Dù đi vào thực thi trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) vẫn là động lực lớn thúc đẩy trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt mức tăng trưởng cao.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định (năm 2021) đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Vương quốc Anh vẫn đạt 2,68 tỷ USD, tương đương mức kim ngạch cùng kỳ của 2021.
Tuy nhiên, dư địa xuất khẩu vào thị trường Anh trong UKVFTA được đánh giá còn rất lớn khi hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% trong nhu cầu nhập khẩu mỗi năm lên tới hơn 600 tỷ USD của thị trường Anh.
Trao đổi tại Tọa đàm với chủ đề “Thích ứng tiêu chuẩn của thị trường Anh, gia tăng xuất khẩu theo UKVFTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 13/12, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định UKVFTA đã mang lại kết quả rất tích cực cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland (sau đây gọi tắt là UK).
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Anh năm 2021 với động lực của Hiệp định UKVFTA đã bật tăng so với hai năm trước đó, thể hiện rõ lợi thế của người đi trước trong việc sớm ký FTA song phương với UK ngay sau khi UK rời EU.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho biết, trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng và chuỗi cung ứng đứt gãy do Covid-19 thì thành tích xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh trong thời gian vừa qua rất đáng kể.
Theo ông Cường, ảnh hưởng của Hiệp định UKVFTA đối với xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh không thể phủ nhận. Sự hiện diện của sản phẩm Việt Nam tại thị trường Vương quốc Anh nói lên tất cả, tăng trưởng tùy theo nhóm hàng đều đạt từ 12-19%. Ưu thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước khác là hơn hẳn.
Ngoài ra, một hiệu ứng rất đáng kể như hiệu ứng tương ứng nền cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường quốc Anh là thương hiệu quốc gia Việt Nam, thương hiệu nền kinh tế Việt Nam, thành tích chống dịch và nhanh chóng phục hồi các hoạt động sản xuất tại Việt Nam sau dịch cũng tạo nên một hiệu ứng cộng hưởng rất tốt đối với các doanh nghiệp Anh và người tiêu dùng Anh.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ: Khi Anh rời khỏi EU chúng ta đã có ngay được Hiệp định UKVFTA là một điều rất thuận lợi cho doanh nghiệp. Hơn nữa, UKVFTA là sự kế tiếp của Hiệp định EVFTA, do đó doanh nghiệp không bị bỡ ngỡ trong việc tiếp cận và tiếp nối những ưu thế về thuế quan, cũng như những thuận lợi về các cơ hội, môi trường kinh doanh và các điều kiện để xuất khẩu sang thị trường Anh.
"Năm 2022, tính đến thời điểm hết tháng 11 chúng tôi đã xuất khẩu sang thị trường Anh 287 triệu USD - một con số chúng tôi cũng cho rằng đã rất lạc quan vì không bị sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy rằng doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội lợi thế xuất khẩu sang thị trường Anh trong bối cảnh lạm phát tại thị trường này quá cao và người tiêu dùng cũng có những hạn chế về tiêu thụ", bà Hằng chia sẻ.
Mặc dù có thời gian "chạy đà" chuẩn bị do thực thi sau Hiệp định EVFTA với hầu hết cam kết tương tự, đối tác Anh sử dụng ngôn ngữ phổ biến trong giao thương, tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp một số khó khăn trong việc tận dụng UKVFTA.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, bản thân UKVFTA là một hiệp định thế hệ mới, trong khi trước đây doanh nghiệp quen kinh doanh với đối tác Anh theo các quy trình, thủ tục chuẩn của EU. Trong bối cảnh mới khi Anh tách ra và thiết lập những cơ chế mới, với những khác biệt nhất định và không phải lúc nào doanh nghiệp cũng nhận diện được đâu là những khác biệt để có thể tiếp tục kinh doanh với thị trường Anh thay vì kinh doanh với thị trường Anh trong EU như trước đây.
"Ngoài ra, so sánh với CPTPP, EVFTA dường như sự quan tâm của doanh nghiệp với UKVFTA còn hạn chế hơn. Khảo sát của chúng tôi cho thấy 61% doanh nghiệp chỉ nghe nói đến tên của hiệp định này mà chưa từng thực sự tìm hiểu nó là cái gì và có thể mang lại lợi thế gì cho doanh nghiệp", bà Trang cho biết.
Ở khía cạnh khách quan, bà Tôn Nữ Thục Uyên - Phó Giám đốc, Văn phòng TBT Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, trước năm 2021 Anh là thành viên của EU và các quy định của Anh liên quan đến TBT bao gồm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, những biện pháp bắt buộc áp dụng và thủ tục đánh giá sự phù hợp, những quy định liên quan đến thử nghiệm, chứng nhận đối với sản phẩm, hàng hóa sẽ hài hòa thực hiện theo quy định của EU.
Tuy nhiên sau năm 2021 khi Anh rời khỏi EU, có những quy định mới của Anh được ban hành liên quan đến tiêu chuẩn TBT cho sản phẩm hàng hóa nói chung, trong đó có hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này.
Dẫn chứng cho thông tin này, bà Uyên cho biết từ tháng 3/2021 đến nay, tức là sau thời điểm Anh rời khỏi EU trong vòng gần hai năm Anh đã thông báo xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung khoảng 34 quy định về TBT và số lượng này chiếm khoảng 35% tổng số những quy định về TBT mà Anh đã xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung từ năm 1997 tới nay.
Cụ thể, hiện Anh đang tiến hành xây dựng và ban hành những quy định về TBT, tức là liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp mới cho thị trường của riêng thị trường Anh.
Cho rằng tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan UKVFTA không thấp so với các FTA khác trong năm đầu thực thi tuy nhiên còn nhiều dư địa có thể đạt tỷ lệ cao hơn, bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng thừa nhận thị trường Anh có một số điểm khó khăn hơn cho doanh nghiệp tiếp cận và còn nhiều việc phải làm để khắc phục những khó khăn này.
Để lý giải việc nhiều doanh nghiệp còn e ngại tiếp cận, khai thác thị trường Anh, bà Trang cho rằng câu chuyện đáp ứng các quy định, các điều kiện, các yêu cầu về tiêu chuẩn, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng... tại thị trường mới là một vấn đề. Mặt khác, quy trình thủ tục của Anh hiện giờ không còn cùng một quy trình với EU mà có sự khác biệt mới và doanh nghiệp phải làm quen cũng là một sự phức tạp.
Về vấn đề kết nối thị trường, có những doanh nghiệp muốn giao thương với thị trường Anh nhưng chưa có bất kỳ một kết nối nào với thị trường này, do đó việc tiếp cận với thị trường Anh vẫn còn những hạn chế nhất định.
Nhận định về triển vọng tận dụng UKVFTA thời gian tới, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng trong giai đoạn tới lộ trình cắt giảm, loại bỏ thuế quan tiếp tục được mở rộng và đặc biệt từ năm thứ ba, năm thứ năm gần như đến 99% các sản phẩm sẽ hết lộ trình thực hiện và sẽ được loại bỏ thuế hoàn toàn tạo lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các diễn giả lưu ý Anh là một trong những nước đi đầu nỗ lực về môi trường và giảm phát thải, gắn với phát triển bền vững.
Theo đó, bà Trang cho rằng, để có thể tiếp tục duy trì và tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Anh, đầu tiên doanh nghiệp phải tự giúp mình, tức là doanh nghiệp phải chủ động; chủ động tìm hiểu thông tin để đừng quá e ngại và hơn nữa phải biết cách có những biện pháp tiếp cận người tiêu dùng, tiếp cận khách hàng, tiếp cận đối tác phù hợp, xúc tiến thương mại phù hợp.
Cũng liên quan đến tính chủ động của doanh nghiệp, bà Tôn Nữ Thục Uyên thông tin, khoảng ba năm gần đây bất chấp đại dịch Covid-19 thì các nước đang xây dựng và sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, nhiều quy định về TBT hơn so với giai đoạn trước đó. Do đó doanh nghiệp cần lưu ý nhiều quy định TBT mới ở các thị trường xuất khẩu.
