Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần Dệt may 29/3 tại Đà Nẵng, chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Ảnh: TTXVN
Có thể nói, khi 2 luật này được ban hành (năm 2014) đã được dư luận xã hội đánh giá cao bởi giới doanh nhân chính là doanh nghiệp được “làm tất cả những gì mà luật không cấm”, doanh nghiệp “tự kê khai và tự chịu trách nhiệm”...
Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai đã phát sinh nhiều bất cập, dẫn tới yêu cầu phải sửa đổi và điều chỉnh luật.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) bày tỏ, không phủ nhận là có rất nhiều quy định của hai luật nêu trên đã thể hiện các nguyên tắc như: doanh nghiệp được làm tất cả những gì mà luật không cấm hay doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm...., nhưng thực tế thi hành luật lại khác và đơn cử: doanh nghiệp tự kê khai, song không được tự chịu trách nhiệm trước pháp luật mà vẫn phải định kỳ bị kiểm tra.
Việc “tiền đăng” đã không là quyền đương nhiên mà biến tướng thành cấp phép, còn “hậu kiểm” thì thực sự đã trở thành vấn nạn thanh tra.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có nhiều vấn đề được đề xuất sửa đổi như: thủ tục đầu tư, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, địa vị pháp lý của nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời bãi bỏ 26 ngành nghề kinh doanh có điều kiện…
Riêng với Luật Doanh nghiệp, dự thảo sửa đổi các quy định liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức, hoạt động, quản trị của doanh nghiệp, bãi bỏ con dấu doanh nghiệp, chế độ báo cáo, yêu cầu thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp…
Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, mục tiêu sửa đổi luật nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về cơ chế kiểm soát ban hành quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tiếp tục cắt giảm ngành, nghề và điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý để tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân, doanh nghiệp.
Từ đó, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật không cấm.
Cùng với đó, dự thảo luật sửa đổi cũng tiếp tục giải quyết những khó khăn trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, nhất là những vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục đầu tư.
Qua đó, tạo điều kiện để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư với thủ tục đơn giản hơn và chi phí thấp hơn.
Ngoài ra, việc hoàn thiện các quy định của Luật Doanh nghiệp về thủ tục đăng ký doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp còn nhằm bảo đảm tính thống nhất về thủ tục đăng ký doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động quản trị doanh nghiệp, bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh và quản lý doanh nghiệp.
Theo dự thảo luật này, một số ngành, nghề dự kiến bãi bỏ như: kinh doanh dịch vụ xoa bóp; nhượng quyền thương mại; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng; sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy...
Dự thảo luật cũng dự kiến sửa đổi các nội dung về đăng ký doanh nghiệp như thống nhất thủ tục đăng ký doanh nghiệp, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết như: thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh hay báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp và yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh thường xuyên gửi thông tin đăng ký kinh doanh cho tất cả các quận, huyện, thị xã.
Về nội dung quản trị doanh nghiệp, dự thảo luật cũng đề xuất sửa đổi việc xác định người đại diện theo pháp luật trong trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật; yêu cầu trình độ chuyên môn, bằng cấp đối với một số chức danh quản lý...
Đồng tình với quan điểm cần sửa đổi và làm rõ hơn về khái niệm doanh nghiệp, Luật sư Lê Văn Hà, đại diện Công ty Luật Pathlaw cho rằng, luật hiện hành không chuẩn xác về kỹ thuật lập pháp.
Quan niệm “doanh nghiệp” không bao gồm hộ gia đình, cá nhân có đăng ký kinh doanh cũng sai về nội hàm của khái niệm doanh nghiệp.
Chúng ta cần phải hiểu rằng bất kỳ ai lấy kinh doanh làm nghề nghiệp chính cũng là doanh nghiệp. Sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp hộ gia đình, doanh nghiệp một chủ là thực tế khách quan.
Trong khi đó, hệ thống luật pháp Việt Nam gần như gạt ra ngoài việc công nhận và bảo đảm địa vị pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh.
Thậm chí, cả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 cũng gạt đối tượng này ra khỏi các chính sách hỗ trợ.
Vì lẽ đó, cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp bao gồm cả hộ gia đình và cá nhân có đăng ký kinh doanh, hoặc phải có một văn bản luật riêng quy định về hộ gia đình đăng ký kinh doanh.
Đồng thời, bỏ quy định có tính cưỡng ép và thiếu thực tiễn về việc bắt buộc chuyển đổi hộ gia đình đăng ký kinh doanh thành doanh nghiệp.
Riêng sửa đổi nội dung về quản trị doanh nghiệp Nhà nước, Luật sư Hà khuyến nghị, cần quy định về doanh nghiệp có phần vốn góp Nhà nước trên 50%.
Doanh nghiệp có vốn, chú trọng đến quy định về quyền và nghĩa vụ của người đại diện phần vốn góp Nhà nước trong các doanh nghiệp này.
Việc bổ nhiệm kiểm soát viên trong các doanh nghiệp Nhà nước cần được giao cho cơ quan khác, ngoài cơ quan đại diện chủ sở hữu để đảm bảo tính độc lập và khách quan.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc giải phóng quyền tự do kinh doanh, tối đa hóa quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đã được thể hiện bằng số lượt doanh nghiệp đăng ký tăng vốn và số vốn tăng thêm đầy ấn tượng trong những năm qua.
Riêng trong năm 2018, trung bình mỗi tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 7,8% so với năm 2017.
Quy mô doanh nghiệp mới ngày càng lớn hơn khi tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2018 đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2017.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2018 từ lực lượng doanh nghiệp tăng 22,8% so với năm 2017...
Ngoài ra, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và triển khai hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cũng được nâng cấp....
Tuy nhiên, nếu không kịp thời điều chỉnh một số nội dung liên quan tới danh mục quy định các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hay điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư... có thể sẽ kéo theo nhiều hệ lụy và rủi ro./.