Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành cuối năm 2015, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực của Việt Nam và các nước ASEAN. Trong bối cảnh ASEAN là bạn hàng, đồng thời là đối thủ cạnh tranh quan trọng của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng, cũng có nhiều quan ngại trước tiến trình này. Tới nay, chặng đường AEC đã đi được tròn 01 năm.
Nhìn lại những gì Việt Nam đã và chưa làm được sau 01 năm AEC và sau 20 năm hội nhập ASEAN có lẽ là việc rất cần thiết để Việt Nam có sự điều chỉnh thích hợp nhằm tận dụng các cơ hội, vượt qua những thách thức trong tương lai AEC những năm tới. Đồng thời, việc cung cấp công cụ hiệu quả cho doanh nghiệp tìm hiểu, từ đó có sự chuẩn bị thích hợp để thu được lợi ích tốt nhất từ AEC trong thời gian tới cũng là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra.
Đánh giá sau một chặng đường vừa qua, ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định về thương mại hàng hóa, AEC mở cửa thị trường rất rộng, rất nhanh. Dự kiến đến năm 2018, về cơ bản có 99% dòng thuế được miễn hoàn toàn. Hiện nay cũng đã trên 97% các dòng thuế được miễn. Vấn đề là chúng ta khai thác được bao nhiêu trong số lượng lớn các dòng thuế ưu đãi tuyệt đối đấy. Rõ ràng là chúng ta chưa khai thác được bởi vì thống kê cho thấy, lượng hàng Việt Nam xuất khẩu đi các nước ASEAN để được hưởng ưu đãi về thuế quan đó chưa cao, thậm chí là rất thấp. Như vậy, cánh cửa thuế quan đã mở rất rộng rồi, nhưng chúng ta khai thác chưa được tốt.
Chưa kể đến kim ngạch xuất khẩu theo thời gian cũng không khả quan lắm. Việc xuất hàng hóa đi để hưởng ưu đãi thuế quan là giảm dần. Ở một khía cạnh khác nữa thì việc nhập khẩu hàng hóa càng ngày càng tăng và bao giờ cũng cao hơn xuất khẩu. Xu hướng nhập càng ngày càng cao lên, có nghĩa là nhập siêu càng ngày càng tăng. Đây là dấu hiệu đáng lo. Điều đáng lo nhất là khả năng của Doanh nghiệp Việt Nam để khai thác thị trường ASEAN ngày càng giảm. Trong lúc khả năng khai thác của Doanh nghiệp ASEAN đối với thị trường Việt Nam đang tăng lên. Thực tiễn cho thấy rất rõ hàng hóa của Malaisya, Thái Lan, Singapore đang cạnh tranh gay gắt trên thị trường Việt Nam. Trong lúc đó, chúng ta biết thị trường của các nước ASEAN còn lại không phải là đối thủ cạnh tranh đối với hàng hóa nội địa.
Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều cam kết về dịch vụ trong khối ASEAN, nhưng thực tế hiện nay thì Doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được. Bên cạnh cam kết tự do hàng hóa, còn có các cam kết về tự do đầu tư, tự do dịch chuyển dòng vốn, tự do tài chính và tự do của các ngành dịch vụ khác. Những cam kết của Việt Nam rất sâu, rất rộng nhưng năng lực cạnh tranh, năng lực khai thác của Doanh nghiệp các cam kết đó là hạn chế. Ví dụ như liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực như nhân viên kiểm toán, kế toán, kỹ sư, y tế, đây là những lĩnh vực chúng ta đã khai thác, tuy nhiên những lĩnh vực này lại không có những ưu đãi quá đặc biệt để tận dụng. Không chỉ riêng thương mại hàng hóa mà kể cả thương mại dịch vụ thì chúng ta cũng chưa làm được bao nhiêu.
Trước thực trạng doanh nghiệp còn lúng túng với những cơ hội trước mắt, gặp hạn chế trong việc tiếp cận và nghiên cứu tổng thể nhằm hoạch định chiến lược cho doanh nghiệp mình, một cổng thông tin điện tử mới về AEC cho doanh nghiệp và những người quan tâm ra đời với mong muốn trở thành điểm dừng chân tri thức về AEC tổng quan, đầy đủ nhất. Tại https://aecvcci.vn/, doanh nghiệp có thể tra cứu và tiếp cận đa dạng các tài liệu, nội dung phân tích, định hướng cũng như các cảnh báo phù hợp. Hy vọng cổng thông tin mới về AEC do Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) sẽ là một địa chỉ quen thuộc cho doanh nghiệp trước thị trường tiềm năng và cơ hội tuyệt vời mà AEC mang lại.