Riêng Anh hiện đang tăng cường xây dựng, ban hành các quy định mới liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp sau khi rời EU. Trong quá trình này, doanh nghiệp có thể chủ động góp ý dỡ bỏ rào cản ngay từ khi rào cản chưa hình thành, còn là dự thảo.
Bởi Việt Nam đã tham gia cam kết về TBT trong WTO cũng như trong tất cả các FTA hiện nay, bao gồm cả CPTPP, EVFTA và UKVFTA. Hiện nay theo quy định những cam kết về TBT này, các nước phải tiến hành thông báo các dự thảo của biện pháp TBT cho các nước khác đóng góp ý kiến bao gồm cả Việt Nam. Trong trường hợp biện pháp mới gây cản trở thương mại quá mức cần thiết hoặc quy định khắt khe hơn hoặc không dựa trên tiêu chuẩn quốc tế như cam kết TBT đã đưa ra thì doanh nghiệp hoàn toàn có quyền đóng góp ý kiến ngay từ đầu, từ khi biện pháp đó còn đang ở giai đoạn dự thảo.
"Doanh nghiệp có thể chủ động dỡ bỏ rào cản ngay từ khi rào cản đấy chưa hình thành. Đây là một quyền lợi rất lớn đối với doanh nghiệp mà doanh nghiệp cần lưu ý tận dụng", bà Uyên khuyến nghị.
Từ góc độ quan sát thị trường Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng, với nền tảng thương hiệu Việt Nam và sản phẩm của Việt Nam đang được người Anh quan tâm như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam không nên chần chừ, không nên quá đắn đo trong việc ưu tiên thúc đẩy sản phẩm sang thị trường Anh. Trong điều kiện Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác thì thời điểm hiện nay là thời điểm rất tốt để doanh nghiệp Việt Nam và sản phẩm Việt Nam ghi được dấu ấn của mình vào tâm trí người tiêu dùng Anh, cũng như các doanh nghiệp Anh cho một kế hoạch, chiến lược phát triển thị trường dài hạn.
Chia sẻ với ý kiến các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật của UK để đáp ứng, tránh bị động trong giao thương, nhưng ông Nguyễn Cảnh Cường cũng cho rằng chúng ta chú ý để thực hiện đúng nhưng không nên quá e ngại, lo lắng.
"Do cơ cấu sản xuất của nền kinh tế Anh thì Chính phủ Anh sẽ không có thêm những chính sách hay quy định gây cản trở cho thương mại giữa Anh với các nước khác. Dù có những mong muốn hay tư duy về mặt chính sách thương mại khác với EU trước đây nhưng trước khi ban hành những chính sách mới, quy định mới Chính phủ Anh sẽ phải tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp để không gây khó khăn cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu; và những tiêu chuẩn này cũng phải phù hợp với quy định của WTO mà Anh là một thành viên", ông Cường chia sẻ.
Theo ông Cường, hiện nay chất lượng nhiều sản phẩm Việt Nam tại thị trường Anh không hề thua kém sản phẩm của hai "đối thủ" cạnh tranh lớn là Trung Quốc và Thái Lan. Thậm chí hàng hóa Việt Nam còn có lợi thế hơn bởi chúng ta đã có UKVFTA. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới phương pháp tiếp cận khách hàng, thị trường phù hợp và chủ động học hỏi kinh nghiệm chính từ các "đối thủ" cạnh tranh tại thị trường Anh.
Hiệu ứng về marketing và hiệu ứng về tâm lý của người mua hàng đối với các tiêu chuẩn của của Anh trên các thị trường Anh là rất lớn. Do đó, nếu doanh nghiệp chủ động, tự tin nghiên cứu các tiêu chuẩn Anh ứng dụng vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu và thị hiếu của thị trường, người tiêu dùng Anh sẽ tận dụng được lợi thế và những hiệu ứng này.
Đặc biệt các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng năng lực chiến lược, năng lực logistics và hệ thống tài chính để cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm của các nguồn cung khác và chiếm được nhiều thị phần hơn ở thị trường Anh.
Theo Báo Công Thương