...

Sắp thành lập Chi nhánh Viện trọng tài Anh (CIArb) tại Việt Nam

29 Tháng 10, 2019

Viện Trọng tài Anh (CIArb) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) là hai đơn vị đã có nhiều hoạt động phối hợp, phổ biến, đào tạo về trọng tài thương mại trong thời gian vừa qua. Trước đó cuối năm 2018, VIAC và CIArb đã ký kết Biên bản Ghi nhớ (MOU) tại lễ khai mạc Khóa học Giới thiệu về Trọng tài quốc tế (tổ chức ngày 12/10/2019 tại thành phố Hồ Chí Minh) do VIAC và CIArb, London đồng tổ chức.

Nhằm thúc đẩy hơn việc đào tạo bài bản, hiệu quả về các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) trong đó có trọng tài thương mại, ngày 20/09/2019, CIArb đã tổ chức buổi trao đổi, đóng góp ý kiến về việc thành lập Chi nhánh của CIArb tại Việt Nam. Buổi trao đổi có sự góp mặt của các thành viên CIArb tại Việt Nam dưới sự điều phối của ông Anthony Abrahams - Giám đốc điều hành Viện Trọng tài Anh (CIArb).

Mở đầu buổi trao đổi, ông Anthony đã có những chia sẻ khái quát về tiến trình hình thành và chức năng tiêu biểu của CIArb. Theo đó, là một tổ chức quốc tế chuyên nghiệp, CIArb luôn nỗ lực thúc đẩy hoạt động tìm hiểu, học tập về trọng tài thương mại theo định hướng chuyên sâu và hiệu quả nhất. CIArb đặt ra bốn điểm chính trong chiến lược phát triển đó là: Thương hiệu - Tiêu chuẩn, Đào tạo, Kết nối thành viên và Nguồn lực. Mỗi điểm sẽ tương ứng với một mục tiêu hướng đến đảm bảo những tiêu chuẩn chất lượng cao, duy trì và nâng cao thương hiệu tổ chức.

Là một trong những tổ chức lâu đời, uy tín nhất trong việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài thương mại, thông qua việc ký kết Thỏa thuận hợp tác chính thức, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có sự kết nối chặt chẽ với Viện Trọng tài Anh (CIArb) tổ chức nhiều sự kiện hữu ích. Một số sự kiện tiêu biểu như: Khóa học Trọng tài thương mại Quốc tế, Hội thảo “International Arbitration Agreement”,… được triển khai với nội dung có đầu tư, mang tính chuyên môn cao, đã thu hút nhiều đối tượng tham dự. Ngoài ra, một số cán bộ và trọng tài viên VIAC cũng là những thành viên của CIArb, luôn tích cực hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực trọng tài thương mại dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ nền tảng vững chắc đó, Viện Trọng tài Anh luôn tin tưởng VIAC trong việc hỗ trợ tăng cường hoạt động đào tạo, nhân rộng thương hiệu của mình tại Việt Nam.

Tại buổi họp với các thành viên tại Việt Nam, ông Anthony Abrahams đã nêu ra những định hướng cụ thể đối với các chi nhánh trên thế giới nói chung và chi nhánh của CIArb tại Việt Nam nói riêng. Ông nhấn mạnh việc chuẩn bị và thúc đẩy các hoạt động xã hội cũng như pháp lý ở các Chi nhánh là rất cần thiết. Các hoạt động này cần được thực hiện dưới đa dạng các hình thức, làm sao có thể đạt được hiệu quả một cách tối đa. Cụ thể, các chi nhánh đều phải có kế hoạch rõ đối với các khóa đào tạo về trọng tài và các phương thức thay thế. Hiện nay, nhận thức về giải quyết tranh chấp bằng phương thức giải quyết tranh chấp thay thế ngày càng nhiều, điều này khiến nhu cầu tìm hiểu, khai thác cũng ngày càng tăng cao. Chính bởi vậy, để có thể cung cấp những dịch vụ tốt nhất, các chi nhánh phải có sự thu thập, truyền tải rộng rãi thông tin về trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế đến cộng đồng một cách thường nhật. Bên cạnh đó, sự kết nối giữa các thành viên trong chi nhánh cũng như với các chi nhánh khác cũng vô cùng quan trọng, nhằm tạo dựng nên sự thống nhất, hoạt động đồng điệu, có chất lượng. Việc tăng cường và đào tạo thành viên mới, thành viên đang hoạt động cũng là yếu tố được nhấn mạnh trong chiến lược mở rộng chi nhánh của CIArb.

Trong buổi trao đổi, hầu hết các thành viên có mặt đều đồng tình rằng việc thành lập một Chi nhánh tại Việt Nam với những nhiệm vụ bắt buộc là điều không thể thiếu. Ông Anthony chia sẻ, hiện nay CIArb có những yêu cầu nhất định về trách nhiệm của các chi nhánh, tuy nhiên căn cứ trên thực tế, CIArb cũng cố gắng loại bỏ những yếu tố phức tạp để việc thực hiện nghĩa vụ của các chi nhánh được thuận lợi hơn, giúp việc hợp tác với các tổ chức trong cùng khu vực cũng dễ dàng hơn. Đặc biệt, ông Anthony lưu ý nhiều đến việc đào tạo các thành viên trẻ, mới, đáp ứng mục tiêu cung cấp cho họ đầy đủ kiến thức, đáp ứng đủ tiêu chuẩn của tổ chức. Theo đó, ông đã tiến hành trao đổi, đề xuất các thành viên đóng góp ý kiến về việc tổ chức các khóa học, tạo dựng diễn đàn trao đổi giữa các thành viên. Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác đã ký kết, CIArb cho rằng VIAC là đối tác đủ tầm vóc, năng lực để cùng CIArb thực hiện và phát triển việc đào tạo chuyên môn, kỹ năng cho các thành viên. Với kinh nghiệm tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn và dài hạn về trọng tài, hòa giải trong giải quyết tranh chấp, VIAC có thể phối hợp tốt với CIArb để cùng thực hiện các chương trình, sự kiện cho các thành viên. Hình thức phối hợp giữa các bên nên được đa dạng hóa, CIArb có thể trở thành nhà tài trợ hoặc một diễn giả tại sự kiện để củng cố thêm tính chuyên nghiệp cho các chương trình đồng tổ chức. Bên cạnh đó, trong buổi Tọa đàm, những thắc mắc về vấn đề liệu các thành viên có thể hoạt động song song ở cả 2 tổ chức đã được giải đáp. Xét về chức năng và nhiệm vụ của của cả 2 tổ chức, ông Anthony cho rằng cả CIArb và VIAC đều là những tổ chức giải quyết tranh chấp uy tín hàng đầu ở Việt Nam và đều có những tiêu chuẩn khác nhau trong việc tuyển chọn thành viên. Tuy nhiên, có một điểm chung rõ ràng giữa hai tổ chức đó là việc tất cả các thành viên đều phải trải qua những kiểm định khắt khe về chuyên môn để trở thành trọng tài viên thương mại hay thành viên của CIArb.

Liên quan đến việc thành lập Ban thường trực, danh sách ban thường trực được chỉ định và đồng thuận bởi CIArb. Các thành viên cho rằng nhằm đảm bảo tính địa phương, 50% thành viên trong ban nên là người Việt Nam, các thủ tục, quy định vẫn tuân theo quy trình của CIArb nhưng sẽ bị giới hạn bởi Luật Việt Nam ở một vài khía cạnh. Theo quy định, thành viên ban thường trực trước hết phải là thành viên của CIArb nhằm đảm bảo đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ mà tổ chức đặt ra. Sắp tới đây, CIArb sẽ có kế hoạch “chiêu mộ” các thành viên trẻ hơn từ một số quốc gia, chẳng hạn như Singapore nhằm đa dạng hóa hơn về lứa tuổi cũng như ngành nghề công tác. Đồng thời, để nâng cao tính thống nhất giữa các thành viên, CIArb cũng dự kiến sẽ có chiến lược cụ thể trong việc tạo lập những kết nối chung qua email nhóm hoặc qua website cộng đồng nhằm tăng tính tương tác và nâng cao chất lương nội dung được đăng tải tại các công cụ trực tuyến này.

Với nhiều ý kiến, đóng góp tích cực từ phía các thành viên, buổi trao đổi đã đạt hiệu quả và chất lượng cao. Các thành viên đồng thời cũng có được giải đáp cần thiết cho bản thân khi tham gia và hoạt động tại CIArb.

CIArb (Chartered Institute of Arbitrators - Viện Trọng tài Anh) là một tổ chức quốc tế lớn nhất và lâu đời nhất thế giới về phòng tránh tranh chấp và giải quyết xung đột và trọng tài. CIArb có trụ sở đăng ký tại Anh Quốc, với hơn 16,000 thành viên và 40 chi nhánh trên khắp 133 quốc gia hoạt động với mục đích hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển tất cả các hình thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án (alternative dispute resolution - ADR).

Tổ chức này cũng là một trung tâm đào tạo các trọng tài viên, hòa giải viên và các chuyên gia về phương thức giải quyết tranh chấp thay thế có uy tín nhất trên thế giới.

Việc ra đời chi nhánh CIArb tại Việt Nam có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng trọng tài viên thương mại tại Việt Nam, đánh dấu sự chuẩn hoá và hội nhập quốc tế về chất lượng trọng tài viên và phát triển cộng đồng các cá nhân tổ chức đang tham gia vào hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức giải quyết ngoài toà án tại Việt Nam.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI