Các đội thi- các bạn sinh viên ở vị trí các luật sư đại diện cho các bên tranh chấp trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tham dự cuộc thi phải viết đơn khởi kiện và bản tự bảo vệ cho các bên bằng tiếng Anh, tranh tụng bằng tiếng Anh trước Hội đồng trọng tài là các chuyên gia có uy tín, các luật sư, các trọng tài viên về thương mại quốc tế. Các đội thi phải bảo vệ các lập luận của mình, phản biện lại lập luận của đội đối thủ, trả lời các câu hỏi của Hội đồng trọng tài, và tất cả bằng tiếng Anh. Đó là những gì đang diễn ra ở cuộc thi “Việt Nam CISG Pre-Moot 2020”, một cuộc thi tranh tụng trọng tài giả định do Trường Đại học Ngoại thương (FTU) hợp tác với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); Hội luật Quốc tế Việt Nam (VSIL) và Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế (VBLC) tổ chức.
Sứ mệnh của cuộc thi là sân là tạo cơ hội cho các bạn sinh viên nâng cao khả năng tranh tụng bằng tiếng Anh, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng giải quyết tình huống tranh chấp, kỹ năng viết, kỹ năng tranh tụng, khả năng phản biện. Cuộc thi hứa hẹn sẽ trở thành “vườn ươm” tài năng – nơi phát triển và góp phần tạo ra thế hệ các trọng tài viên, luật sư, chuyên gia có khả năng tham gia tranh tụng quốc tế, từ đó, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.
Mặc dù trọng tài giả định đã được tổ chức bởi một số các trường đào tạo luật trong nước, “Việt Nam CISG Pre-Moot 2020” đánh dấu lần đầu tiên một cuộc thi trọng tài giả định trực tuyến được tổ chức tại Việt Nam. Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đặt ra thách thức trong việc đảm bảo cuộc thi diễn ra an toàn cho cả các trọng tài viên và các đội thi. BTC Cuộc thi, cùng với sự trợ giúp của các chuyên gia công nghệ thông tin, đã biến “nguy” thành “cơ” nhờ nỗ lực tạo nền tảng hạ tầng truyền thông mạnh và ổn định và áp dụng thành công các giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại. Ứng dụng Zoom Pro đã được sử dụng cho các vòng loại, tứ kết và bán kết và cả trận Chung kết để kết nối trực tuyến không chỉ các đội thi với trọng tài viên mà còn giữa các trọng tài viên với nhau. BTC thầm lặng đeo khẩu trang chuẩn bị các điều kiện logistics và kết nối, các đội thi ở Hà Nội, ở thành phố Hồ Chí Minh và ở Huế đã được kết nối và chia vào từng phòng Zoom để thực hiện thi đấu, với sự đánh giá của các trọng tài viên không chỉ ở Việt Nam và cả các trọng tài viên ở Anh, Úc và Singapore. Thay vì hủy cuộc thi vì dịch Covid 19, đây là một nỗ lực và sự ứng phó nhanh chóng của BTC nhằm đảm bảo duy trì sân chơi này cho các bạn sinh viên. Với mô hình này, các thí sinh năm nay được trải nghiệm một phiên trọng tài trực tuyến với chất lượng tốt, tiệm cận với xu hướng ODR (online disputes resolution) hiện nay đang được phát triển mạnh mẽ trên thế giới.
Theo Trang điện tử Trường Đại học Ngoại Thương, ngày 16/03/2020