...

4 công ty xuất khẩu nghi bị lừa: Bóc trần rủi ro phương thức thanh toán

08 Tháng 9, 2023

Việc 5 container tiêu, điều xuất khẩu đi Dubai nghi bị lừa đảo, ông Bạch Khánh Nhựt - Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) - cho biết vẫn chưa có kết luận cụ thể. Tuy nhiên, một trong những lý do dẫn tới khả năng dễ bị lừa đảo là chọn phương thức thanh toán không phù hợp.

Đại diện Vinacas nêu trong vụ việc này, sự uy tín của ngân hàng là có, khách hàng cũng không phải lần đầu (vì đã có một đơn hàng thành công vào tháng 4). Tại đơn hàng, người mua và người bán trực tiếp giao dịch và không qua môi giới. Do đó, Hiệp hội đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp cân nhắc thực hiện phương án thanh toán sao cho an toàn.

Các doanh nghiệp thường sử dụng hình thức nhờ thu hộ (D/P) để giao dịch với khách. Tức là bộ chứng từ xuất khẩu sẽ được ngân hàng người bán gửi tới ngân hàng người mua, sau đó người mua thanh toán tiền. Tuy nhiên, hình thức thanh toán này vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu.

"Thư tín dụng (L/C) an toàn nhưng không phổ biến"

 Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết hiện có 3 phương thức thanh toán quốc tế phổ biến được áp dụng trong thực tế.

Thứ nhất là điện chuyển tiền (T/T - Telegraphic Transfer). Phương thức này được hiểu là ngân hàng người mua chuyển tiền cho ngân hàng người bán khi được người mua yêu cầu, nôm na giống như việc chuyển khoản giữa hai cá nhân với nhau.

Phương thức trên có ưu điểm là thực hiện nhanh chóng, dễ dàng, không có nhiều điều kiện, thủ tục, không phải chuyển bộ chứng từ gốc thông qua ngân hàng, không phải ký quỹ (và do đó không bị đọng vốn).

Tuy nhiên, nhược điểm nằm ở thời điểm chuyển tiền. Nếu tiền được chuyển trước khi nhận được hàng thì rủi ro sẽ nằm ở người mua vì có thể hàng hóa không đủ số lượng, không đạt chất lượng yêu cầu.

Nếu để người mua nhận được hàng rồi mới chuyển tiền thì rủi ro chuyển sang người bán vì việc thanh toán lúc đó phụ thuộc thiện chí của người mua, nếu người mua không thanh toán hoặc lấy lý do để trừ tiền thì người bán rơi vào thế khó xử.

Để tăng sự tin tưởng và chia sẻ rủi ro, 2 bên có thể thỏa thuận người mua chuyển tiền trước 20-30%. Thường phương thức này được áp dụng với những đối tác đã làm lâu năm, có độ tin cậy cao.

Phương thức phổ biến thứ 2 là trả tiền nhận chứng từ (D/P). Người bán và người mua sử dụng ngân hàng như một đơn vị trung gian, bảo đảm. Sau khi giao hàng, người bán gửi bộ chứng từ đến ngân hàng người mua. Ngân hàng chỉ giao chứng từ cho người mua sau khi người mua đã thanh toán tiền hàng.

Với phương thức này, khả năng rủi ro của người bán sẽ thấp hơn vì nếu người mua không trả tiền thì sẽ không thể lấy được hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể sử dụng phương thức tương tự là CAD (Cash against Documents).

Thứ 3 là thư tín dụng (L/C - Letter of Credit). Ngân hàng người mua phát hành L/C, với các nội dung chi tiết tương ứng với các điều khoản trong hợp đồng, như một văn bản cam kết trả tiền cho bên bán. Khi ngân hàng nhận được bộ chứng từ do người bán gửi đến và kiểm tra bộ chứng từ đó phù hợp với quy định trong L/C thì ngân hàng sẽ trả tiền cho người bán.

Để đảm bảo việc thanh toán thì ngân hàng thường yêu cầu người mua phải ký quỹ trước một số tiền nào đó, thậm chí là 100% giá trị của hợp đồng. Do vậy, người mua sẽ bị đọng vốn ở ngân hàng trong suốt thời gian chờ nhận hàng. Nếu người bán khăng khăng đòi L/C thì bên mua sẽ đi tìm người bán khác. Như vậy, L/C là phương thức thanh toán đảm bảo nhất cho người bán, nhưng đồng thời cũng bất lợi nhất cho người mua.

Do đó, mặc dù L/C là một phương thức thanh toán ít rủi ro nhất, nhưng lại không phải là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong thương mại nông sản.


