vi phạm hợp đồng không xa lạ trong pháp luật Việt Nam. Chẳng hạn, theo Luật Thương mại năm 2005, “ trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm nhưng không được áp dụng các chế tài khác ” (khoản 1 Điều 299). Ở đây, chúng ta thấy Luật ghi nhận khả năng kết hợp chế tài bồi thường thiệt hại và chế tài phạt vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có quy định về khả năng kết hợp chế tài phạt vi phạm hợp đồng và lãi chậm trả xuất phát từ hành vi chậm trả tiền (lãi do chậm trả tiền không là bồi thường thiệt hại nên không thể vận dụng quy định nêu trên). Mặc dù vậy, hướng cho kết hợp hai chế tài trên (phạt vi phạm hợp đồng và lãi chậm trả) của Hội đồng Trọng tài là thuyết phục. Thực tế, không có quy định nào cấm việc kết hợp trên và khi các điều kiện áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng và lãi chậm trả hội đủ thì chúng ta áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng và chế tài lãi chậm trả. Nói cách khác, hai chế tài trên tồn tại song song với nhau, không loại trừ nhau và hoàn toàn có thể kết hợp cùng nhau. Đó cũng là điểm doanh nghiệp chậm trả tiền hay doanh nghiệp bị chậm trả tiền cần lưu ý khi đối mặt với trường hợp chậm trả tiền.

#054 | Xác định mức phạt vi phạm hợp đồng

#054 | Xác định mức phạt vi phạm hợp đồng

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty S (Nguyên đơn - Bên bán) ký hợp đồng bán cho ông C (Bị đơn - Bên mua) một máy thêu. Trong hợp đồng, các Bên thỏa thuận nếu Bên nào thực hiện không đúng các điều khoản của hợp đồng thì bên vi phạm sẽ phải bồi thường 10% giá trị hợp đồng cho Bên kia. Khi giải quyết tranh chấp, Hội đồng Trọng tài xác định đây là thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng và chỉ chấp nhận mức phạt bằng 8% giá trị nghĩa vụ bị vi phạm.

#053 | Điều kiện áp dụng phạt vi phạm hợp đồng: Phải có vi phạm

#053 | Điều kiện áp dụng phạt vi phạm hợp đồng: Phải có vi phạm

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty Trung Quốc (Nguyên đơn - Bên bán) ký hợp đồng với Công ty Việt Nam (Bị đơn - Bên mua). Sau đó, một Bên yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng với Bên kia nhưng yêu cầu này không được Hội đồng Trọng tài chấp nhận do chưa có vi phạm như đã thỏa thuận. Bài học kinh nghiệm : Trong rất nhiều hợp đồng thương mại, các bên có thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng và sau đó một bên yêu cầu áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng. Khi nào có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm mà các bên đã thỏa thuận? Trong vụ việc trên, các Bên mua đã ký hợp đồng số 180108/EAMDOAL2 (hợp đồng máy chính) về mua bán thiết bị đồng bộ cho Nhà máy thủy điện. Điều 13.1.1 của hợp đồng máy chính quy định: “Nếu bên bán không đúng thời gian giao hàng theo hợp đồng, bị chậm cứ mỗi 15 ngày sẽ bị phạt 1% tổng giá trị hợp đồng ” . Bị đơn cho rằng, tính đến thời điểm cuối cùng khi Bị đơn nhận được toàn bộ thiết bị thì Nguyên đơn đã giao trễ. Do vậy, theo Bị đơn, Nguyên đơn bị áp dụng chế tài phạt vi phạm với mức bằng 10% tổng giá trị hợp đồng. Theo Hội đồng Trọng tài, “dựa trên các tài liệu, văn bản trong Vụ tranh chấp, dựa trên ý kiến của các Bên tại phiên họp sau khi cùng Hội đồng Trọng tài phân tích các vấn đề tranh chấp, cả Nguyên đơn và Bị đơn đều đã đồng ý xác định ngày giao hàng cuối cùng đối với thiết bị của hợp đồng máy chính và Phụ lục số 01 là ngày 05/07/2010. Theo Tờ khai hải quan số 06/NK/ĐT/B40C ngày 05/07/2010, Nguyên đơn đã giao cho Bị đơn số thiết bị có tổng trị giá là 4.500.000 RMB tại cửa khẩu Hữu Nghị Lạng Sơn, đối chiếu với quy định tại Điều 3.2 của hợp đồng máy chính và được cụ thể hóa tại Bản chi tiết liệt kê báo giá kèm theo hợp đồng máy chính, đối chiếu với Điều 10 của hợp đồng máy chính (hàng được giao theo điều kiện DAF cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn), cùng với ý kiến của các Bên tại phiên họp thì Nguyên đơn đã giao đủ số lượng hàng hóa theo hợp đồng máy chính phù hợp với quy định của hợp đồng. Trong thực tế, hai bên cũng không có tranh chấp về số lượng và trị giá của lô hàng giao ngày 05/07/2010 theo hợp đồng máy chính. Vì vậy, Bị đơn không có cơ sở để yêu cầu Nguyên đơn trả tiền phạt đối với lô hàng này. Theo trình bày của Bị đơn tại Đơn kiện lại cũng như tại phiên họp, Nguyên đơn trên thực tế đã giao thiết bị của hợp đồng máy chính và Phụ lục số 01 thành 03 đợt: Đợt 1 ngày 05/07/2010: hàng nhận trực tiếp tại địa điểm giao nhận như hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng (có tờ khai hải quan); Đợt 2 ngày 08/10/2010: hàng nhận qua trung gian từ nhà máy thủy điện L; Đợt 3 ngày 31/12/2010: hàng nhận do Văn phòng đại diện của Bị đơn tại Hà Nội gửi xe khách về Đắk Lắk cho Bị đơn. Điều 3 của Phụ lục số 01 quy định rằng thời gian giao thiết bị tủ đóng cắt 35 kV đồng thời với thời gian giao hàng của hợp đồng máy chính. Điều này có nghĩa là ngày 05/07/2010 cũng là ngày mà Nguyên đơn phải giao thiết bị này. Trong thực tế, theo Tờ khai Hải quan số 16/NK/KD/B40C, Nguyên đơn đã giao thiết bị tủ đóng cắt 35 kV vào ngày 13/07/2010. Như vậy là Nguyên đơn đã giao lô hàng này chậm 08 ngày. Hội đồng Trọng tài lưu ý Bị đơn rằng Điều 13.1.1 của hợp đồng máy chính quy định rất rõ là tiền phạt giao chậm sẽ được tính khi Bên bán giao chậm 15 ngày: “cứ mỗi 15 ngày sẽ bị phạt 1%” . Căn cứ vào quy định này, nếu có đủ cơ sở để phạt Nguyên đơn thì số tiền phạt giao chậm đối với lô hàng có trị giá 80.000 EUR sẽ bằng 0 vì giao chậm 08 ngày chưa đủ thời gian để tính tiền phạt như hai Bên đã thỏa thuận quy định tại Điều 13.1.1 nêu trên của hợp đồng máy chính. Với lô hàng giao đợt 3 ngày 31/12/2010, Nguyên đơn đã giao chậm 179 ngày (tính từ hạn cuối giao hàng: ngày 05/07/2010) đối với số thiết bị nêu trong trong Packing list lập ngày 08/10/2010 và Packing list lập ngày 31/12/2010. Tổng trị giá của số thiết bị giao chậm này là 5.000 USD đã được Nguyên đơn tính toán ngay tại phiên họp giải quyết vụ tranh chấp của Hội đồng Trọng tài và Bị đơn cũng đã chấp nhận tính toán của Nguyên đơn. Hội đồng Trọng tài cho rằng, Phụ lục số 01 không quy định về phạt vi phạm do giao hàng chậm (do không dẫn chiếu các điều khoản khác áp dụng theo hợp đồng chính) nên không có căn cứ để Hội đồng Trọng tài chấp nhận yêu cầu đòi tiền phạt của Bị đơn đối với số thiết bị trị giá 5.000 USD thuộc Phụ lục số 01”. Trong vụ việc nêu trên, Bên bán (Nguyên đơn) đã giao hàng theo 03 đợt. Đối với đợt giao hàng thứ ba, Hội đồng Trọng tài xác định có việc “giao chậm 179 ngày” nhưng Hội đồng Trọng tài không phạt vi phạm hợp đồng đối với Bên bán với lý do “không quy định về phạt vi phạm do giao hàng chậm”. Lý do của việc không phạt vi phạm ở đây là do không có thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng đối với đợt 3 và vấn đề này đã được phân tích ở chủ đề trước nên không nhắc lại ở đây (muốn phạt vi phạm hợp đồng thì các bên phải có thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng). Đối với đợt giao hàng thứ nhất, Hội đồng Trọng tài xác định “ngày giao hàng cuối cùng đối với thiết bị của hợp đồng máy chính và Phụ lục số 01 là ngày 05/07/2010” trong khi đó “Nguyên đơn đã giao đủ số lượng hàng hóa theo hợp đồng máy chính phù hợp với quy định của hợp đồng. Trong thực tế, hai bên cũng không có tranh chấp về số lượng và trị giá của lô hàng giao ngày 05/07/2010 theo hợp đồng máy chính. Vì vậy, Bị đơn không có cơ sở để yêu cầu Nguyên đơn trả tiền phạt đối với lô hàng này”. Ở đây, lý do của việc không áp dụng phạt vi phạm hợp đồng không phải là không có thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng mà là không có vi phạm dẫn tới phạt vi phạm hợp đồng. Hướng giải quyết của Hội đồng Trọng tài được lý giải như sau: Chúng ta thấy, theo khoản 1 Điều 422 Bộ luật dân sự năm 2005 và khoản 1 Điều 418 Bộ luật dân sự năm 2015, “phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm” và Điều 300 Luật Thương mại năm 2005 quy định “ Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận ”. Điều đó có nghĩa là, để áp dụng phạt vi phạm hợp đồng, ngoài việc phải có thỏa thuận về phạt vi phạm như đã nói ở trên, cần phải có việc một bên vi phạm hợp đồng trong khi đó Bên bán không vi phạm hợp đồng đối với đợt giao hàng thứ nhất nên không thể phạt vi phạm hợp đồng đối với Bên bán như Hội đồng Trọng tài đã làm. Từ đó, doanh nghiệp rút ra bài học là để có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng, bên cạnh việc chứng minh có thỏa thuận trọng tài, cần phải chứng minh thêm rằng đã có việc vi phạm hợp đồng (nếu thiếu một trong hai yếu tố vừa nêu sẽ không có phạt vi phạm hợp đồng). Đối với đợt giao hàng thứ hai, Hội đồng Trọng tài xác định “Nguyên đơn đã giao lô hàng này chậm 08 ngày” nhưng việc “giao chậm 08 ngày chưa đủ thời gian để tính tiền phạt như hai Bên đã thỏa thuận”. Sở dĩ, có kết quả như vừa nêu là vì các Bên đã thỏa thuận “cứ mỗi 15 ngày sẽ bị phạt 1%” . Thỏa thuận này không thực sự rõ ràng và có thể hiểu dẫn đến hai cách hiểu: thứ nhất , chỉ có thể phạt vi phạm hợp đồng khi có việc chậm giao tài sản từ 15 ngày trở lên (tức bản thân việc chậm giao hàng hóa chưa đủ mà cần phải hội đủ thêm điều kiện nữa là chậm từ 15 ngày trở lên); thứ hai , mỗi ngày chậm vẫn chịu phạt nhưng mức phạt sẽ là 1%/15 ngày. Trên cơ sở tự do hợp đồng, cả hai loại thỏa thuận về phạt vi phạm như vừa nêu đều hợp pháp. Cuối cùng Hội đồng Trọng tài theo hướng “nếu có đủ cơ sở để phạt Nguyên đơn thì số tiền phạt giao chậm đối với lô hàng có trị giá 80.000 EUR sẽ bằng 0 vì giao chậm 08 ngày chưa đủ thời gian để tính tiền phạt như hai Bên đã thỏa thuận”. Hội đồng Trọng tài dường như đã hiểu theo cách thứ nhất nêu trên. Để tránh gặp khó khăn trong việc vận dụng phạt vi phạm hợp đồng như chúng ta vừa thấy, các bên nên thận trọng hơn trong việc đưa ra điều kiện về phạt vi phạm hợp đồng.

#052 | Điều kiện áp dụng phạt vi phạm hợp đồng: Cả thỏa thuận sau giao kết

#052 | Điều kiện áp dụng phạt vi phạm hợp đồng: Cả thỏa thuận sau giao kết

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Nguyên đơn đã ký với Bị đơn hợp đồng nguyên tắc làm cơ sở để mua bán hàng hóa. Nguyên đơn có đơn đặt hàng và thanh toán tiền hàng tương ứng nhưng Bị đơn không giao hàng. Bên cạnh việc yêu cầu hoàn trả tiền, Nguyên đơn yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng đối với Bị đơn. Hội đồng Trọng tài đã xác định “Trong hợp đồng nguyên tắc, các bên không thỏa thuận áp dụng chế tài phạt vi phạm đối với trường hợp các Bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng”. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài vẫn tuyên phạt vi phạm hợp đồng đối với Bị đơn. Bài học kinh nghiệm : Về nguyên tắc, điều khoản phạt vi phạm hợp đồng hợp pháp cần được thể hiện trong hợp đồng giữa các Bên. Tuy nhiên, nếu thông qua các văn bản, tài liệu trao đổi giữa các bên mà xác định được ý chí chung của các bên về việc xác lập điều khoản phạt vi phạm hợp đồng, đây có thể coi là một điều khoản phạt vi phạm hợp đồng hợp pháp mà không nhất thiết phải thể hiện trong hợp đồng. Theo khoản 1 Điều 418 Bộ luật dân sự năm 2015, “ Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm ”. Thực tế, Luật Thương mại năm 2005 cũng có quy định về chủ đề này tại Điều 300 với nội dung “ Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận ”. Căn cứ vào hai quy định nêu trên, chúng ta thấy để có thể phạt vi phạm hợp đồng thì ngoài việc một bên có vi phạm, cần có thỏa thuận của các bên về việc phạt vi phạm. Trong chủ đề trước, chúng ta đã làm rõ sự cần thiết của thỏa thuận phạt vi phạm và không nhắc lại. Ở đây, chúng ta tập trung vào thời điểm xác lập thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng. Trong vụ việc trên, tại thời điểm xác lập hợp đồng nguyên tắc năm 2016, các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng. “ Tuy nhiên, các tài liệu giao dịch trao đổi giữa các bên đã thể hiện rõ ý chí của các bên là sẽ áp dụng chế tài phạt vi phạm ”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài xác định “ Do phần nghĩa vụ mà Bị đơn vi phạm là tổng giá trị 02 Đơn hàng không được giao với số tiền là 479.235.081 VND nên Hội đồng Trọng tài nhận định rằng tổng số tiền phạt vi phạm mà Bị đơn phải trả cho Nguyên đơn là: 479.235.081 VND x 8% = 38.338.806 VND ”. Như vậy, Hội đồng Trọng tài xác định có thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng và áp dụng phạt vi phạm hợp đồng. Thực tế, Luật Thương mại năm 2005 có nội dung chưa đủ rõ về chủ đề đang được phân tích. Cụ thể, Điều 300 Luật Thương mại năm 2005 theo hướng “phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận ” và nội dung này có thể dẫn tới cách hiểu là thỏa thuận phạt vi phạm phải nằm “trong hợp đồng” nên phải tồn tại ở thời điểm xác lập hợp đồng. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự năm 2015 có cách tiếp cận rộng hơn cách giải thích vừa nêu vì Điều 418 Bộ luật dân sự năm 2015 chỉ nêu “Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng”: Chỉ cần “các bên trong hợp đồng” có “thỏa thuận” về phạt vi phạm hợp đồng là được và thỏa thuận này không nhất thiết phải có trong hợp đồng và cùng thời điểm với hợp đồng. Thông thường thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng tồn tại trong hợp đồng tại thời điểm xác lập hợp đồng. Qua vụ việc trên, chúng ta thấy thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng không nhất thiết phải nằm trong văn bản hợp đồng có vi phạm. Thỏa thuận này có thể tồn tại ngoài văn bản hợp đồng có vi phạm và có thể được hình thành sau khi hợp đồng được xác lập nếu như các bên chưa thỏa thuận tại thời điểm xác lập hợp đồng. Đây là điểm doanh nghiệp cần biết khi muốn khai thác chế định phạt vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, để tránh mọi phiền phức về sự tồn tại hay không tồn tại của thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng hay phiền phức về xác định bản chất pháp lý của thỏa thuận giữa các bên (về phạt vi phạm hợp đồng hay bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng), các bên nên thỏa thuận rõ về khả năng phạt vi phạm hợp đồng ngay trong hợp đồng, ở ngay thời điểm xác lập hợp đồng.

#051 | Điều kiện áp dụng phạt vi phạm hợp đồng: Phải có thỏa thuận

#051 | Điều kiện áp dụng phạt vi phạm hợp đồng: Phải có thỏa thuận

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : ty M (Nguyên đơn) ký hợp đồng với Công ty T (Bị đơn) để thi công công việc chống thấm cho một tòa nhà. Sau đó hai Bên có tranh chấp và có yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, yêu cầu phạt vi phạm này không được Hội đồng Trọng tài chấp nhận. Bài học kinh nghiệm : Trong thực tế, nhiều khi chúng ta gặp trường hợp một bên cho rằng bên kia đã vi phạm hợp đồng và yêu cầu bên vi phạm chịu phạt vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp nào, yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng được chấp nhận? Trong vụ việc nêu trên, Bị đơn yêu cầu Nguyên đơn chịu “Phạt vi phạm 12% trên giá trị hợp đồng là: 414.960.000 VND”. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài đã cho rằng “khi xem xét hợp đồng được ký kết giữa các Bên, Hội đồng Trọng tài không tìm thấy Điều khoản về phạt hợp đồng. Đối chiếu với quy định của Điều 300 Luật Thương mại năm 2005 thì yêu cầu này của Bị đơn là không có cơ sở để chấp nhận”. Phạt vi phạm hợp đồng là chế định được khai thác nhiều trong thực tế và hiện nay Bộ luật dân sự cũng như Luật Thương mại năm 2005 đều có quy định về chủ đề này. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 422 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 1 Điều 418 Bộ luật dân sự năm 2015, “phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”. Về phía mình, Điều 300 Luật Thương mại năm 2005 quy định “ phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận ”. Như vậy, dù áp dụng Bộ luật dân sự hay Luật Thương mại năm 2005, bản thân việc một bên vi phạm hợp đồng chưa đủ để áp dụng phạt vi phạm hợp đồng. Để có thể phạt vi phạm hợp đồng, điều kiện cần thiết nữa là các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng và đây là điểm khác biệt với bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng: Bồi thường thiệt hại được áp dụng khi đáp ứng các điều kiện luật định mà không cần có thỏa thuận về khả năng bồi thường trong khi đó, khi muốn phạt vi phạm hợp đồng, cần có thỏa thuận của các bên về khả năng phạt vi phạm hợp đồng. Trong vụ việc trên, một bên yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng đối với bên kia nhưng lại không cho thấy các bên đã có thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng. Do đó, yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng không được chấp nhận là điều dễ hiểu. Từ đó, doanh nghiệp cần lưu ý rằng nếu họ muốn phạt vi phạm bên vi phạm thì họ phải thỏa thuận về khả năng phạt vi phạm hợp đồng trước khi có việc vi phạm và phải chứng minh được sự tồn tại của thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng. Nếu không, như chúng ta đã thấy, yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng sẽ không được chấp nhận cho dù có việc vi phạm hợp đồng.

#050 | Nghĩa vụ hạn chế tổn thất của bên bị thiệt hại

#050 | Nghĩa vụ hạn chế tổn thất của bên bị thiệt hại

12/26/2023

Tình tiết sự kiện : Công ty Việt Nam (Nguyên đơn - Bên mua) ký 03 hợp đồng mua bán hạt điều khô chưa bóc vỏ với Công Singapore (Bị đơn - Bên bán) trong đó liên quan đến hợp đồng số 004 có 772 bao hàng bị hư hỏng nặng, mọc mầm. Bên mua đã hủy bỏ toàn bộ số hàng này và yêu cầu Bên bán phải bồi thường toàn bộ giá trị của 772 bao hàng. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài chỉ chấp nhận 1/2 yêu cầu với lý do Bên mua đã không hạn chế thiệt hại. Bài học kinh nghiệm : Trong vụ việc trên, Hội đồng Trọng tài xác định “về mặt pháp lý, khi hàng hóa đến cảng dỡ hàng quy định mà bị tổn thất thì người mua (Nguyên đơn) hoàn toàn có quyền đòi người bán bồi thường thiệt hại cho phần hàng bị tổn thất nếu có chứng thư giám định ghi rõ khối lượng và mức độ tổn thất để chứng minh những thiệt hại mà mình phải gánh chịu”. Thực tế, Hội đồng Trọng tài đã theo hướng Bên mua là người bị thiệt hại (có tổn thất) xuất phát từ việc không thực hiện đúng hợp đồng của Bên bán. Trong thực tế, khi có người chịu trách nhiệm đối với thiệt hại mà mình gánh chịu, bên bị thiệt hại có thể có tâm lý là không hạn chế tổn thất (vì cho rằng đã có người gánh chịu). Tâm lý như vậy là không tốt cho người chịu trách nhiệm bồi thường cũng như cho xã hội vì gây lãng phí. Do vậy, pháp luật có quy định buộc người bị thiệt hại phải hạn chế tổn thất. Cụ thể, trong pháp luật Việt Nam, nghĩa vụ hạn chế tổn thất của người bị thiệt hại đã được ghi nhận một cách minh thị trong Luật Thương mại năm 2005 tại Điều 305 theo đó “bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra”. Vấn đề còn lại là phải xác định người bị thiệt hại có vi phạm nghĩa vụ hạn chế tổn thất hay không? Theo Hội đồng Trọng tài, “Nguyên đơn lại tự ý hủy bỏ phần hàng tổn thất ( 772 bao loại 3 ) mà không mời cơ quan giám định có thẩm quyền tiến hành giám định để xác định mức độ tổn thất trước khi tiêu hủy là trái với quy định tại Điều 305 của Luật Thương mại năm 2005”. Về chế tài cho việc không thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất, Điều 305 Luật Thương mại năm 2005 theo hướng “nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được”. Trong vụ việc trên, bên cạnh việc xác định Bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán, Hội đồng Trọng tài còn xác định “trong trường hợp cụ thể này, Nguyên đơn cũng đã chứng minh được rằng: Bị đơn đã vi phạm nguyên tắc hợp tác theo quy định của pháp luật trong quá trình xử lý lô hàng tổn thất”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài theo hướng “Hội đồng Trọng tài có thể chấp nhận một phần yêu cầu này của Nguyên đơn với mức là 50%”. Điều đó có nghĩa là, theo Hội đồng Trọng tài, Bên mua đã vi phạm nghĩa vụ hạn chế tổn thất và một phần tổn thất mà Bên mua gánh chịu không được Bên bán bồi thường; đó là khoản thiệt hại mà Bên mua đáng ra có thể hạn chế được. Từ vụ việc này, doanh nghiệp bị thiệt hại biết rằng họ có nghĩa vụ hạn chế tổn thất và khi họ đã có những biện pháp hạn chế thiệt hại nhưng thiệt hại vẫn diễn ra thì thiệt hại này được bồi thường. Ngược lại, khi họ không tiến hành những biện pháp cần thiết để hạn chế tổn thất thì thiệt hại đáng ra hạn chế được có nguy cơ sẽ không được bồi thường như chúng ta đã thấy trong vụ việc trên.

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI