Theo ông, kinh tế số khác gì so với kinh tế truyền thống?
Kinh tế số khác với kinh tế truyền thống ở 3 điểm cơ bản:
Điểm thứ nhất, kinh tế số được phát triển trên công nghệ số, còn kinh tế truyền thống thì không. Cụ thể, kinh tế số dựa trên việc tổ chức và khai thác dữ liệu lớn (Big data) để nhằm xác định mô hình hay phương thức sản xuất mới của doanh nghiệp. Và hỗ trợ, giám sát cho doanh nghiệp thực hiện kế hoạch đó. Chưa kể khi hoàn thành, nó còn giúp doanh nghiệp đánh giá việc thực hiện có tốt hay không. Trong khi, kinh tế truyền thống không làm được điều này.
Điểm thứ hai, kinh tế số hoạt động theo kinh tế liên kết, từ sản xuất đến tiêu thụ và bỏ qua khâu trung gian. Đây là điểm đặc biệt vì kinh tế truyền thống hiện nay luôn có khâu trung gian, từ sản xuất đến tay người tiêu dùng sẽ qua khâu phân phối. Khâu trung gian đó trong kinh tế số sẽ được thay bằng hệ thống số để hỗ trợ cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Điểm thứ ba, kinh tế số có văn hóa riêng là văn hóa kinh doanh số (văn hóa số), khác hẳn với văn hóa kinh doanh hiện nay. Có thể nói đối với văn hóa kinh doanh hiện nay thì doanh nghiệp là chủ thể được lợi nhiều nhất, đặc biệt là các doanh nghiệp ở khâu trung gian, khách hàng là người thua thiệt nhất. Tuy nhiên, điều nay sẽ thay đổi trong thời đại kinh tế số bởi đối với văn hóa số thì khách hàng phải được hưởng lợi nhiều nhất, doanh nghiệp sẽ tìm lợi nhuận trong phần còn lại.
Vậy có dấu hiệu cho thấy một doanh nghiệp chuyển đổi số?
Sẽ không có một dấu hiệu nào cho thấy một doanh nghiệp chuyển đổi số. Vì tất cả các doanh nghiệp đều cần phải chuyển đổi số, bản chất của chuyển đổi số là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nếu không tham gia thì doanh nghiệp sẽ bị đào thải. Thế nên, bằng cách này hay cách khác thì các doanh nghiệp đều phải chuyển đổi số, đây là quá trình tất yếu nên không thể nói là doanh nghiệp nào cần hay không cần chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ làm thay đổi thói quen làm việc, thay đổi phương thức sản xuất, phân phối, giao dịch,… ở các mức độ khác nhau. Thực tế, các doanh nghiệp đều đang chuyển đổi số ở mức độ thấp, ví dụ như các doanh nghiệp đều đã sử dụng hộp thư thoại, email, mạng xã hội để phục vụ cho công việc kinh doanh của mình. Và với sự phát triển của công nghệ 4.0 thì không chỉ doanh nghiệp mà các cơ quan nhà nhà nước cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Trong thực tế thì đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay đều chưa đủ cơ sở hạ tầng để chuyển đổi số, vậy thì theo ông doanh nghiệp nên tập trung vào phần nào để tiết kiệm chi phí?
Theo quan niệm trước kia, để ứng dụng công nghệ thông tin thì phải có cơ sở hạ tầng, và hạ tầng hay được hiểu là hệ thống máy tính của doanh nghiệp, cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật là hệ thống kỹ thuật ở trong lòng doanh nghiệp để phục vụ cho việc chạy các phần mềm, thực hiện các ứng dụng. Trong chuyển đổi số thì quan niệm này đang dần thay đổi, doanh nghiệp không còn cần phải sở hữu những hệ thống này nữa bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức để có thể trang bị, vì chuyển đổi số đòi hỏi dữ liệu lớn, bao giờ cũng dựa trên trí tuệ nhân tạo. Thế nên, doanh nghiệp sẽ lựa chọn đi thuê từ các nhà cung cấp tất cả các hệ thống đó thay vì mua trực tiếp, điều này sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, việc thuê từ bên thứ ba có chuyên môn sẽ giúp cho quá trình vận hành hệ thống nhằm chuyển đổi số dễ dàng hơn rất nhiều, doanh nghiệp cũng sẽ được hướng dẫn tiếp cận trong một số trường hợp cụ thể. Cho nên về câu hỏi “Doanh nghiệp không đủ cơ sở hạ tầng thì có nên chuyển đổi số hay không?” thì câu trả lời sẽ là doanh nghiệp vẫn có thể chuyển đổi số bằng việc đi thuê hạ tầng. Việc đi thuê sẽ tiết kiệm nguồn tài chính cho doanh nghiệp, cũng như sự hỗ trợ từ bên thứ ba cho những doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm trong việc chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là tất yếu nên doanh nghiệp chỉ có hai con đường hoặc là chuyển đổi số hoặc là bị đào thải. Vậy chuyển đổi số diễn ra như thế nào và nên bắt đầu từ đầu? Theo tôi, thì nên bắt đầu từ việc nào mà doanh nghiệp cảm thấy có lợi cho mình và có thể áp dụng ngay. Ví dụ như họp qua mạng, thuê dịch vụ từ xa, sử dụng mạng xã hội để mà quảng bá cho hoạt động của mình,… nên làm quen từ nền tảng cơ bản của kinh tế số, sau đó sẽ áp dụng vào các hoạt động chuyên sâu hơn như thực hiện thủ tục điện tử, giao dịch điện tử,... Những bước đầu tiên sẽ làm tiền đề giúp doanh nghiệp phát triển đến các bước sau của kinh tế số như việc sáng tạo phương thức sản xuất riêng cho mình và chuyển đổi dần sang phương thức sản xuất đó.
Theo ông cần phải lưu ý điều gì khi áp dụng công nghệ vào việc truy xuất hàng hóa so với việc thẩm định chất lượng và nguồn gốc hàng hóa dựa trên thực tế kiểm tra, đặc biệt là vào thị trường EU khó tính?
Có thể nói quan niệm về việc thẩm định chất lượng và nguồn gốc hàng hóa trực tiếp được làm trước đây đã thay đổi, do người ta nhận ra rằng không đủ nhân lực đến từng doanh nghiệp để kiểm tra bởi vì có hàng trăm ngàn doanh nghiệp. Và thực tế không có tổ chức nào đủ người để đi đến từng doanh nghiệp để đánh giá trực tiếp được. Vì vậy, sự ra đời của công nghệ số đã mở ra một hướng giải quyết mới cho vấn đề này. Cụ thể, khi doanh nghiệp muốn tham gia cuộc chơi một cách trung thực thì cần phải xây dựng một hệ thống truy xuất hàng hóa. Ví dụ khi làm việc với liên minh Châu Âu (EU), người ta yêu cầu nguồn gốc rõ ràng và không chỉ là nguồn gốc thành phẩm, mà bao gồm cả nguồn gốc nguyên liệu, vật liệu, thiết bị, máy móc,… để làm ra thành phẩm đó. Chúng phải xuất phát từ quốc gia mà liên minh Châu Âu chấp nhận. Điều này sẽ rất khó để xác định nếu chỉ bằng việc thẩm định trực tiếp vì số lượng quá nhiều, chưa kể đến sự gian lận trong quá trình sản xuất mà bằng việc kiểm tra bình thường khó có thể nhận thấy. Tuy nhiên, vấn đề này đã được giải quyết khi công nghệ số ra đời, công nghệ số đã tạo ra mã định danh đối với vật tư, nguyên liệu hay sản phẩm trong hệ thống truy xuất của blockchain, không ai có thể thay đổi được. Mã này sẽ gắn toàn bộ với quy trình sản xuất vì vậy chỉ cần kiểm tra mã đầu vào và đầu ra để thẩm định chất lượng và nguồn gốc có đạt yêu cầu hay không, không nhất thiết phải thực hiện việc kiểm tra trực tiếp. Mặc dù vậy, trong thực tế thì hầu hết những đơn hàng lớn dù đã áp dụng công nghệ số nói trên nhưng vẫn phải thực hiện kiểm định tại chỗ để tránh sai xót có thể diễn ra. Chính những điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần trung thực trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm đặc biệt là khi tham gia vào thị trường EU khó tính.
Theo Đài truyền hình TP.Hồ Chí Minh HTV9