Doanh nghiệp cần cẩn trọng khi giao dịch quốc tế (Ảnh: Bộ Công Thương).

Dẫn lời một doanh nghiệp từng có hàng mắc kẹt trong vụ gần 100 container xuất khẩu điều sang Italy năm 2022, ông Hải nhấn mạnh bản chất của D/P, CAD hay L/C đều là nhờ thu qua ngân hàng.

Trong tất cả phương thức này, tiền đều phải được trả cho bộ chứng từ trước khi nhận hàng nên xét về mặt chứng từ thì tính an toàn tương đương nhau. Còn một khi người mua hàng đã có ý đồ lừa đảo để lấy mất chứng từ thì rủi ro đó nằm ngoài phương thức thanh toán.

Đồng quan điểm với ông Thanh Hải, ông Ngô Khắc Lễ - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) kiêm Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng phương thức L/C thường có thủ tục phức tạp và tốn kém, không phù hợp đối với các hợp đồng mua bán nông sản có quy mô nhỏ, do đó không được ưu tiên lựa chọn.

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) nhận định phương thức thanh toán D/P cũng có mức độ an toàn hơn so với thanh toán T/T hay phát hành séc. Nhưng, các ngân hàng bên bán cần lưu ý khi chuyển giao chứng từ cho ngân hàng bên mua phải đảm bảo an toàn, tránh trường hợp gian lận thương mại.

Cẩn trọng tìm hiểu đối tác, lựa chọn ngân hàng nước bạn

 Ông Ngô Khắc Lễ - Trọng tài viên VIAC - người có kinh nghiệm hơn 40 năm trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, logistics cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu cần nâng cao cảnh giác hơn trong hoạt động thương mại, để phòng tránh lừa đảo trong kinh doanh. Ngoài khuyến cáo về phương thức thanh toán, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý nhiều vấn đề khác.

Trong đó, doanh nghiệp khi gửi chứng từ không nên để đối tác biết đường gửi, và gửi qua hãng vận chuyển nào để phòng tránh việc lấy cắp. Việc của bên mua chỉ là đến ngân hàng mà bên bán thông báo để nộp tiền và lấy chứng từ. Bên bán chỉ cung cấp thông tin về việc đã gửi chứng từ và thời điểm bên mua cần đến ngân hàng nộp tiền.

Vấn đề thứ 2 nằm ở việc lựa chọn ngân hàng thanh toán. Ông Lễ cho rằng các doanh nghiệp cần đề xuất với đối tác lựa chọn các ngân hàng lớn, uy tín, nổi tiếng toàn cầu để tăng tính an toàn. Khi có sự cố xảy ra, các ngân hàng lớn có uy tín sẽ có cách làm việc chuyên nghiệp và thỏa đáng, không trốn tránh trách nhiệm.

Khuyến cáo thứ 3 là các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ đối tác kinh doanh bằng nhiều phương thức khác nhau. Các đơn vị có thể chủ động gửi đăng ký kinh doanh của mình trước cho đối tác để có cơ sở đề nghị họ gửi đăng ký kinh doanh. Đây là việc bình thường khi giao dịch, qua đó biết được thông tin của doanh nghiệp.


Nhiều kinh nghiệm khi xuất khẩu được giới chuyên gia đưa ra (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu đối tác qua sự giúp đỡ của đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở nước sở tại, tra cứu lịch sử giao dịch. Việc lựa chọn đối tác gần như là khâu quyết định của các doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi đối tác có uy tín, thương hiệu làm ăn lâu năm thì dù giá có tăng, giảm thì họ vẫn mua hàng của mình.

Doanh nghiệp có thể tìm hiểu thông tin khi liên lạc, trao đổi với đối tác. Trọng tài viên VIAC cho rằng hiện công nghệ phát triển, việc họp online, trao đổi với đối tác qua phương thức gọi video (video call) cũng giúp xác minh thông tin. Thông qua hình thức gọi trực tuyến, hai bên biết rõ mặt nhau, tận mắt thấy được văn phòng, cơ sở sản xuất, hệ thống nhà xưởng…

Doanh nghiệp cũng cần tổ chức cho nhân viên tham gia các lớp học chuyên môn, các sự kiện, hội thảo... để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm. Học phí không nhiều nhưng có tác dụng rất tốt để giảm rủi ro lâu dài.

"Nếu trong trường hợp nghi vấn, phát hiện dấu hiệu lừa đảo, doanh nghiệp nên thông báo cho bạn hàng, hiệp hội mà mình tham gia để phòng tránh chung", ông Lễ nhấn mạnh.

Theo Báo điện tử Dân trí đăng ngày 01/08/2023

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI