...

Tọa đàm VIAC và luật sư tại Hà Nội

27 Tháng 10, 2019

Sáng 04/04/2017, tọa đàm VIAC và luật sư do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các luật sư, trọng tài viên, cán bộ pháp chế doanh nghiệp và nhiều đối tượng quan tâm tới dự. Tọa đàm được điều phối bởi ông Trần Hữu Huỳnh (Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam) cùng sự tham gia đóng góp ý kiến từ các trọng tài viên kỳ cựu, tham gia xét xử trọng tài từ giai đoạn đầu - thành lập và dần hoàn thiện, của VIAC.

Ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình

VIAC và những nỗ lực thúc đẩy trọng tài thương mại phát triển

LS. Vũ Ánh Dương - Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Câu chuyện những ưu việt của phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn bằng trọng tài thương mại đã phần nào ngã ngũ. Tại tọa đàm, VIAC và người tham dự không đi sâu bàn luận vấn đề này, Tọa đàm được mở ra là diễn đàn để ghi nhận những ý kiến, những quan điểm từ những người trực tiếp tham gia tố tụng trọng tài và những người quan tâm, nghiên cứu về trọng tài. Mở đầu tọa đàm, LS.  Vũ Ánh Dương - Tổng Thư ký VIAC đã có những tóm lược quan trọng về Mối liên hệ giữa VIAC và luật sư, cán bộ pháp chế doanh nghiệp hiện nay.

Trọng tài viên và Luật sư: Câu chuyện không nằm ở thắng - thua

Theo GS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) trong bối cảnh tranh chấp dân sự, thương mại hiện nay thì cơ chế trọng tài sẽ góp phần tốt hơn vào việc bảo đảm quyền con người và lẽ công bằng trong việc giải quyết tranh chấp.

Nhìn về chiến lược cải cách tư pháp trong những năm qua, GS Lê Hồng Hạnh cho rằng mục tiêu tăng cường các cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng vẫn còn nhiều hạn chế. “Tòa án chưa hẳn là sự lựa chọn giải quyết tranh chấp, nhất là đối với các doanh nghiệp nước ngoài”, GS Lê Hồng Hạnh nói.Sau khi giải thích một số điểm khác biệt, tương thích giữa hệ thống tòa án và cơ chế trọng tài, GS Lê Hồng Hạnh cho rằng trong quan hệ giữa luật sư và TTV cả hai bên đều được các bên tranh chấp tin tưởng nên cần chung tay kiến tạo một quy trình riêng hoặc chấp nhận những quy trình đã có để giải quyết tranh chấp.

GS Lê Hồng Hạnh lưu ý LS và TTV phải hợp tác với nhau, tìm mọi cách để công lý được tiếp cận, chứ không phải vấn đề thắng-thua. “Luật sư và TTV không nên có áp đặt quan điểm cá nhân mà không dựa trên bằng chứng, chứng cớ khách quan. Thay vào đó, phải cùng nhau xác định bản chất và sự thật của vụ việc”. Cùng đó, “Không có sự hạn chế nào đối với bất kể ai để trở thành TTV. Không một quốc gia nào hạn chế sự tham gia của luật sư vào hoạt động trọng tài. Kỹ sư xây dựng, kỹ sư hàng hải… đều có thể là TTV nếu được các bên mời nếu có kinh nghiệm và am hiểu chuyên môn”, GS Lê Hồng Hạnh lưu ý thêm.

Doanh nghiệp có thể không nhận thức đúng về trọng tài

Ông Tưởng Duy Lượng, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, cho rằng vấn đề hiện nay là các thẩm phán phần lớn quen với tố tụng truyền thống, còn tố tụng trọng tài thì các thẩm phán chưa tiếp xúc nhiều. Bởi thế, ông Tưởng Duy Lượng cho rằng: “Nếu xử lý các phán quyết trọng tài không chính xác thì xã hội và doanh nghiệp có thể không nhận thức đúng về cơ chế trọng tài”. Ngoài những nguyên tắc căn bản của pháp luật, việc thỏa thuận giữa các bên cũng như quy tắc của một trung tâm trọng tài là cốt hồn của cơ chế trọng tài.

Tuy hiện nay phán quyết trọng tài không còn bị hủy tùy tiện nhưng theo các đại biểu tham dự tọa đàm, việc thi hành phán quyết trọng tài cần có vai trò của luật sư để kết quả được thúc đẩy nhanh hơn. Bởi có vậy mới gạt đi được những quan ngại, bận tâm của doanh nghiệp. Ở khía cạnh này, sự phát triển của trọng tài thương mại có thể đặt niềm tin nơi những người hành nghề luật, luật sư.

Các luật sư tham gia đóng góp ý kiến, trao đổi thảo luận tại tọa đàm

Tọa đàm cũng ghi nhận nhiều ý kiến khác từ phía luật sư nhằm làm rõ thêm các quy định mới trong Quy tắc tố tụng Trọng tài của VIAC năm 2017 cũng như thực tiễn vận hành quy trình giải quyết tranh chấp tại trung tâm.

Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với đã dạng các ý kiến đóng góp từ những người tham dự. Cuối cùng, LS Trần Hữu Huỳnh, người luôn mong muốn xây dựng một cơ chế trọng tài sạch, khẳng định: “Những người tham gia cơ chế trọng tài, từ ban điều hành, thư ký, các TTV phải là những người không dính dáng đến tham nhũng, tiêu cực”.

Sau thời gian làm việc hiệu quả, tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp quý báu, đa khía cạnh từ người tham dự, từ góc nhìn chủ quan của những người tham gia trực tiếp quá trình tố tụng trọng tài cho đến góc nhìn khách quan của những người hành nghề nhưng chưa có có hội tham gia, tiếp xúc nhiều với tố tụng trọng tài. VIAC luôn mong muốn và nỗ lực tạo ra các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm thực hành nghề luật, kiến thức chuyên môn giữa các trọng tài viên VIAC, các luật sư và khối cán bộ pháp chế các Doanh nghiệp lớn về phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài thương mại.  

Một số hình ảnh tại tọa đàm VIAC và Luật sư ngày 04/04/2017

VIAC tin tưởng rằng với tôn chỉ luôn luôn lắng nghe, trân trọng các đóng góp, phản hồi từ phía các Doanh nghiệp, các Luật sư - những người sử dụng trọng tài tại VIAC, để từ đó tiếp tục hoàn thiện mình, VIAC sẽ tiếp tục là địa chỉ tin cậy và là chỗ dựa công lý của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; góp phần thúc đẩy phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại Việt Nam ngày một phát triển, đáp ứng nhu cầu của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI