Nhiều luật sư, chuyên gia kinh tế đánh giá rằng, đội ngũ luật sư tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung tuy nhiều về số lượng nhưng thiếu đồng đều về chất lượng, gây ra sự bất tương xứng với yêu cầu thị trường dịch vụ pháp lý.
Hiện tại, luật sư có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ giỏi, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn ít; thiếu luật sư hoạt động chuyên sâu về lĩnh vực thương mại, đầu tư quốc tế, chống bán phá giá… Rõ ràng, luật sư cần phải “chạy đua” trong quá trình hội nhập.
Bồi dưỡng kỹ năng hành nghề
Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, thông tin trên địa bàn TP hiện có hơn 5.000 luật sư là thành viên Đoàn Luật sư TPHCM và 245 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Trong số 1.603 tổ chức hành nghề luật sư tại TP có 1.539 tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, 64 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Bên cạnh đó, tại TPHCM còn có 263 chi nhánh, 170 văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam. Phần lớn các tổ chức hành nghề luật sư chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật về luật sư, cũng như quy định khác có liên quan trong quá trình hoạt động hành nghề. Thế nhưng, hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn TPHCM còn khá phân tán; đa phần luật sư hành nghề riêng lẻ, quy mô nhỏ, thiếu tính liên kết, hạn chế trong việc tham gia tư vấn pháp lý đối với các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài…
Trước tình hình trên, Sở Tư pháp TPHCM đã phối hợp với Đoàn Luật sư TPHCM tổ chức những lớp tập huấn chuyên sâu vào ngày 22 và 29-9 cho hàng trăm luật sư trên địa bàn TP. Mục đích nhằm bồi dưỡng kỹ năng quản trị, hành nghề cho các luật sư trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều nội dung với các chuyên đề “nóng”, thu hút đông đảo luật sư tham dự, như: luật sư tham gia giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, cập nhật các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, kỹ năng tham gia và quản lý rủi ro trong thực hiện các hợp đồng kinh doanh thương mại…
Trong hoạt động thương mại, hợp đồng thương mại giữ vai trò rất quan trọng, bởi đây là hình thức thể hiện ý chí của các bên trong giao dịch, đảm bảo an toàn pháp lý của các bên; giúp kiểm soát, xử lý rủi ro liên quan đến giao dịch giữa các bên… Chẳng hạn rủi ro do đối tác vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của mình. Đáng chú ý, chế tài bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm (không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm) là 2 chế tài được áp dụng phổ biến nhất trong trường hợp có bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Đối với trường hợp bồi thường, thiệt hại được bồi thường là toàn bộ thiệt hại bao gồm thiệt hại thực tế và trực tiếp về vật chất, tinh thần mà bên bị vi phạm phải gánh chịu do bên vi phạm gây ra. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm các khoản lợi trực tiếp mà bên vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Đồng thời, bên vi phạm cũng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường nếu trường hợp bên bị vi phạm không thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất. Một rủi ro khác nữa đó là rủi ro trong quá trình xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh. Ví dụ, các loại tài sản nêu trên không đủ thực hiện phần hợp đồng bị vi phạm hoặc tài sản thuộc sở hữu của nhiều người, tài sản đang bị tranh chấp…
Chuẩn hóa các tiêu chí
Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TPHCM, cho biết việc đánh giá, phân loại tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại có yếu tố nước ngoài được thực hiện từ năm 2017 (Quyết định số 110/QĐ-BTP ngày 23-1-2017). Điều này để định hướng, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu; giúp các trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế có thể tham khảo, thiết lập mối quan hệ hợp tác với các tổ chức hành nghề luật sư trong việc tiếp nhận, tổ chức thực tập cho các học viên trung tâm… Dựa vào các tiêu chí đánh giá, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ công bố danh sách tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại có yếu tố nước ngoài vào tháng 12 hàng năm. Danh sách này được rà soát, cập nhật và công bố nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn. Nội dung của các tiêu chí bao gồm: nhóm tiêu chí về kết quả hoạt động trong lĩnh vực chuyên sâu về thương mại có yếu tố nước ngoài; nhóm tiêu chí về uy tín và thương hiệu trong lĩnh vực thương mại có yếu tố nước ngoài; nhóm tiêu chí về quy mô tổ chức, nhân sự, trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư phục vụ cho hoạt động thương mại có yếu tố nước ngoài; nhóm tiêu chí về việc tuân thủ pháp luật; nhóm tiêu chí về thực hiện nghĩa vụ xã hội. Không chỉ đáp ứng các tiêu chí, quy định chung đối với hệ tiêu chí nói trên, hiện nay đang có nhiều tổ chức hành nghề luật sư, các chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư cũng chủ động hội nhập, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ trọng tài viên, luật sư… Chẳng hạn, Hội Trọng tài thương mại TPHCM (HCCAA) đã phối hợp với Sở Tư pháp TP, Tòa án Nhân dân TP, Cục Thi hành án Dân sự TP trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại; đồng thời, phối hợp với một số cơ quan chuyên trách tổ chức các buổi tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật cho trọng tài viên trong lĩnh vực thương mại. Các nội dung phối hợp giữa HCCAA với Sở Tư pháp TPHCM cũng như một số đơn vị khác bao gồm: cung cấp kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước; kinh nghiệm, kỹ năng tham gia đàm phán, ký kết các hợp đồng thương mại quốc tế và cách thức giải quyết các tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế. Ngoài ra còn có Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên trách tổ chức những buổi tọa đàm chuyên đề về trọng tài thương mại, hòa giải thương mại…
Theo Trinh Bùi - Lan Anh Báo Sài Gòn Giải Phóng online đăng ngày 04/10/2018