...

Doanh nghiệp cần làm gì với đề xuất gói hỗ trợ thứ hai của Chính phủ mùa Covid-19

05 Tháng 8, 2020

Với cá nhân ông, ông có đánh giá bản thân các Doanh nghiệp đã có những nỗ lực như thế nào trong suốt quá trình vừa qua?

Trước hết, nỗ lực chung của Chính phủ, Doanh nghiệp cũng như người dân là đã có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn kịp thời việc lây lan dịch bệnh Covid trong thời gian vừa qua. Việc áp dụng các chính sách phát triển kinh tế cũng như đảm bảo an sinh xã hội, là điểm sáng của chế độ xã hội mà cộng đồng quốc tế cũng như kiểu bào, người dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Đây là nền tảng chính để chúng ta có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh kinh tế vượt qua thời gian khó khăn.

Thứ hai, khi tình hình dịch bệnh có sự chuyển hướng xấu, cộng đồng doanh nghiệp đã rất tích cực, thông qua các Hiệp hội và thông qua VCCI đã tập hợp phản ánh những vướng mắc, khó khăn của mình gửi đến Chính phủ. Cụ thể, đến đầu tháng 4, Phòng Thương mại đã tổng hợp khoảng 31 vấn đề chính kiến nghị Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn cho Doanh nghiệp. Chính phủ sẽ có Nghị quyết, Thủ tướng có Quyết định với các biện pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để vượt qua dịch bệnh. Chính những chính sách kịp thời này của Chính phủ đã tạo tiền đề cho việc ổn định, duy trì, phát triển sản xuất. Mặc dù việc bùng phát dịch trên thế giới có diễn biến rất căng thẳng nhưng với sự năng động của mình đã tạo nên một kết quả rất tốt cho nền kinh tế thời gian qua. Chúng ta có thể thấy rất rõ là trong tình trạng các nước phát triển như là EU, Anh, Mỹ, Nhật,… thì đã có những tăng trưởng âm về GDP nhưng Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng 1,8%. Doanh nghiệp đã tận dụng các cơ hội để xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu sang thị trường nước ngoài. Đồng thời, tận dụng thị trường trong nước với gần 100 triệu dân để đẩy mạnh việc sản xuất, lưu thông và mua bán hàng hóa nội địa.

Một điểm sáng nữa mà trong cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi rất rõ là tận dụng cơ hội để ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp cận, tiếp thị thị trường, giao dịch với các đối tác, tạo ra những giá trị thặng dư cao cho doanh nghiệp.

Với những nỗ lực của doanh nghiệp vừa qua, trong vai trò là một đơn vị đồng hành cùng các doanh nghiệp thì ông có đánh giá gì khi chúng ta đang phải đối phó với sự quay trở lại của đợt dịch thứ 2 sau khoảng 99 ngày không có dịch, các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm gì trong việc ứng phó với lần trở lại này?

Thứ nhất, không riêng gì thế giới, bản thân của chúng ta cũng khá bất ngờ đối với dịch này. Chúng ta đang rất hân hoan với những thành quả của năm 2019 mà Việt Nam đã đạt được, khi dịch bùng phát nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay. Tuy nhiên, qua đợt bùng phát dịch hơn nửa năm vừa qua cũng tạo ra không ít kinh nghiệm cho doanh nghiệp nhằm đối phó với những tình huống đặc biệt như thế này. Cụ thể, các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong việc điều chỉnh thời gian làm việc, duy trì số lượng nguồn nhân lực, công nhân làm việc trong doanh nghiệp, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để chuẩn bị sẵn sàng cho bước tiến hậu dịch.

Thứ hai, doanh nghiệp cũng đã biết tận dụng thời cơ từ dịch. Bên cạnh rất nhiều mặt hàng mà nhu cầu thế giới giảm sâu thì cũng có rất nhiều mặt hàng nhu cầu tăng cao, chẳng hạn như: thiết bị y tế, khẩu trang, nhu yếu phẩm,… Các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội này. Như chúng ta đã thấy, có nhiều mặt hàng xuất khẩu có tăng trưởng mạnh, bù trừ cho những mặt hàng giảm sâu để duy trì mức tăng trưởng chung của Việt Nam và tiếp cận, khai thác tốt thị trường nội địa.

Thứ ba, các biện pháp phòng chống dịch tại doanh nghiệp đã được triển khai rất tốt. Cho đến trước thời điểm công bố dịch tại Đà Nẵng vừa rồi, theo thông tin nhận được thì chưa có tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng công nhân ở các doanh nghiệp. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp đã tìm hiểu và có những biện pháp kịp thời và đạt hiệu quả cao. Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bộ Y tế, với sự tham gia góp ý của cộng đồng doanh nghiệp đã có 10 bộ chỉ số đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid. Các bộ chỉ số này vẫn đang được Nhà nước cũng như các Bộ chức năng tiếp tục hoàn thiện để cộng đồng doanh nghiệp có thể đánh giá nguy cơ rủi ro lây nhiễm trong doanh nghiệp mình và có những điều chỉnh phù hợp.

Theo như ông có chia sẻ, rõ ràng các doanh nghiệp của chúng ta đã chủ động hơn rất nhiều. Nói một cách tương đối khách quan thì tác động của đợt dịch thứ 2 cũng không năng nề bằng đợt dịch đầu. Nguyên nhân một phần là chúng ta cũng đã lường trước được và có được sự chủ động. Một vài ý kiến đề xuất hiện nay là nên có thêm 1 gói hỗ trợ đợt 2 của Chính phủ cho các doanh nghiệp, theo ông thì có cần thiết không?

Tôi nghĩ là rất cần thiết. Đợt 1 chúng ta đã có những biện pháp rất quyết liệt để phòng chống dịch. Thậm chí cả trong doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực, ngành sản xuất, nhiều địa phương khi áp dụng các chính sách nhằm phòng chống dịch đã phải tạm ngưng hoạt động. Chúng ta đã làm mạnh tay và đạt hiệu quả cao trong đợt 1 vì chúng ta có tiềm lực, dự trữ từ các năm trước. Tuy nhiên, ở đợt 2 này tình hình lại hoàn toàn khác.

Nguồn nguyên liệu dự trữ, nguồn sản phẩm tồn kho mà doanh nghiệp có thể bung ra cung cấp cho thị trường thế giới cũng như nội địa ở đợt 1 vẫn tạo ra một doanh số, vẫn tăng trưởng kinh tế. Nhưng ở đợt 2 này các nguồn lực đó đã gần như là cạn kiệt. Sự tăng trưởng về xuất siêu của chúng ta chủ yếu trong giai đoạn vừa rồi, mức độ giảm của xuất khẩu giảm thấp hơn là mức độ giảm của nhập khẩu nên xuất siêu vẫn duy trì ở mức độ cao. Nó phản ánh nguy cơ ở giai đoạn sau: giảm nhập khẩu mà chủ yếu là nhập khẩu nguyên liệu ảnh hưởng đến tăng trưởng sản xuất. Trong nửa cuối năm 2020, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn từ nguồn vốn, nguồn nguyên liệu cũng như nguồn cung của thị trường,… Do đó, cộng đồng doanh nghiệp rất mong Chính phủ tiếp tục duy trì các gói hỗ trợ cho cuối năm 2020 và thậm chí các doanh nghiệp mong muốn được duy trì sang năm 2021.

Trên thực tế, gói hỗ trợ đợt 1 đã được triển khai nhưng lại chưa được giải ngân khiến cho việc hỗ trợ gặp rất nhiều khó khăn. Vậy nếu đã có ý kiến vẫn nên có một gói hỗ trợ đợt 2 thì theo quan điểm của ông chúng ta nên xây dựng gói 2 như thế nào để đạt hiệu quả cao?

Chính phủ đã tiếp nhận các ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và ban hành chính sách rất kịp thời. Tuy nhiên với 31 nhóm vấn đề mà VCCI đã kiến nghị so với nội dung cần hỗ trợ doanh nghiệp còn ít so với mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp. Hơn nữa, những gói hỗ trợ này về mức độ triển khai trong thực tế thì rất thấp. Đặc biệt là những gói hỗ trợ liên quan đến vấn đề nguồn vốn, chính sách tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp về phía các ngân hàng là rất lớn, 300 nghìn tỷ, nhưng hầu như doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay này. Vốn vay hỗ trợ về an sinh xã hội, trong đó có liên quan đến hoạt động doanh nghiệp về vấn đề vay để trả lương cho người lao động có thủ tục khó khăn, điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận cũng rất khó và tỉ lệ thực tế giải ngân thực hiện được là rất thấp. Gói về tài khóa, thuế, miễn thuế, giãn thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT, thuế đất cũng có mức độ giải ngân thấp. Mặc dù quỹ lên đến 180 nghìn tỷ nhưng giải ngân chỉ đạt được trên 50 nghìn tỷ. Chung quy điểm lớn nhất là do thủ tục, điều kiện còn rất khó khăn cho các doanh nghiệp. Về phía đầu tư công, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo khiến cho vào tháng 7 có những tăng trưởng rất lớn trong việc giải ngân đầu tư công.

Như vậy, trong gói hỗ trợ của Chính phủ thì điểm sáng nhất là về an sinh xã hội liên quan đến cộng đồng dân cư. Tiếp theo là chỉ đạo của Chính phủ trong việc tăng cường giải ngân trong đầu tư công. Cộng đồng doanh nghiệp có kiến nghị các Bộ ngành chức năng liên quan cần rà soát các thủ tục điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận gói hỗ trợ khả thi hơn, phù hợp với tình trạng hiện tại của doanh nghiệp để có thể triển khai trên thực tế, chứ không chỉ nằm trên giấy. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn cần phải có phân loại nhóm ngành hàng, nhóm doanh nghiệp để có hỗ trợ khác nhau, không thể cào bằng vì tác động của dịch đối với từng ngành hàng, từng doanh nghiệp là khác nhau. Nếu dùng chung một thủ tục thì làm khó doanh nghiệp và không đạt hiệu quả cao.

Một vấn đề nữa mà nhiều nước chú trọng là nên có một gói hỗ trợ cho những doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt, khả thi. Cần có một cú hích để những doanh nghiệp đang tồn tại có những cơ hội kinh doanh có khả năng thực hiện trong thực tế, đem lại công ăn việc làm cho người lao động, nguồn thu cho doanh nghiệp cũng như cho đất nước. Cuối cùng, từ kinh nghiệp của đợt một, gói hỗ trợ này cũng cần tập trung cho các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam. Vì vừa qua, chúng ta đã có những hoạt động xúc tiến mà tôi cho rằng có hiệu quả như: đối với thị trường Trung Quốc, Bộ Công thương đã có những quan làm việc trực tiếp với họ để khơi thông giao dịch thương mại Việt Nam – Trung Quốc, tạo ra kết quả rất tốt cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước; tương tự với thị trường Nhật, chúng ta có những ngành hàng mới đi vào thị trường Nhật và đạt thành công tốt; sắp tới (từ sau 1/8), đối với thị trường EU chúng ta cũng cần phải có những xúc tiến để có hiệu quả trong ngành xuất khẩu của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông đã có buổi chia sẻ.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI